Tính đến nay đã tròn đúng 100 năm,
hằng năm cứ đến ngày Mồng 10 tháng Ba âm lịch, người Việt lại tổ chức ngày giỗ
Quốc Tổ. Nguyên vào niên hiệu Khải Định
thứ 2 (năm 1917), Tuần phủ của Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có tờ trình xin bộ Lễ
cho lấy mồng 10 tháng 3 nầy làm ngày quốc tế (quốc lễ cúng tế) ở
đền Hùng. Từ đó về sau dân gian nhắc nhau :
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Theo bi
văn do Tham tri Tuần phủ Phú Thọ là Bùi Ngọc Hoàn soạn năm Bảo Đại thứ 15 – năm
1940, thì bài văn cho biết đề xuất của Tuần phủ Lê Trung Ngọc, chọn mồng 10
tháng 3, tức trước ngày giỗ vua Hùng đời thứ 18 một ngày.
Vậy ngày mồng 10 tháng Ba được xem như là ngày Tiên thường (nếm trước) của Vua Hùng thứ 18. Vậy liệu rằng Quốc tổ Việt Nam có phải là ông vua cuối cùng của Hồng Bàng Thị (!?). Theo truyền thuyết thì ông Vua cuối cùng của họ Hồng Bàng nầy là người có 2 chàng rể đều có vị trí đặc biệt trong huyền sử của Việt Nam : Chữ Đồng Tử và Sơn thần Tản Viên (Sơn Tinh). Một người thì thuộc tầng lớp khố rách áo ôm, còn một người thì gia tài có cả gà chín cựa, ngựa chín hồng mao lấy đem làm sính lễ. Không biết triều đại nầy là triều đại đã tiên phong bỏ tục “cưới chồng”, hay là trước đó quyền uy phụ hệ không thể sống chung được với chế độ mẫu hệ, đã dẫn đến việc tan đàn xẻ nghé 50 con phải xuống biển, 50 đứa lên non.
Kỷ Hồng
Bàng tính từ Kinh Dương Vương (năm 2879 trước CN) đến kỷ nhà Thục (năm 258 trước
CN) kéo dài tới hơn 2600 năm. Họ Hồng Bàng trải qua 18 triều đại. Nếu gọi Vua Hùng cuối cùng của triều
đại thứ 18 là Quốc tổ thì e rằng hơi khiên cưỡng. Nhưng vì sao lại chọn ngày mồng
10 tháng Ba làm ngày quốc lễ cúng tế.
Nếu lấy truyền thuyết Cột Đá thề ra nói thì
việc thờ cúng Vua Hùng đã có từ thời nhà Thục. Cũng theo bi văn thì trước đó
các đình, đền chung quanh Phú Thọ chọn mùa thu làm định kỳ cúng tế các Vua
Hùng. Hiện nay chưa biết rõ hành trạng của ông quan Tuần phủ Phú Thọ lúc ấy là Lê Trung Ngọc như thế nào, nhưng thử lấy bối cảnh xã hội của thời đại nầy mà quy chiếu
xem vì sao ngày mồng 10 tháng Ba được đề xuất và được chọn là ngày giỗ Quốc tổ.
- Thời
đại của Tuần phủ Lê Trung Ngọc là thời đại mà người Pháp đã ổn định chính sách
cai trị toàn cõi Việt Nam, nhưng cách thế sống sau lũy tre làng của người Việt
vẫn còn đậm nét cách thế sống chung quanh cái đình làng. Ngoài đình làng thì xuân
thu nhị kỳ có ngày cúng tế Tiền hiền, Thành hoàng…, những tiên nhân đã tạo nên
và bảo hộ cuộc sống của người làng. Trong nhà thì người Việt đều có bàn thờ
Tiên tổ, có ngày kỵ nhật Ông bà. Theo tập tục của người Việt trong việc thờ
cúng ông bà thì gia chủ chỉ cúng giỗ đến ông Cố (Tằng tổ) mà thôi. Khi chủ gia
đã đến đời thứ 5, bài vị của ông Cao trên bàn thờ phải đem chôn đi (ngũ đại mai
thần chủ). Ngày kỵ của ông Cao và Thế tổ các đời trước được gộp chung vào một
ngày gọi là Hiệp kỵ. Và thường là ngày hiệp kỵ được chọn là ngày mất của
vị Cao tổ. Vậy có thể hình dung được đề xuất của Tuần phủ Lê Trung Ngọc cũng
không nằm ngoài tập tục của người Việt. Cũng có thể hình dung ra được trong suy
nghĩ của Ông thì Quốc tổ không chỉ là vị vua cuối cùng của họ Hồng Bàng.
- Thời
đại của Tuần phủ Phú Thọ lúc ấy là thời đại mà vị Vua nhà Nguyễn trước đó là
Duy Tân bị Pháp bắt đày sang châu Phi chỉ vì tội yêu nước. Duy Tân đã từ bỏ
ngai vàng để tìm đến, đứng chung với hội Việt Nam Quang Phục của cụ Phan Bội
Châu chỉ vì thấy nước dơ phải lấy máu mà rửa… Cũng có thể từ đấy mà vị
Tuần phủ ấy đã đứt từng đoạn ruột trước sĩ khí của khoa bảng người Việt đã không
thấy cảnh nước mất nhà tan. Giống như cụ Tú Xương đã nhận diện :
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng …
Cũng có
thể vị Tuần phủ ấy đã xốn xang trước cảnh người Pháp tổ chức ngày Quốc khánh của
Pháp ngay trên đất nước Việt Nam. Cái ngày Hội Tây mà cụ Nguyễn Khuyến đã
thở than cho dân tộc đã bất tri vong quốc hận :
Cậy sức cây đu nhiều chị nhún
Tham tiền cột mỡ lắm anh leo
Khen ai khéo vẽ trò vui thế
Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu !
Cũng có
thể vị Tuần phủ ấy đã phải chau mày khi đình làng Việt khắp nơi xuân thu nhị kỳ
cúng tế lẻ tẻ từng Vua Hùng, cúng tế cả kẻ ăn trộm, người ăn mày trong đình
làng… Người Pháp có Quốc Khánh, tại sao lại không đề xuất cho có ngày giỗ Quốc
tổ cho người Việt. Nên ông đã đề xuất và được thuận tình. Đó là những có lẽ gán cho vị Tuần phủ
Phú Thọ Lê Trung Ngọc, để mong cho mọi người cùng thông cảm cho những vì
sao chung quanh ngày mồng 10 tháng Ba âm lịch hằng
năm, thể hiện tinh thần Uống nước nhớ nguồn, Chim có tổ người có tông… của người
Việt.
Trên thế
giới, hiện chưa tìm thấy có quốc gia nào tổ chức cúng quốc Tổ như Việt Nam. Chưa
thể nói là người Việt Nam đậm tính nhân văn “Uống nước nhớ nguồn” hơn các dân tộc
các nước khác. Vì với 100 năm qua, ngày Mồng 10 tháng 3 đã có một thời
gian không ngắn không được xem là ngày quốc lễ.
Dù sao đi nữa thì Quốc Tổ có dù là
vị Hùng Vương nào đó, là Kinh Dương Vương, hay Lạc Long Quân, hay Âu Cơ…, nếu người
đời nay mỗi khi gặp phải chuyện buồn đời, cứ réo tên lên cho bớt ấm ức cõi
lòng. Không réo lên là Trời Đất ơi (Khổng), Thánh Thần ơi (Lão), hay nhẹ nhàng
hơn là Mô Phật, Lạy Chúa tôi… Âu đó cũng là một biểu hiện nhớ đến Tổ Phụ, Cha
già dân tộc đúng nghĩa của đất nước Việt Nam.
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm Đinh Dậu
QuangTrung BinhKhe
Phụ Chú :
(Bài
văn bia do Tham tri Tuần phủ Phú Thọ là Bùi Ngọc Hoàn soạn năm Bảo Đại thứ 15 - năm 1940) :
HÙNG VƯƠNG TỪ KHẢO
Hùng Vương từ giả Việt tối cổ sử thượng Hồng
Bàng liệt vương trị sở dã.
Hùng
Vương đệ nhất (dương lịch kỷ nguyên tiền nhị bát thất cửu) đô Phong Châu (tức
kinh Bạch Hạc) quốc hiệu Văn Lang, truyền thập bát thế, giai xưng Hùng Vương, lịch
niên nhị thiên lục bách nhị thập hữu nhị. Hậu Thục An Dương Vương chiếm cứ kỳ địa
(dương lịch kỷ nguyên tiền nhị ngũ bát) tồn tiền vương tự kiến miếu ư Nghĩa
Lĩnh (tức kim Hùng sơn), cấp tự điền tại Hy Cương xã, Cổ Tích thôn, nãi Hùng
Vương đệ thập bát thăng hà cố địa dã.
Kim thượng
hữu lăng tại miếu bàng, tự nhi Triệu Phú thôn dân kiến biệt miếu ư sơn yêu dĩ
phụng chi (tức kim Trung từ), Vi Cương xã hữu kiến biệt miếu ư sơn lộc dĩ phụng
chi (tức kim Hạ từ), lịch triều liệt chi tự điển.
Hoàng
triều Tự Đức nhị thập thất niên (dương lịch nhất bát thất tứ) Tam Tuyên Tổng đốc
Nguyễn Bá Nghi phụng sắc trùng tu Thượng từ; Duy Tân lục niên (dương lịch nhất
cửu thập nhị) Diên Mậu lang công Hoàng Cao Khải tư thỉnh chính phủ cấp ngân nhị
thiên nguyên; Phú Thọ Tuần phủ Chế Quang Ân hựu phụng hành khuyển quyên trùng
tu nội tẩm, ngoại điện như kim quy thức; Khải Định thất niên (dương lịch nhất cửu
nhị nhị) tăng tu sơn lăng.
Tiền giả,
quốc tế dĩ thu vi kỳ; Khải Định nhị niên (dương lịch nhất cửu thập nhất) Phú Thọ
tuần phủ Lê Trung Ngọc tư thỉnh Lễ Bộ ấn định dĩ đệ niên tam nguyệt sơ thập vi
quốc tế nhật, tức Hùng Vương đệ thập bát kỵ tiền nhất nhật dã. Kỵ nhật (tam
nguyên thập nhật) do sở tại dân chí tế.
Sơn yêu
hữu cổ tự, hiệu Thiên Quang tự, Tự Đức tam niên (dương lịch nhất bát ngũ thập)
Hình bộ Thượng thư Nguyễn Đăng Giai, nhân cựu trùng kiến; Khải Định cửu niên
(dương lịch nhất cửu nhị tứ) Tuần phủ Lê Vân Đỉnh hựu tăng bổ chi.
Sơn hạ
Nam biên hữu miếu, hiệu Tỉnh miếu tự công chúa nhị vị: Nhất thị Hùng Vương đệ
tam thế Tiên Dung công chúa (thích Chử Đồng Tử); nhất thị Hùng Vương đệ thập
bát thế Ngọc Hoa công chúa (thích Cao Sơn Tản Viên Ba Vì Sơn Tây) Khải Định thất
niên (dương lịch nhất cửu nhị nhị) trùng tu; Bảo Đại thập niên (dương lịch nhất
cửu tam ngũ) hựu tăng quảng chi.
Hoàng
Nguyễn Bảo Đại thập ngũ niên Canh Thìn tam nguyệt sơ thập nhật. Tham tri lĩnh
Phú Thọ Tuần phủ Bùi Ngọc Hoàn phụng chí.
KHẢO ĐỀN HÙNG VƯƠNG
Đền Hùng Vương là
nơi thờ các vị vua thời Hồng Bàng tối cổ trong lịch sử nước Việt ta. Vua
Hùng Vương thứ nhất (Kỷ nguyên dương lịch là năm 2879 trước công nguyên), đóng
đô tại Phong Châu (tức nay là Bạch Hạc). Đặt quốc hiệu là Văn Lang, truyền 18 đời,
đều xưng Hùng Vương, trải 2622 năm. Về sau bị Thục An Dương Vương chiếm đất (Kỷ
nguyên dương lịch là năm 258 trước công nguyên). Còn nhớ các vị tiền vương thì
dựng miếu ở núi Nghĩa Lĩnh (tức nay là núi Hùng), cấp tự điền tại thôn Cổ Tích
của xã Hy Cương, là nơi đất cũ băng hà của vua Hùng đời thứ 18. Nay còn lăng ở
bên cạnh miếu, con cháu là dân thôn Triệu Phú lập riêng một miếu ở lưng chừng
núi để thờ (tức nay là đền Trung). Dân xã Vi Cương cũng lập riêng một miếu
ở dưới chân núi để thờ (tức nay là đền Hạ), trải các triều được ghi vào điển thờ
của nước.
Năm Tự Đức thứ 27
(dương lịch là năm 1874), Tổng đốc Tam Tuyên(1) Nguyễn Bá Nghi vâng theo sắc
của triều đình cho trùng tu đền Thượng.
Đến năm Duy Tân thứ
6 (dương lịch là năm 1912), Diên Mậu Quận công Hoàng Cao Khải trình tờ tư(2)
xin chính phủ cấp tiền 2000 đồng để tu sửa. Tuần phủ Phú Thọ Chế Quang Ân lại
phụng mệnh đứng ra khuyến khích mọi người góp tiền trùng tu nội tẩm và ngoại điện
như quy thức hiện nay đang có.
Năm Khải Định thứ 7
(dương lịch là năm 1922), tu tạo lăng trên đỉnh núi (lăng mộ tổ). Trước
đây, ngày quốc tế(3) lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ 2
(dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc có tờ tư xin Bộ Lễ ấn
định lấy ngày mồng 10 tháng 3 hàng năm làm ngày quốc tế, tức trước ngày giỗ vua
Hùng đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng 3) do dân sở tại làm lễ.
Lưng chừng núi có
ngôi chùa cổ, tên là chùa Thiên Quang, năm Tự Đức thứ 3 (dương lịch là năm
1850), Hình bộ Thượng thư Nguyễn Đăng Giai nhân thấy chùa cũ nên cho trùng tu,
đến năm Khải Định thứ 9 (dương lịch là năm 1924), Tuần phủ Lê Vân Đỉnh(4) lại
cho tu bổ chùa. Dưới chân núi, về hướng Nam có một ngôi miếu thờ hai vị
công chúa: một vị tên là Tiên Dung công chúa, con vua Hùng Vương đời thứ ba
(vua gả cho Chử Đồng Tử); một vị tên là Ngọc Hoa công chúa, con vua Hùng đời thứ
18 (vua gả cho Cao Sơn Thần núi Tản Viên Ba Vì Sơn Tây).
Đến năm Khải Định thứ
7 (dương lịch là năm 1922), miếu Giếng được trùng tu. Đến năm Bảo Đại thứ 10
(dương lịch là năm 1925) lại được tu bổ.
Lập bia ngày mồng 10
tháng 3 năm Canh Thìn, niên hiệu Bảo Đại thứ 15 (1940) triều Nguyễn.
Tham tri, lĩnh chức Tuần phủ Phú Thọ là Bùi Ngọc Hoàn soạn.
CHÚ THÍCH
(1) Tam Tuyên: gồm Sơn Tây, Hưng
Hoá, Tuyên Quang;
(2) Tư: Một loại giấy tờ tương tự
như công văn dùng trong các Bộ, ngành hiện nay;
(3) Quốc tế: ngày tế do nhà nước đứng
ra tổ chức
(4) Lê Vân Đỉnh: theo cách ghi này
có lẽ đây là vị họ Lê, tên hiệu là Vân Đỉnh
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét