Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

NGƯỜI THẦY TÀI HOA

Thầy Nguyễn Đình Lương và Thầy Hiệu trưởng Trần Văn Thái

Ngày xưa xa lắc xa lơ, từ thời còn thơ ấu cho đến khi đỗ đạt thành tài thường thì học trò chỉ học một Thầy. Cùng lắm thì trong đời một sĩ tử có được vài ba người Thầy. Khác với bây giờ, từ mẫu giáo đến khi xong đại học ra trường, chắc chưa có bạn nào cất công ngồi đếm hết số Thầy đã dạy dỗ mình phải không. Với truyền thống tôn sư trọng đạo lâu nay gìn giữ vẫn luôn là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam, hẳn các bạn đều đồng ý với mình là người dạy mình nửa chữ cũng là Thầy. Nhưng có lẽ những người Thầy lưu lại trong tâm học trò nhiều nhất thường là quãng mà mình ở tuổi học trung học, lứa tuổi chúng mình bắt đầu có hiểu biết, có ý thức với những gì đang xảy ra ở chung quanh…

Cuối niên khóa 1974 - 1975, khi quê nhà im tiếng súng, học sinh Trung học Quang Trung Bình Khê chúng mình về lại trường thì có một số Thầy không còn tiếp tục dạy được nữa. Trong số đó có Thầy Nguyễn Đình Lương dạy môn Anh văn đồng thời là Giám thị của trường. Khóa 8 của mình vào niên khóa nầy đang học lớp 8. Chúng mình đã học Thầy chưa đầy 3 niên khóa. Tuy vậy những gì Thầy làm cho trường, cho học trò đã để lại những dấu ấn khó phai. Phải nói Thầy là một người tài hoa. Người Thầy tài hoa với một phong cách kỳ dị không giống một ai.

Trong giảng dạy, cách dạy học trò học ngoại ngữ của Thầy thật sinh động. Sinh động tới mức mà khi thấy các bạn kể lại, mình cũng không khỏi bụm miệng cười với cách thuật lại của Hồng Lê về việc học mọi lúc mọi nơi. Tiếc là sau 1975 chúng mình đã không gặp lại được phong cách giảng dạy như thế.

Trong công tác Giám thị trông coi, uốn nắn, rèn nhân cách cho học sinh, hồi ấy chúng mình hầu hết đều sợ cặp kính đen và cây thước của Thầy. Nói tới cặp kính đen, có lẽ người ta sẽ hình dung kiểu cặp kính của mật vụ trong những tiểu thuyết tình báo dở hơi. Ít ai biết đó là cặp kính Thầy che giấu phần thân thể tổn thất vì chiến tranh. Ít ai nghĩ rằng đó là cặp kính Thầy lọc sạch những ngây ngô, yêng hùng phản kháng do diễn biến sinh lý bộc phát ở bên trong tuổi mới lớn. Nói tới cây thước, có lẽ người ta sẽ lên án những đòn roi làm mất phẩm giá con người. Ít ai chịu hiểu cho rằng cặp kính đen và cây thước của Thầy ngày ấy đã làm cho chúng mình sợ, nhưng trong cái SỢ lại MẾN YÊU Thầy, trong cái KÍNH lại GẦN GŨI chớ không xa Thầy. Thôi thì để chuyện đó cho những vị có học hàm quỡn thời gian họ bình loạn.

Trong sinh hoạt học đường, gần như Thầy luôn là người đầu trò tổ chức. Chương trình lưu diễn văn nghệ của trường ngày ấy với những tiết mục như Hòn Vọng Phu, Đêm Mê Linh, Lý Ngựa Ô, Hái Hoa, Tình Ca Điên… đều phảng phất hồn dân tộc cùng với nỗi niềm của đất nước…, trong đó có bàn tay tài hoa của Thầy nhúng vào. Học sinh thi đua làm báo, từ Bích báo cho tới Báo đóng tập viết tay, cách trình bày, cách thực hiện…, trong đó có bàn tay của Thầy bày vẽ. Tổ chức hằng tuần cho học sinh dã ngoại cắm trại, luyện kỷ năng hàng đội tự trị…, trong đó cũng có bàn tay của Thầy hướng dẫn. Học sinh một trường quận như chúng mình hồi ấy sinh hoạt chung với các đội Hướng Đạo, Du Ca, Hồng Thập Tự trong tỉnh mà chẳng một chút e dè, bỡ ngỡ.

Thầy Lương chúng mình ngày ấy một tay không lành lặn luôn thọc túi quần. Chỉ với một tay nhưng Thầy đã làm bao việc mà tới tận bây giờ chúng mình chưa chắc ai đã làm xuể. Nghe Tâm Ti kể lại tâm sự của Thầy mà rơi nước mắt : Mày biết không Ti, nếu Thầy còn dạy, cả nước sẽ biết đến trường mình, không biết lúc đó thế nào Ti há”.


Thầy của chúng mình thuở ấy, một người Thầy tài hoa đã như là một chiến mã giờ phải thồ hàng chợ :

Đêm lạnh gió lùa nhen bếp lửa
Buồn đao oanh liệt chẻ củi đun
Thương thân chiến mã thồ hàng chợ
Nhớ em bội bạc nhớ vô cùng
(Hảo Hán Hết Thời - Nguyễn Đình Lương)

Rất nhớ, nhớ nhiều lắm. Học trò của Thầy, mình và các bạn luôn nhớ có bóng dáng Thầy ở trường, ở lớp ngày xưa. Sau năm 1975 chúng mình có ngày 20 tháng 11. Nhưng Nhớ Thầy đâu phải đến ngày 20.11 mới Nhớ tới Thầy. Ngày 20.11 cũng đâu phải để học sinh chỉ Nhớ mỗi một người Thầy. Nhưng với riêng Thầy, người Thầy của chúng mình giờ đã ra đi, đã về với cát bụi, Nhớ Thầy, có nhiều cái Nhớ nói không thành lời, không diễn tả nổi bằng bút mực. Nhớ Thầy, thương Thầy người “tỉnh say lẫn lộn bỡi chút tài hoa”.

Phan Trường Vịnh
Khóa 8 TH QuangTrung BinhKhe


2 nhận xét:

  1. " Đêm lạnh gió lùa nhen bếp lửa
    Buồn đao oanh liệt chẻ củi đun
    Thương thân chiến mã thồ hàng chợ
    Nhớ em bội bạc nhớ vô cùng."
    (Hảo Hớn Hết Thời-Nguyễn Đình Lương)
    Vịnh ơi,đọc mấy câu thơ này của Thầy NĐL, mình bồi hồi xúc động lắm! Cứ nhớ mãi hình ảnh một thời Thầy "thồ hàng" dạo "bán gùi, bán rượu"; có những lúc buồn, thỉnh thoảng Thầy ghé vào nhà mình cùng các anh đá... Bàu Đá với me xoài, rồi... khề khà, trần trụi lăn quay, quên cả gùi, cả rượu, giờ nghĩ thấy thương...
    _Bài viết của Vịnhk8, như nói thay cho những đứa học trò thất cơ lỡ vận, lận đận một đời đắng cay, nén lòng thương cảm, nhưng vẫn một lòng nhớ mãi công ơn các Thầy-Cô đã từng dạy dỗ cho mình, đọc ngấm chân thành, mình tâm đắc lắm! Cảm ơn ông bạn nhé, chúc phẻ, dzui dzẻ nghen.

    Trả lờiXóa
  2. Vịnh ơi. bài Vịnh viết hay lắm.Tâm trang chung của cả thế hệ học trò QTBK .Không ;phải nói cả (Quận Bình Khê) ngày ấy.đều tiếc thương .Cho đến giờ chưa có ai ,sau naỳ mình nghĩ cũng chẳng còn ai nữa thưc hiện hoài bão của Thầy Vịnh ơi.....Chúc Vịnh vui ,hạnh phúc,khỏe nhé

    Trả lờiXóa