DaoTang và SonNam ở Gò Vấp |
Chuyện
xưa, Mạnh Thường Quân nước Tề rất giàu có. Một hôm nhờ người khách quí là Phùng
Huyên sang đòi nợ ở đất Tiết (thuộc quận Sơn Đông ngày nay). Khi đến đó Phùng
Huyên cho mời hết thảy con nợ đến đầy đủ khá đông, nói:
-
Mạnh Thường Quân ngài sai ta đến đây xóa
nợ cho mọi người. Nói xong liền đem văn tự ra đốt trước mặt họ.
Khi
trở về, Mạnh Thường Quân hỏi, Huyên đáp:
- Tôi không đòi được tiền nhưng đòi được tiếng
thơm lại cho ngài.
* * *
Những
năm đầu lâm nghịch cảnh, chân ước, chân ráo lên ở xóm tôi, Sơn Nam chỉ có một
cái bàn máy đánh chữ với vài bộ quần áo nước lèo đem theo. Cảnh nhà tôi nào có
hơn gì. Âm thầm tịnh khẩu.
Nơi
chúng tôi sống nào là quán bán cơm, cà phê, hủ tíu, bia hơi bình dân. Nào là kẻ
chạy xe ôm, đạp xích lô, ba gác, người là thợ hồ, bốc xếp phổ thông, toàn là
dân sống bên nhau trong tổ dân phố.
Dân
viết lách lâu lâu bài được đăng, sách được in mới có chút tiền. Dân lao động
nghèo quanh chúng tôi tháng ngày lúc nào họ cũng có đồng ra đồng vô rũng rỉnh.
Quá rành nhau, khi họ thấy tôi chở Sơn Nam về lại nhà sớm, mặt mày hẩm hiu lục
cơm nguội ăn mì gói, rất nhạy cảm lòng họ hiểu sao sao rồi.
Bà
hai, chị Bảy, con bé Sáu … qua đứng trước cửa dòm ngó nói :
-
Bộ nay hẽo lắm sao mà vậy, tức thì họ
móc túi ra vài trăm ngàn (toàn tiền lẻ cho dễ xài) tự dưng đưa mượn. Chúng tôi
cứ lai rai được chữa cháy hoài như vậy mà chẳng bao giờ thấy các Mạnh Thường
Quân sai Phùng Huyên đến đòi.
Hạnh
phúc cảm kích quá lớn vài hôm sau chúng tôi cũng tự động hoàn thành nghĩa vụ.
Nhờ thế có sống lây lất sáng tác qua ngày tháng.
Không
hẳn thế, Cũng có lúc chúng tôi được các khách quí thập phương mời đến đãi đằng
thịnh soạn. Trả tiền đều có Mạnh Thường Quân lo hết, nhưng khi khách đã đi rồi.
Chủ quán liền sai người đẹp xinh mộng Phùng Huyên đến tỉ tê:
-
Mấy lần trước hai bác có đem bốn cô ở
đâu lại, khoe gái bến Ninh Kiều Cần Thơ, gái dáng đứng Bến Tre, xinh hơn các em
tiếp viên ở đây. Hai bác hứa xin việc làm và thuê nhà cho họ ở, chà mấy hôm đó
chơi đẹp đãi ăn uống thoãi mái trên 700.000đ đến nay chưa trả.
Lũi
thủi về lại nhà “hỗn quân, hỗn quan”. Trò bán cái qua thầy, thầy đổ tội
cho trò “Đồng tiền liền khúc ruột”. Thấm thía lắm thay.
* * *
Từ
năm 1998 trở đi, chân dung, ngòi bút của Sơn Nam ngày càng phổ biến trong mọi tầng
lớp quần chúng gần xa. “Khi vui thì
vỗ tay vào”.
Đầu
hẻm nghèo nơi sống của chúng tôi mọi người thường thấy có những chiếc ôtô quí tộc
lộng lẫy đến đậu. Họ là doanh nhân, đại gia tư sản … “ngoại đạo”. Họ trịnh trọng
vào nhà mời mọc chúng tôi đi vui chơi ăn uống. Họ đưa về các dinh thự đồ sộ,
nguy nga tráng lệ của họ ở Lái Thiêu, Thủ Đức … Nơi đó có gia đình có lắm vai vế
thân nhân bạn bè của họ, chiêu đãi cung đình, sơn hào hải vị.
Họ
lễ mễ đem ra hàng khối sách đồ sộ của Sơn Nam vừa được tái bản thơm phức, cũng
vừa mới mua khoe khoang và trịnh trọng đưa cây bút vàng xin tác giả ký tặng. Dưới
những ánh đèn chớp loé chói chang, các đại gia dan díu hôn ông, tay choàng vai,
tay nâng ly sâm banh chúc tụng nhà văn sang giàu hạnh phúc, “bách niên giai lão” … quay phim chụp hình liên tục.
Họ
cho biết những tác phẩm mọi hình ảnh của nhà văn họ sẽ đặt để lên ngai vàng, cạnh
tượng điêu khắc chân dung Sơn Nam bằng quí kim ở trong các cơ ngơi họ tại Việt
Nam và các chi nhánh làm ăn của họ ở các nước trên cùng khắp thế giới.
* * *
Quay
về cảnh cũ tại nhà, lúc ngồi gặm bánh mì chấm nước tương, Sơn Nam lục những tấm
hình và các danh thiếp cao cấp của họ ném vào sọt giấy.
Thấy
thế tiếc quá tôi lượm lên và còn giữ kỹ đến ngày nay. Tôi còn phản đối:
-
Ông phụ lòng tốt của họ.
Sơn Nam làm
thinh.
Chẳng
bao lâu sau đó, chúng tôi cần chừng hai triệu bạc để có dằn túi về đồng bằng
sông Cửu Long chụp ảnh viết bài theo đơn đặt hàng của các báo.
Tôi
hí hửng lấy số điện thoại theo các danh thiếp họ đã trao, hồi hộp gọi đến và
trình bày hỏi tạm mượn. Các đầu giây nói bên kia đều trả lời:
-
Để xem lại, hoặc cúp máy cái cụp.
Sơn
Nam mắng tôi:
-
Anh là đồ đội quần!
Đào Tăng
Sơn Nam Ngoại Sử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét