Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

NGÀY TẾT CÓ THÚ CHƠI TRANH


“Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” (Hoàng Cầm)

Tôi nhớ hồi tuổi mình còn thơ, tôi vẫn trông cho mau tới Tết để được hưởng nhiều thú vui, trong đó có thú vui được xem tranh Tết. Những bộ tranh Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận, Phù Đỗng Thiên Vương phi ngựa sắt diệt giặc Ân, Bà Triệu cưỡi voi bành vàng ra trận, Trần Quốc Toản tuyển quân, tập trận sẵn sàng đánh đuổi quân Nguyên… rất phù hợp với tuổi tâm sinh lý, trí tưởng tượng của tuổi thơ. Sau này lớn lên trong vùng quê Phủ An, tôi hiểu ra rằng, ở đây người ta có cái thú treo tranh Tết, như thú dán câu đối Tết, làm thơ khai bút đầu Xuân.

Những bộ tranh Tết dễ gặp nhất hồi cách đây mấy mươi năm là tranh tứ bình (mỗi bộ có bốn tấm đăng đối) vẽ tứ thời hoặc tứ dân, kế đó là những tranh vẽ theo tiểu thuyết Tàu, theo truyện cổ dân gian Việt Nam…

Tranh “tứ thời” thì vẽ mùa Xuân - hoa mai nở, mùa Hạ – cây tùng xanh đậm, hoặc cây lan xanh mượt, mùa Thu - hoa hoàng cúc, mùa Đông - khóm tre. Tức Mai - Tùng (hoặc Lan) - Cúc - Trúc. Cũng có khi vẽ  Đào – Hà – Cúc – Mai. Vì hoa sen (Hà) nở về mùa Hè; hoa mai nở sớm vào tiết trời Đông giá, để cho người ta còn gọi là Hàn mai. Nhưng cũng thật linh động, vì có những bộ tứ thời vừa vẽ cảnh vừa vẽ vật. Những con vật thêm vào thường là con hươu sao, chim họa mi, trĩ, sẻ,  yến, vịt, gà trống, bướm… Chúng đậu trên cành cây (cảnh), thường đủ đôi trông vẻ tình tứ (trông vẻ tình tứ như những người yêu nhau hoặc cả một đàn ríu ran.

Người ta còn có thể gặp những bộ tứ thời lấy biểu trưng khác: Mai – Hạc – Dung – Trĩ  hoặc Cúc – Phượng – Tùng – Công, tức không theo ước lệ sẵn có mà thực tùy hứng. Tôi còn nhớ một bộ tứ bình đã gặp được ở nhà từ đường một họ lớn ở làng Thuận Thái, xã Nhơn An (An Nhơn – Bình Định). Bộ ấy vẽ: Mùa Xuân cây hoa cúc và con chim yến – mùa Hạ bụi chuối và con voi – mùa Thu hoa sen và đôi cua – mùa Đông cành mai và con họa mi.

Mỗi lần được xem một bộ tranh tứ thời, tôi không làm sao khỏi liên hệ đến những bài thơ vịnh tứ thời được yêu thích. Bốn bài thơ thất ngôn tứ tuyệt vịnh tứ thời của nữ sĩ Ngô Chi Lan (thời Vua Lê Thánh Tông) là bốn bức tranh cảnh vật bốn mùa được thu nhỏ lại, đặt bên cạnh nhau một cách đăng đối. Và đây, bài  Xuân từ :

“Sơ tình huân nhân thiên tự túy
Diễm dương lâu đài phủ noãn khí
Cách liêm liễu nhứ độ oanh thoa
Nhiễu hạm hoa tu xuyên điệp si”

được Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch :

“Hun người nắng mới như say
Lâu đài ấm áp nhuộm đầy dương quang
Cách rèm liễu biếc oanh vàng
Quanh hiên cái bướm mơ màng trong hoa”

thực là một bức tranh Xuân nhỏ mà đủ cảnh đủ tình để cho người xem lấy làm thích thú lắm.

Tranh “tứ dân” không được phong phú bằng tranh đề tài “tứ thời”, nhưng khá linh hoạt: Bộ tranh “Ngư – Tiều – Canh – Độc” này thì vẽ cảnh một người ngồi thạch bàn câu cá, một tiều phu trẻ gánh củi trên vai, một nông dân đứng bên cạnh con trâu, một thầy đồ đang giảng sách cho học trò; nhưng bộ kia lại vẽ cảnh một lão ngư trên chiếc thuyền dăng câu, một lão tiều gánh củi về, một nông dân với con trâu đang cày ruộng, một anh học trò đang đọc sách.

Bộ tứ bình được coi là quý khi dưới mỗi cảnh có đề thơ vịnh, đó là tranh “nhất thi nhất họa”, thi họa đi đôi với nhau đã khá quen thuộc. Ngoài ra, còn có thể có tranh đề tài “tứ nghiệp”: Cầm - Kỳ - Thi - Họa (hay Cầm - Kỳ - Thi - Tửu), rất ít gặp.

Những tranh tứ bình, phần nhiều được in màu, do Nhà Tín Đức Thư Xã ở Chợ Lớn – Sài Gòn xuất bản; nhưng cũng có những tranh thủy mặc nhập từ Trung Quốc. Mỗi lần Tết đến, tôi vẫn được theo ba, má đi chúc Tết, đi mừng tuổi, được bạn học ở trường Phủ An mời đến nhà chơi. Nhờ đó, tôi đã tới nhà ông Cử Nhì, ông Tú Kép, ông Đốc Lãng, ông Huấn đạo Nghĩa…. Nhờ đó, tôi biết, tranh tứ bình là thú chơi của người phong lưu, tao nhã.

Tranh tiểu thuyết Tàu lấy đề tài trong tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc, một loại tiểu thuyết hấp dẫn đối với đại chúng. Mỗi bộ tranh có 4 tấm, mỗi tấm 3 ô bằng nhau, tổng cộng thành 12 ô, tóm tắt từ đầu đến cuối truyện. Ở vùng Phủ An rất dễ gặp những bộ tranh Tam Quốc diễn nghĩa, Tây Du ký, Thủy Hử… Kế đó là tranh vẽ theo truyện cổ dân gian, truyện thơ Việt Nam: Quan Âm – Thị Kính, Thạch Sanh, Phan Trần, Lục Vân Tiên, Mục Kiền Liên…Bên cạnh, còn có những bộ tranh vẽ đề tài lịch sử nước nhà: tranh Trưng Nữ Vương đánh quân Nam Hán, An Dương Vương – Mỵ Châu – Trọng Thủy, Lý Thường Kiệt đánh đuổi giặc Tống …

Các loại tranh từ tiểu thuyết Tàu trở xuống thường gặp ở các nhà bình dân. Tranh in màu lòe loẹt trên nền giấy trắng.

Tranh Đông Hồ sản xuất ở làng Hồ – Hà Bắc. Những bức thường gặp là Đám cưới chuột, Thầy Đồ cóc, Hứng dừa, Đánh ghen, Kéo co, Đánh vật… vừa khôi hài vừa có ý nghĩa ngụ ngôn, khiến người xem tranh có mối xúc cảm và không khỏi liên hệ mà ngâm ngợi: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong /Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” (Hoàng Cầm). Tiếng là tranh dân gian nhưng không phổ biến ở quê tôi, nó có mặt ở nhà có học thức, giới yêu nghệ thuật truyền thống.

Tranh độc bản chỉ có một tấm duy nhất. Những bức Chim ó đậu trên mỏm đá cao, Chim sẻ đậu cành trúc (trúc -  tước), Lã Vọng ngồi câu cá bên bờ sông Vị Thủy…là những bức có thể gặp. Những tranh đó, có tấm sơn mài, tấm in trên giấy với màu sắc tươi đẹp, nghe nói có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập sang. Nhà treo tranh này, chủ nhân chắc là người có tâm chí, hoài bão gì đó muốn mượn tranh nói hộ thay mình.

Tranh thư pháp lấy nghệ thuật viết chữ trên nền giấy trắng hoặc trên nền lụa đào mềm mại để làm thú thưởng ngoạn. Tranh thư pháp ta thường gặp là những tấm viết chữ Phật, chữ Tâm (thường kèm theo câu Tâm tự lưu thủy). Nghệ thuật viết đại tự những chữ Phước, Thọ, Càn Khôn, Thái Sơn… như “phượng múa rồng bay” trên nền giấy bồi trắng hoặc đỏ đậm để thờ Gia tiên cũng thường có mặt trong dịp Tết. Những ông đồ nghèo có hoa tay viết những chữ này đem ra chợ Tết bán. Tới thời Nho học suy tàn (đầu thế kỷ XX), nghề viết đại tự cũng suy tàn theo, người thưởng thức, người thuê mướn đều không còn. Hình ảnh ông đồ ngồi viết bức (tấm thờ) ở “bên phố đông người qua” đã “xuống cấp” lắm và đã được nhà thơ Vũ Đình Liên khắc họa một cách đáng thương: “Ông đồ vẫn ngồi đấy / Qua đường không ai hay / Lá vàng rơi trên giấy / Ngoài trời mưa bụi bay”.

Tranh bích họa là tranh vẽ trên tường nhà. Hồi cách đây mấy mươi năm, trong các vùng quê Bình Định có những nghệ nhân làm nghề vẽ dạo. Cứ đến khoảng đầu tháng Chạp Âm lịch, không biết từ đâu, nghệ nhân đeo khăn gói vào các làng, tìm nơi vẽ dạo lấy tiền. Nhiều nhà giàu giữ nghệ nhân ở lại trong nhà mình vài ba hôm để vẽ tranh. Nghệ nhân vẽ những bức tranh trên tường vôi trắng mới quét (để đón Tết). Tranh vẽ bát tiên hay cảnh tứ thời, tứ dân bằng mực Tàu đen nhánh và son đỏ tươi. Những bức tranh tường đó được quen gọi là những tấm “bích họa”. Nhà chùa cũng hay mời nghệ nhân về chùa vẽ các sự tích Phật Thích Ca: thường là sự tích Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia, Phật thành Đạo và thuyết pháp ở vườn Lâm Tỳ Ni…

Tranh thêu trên lụa, nĩ thường thêu mãnh hổ, kỳ lân… Có những tấm to đến 1m x 1m, treo lên trông như “chúa tể sơn lâm” thật, muốn nhảy ra vồ người xem. Tranh thì ghê thế mà chẳng biết chủ nhân có gởi gắm điều gì không? Ở Đập Đá có gia đình ông Tư Hồng làm nghề thêu tranh truyền đến ông là đời thứ 4. Thời nay, nghề thêu máy đã thay cho nghề thêu thủ công.

Màn, sáo tuy có chức năng che chắn… nhưng đó cũng là những bức tranh đẹp. Màn đan bằng nan tre thật mảnh (không lớn hơn que tăm mấy), nhuộm màu; sáo luồn bằng những ống trúc nhỏ bằng chiếc đũa, dài ngắn khác nhau chừng vài ba phân, nhuộm màu, được sắp xếp tạo thành những bức tranh với đủ hoa văn, họa tiết. Sáo cũng là một loại màn, nhưng gọi “sáo”, vì khi gặp gió, các ống trúc rung lên thành tiếng vi vu lừng giai điệu, giống như tiếng con chim sáo nghệ huýt gió. Tranh, bức treo trong nhà; màn, sáo treo ngoài hiên, hành lang dọc nhà. Tranh trên màn, sáo thường là cảnh chùa Một Cột, nông dân cày đồng, lão ngư bơi thuyền câu cá, bụi trúc, cành mai, cô gái mặt đẹp như trăng rằm, đầu đội nón bài thơ… Màn, sáo do thợ thủ công trong vùng An Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước … làm, rồi đem ra bày bán ở chợ Phủ, các chợ quê. Màn, sáo thường “đi” với nhà lá mái, nhà lợp ngói Tây, cửa pa – nô lá sách cho hợp. Nay, nghề màn sáo gần như đã thất truyền.

Hàng tranh bán khá chạy trong các phiên chợ Tết; nói chi chợ Phủ, đến chợ quê cũng bán được tranh như thường. Trên đường làng trong mấy ngày Tết, người ta dễ gặp những tốp đàn ông cắp trên tay chai rượu trắng ngần, gói trà Tàu, vài bộ tranh Tết, vài tấm bức thờ …đủng đỉnh về chợ. Họ vừa đi vừa nói chuyện, có vẻ hài lòng lắm, vì đầu óc họ đang tưởng tượng ra cảnh nhà mình đã được quét dọn lau chùi sạch sẽ rồi, đã trồng xong cây nêu, chưng chậu hoa, dán câu đối, nay lại treo thêm tranh Tết, tấm bức thờ …chắc chắn phải sáng rỡ lên, sẽ làm cho không khí đón Tết tươi vui hẳn lên.

Tết nhứt thời bây giờ, người ta lo mua sắm đồ ăn thức uống, ít ai có ý tưởng mua tranh, nếu có ai nhớ đến tranh thì tự an ủi, đã có tranh trên tờ lịch thay thế. Mấy ông chủ quán trà cung đình ở thành phố Quy Nhơn ra thành phố cổ Hội An mua tranh thư pháp, tranh thủy mặc về treo. Ai dám chắc, các vị đó vị nghệ thuật hay vị kinh doanh? Đi chúc Tết năm ngoái, tôi có dịp được thưởng lãm tranh đại cảnh ở nhà một vài đại gia: Tranh “Vạn lý trường thành”, tranh bầy ngựa của Từ Bi Hồng… Bộ nào cũng 4 tấm to, treo choán hết những mảng tường rộng.

Huỳnh Kim Bửu
Cố GS TrungHoc QuangTrung BinhKhe


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét