Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

BÀN VỀ TRỜI


Trời thuộc giống đực. Bỡi trong dân gian ta chẳng nghe ai nói bà trời. Mà chỉ nghe gọi ông trời. Chữ thiên (trời) trong Hán ngữ gồm chữ nhân và hai gạch ngang, một ở đỉnh đầu và một ở ngang cổ chữ nhân. Hán tự là loại chữ tượng hình. Nên từ hình tượng ấy ta có thể nghĩ trời ở trên đầu con người. Cũng từ đó mà suy, trời là giống rất khoẻ (Không khoẻ làm sao đè đầu cỡi cổ con người !). Chắc ở đây không muốn nói rõ ra trời là giống đực. Còn trong từ điển Pháp ngữ, thì sau từ  dieu (trời) được ghi rõ là danh từ chỉ giống đực (nom masculin). Nhưng thôi. Trời thuộc giống đực hay cái xin giành cho các nhà "Thiên chủng học". Ở đây chỉ bàn về sự cư xử của trời trong nội bộ trên trời, và với nhân gian.  Nhưng trước khi bàn việc này, tưởng cũng nên bàn đến hình dung diện mạo và tính nết của trời.

Truyện Kiều có ba nghìn hai trăm năm mươi bốn câu, thì trong đó Nguyễn Du nhắc đến trời tới tám mươi lăm lần. Sở Khanh đến lầu Ngưng bích để dụ Kiều đi trốn. Thấy Kiều là kẻ sắc nước hương trời, “giá đành trong nguyệt trên mây” , mà bị vùi dập thế, thì kêu lên :

- " Tức gan riêng giận trời già, lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng ? "

Sau đó thì Sở quất ngựa truy phong. Biết mình bị lừa, Kiều cảm thấy hãi hùng cho số kiếp :

- " Hoá nhi thật có nỡ lòng, làm chi giày tía vò hồng lắm nao ! " .

Họ Sở tức ông trời già. Còn Kiều thở than với ông trời trẻ. Vậy thì trời có bao nhiêu tuổi hở cụ Nguyễn Du ? Việc này chắc phải nhờ đến các nhà "trời học" đo độ phóng xạ cac - bon để định tuổi của  trời. Nhưng cái khó, bấy lâu nay chỉ nghe trời già chứ có nghe trời chết đâu, làm sao các nhà "trời học" đo độ phóng xạ cac - bon. Việc này chỉ có thể thực hiện đối với các vị con trời, tức các vị thiên tử. Ví như các nhà khảo cổ tìm được hài cốt của hết thảy các vị vua nhà Chu, Trung Quốc, thì sẽ biết tất tuổi tác của các vị. Bỡi ở quá xa, nên khó biết một cách chính xác hình dung diện mạo của trời. Ví như trời có mũi không, thì cũng chưa nghe nói. Tất nhiên là trời có chân. Bỡi ta thường bảo "góc bể chân trời ". Những khi xảy việc bất hạnh, khổ đau thì than  "trời cao có thấu ". Như thế là trời có tai. Còn gặp cảnh trái ngang, uất ức, thì kêu "trời không có mắt ư ? ". Kêu thế, tức thừa nhận trời có mắt đấy. Có phải nói "lưới trời lồng lộng " là để chỉ lúc trời xoè tay tóm bắt những đứa phạm tội ở trần gian ? Dẫu chưa biết đích xác trời bao nhiêu tuổi. Song, trời có mặt đã mấy nghìn năm qua. Sống lâu thế, nhưng ít thấy nói đến việc ăn việc ngủ của trời. Chẳng nghe nói đến miệng trời, vậy trời không ăn ư ? Không ăn thì làm sao to, rộng thế ?

Nguyễn Du bảo "đã mang lấy nghiệp vào thân, thì đừng trách lẫn trời gần trời xa ". Có lẽ cụ Tố Như muốn nói, đã làm kiếp con người thì trời có cư xử thế nào cũng phải chấp nhận.

Nhưng trước hết xin hỏi , trời có đem lại điều tốt lành cho con người hay không ?

Khi thực hiện kế hoạch kế hoạch hoá gia đình, thì có nhiều người bảo : trời sinh voi sinh cỏ, việc gì ! Tức có ý cho rằng, trời đã cho con cái thì cũng cho cái ăn. Bỡi vậy, ở trong Nam Bộ, chị em mới đùa bảo nhau đẻ cho sạch ruột .

 - "Người còn thì của hãy còn, tìm nơi xứng đáng làm con cái nhà, làm chi tội báo oan gia, thiệt mình mà hại đến ta hay gì ? ".

Nghe Tú Bà phân giải, Kiều thấy cũng có lý. "Túc nhân âu cũng có trời ở trong ". Kiều tin là trả xong món nợ kiếp trước, thì ông trời bao dung sẽ cho mình thong dong ở kiếp này, việc chi phải quyên sinh, để cho "thêm một nợ chồng kiếp sau ".

Khổng Tử đến nước Tống. Thầy trò tập lễ dưới một gốc cây to. Quan Tư Mã nước ấy là Hoàn Khôi muốn giết Khổng Tử, chặt cây ấy đi .

Các đệ tử nói :
- Phải đi nhanh thôi .
Khổng Tử bảo :
- Trời sinh đức ở ta , Hoàn Khôi làm gì được ta ?
Chẳng những cho cái đức, mà còn cho cả vẻ đẹp văn chương .

Trong thư của Nguyễn Văn Siêu gửi Quảng Đông du tử Liêu Luân Anh có đoạn : " Bọn người đi tìm cái hay ở thơ văn, khi tới rồi cũng chỉ như vậy, mà thơ văn chưa hẳn là ha . Còn bọn người không đi tìm cái hay ở thơ văn, khi đã tới thì không thể lường được, mà thơ văn chưa hẳn là không hay. Ta hãy đem việc này so sánh với việc trồng cây. Một bên, thì mở rộng cho cây hàng trăm mẫu ruộng, tưới cho cây bằng nước sông Giang sông Hoài, mong cho thân cây cao hàng trăm trượng, sương gió tôi luyện cho cành của nó, móc mưa dầm cho gốc của nó, cành to gốc lớn, mặc ý vươn ra bốn mặt. Cho nên nó xanh tươi màu mỡ biết bao ! Rõ là một áng văn chương của tạo hoá !".

Cho cũng nhiều, nhưng làm hại cũng lắm .

Khổng Tử đi đến mòn gót lỏng gối, nhưng chẳng nước nào dùng đạo của ông. Học trò kẻ thì cho đạo của phu tử chưa nhân, chưa trí, kẻ thì bảo đạo của phu tử quá lớn, nên thiên hạ không dung nạp được, phải hạ thấp một chút.
Chỉ có Nhan Hồi nói :
- Người ta không dung nạp thì có hại gì ? Người ta không dung nạp, nhưng sau này người ta sẽ thấy phu tử là người quân tử.
Khổng Tử hớn hở cười :
- Đúng lắm. Hỡi con người họ Nhan  nếu nhà ngươi lắm của cải, thì ta sẽ làm người giữ của cải cho nhà ngươi .
Năm thứ mười bốn, đời Lỗ Ai Công, Nhan Hồi chết .
Khổng Tử nói :
- Trời giết ta.
Nhưng, chuyện Nhan Uyên chết chưa đau xót bằng chuyện sống của người cung nữ của Nguyễn Gia Thiều.
Ngày Hán Vũ Đế còn nhỏ, bà Trưởng nữ công chúa muốn gả con gái là A Kiều, hỏi thử Vũ Đế, Vũ Đế đáp :
- Nếu lấy được A Kiều thì sẽ đúc nhà vàng (kim ốc) cho nàng ở .

Trời dã đưa người cung nữ tài sắc ghê gớm của Ôn Như Hầu vào thứ nhà vàng ấy  Để liền sau đó, "gương loan bẻ nửa, dải đồng xé đôi ". Cho lấy chồng vua, nhưng suốt bao năm vẫn gối chiếc, phòng không, "mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng". Đây là thứ tiêu khiển của trời. Bắt người ta chết đuối trên cạn chơi. "Buộc người vào kim ốc mà chơi " !.

Tiếng là hoá công, quyền lực thế  nhưng lại rất nhỏ nhen. Thấy kẻ có tài thì ganh ghét, đố kỵ. Bỡi vậy Kiều mới có cảnh mười lăm năm luân lạc, ông Nguyễn Trãi phải chịu nạn tru di tam tộc. Có cho đấy. Nhưng vì bản chất hẹp hòi, nên bao giờ đã cho cái này, thì không cho cái khác. Thấu hiểu điều này, nên cụ Tố Như đã kêu to lên :

- Lạ gì bỉ sắc tư phong !

Ở nơi thiên giới làm sao lại không nghe Phật nói : đời là bể khổ. Nhưng mặc trần gian ngụp lặn, tang thương. Lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân vẫn tiếp tục nấu linh đơn cho trời uống. Cũng chỉ một lần ấy thôi. Đấy là lần ông Tôn Ngộ Không lên thấu thiên cung đổ rượu bàn đào, đập lò bát quái. Còn ở trần gian, cha mẹ giận con có mắng : " mày định làm ông trời, hả ? ". Rồi quyết đánh trời cho hả giận. Nhưng thật ra, thì chỉ đánh con mình. Chuyện con trời là chuyện khác. Trời đã sai đám con của mình, trai có gái có, xuống làm vua làm chúa ở khắp trần gian, gây bao đau khổ cho con người. Đấy là những ông Doanh Chính (Tần Thuỷ Hoàng), Lưu Triệt (Hán Vũ Đế), Chu Nguyên Lệ (Minh Thành Tổ), những bà Lữ Hậu, Từ Hy ở bên Trung Quốc, những ông Lê Long Đĩnh, Lê Chiêu Thống, Trịnh Sâm ở nước ta …

Tháng 4.1998
Nguyễn Thanh Hiện
Cựu GS. QuangTrung BinhKhe


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét