Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

NƯỚC PHẬT


Người làng Lâm Thượng gọi là cậu Hai, tức cậu Hai Thâm, con trai ông Cả Lựu. Lý Thâm giống rặt tính cha. Việc gì cũng muốn trên thiên hạ. Ông Cả Lựu có một lô vợ, nhưng chỉ có mỗi bà đẻ được mỗi Lý Thâm. Rất sợ họ Lý mình bị tuyệt tự, nên lúc còn sống, có lần ông Cả Lựu đã bảo con trai : “Con vợ mày nếu cứ phây phây ra thế, không chịu đẻ, tao sẽ cưới cho con khác“ . Bà vợ nào về với ông giáp năm không đẻ, ông Cả Lựu ly dị, để cưới bà khác. Lý Thâm không làm theo cách của cha. Không đẻ, cứ để đấy, cưới thêm vợ khác. Lúc ông bà Cả Lựu mất thì cô Liêu, con một hào phú ở Lâm Hạ, vợ cả của Thâm, vẫn chưa sinh con. Thâm cho là do nòi máu bên vợ, cưới tiếp hai cô nữa, nhưng vẫn không đẻ. Đến lúc ấy Thâm bắt đầu nghi ngờ mình không phải là con ruột của ông Cả Lựu. Vì nếu nòi ông Cả Lựu sao không sinh được con. Để bảo quản lòng thuỷ chung của mấy cô vợ trẻ, Thâm cho mua đá ong về xây tường rào bao quanh hết khu nhà ở hơn hai mẫu đất, nuôi thêm gia nhân và chó. Không như cha mình, lấy vợ chỉ để sinh con nối dõi, Thâm còn có ước vọng hết thảy những gái đẹp trên đời mình biết đều trở thành vợ mình cả. Bây giờ Tây đô hộ nước ta đã mấy chục năm. Ở tỉnh đã có các nhà chứa và các sòng bạc lớn. Dù đã có ba cô vợ trẻ coi như xinh đẹp nhất trong vùng, song, đấy chỉ là thứ bông hoa đồng nội, Thâm muốn đi tìm những hương sắc mới lạ chốn thị thành. Mỗi lần đi tỉnh chơi, Thâm căn dặn đứa tớ trai thân tín : “Có khách đàn ông đến nhà, mày phải biết tên gì, ở đâu tới, nhất là phải coi xét có tình ý gì với các mợ mày không“.

Lý Thâm cũng thích đi ngựa như ông Cả Lựu. Mỗi lần thấy Thâm buông lỏng yên cương cho con ngựa vằn đủng đỉnh bước trên con đường đất xuyên đồng Lâm Thượng, thì người làng xì xầm “cậu Hai đi tỉnh chuyến này về nhất định sẽ đổ bệnh“. Nhưng Thâm vẫn cứ thong dong đi tỉnh chơi vài hôm quay về, ở nhà với vợ vài hôm lại đi, chẳng nghe mấy cô vợ trẻ than phiền điều chi, cũng chẳng thấy đứa gia nhân nào của Thâm chạy đến ông thầy lang trong làng chuyên chữa các bệnh phong tình. Tuy là vợ cả đã luống tuổi, nhưng cô Liêu quá xinh đẹp, luôn khêu gợi được lòng ham muốn ái ân của Thâm, khiến hai cô vợ kế luôn thấy ấm ức trong lòng. Có giữ kỹ mấy, nỗi ấm ức kia cũng lộ ra. Tên gia nhân thân tín đã mách bảo việc này với cậu Hai. Thâm liền gọi cả hai cô  hỏi “Có muốn ta cho đi lấy chồng khác không ?“. Người làng Lâm Thượng vẫn bảo ai lấy Thâm như được tuyển vào làm cung phi. Hai cô vợ kế rất lo sợ bị đuổi khỏi chốn hậu cung tuy có quạnh hiu một chút, nhưng cuộc xa hoa ở đó có thắp đuốc tìm cả đời cũng không ra. Cô thì ôm chân Thâm, khóc “Em chỉ muốn lâu lâu cậu Hai cho em về thăm cha mẹ em một giây một lát“. Cô bấu lấy áo Thâm, thăn thỉ “Xin chớ quên em là vợ cậu Hai, hồi ấy có làm giá thú đầy đủ“. Biến cố ấy không lớn lắm, song cũng khiến Thâm lo lắng. Nên đã lệnh cho đứa tớ trai thân tín “Lúc tao đi vắng, có đàn ông đến nhà thì không cho vào“. Đứa tớ hỏi “Sang hèn gì cũng không cho vào phải không ?“. Thâm đáp “Sang hèn gì cũng đuổi tất“. Có lần bị thua bạc, Thâm đem cầm một lúc hai chục mẫu ruộng ở đồng Lâm Xuyên. Nhưng chỉ mấy hôm sau người ta thấy con trai ông Cả Lựu mang vàng bạc đi chuộc lại số ruộng kia, và mua thêm ba chục mẫu khác ở đồng Lâm Hạ. Tính ra, đến lúc này, số ruộng Thâm mua được gộp với số ruộng ông bà Cả Lựu để lại là ba trăm mẫu. Tất nhiên, cũng như cha, Thâm đã mua là mua nhất hạng điền. Các đồng Lâm Hạ, Lâm Xuyên ở cạnh đồng làng Lâm Thượng nên việc phát canh thu tô chẳng lấy gì làm trở ngại. Đến mùa gặt, con trai ông Cả Lựu cỡi ngựa đi một vòng qua các đồng ruộng trên, rồi về nhà mình nằm tính toán. Mã lúa vậy thì một mẫu gặt được bao nhiêu, thường, Thâm tính toán không sai mấy. Biết ông chủ có đầu óc ghê gớm vậy, hầu hết các tá điền chẳng ai dám ăn gian. Gặt đập, giê sảy sạch sẽ, gánh sáu phần đem nộp chủ. Những chủ đất khác thì chia hai  Nhưng với Thâm thì “ruộng của tao toàn nhất hạng điền, chia tứ lục là hậu lắm rồi“. Cứ mười bữa, nửa tháng, con trai ông Cả Lựu lại cỡi ngựa đi một vòng đến nhà các tá điền. “Lũ con bay có thiếu áo bận, đến tao cho vài giạ lúa về bán mua vải“. Hoặc “Có thiếu cám heo đến nói lũ ở tao đong cho vài cân“. Đến ngày giỗ cha giỗ mẹ, thường Thâm cho xẻ năm bò năm heo để đủ thết đãi vợ chồng con cái đám tá điền. Cho một để lấy mười đấy là chính sách cai trị tá điền của con trai ông Cả Lựu. Thâm đã từng tuyên bố với mấy cô vợ trẻ : “Chỉ vài năm nữa, các đồng ruộng quanh đây sẽ về ta cả“. Kể ra, người có đầu óc tính toán làm ăn như Thâm, rất hiếm. Ông Cả Lựu chết để lại mấy chục mẫu ruộng và trăm con bò cái đẻ. Không thèm làm theo cách của cha, vì chưa hẳn một năm một con bò cái đẻ một con nghé con. “Nếu nó không thèm chịu đực thì sao?“ Thâm bảo mấy cô vợ.  Rồi đem bán hết trăm con bò cái đẻ, để mua hai trăm con nghé ốm. Thả ăn ở rừng Thiên Sơn giáp năm, hai trăm con nghé ốm trở thành hai trăm con bò lớn, đem bán đi, mua lại được bốn trăm con nghé ốm. Sau ba năm, đàn bò của Thâm lên đến hơn nghìn con. Đứa gia nhân thân tín của Thâm đi khoe với người làng. “Cậu Hai con đi chơi đĩ năm đêm không hết một con bò“. Từ việc làm sao giàu có nhất thiên hạ đến việc ăn chơi, Thâm đều đạt theo ý muốn. Chỉ lần ấy mới xảy ra trắc trở. Đấy là do ông cò Tây ở tỉnh cũng mê đắm đúng cái cô gái ở nhà chứa Thâm đang mê đắm. Hai chàng hiệp sĩ đa tình đánh nhau đến chảy máu mũi ở ngay tại nhà chứa. Dĩ nhiên chỉ chàng hiệp sĩ An Nam ta bị đám cò Tây bắt vào bót nhốt. Đến lúc ấy Thâm mới biết mình đã tính nhầm. Chỉ nhiều của cải không chưa đủ. Liền vét hết số vàng bạc châu báu ông bà Cả Lựu để lại để tậu một chiếc xe hơi con. Thời ấy các ngài quan An Nam quyền cao chức trọng mấy cũng chỉ đi kiệu hay xe kéo. Vậy mà con trai ông Cả Lựu lại đi xe Tây. Người làng gọi chiếc xe hơi con của Thâm là xe Tây, hay xe mudin. Tiếng mudin là do thầy thông Trần Văn Côn nói ra, rồi người làng bắt chước. Côn cùng lớp tuổi Thâm. Tuy nhà nghèo hơn, nhưng Côn có chí, theo tân học, đỗ bằng đíp lôm, rồi ra làm thông ngôn cho một ông quan Tây ở tỉnh, do đó mới biết đường mối lái Thâm mua xe con. Là chỗ bạn bè cùng làng, Côn không tính huê hồng sòng phẳng trong việc mua bán, chỉ lấy một mẫu ruộng nhất hạng điền ở đồng Lâm Thượng để làm kỷ niệm ngày bạn đổi đời. Người làng tưởng lầm Thâm mua xe hơi con để đi cho sang. Thầy lý kéo đám chức việc làng đến chúc mừng cậu Hai vào một ngày cuối tháng chạp, lúa trì vừa gặt xong, nhà rộn rịp đám tá điền nộp lúa. Cô Liêu, bấy giờ đã biết kẽ son môi để đi xe tây cho hợp, đang vừa hão lúa trên sân vừa cười duyên với thầy thông Trần Văn Côn mới đến, thấy đám chức việc làng thì nói lớn : “Các ông đến chẳng đúng lúc rồi“. Thâm mặc áo vết-tông, đầu chải dầu bi lăng tin, từ trong nhà bước ra sân, cũng nói lớn “Bữa khác đến nhậu đi mấy cụ, giờ ta mắc đi với anh Côn“. Trên đường đi, Côn bàn luận với Thâm về đường đi nước bước, và tổn phí sẽ bỏ ra trong các cuộc giao tiếp. Anh sốp phơ, nhà ở tỉnh, cũng do Côn mối lái về chạy xe cho Thâm ăn lương tháng, nghe nói phải mất đến hàng trăm mẫu ruộng, nên lên tiếng “Xưa nay dùng mỹ nhân kế vẫn là thượng sách. Em thấy chuyến sau cậu Hai nên dẫn mợ Cả theo. Tụi quan Tây thấy mợ ấy, mê híp mắt, cậu sẽ muốn gì được nấy, khỏi phải tốn cả trăm mẫu ruộng“. Thâm chửi “Đồ dâm dục. Cái tội cợt nhã đám tớ gái trong nhà tao chưa trị đó“. Ở dinh quan phó công sứ, thấy Côn đối đáp bằng tiếng Tây với tên quan Tây, Thâm vừa hối tiếc, vừa giận mình. Đi học chữ nho vừa viết được giấy mua bán ruộng thì không thèm học nữa. Ông Cả Lựu căng ra đánh, hỏi “Tại sao mầy bỏ học?” Thâm đáp “Thứ chữ ngoằn ngoèo ấy là chữ của ma. Con là người nên không học chữ của ma“. Sợ không theo kịp thời thế, ông Cả Lựu khuyên “Con chê cựu học, thì theo tân học đi“. Thâm nói “Có chữ chưa chắc nói người ta đã nghe“. Theo lời Côn thì trong cuộc chuyện trò, quan phó công sứ luôn gọi Thâm là “thầy Thâm“, và hứa sẽ tìm cách giúp Thâm có chân trong nhà nước bảo hộ. Lần đầu tiên được người ta gọi bằng thầy, mà người ấy lại là một ông quan Tây, Thâm sung sướng vô cùng, liền đãi quan phó công sứ một chầu ở cái nhà chứa từng đánh nhau với tay cò Tây. Mãn cuộc, Thâm hỏi Côn và anh sốp phơ : “Chở Tây đi chơi bằng xe Tây của chính ta, các người thấy cậu Hai Thâm đã trên thiên hạ chưa?” Anh sốp phơ nói “Ở trong nhà cậu Hai mấy tháng, em thấy cậu Hai như ông vua“ Thâm cười “Mày nói đúng đó. Nếu không phải là con ông Cả Lựu, mà con vua, tao làm vua từ lâu“. Côn nói “Thằng đó nó nhìn người cũng tinh lắm. Do nước ta còn phong kiến, nên tài giỏi mấy cũng chẳng thể làm vua. Thôi, như bọn ta bàn tính, cậu Hai cứ từ đó mà thẳng lên“. Tính ra phải đến hàng trăm cuộc giao tiếp với các quan Tây. Lúc ở dinh quan phó công sứ, rồi dinh quan công sứ, lúc ra tận kinh thành Huế để gặp quan phụ tá của quan toàn quyền Đông Dương. Đấy là chưa kể những cuộc thăm viếng với tư cách nhà hoạt động chính trị đến thăm các vị quan chức An Nam ở tỉnh, ở phủ huyện sở tại. Đến lúc vào được ghế nghị viện, con trai ông Cả Lựu bay mất đàn bò và một trăm mẫu ruộng. Thâm được ghế nghị viên, còn cô Liêu, vợ cả Thâm, thì được một cuộc tình say đắm. Những ngày Thâm đi họp nghị viên, cô Liêu ở nhà ngủ với thầy thông Trần Văn Côn. Đấy là dịp để hai cô vợ kế tống cổ cô vợ cả ra khỏi nhà. Song, cuối cùng hai cô vẫn phải im lặng, ngậm khối căm hờn. Bởi tính Thâm cũng giống tính ông Tần Thủy Hoàng, kẻ nói ra sự khi quân sẽ bị chết trước. Cũng may, nòi máu họ Trần của Côn không phải là nòi máu sinh con tốt, nên đến lúc Thâm hết làm nghị viên, thì cô Liêu vẫn cứ phây phây như ngày nào. Không phải Thâm chán cảnh quan trường, rũ áo từ quan. Mộng của Thâm là khi đã vào được quan trường sẽ tìm mọi cách leo lên ghế thượng thư của một bộ nào đó, như bao lần trù tính với Côn. Bấy giờ, nghị trường là nơi để các nghị viên tỏ đồng tình với chính sách bảo hộ của nhà nước Pháp. Nhưng dù chỉ làm anh nghị gật cũng phải biết chữ. Thâm vừa thấy xấu hổ vừa cảm thấy buồn chán mỗi lần bước chân đến nghị trường. Cuối cùng, chẳng thể kéo dài mãi tình trạng ấy, nên phải lui về. Biết cô Tầm con ông đồ Nhã ở trong làng thương yêu mình từ lâu, nhưng Thâm cứ làm ra vẻ chẳng hề hay biết. Một là do ông đồ Nhã quá nghèo, đương làm tá điền cho Thâm, lấy vợ là con tá điền thì quá hạ thấp danh giá con trai ông Cả Lựu. Hai là vì ông đồ Nhã là người thông kim quán cổ, mỗi lần Thâm đến nhà cứ thấy lúng túng trong lời ăn tiếng nói, và cảm thấy sợ. Nhưng sau khi từ giã nghị trường, gặp lại Tầm, Thâm bỗng thấy có điều gì đó chưa hề xảy ra trong lòng khi gần gũi hoặc đi vào cuộc sống ái ân với những người con gái xinh đẹp. Cô Tầm cũng xinh đẹp, nhưng là xinh đẹp theo cách người đời gọi là có duyên ngầm . Càng nhìn kỹ, nhìn lâu, mới thấy Tầm có sức quyến rũ lạ kỳ, nhưng không phải là thứ quyến rũ đầy thú tính, như ở cô Liêu, vợ cả của Thâm. Lập tức, con trai ông Cả Lựu lao theo tiếng gọi thầm kín vô cùng mãnh liệt kia. Khi nền tân học lấn át cựu học, thì chẳng còn ai đến học chữ nho với ông đồ Nhã, cuộc sống vốn thanh bần của nhà ông trở nên khó khăn hơn. Tuy làm tá điền nhà họ Lý tự thời ông nội Thâm, nhưng ông đồ Nhã vẫn coi khinh Thâm “Cậu Hai vô học nhưng lại muốn cỡi trên đầu thiên hạ, thật bất hạnh cho cuộc nhân sinh“. Ông đồ Nhã vẫn thường nói với bạn bè tâm huyết. Nói theo sách vở thánh hiền, thì dưới mắt ông  Thâm là đứa vô nghì. Thấy Tầm lại có cảm tình với một người như thế  ông đã ra sức khuyên ngăn. Nhưng đến khi biết được khối tình trong lòng con gái ông đã nên hình nên dạng, ông đồ Nhã mới giật mình. “Vậy là trong cậu Hai cũng còn có chỗ nào đó là của con người ư ?“ Đấy là lời tâm sự của ông với người bạn già chí cốt. Hôm Thâm sang nhà, ngỏ lời cưới cô Tầm, ông đồ Nhã nói : “Nếu lấy con Tầm nhà này nữa, tính ra cậu Hai chính thức có đến bốn vợ“. Cứ nghĩ ông đồ Nhã cợt mình, Thâm không ghìm được tức giận, buột hỏi “Ông không còn muốn làm tá điền nhà họ Lý nữa phải không ?“. Rôi đứng lên ra về. Nhưng khi ra đến ngõ gặp cô Tầm, Thâm lại thấy hối hận vô cùng, vì lời buột ra kia là xúc phạm con người bấy lâu Thâm vẫn coi là bậc cao minh. Bà đồ Nhã mất từ hồi Tầm lên bảy. Là con gái út, lại mồ côi mẹ sớm, nên ông đồ Nhã rất mực thương yêu. Ở trong nhà, từ việc lớn đến việc nhỏ Tầm đều hỏi ý kiến ông. Nhưng nay bỗng không nghe lời ông trong việc đôi lứa trăm năm, khiến ông không dấu được lo âu trước mọi người  Ở làng Lâm Thượng, ai cũng biết ông đồ Nhã vẫn âm thầm tìm cách không cho con gái mình lấy Thâm. Nhưng Thâm đã muốn, mà cô Tầm lại thật sự đem lòng yêu Thâm, thì một nghìn ông đồ Nhã cũng không ngăn nổi. Con trai ông Cả Lựu đã cho anh sốp phơ nghỉ ngay sau hôm làm đám cưới Tầm. Chiếc xe hơi con cũng cho vào nằm nghỉ ở một góc vườn nhà. Vì lòng yêu thương con vô bờ bến, và thấy Thâm cũng thực sự yêu thương Tầm, ông đồ Nhã cũng thấy dễ chịu dần khi có mặt người con rể bất đắc dĩ ở trong nhà. “Cốt yếu cậu Hai có yêu em đến khi tóc bạc răng long không ?“ Tầm bảo, khi nghe Thâm tính chuyện làm giá thú. Con trai ông Cả Lựu có vẻ ngạc nhiên lắm :”Mấy cô vợ trước của ta, cưới hỏi xong, đòi làm giá thú ngay. Như vậy thì vì lẽ gì em đã đem lòng yêu ta ?”. Tầm khẽ đáp : ”Em cũng chẳng biết nữa“ . Quả tình, đến khi lấy Tầm, con trai ông Cả Lựu mới thực sự mong mỏi có đứa con nối dõi. Thâm đã cho xây thêm phòng ốc, để có nơi ăn nằm với vợ mới  Việc ái ân với cô Tầm không như với các cô vợ lớn. Cuộc chung đụng ấy bề ngoài có vẻ chừng mực, trang nghiêm. Nhưng về sau khi mọi thứ đã kết thúc, người làng mới rõ đó là cuộc đắm say vào loại bậc nhất ở cõi trần này. Bấy giờ Thâm đã tự lái được xe hơi con. Đôi ba bữa lại đánh xe đi tỉnh để mua xấp vải mới,  cục xà phòng gội cho Tầm, hoặc đôi dép, cái mũ cho đứa con sẽ chào đời. Mỗi lần đi xa như thế chẳng còn căn dặn điều này điều nọ với đứa tớ trai thân tín. Điều đó có nghĩa, Thâm chẳng chút mảy may nghĩ đến sự bội bạc của Tầm. Tất cả những điều nói trên đã khiến cho ba cô vợ lớn kết lại thành một khối, cùng nghiến răng nuốt nỗi căm tức. Rồi Thâm đã ngã xuống đau liệt giường. Đấy là hậu quả của những ngày phung phí sức lực vào các cuộc ăn chơi. Tuy đau đến chẳng còn cơm cháo nổi, nhưng Thâm vẫn bắt Tầm nằm bên suốt ngày đêm để ôm ấp mình. Có một đêm, nghe tiếng thét của Tầm, cả nhà chạy xô đến chỗ hai người. Thì thấy Thâm đang đè bóp cổ Tầm. Tên tớ trai thân tín của Thâm hoảng quá, xông vào kéo Thâm ra khỏi Tầm. Cả hai đều lăn ra bất tỉnh. Mấy cô vợ lớn của Thâm nháy mắt ra hiệu nhau, rồi cứ đứng ngậm im như hến. Khi tỉnh lại, Thâm như chẳng hề để ý đến những người trong nhà đang đủ mặt ở phòng mình. “Cứ tưởng ta sắp chết, nên rất sợ mất em“. Thâm ôm choàng lấy người Tầm, nói. Tầm khẽ rên : “Em biết“. Sau trận đau ấy, đêm nào Thâm cũng đưa Tầm đi chùa lễ Phật . “Có lúc nào đức Phật ngoảnh tai không nghe lời cầu nguyện của con người không ?“. Nghe Thâm hỏi, vị trụ trì chùa Tịnh Liên đáp “Phật ở trong lòng ta, nghe hay không nghe là do ở ta“. Lời vị sư già ở chùa Tịnh Liên làng Lâm Hạ đối với Thâm lúc ấy là quá mơ hồ. Đi chùa lễ Phật là để có đứa con nối dõi, nên Thâm chỉ muốn biết rõ là Phật có độ cho khoản đó không. Đi lễ Phật suốt mấy năm, cô Tầm vẫn không có chửa. Thâm nghĩ vì mình không am tường phật pháp, nên sự cầu nguyện bấy lâu không thấu tai Phật. Bèn mời vị trụ trì chùa Tịnh Liên hằng đêm đến nhà giảng cho nghe về lễ đạo. Người làng Lâm Thượng rỉ tai nhau “Do quá yêu cậu Hai mà cô Tầm càng luống tuổi càng đẹp xinh hơn“. Lời bàn luận ấy đã thấu tai Thâm. Con trai ông Cả Lựu chẳng còn thiết việc sinh con nối dõi, mà chỉ lo sợ mất Tầm. Không phải sợ Tầm bội bạc. Thâm quá rõ người vợ trẻ đẹp của mình có thể chết vì mình. Nhưng sau những năm tháng phung phí sự cường tráng, giờ đây Thâm cũng quá rõ là mình sẽ chết trước Tầm. Cứ năm ba bữa thầy thông Trần Văn Côn lại ở tỉnh về, tự tay lái xe hơi con của Thâm để đưa Thâm đi khám bác sĩ  Nhưng chẳng có vị bác sĩ nào chữa được cái tuổi già đã có lý do để đến với một con người vừa mới vượt quá tuổi bốn mươi. Thâm vẫn nằm yên trên giường suốt ngày đêm để lắng nghe sự tiêu ma của thân thể, có Tầm nằm bên ôm ấp, nên hai người chẳng hay biết gì về những việc làm của thầy thông Trần Văn Côn. Hai cô vợ kế của Thâm thì im lặng trong niềm vui sướng vì việc làm của Côn đã làm vơi đi nỗi căm tức. Đám tôi tớ Thâm lại sợ sau khi Thâm chết, bị cô Liêu đuổi khỏi nơi ăn chốn ở. Thành ra thầy thông Trần Văn Côn vẫn thong dong đi về nhà Thâm với danh nghĩa là kẻ chăm sóc bạn bè. Bỗng một hôm, vào lúc nửa đêm, Thâm ngồi bật dậy trên giờng, vươn vai, như chẳng hề đau yếu. Cô Tầm  mừng tưởng thuốc thang đã hồi phục được sức chồng. “Để em đi lấy bát thuốc hồi đêm cậu Hai uống dở“. Thâm khoả tay “Ta đã nghĩ ra  Chẳng cần thuốc thang nữa“. Tầm rất đỗi ngạc nhiên “Cậu Hai đã nghĩ ra điều gì?“. Thâm cầm tay người vợ trẻ : “Hai ta sẽ cùng về chốn ấy“. Tầm hoảng  lắm, vì nghe người ta nói, kẻ sắp chết như ngọn đèn sắp tắt, thường có vẻ tỉnh táo ra. Ngay hôm sau, Thâm lệnh cho xây thêm một căn nhà mới, cách biệt với ngôi nhà cũ, có bệ thờ trang nghiêm. Thấy gia nhân của Thâm đến xin rước một tượng phật về thờ ở nhà riêng, thầy trụ trì chùa Tịnh Liên rất mừng, vì cho thế là con trai ông Cả Lựu đã muốn theo con đường của Phật dạy. Chẳng có chuông mõ tụng niệm, nhưng ở Lâm Thượng ai cũng nghĩ là Thâm tu tại gia. Còn Tầm  thì lúc đầu cho rằng mình và Thâm phải ngồi tĩnh tâm trước Phật như thế mới mong Phật độ cho Thâm khỏi đau ốm, để có đứa con nối dõi. Hôm nào, mặt trời vừa sụp tắt, Thâm cũng bắt Tầm  dìu mình vào nhà thờ Phật. Nhưng vì sức Thâm quá yếu, nên hôm nào cũng chỉ quỳ trong giây lát Thâm đã nhoài xuống chiếu. Đến lúc ấy, mấy cô vợ lớn của Thâm chẳng còn sợ ai ngăn trở công việc làm theo sở thích. Hai cô vợ kế thì ngày đêm bòn rút của cải của Thâm, đưa về nhà cha mẹ ruột. Còn cô Liêu thì tiếp tục ăn nằm với thầy thông Trần Văn Côn. Thấy Thâm quá mệt nhọc lúc ngồi tĩnh tâm trước Phật, một hôm Tầm đánh bạo nói “Thôi, cậu Hai để mỗi mình em cầu nguyện cho“. Con trai ông Cả Lựu đắm đuối nhìn người vợ xinh đẹp “Ta phải cùng em nguyện cầu để cùng về chốn ấy“ Tầm rất hãi : ”Cậu Hai nói về chốn nào ?“ Con trai ông Cả Lựu nhoẻn cười, đáp : “Nước Phật“ . Có một hôm Thâm lay gọi Tầm vào lúc giữa khuya : “Ta ngộ rồi , em“ . Tầm vô cùng lo lắng : “Cậu Hai nói ngộ rồi là sao ?” . Thâm nhắm nghiền hai mắt : “Trong cơn mơ ta đã nghe Phật tổ gọi ta là sư đệ. Ngộ rồi em. Vào nước Phật hôm trước thì hôm sau ta sẽ lập tức độ cho em“. Sáng hôm sau Thâm lệnh cho mọi người trong nhà, trong lúc Thâm ngồi tĩnh tâm trước Phật thì không được bất cứ ai đến gần hoặc gọi tên mình. Rồi bảo Tầm dìu mình sang bên nhà thờ Phật. Sau khi Thâm cài cữa bên trong, Tầm vẫn còn đứng chờ thật lâu ở bên ngoài mới chịu quay về giường nằm nghỉ ngợi. Trong suốt thời gian Thâm ở nhà thờ Phật, Tầm hầu như chẳng thiết gì ăn uống. Còn mấy cô vợ lớn của Thâm thì tìm mọi cách để tránh gặp mặt Tầm. Đến tối, Tầm nghe nóng nảy trong lòng, nên bất chấp lệnh Thâm, sang nhà thờ Phật gọi cửa. Gọi mãi chẳng thấy đáp, Tầm phải bảo đứa tớ thân tín của Thâm đập cửa nhà thờ Phật để vào, thì thấy Thâm nằm chết queo trên chiếu. Hôm ấy thầy thông Trần Văn Côn cũng đang có mặt trong nhà. Chính Côn đã giúp cho các cô vợ lớn của Thâm trong việc làm giấy tờ phân chia của cải. Trước khi đi vào việc chia chác, cô Liêu đã gọi Tầm đến trước mặt mình, bảo “Cô là con đĩ theo không, nên từ giờ phút này chẳng còn dính dáng gì với nhà này nữa“ . Điều đó có nghĩa Tầm phải ra đi trước khi làm lễ phục tang cho con trai ông Cả Lựu. Thấy con gái mình khăn gói về nhà trong lúc bên nhà họ Lý đang làm ma chay, ông đồ Nhã thở dài, rồi bảo : “Như vậy là may đấy con. Nếu hồi ấy mày chịu làm giá thú, giờ nhà ta phải chịu tiếng có dự phần vào việc chia chác của cải nhà họ Lý“. Tầm vào buồng cũ của mình cốt để khóc cho vơi bớt nỗi đau đớn, nhưng không còn khóc nổi. Mãi ba hôm sau mới nghe trống đưa ma. Tầm định khi nghe trống hạ huyệt sẽ trốn cha ra huyệt mộ Thâm để vốc nắm đất tiễn người mình yêu về nơi an nghỉ cuối cùng. Song, chờ mãi chẳng thấy. Sốt ruột quá, Tầm bật dậy khỏi giường, chạy như điên ra đất mộ làng. Mới hay kèn trống đưa ma đã quay về, vì xác Thâm thối rữa chảy ra khỏi áo quan, đám người khiêng Thâm đã bỏ kèn bỏ trống khiêng Thâm chạy trước, vừa đến huyệt mộ đã trút Thâm xuống đó. Tầm đã gục xuống trước những giọt nước mắt thương cảm của đám người đi chôn Thâm đang vừa mệt mỏi cuốc những nhát đất ném lên mộ Thâm, vừa dơ cuốc doạ lũ quạ đánh hơi thịt người đang vần vũ trên đầu.

Tháng 10 .2000
Nguyễn Thanh Hiện
Cựu GS. QuangTrung BinhKhe

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét