Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG NHƯ CHIẾC VÉ TRỞ VỀ


Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ có hai người anh là nhà văn nổi tiếng. Anh cả Phạm Văn Ký viết văn, làm báo trước khi sang Paris du học, trở thành một tác gia của văn học Pháp ngữ, được giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp. Những tác phẩm đa dạng về thể loại của ông như Perdre le demeure (Mất nơi cư trú), Celui qui régnera (Người sẽ ngự trị), Mémoires d’un eunuque (Hồi ức một hoạn quan), Fleurs du Jade (Hoa Ngọc)… được giới nghiên cứu xem như một bộ phận của văn học Việt Nam ở hải ngoại. Năm 1970 Phạm Văn Ký về thăm Hà Nội trong những ngày Mỹ ném bom miền Bắc. Sau lần về nước đó, ông không có dịp trở lại quê hương Bình Định khi đất nước thanh bình. Sống cô đơn cho đến ngày từ trần vì bệnh tim, ông vẫn kết nối với đất nước qua con đường văn học: đề tựa tập thơ Quê hương của Giang Nam (76 năm trước cũng chính ông đề tựa tập thơ Gái quê của Hàn Mặc Tử), cho xuất bản tập thơ Đường về nước ở NXB Hội Nhà văn.

Trong thời gian đó, hai người em tài hoa của Phạm Văn Ký sống trong nước, nhưng chia nhau hai miền cách trở. Phạm Hổ đi tập kết ra miền Bắc, hoạt động văn chương, trở thành nhà thơ, có đóng góp đặc biệt trong văn học viết cho thiếu nhi. Còn Phạm Thế Mỹ ở lại miền Nam, viết nhạc, làm thơ, là một khuôn mặt được yêu mến trong phong trào văn nghệ phản chiến, đòi hòa bình, thống nhất đất nước. Công chúng Sài Gòn những năm tháng đó còn nhớ những ca khúc rất phổ biến của Phạm Thế Mỹ như Áo lụa vàng, Tóc mây, Thuyền hoa, Bông hồng cài áo, Bóng mát, Đưa em về quê hương, Hoa vẫn nở trên đường quê hương, Nắng lên xóm nghèo, Tàu về quê ngoại, Người về thành phố…; cùng tập nhạc Trái tim Việt Nam và hai trường ca Lửa thiêng, Con đường trước mặt. Khi Phạm Hổ in tập thơ Những ngày xưa thân ái ở miền Bắc, thì ở miền Nam Phạm Thế Mỹ cũng sáng tác một bài hát cùng tên với ca từ rất đẹp: “Tôi về qua xóm nhỏ. Con đò nay đã già. Nghe tin anh gục ngã. Dừng chân quán năm xưa. Uống nước dừa hay nước mắt quê hương”. Phạm Thế Mỹ đem thơ Phạm Hổ đăng cạnh thơ mình trên báo Đối diện, còn thơ của chính ông thì có lần bị tịch thu và bị đưa ra tòa. Sau ngày đất nước thống nhất, Sài Gòn chứng kiến cuộc tái ngộ của anh em Phạm Hổ – Phạm Thế Mỹ.

Câu chuyện anh em nhà họ Phạm gợi nhớ đến một câu chuyện chia cách khác của anh em nhà văn họ Bùi: Bùi Nhật Tiến và Bùi Nhật Tuấn. Năm 1954, niềm vui chiến thắng Điện Biên Phủ đi liền với nỗi đau chia cắt đất nước. Cùng lúc khoảng 14 vạn người miền Nam đi tập kết ra miền Bắc, thì cũng có một triệu người miền Bắc di cư vào Nam, trong đó có nhiều nhà văn, nhà thơ. Nhật Tiến là một. Ở miền Nam, ông được xem như một nhà văn có tấm lòng nhân ái, tác phẩm thường viết về số phận những người bất hạnh. Ra đi, ông xa lìa gia đình ở Hà Nội, nơi đó có người em kế sau này là nhà văn, kỹ sư, lính trinh sát công binh đoàn 559: Nhật Tuấn. Ở miền Bắc, Nhật Tuấn nghe tin anh mình là nhà văn nổi tiếng, khi vào Trường Sơn mới tìm đọc tác phẩm của Nhật Tiến. Ngày hòa bình, hai anh em gặp lại nhau trên đất Sài Gòn, cùng về Hà Nội thăm cha, nhưng rồi lại chia tay thêm lần nữa: năm 1979 Nhật Tiến cùng gia đình riêng sang Mỹ. Hơn 30 năm qua họ vẫn thường có dịp đoàn tụ, lúc ở Mỹ, lúc ở Việt Nam. Nhật Tiến về nước nhiều lần, nhờ em mua một mảnh vườn ở Tân Uyên, Bình Dương, dự định về an trú những năm cuối đời. Dự định ấy không thành, ông chỉ kịp gửi về những tác phẩm viết nơi xa xứ để hai anh em cùng in chung một tập truyện ngắn có nhan đề Quê nhà, quê người. Sau tiểu thuyết Thềm hoang, đó là cuốn sách thứ hai của ông được in lại trong nước.

Cuộc chia xa của anh em nhà họ Phan ở Điện Bàn, Quảng Nam lại trong một tình cảnh khác. Sau 1954, bị chính quyền Ngô Đình Diệm bố ráp dữ dội quá, anh em Phan Tân Nhựt (Chinh Ba) và Phan Tân Minh (Chinh Văn) phải lần lượt thoát vào Sài Gòn. Vào đây, họ vừa viết văn, làm báo, vừa tham gia hoạt động chống chính quyền. Chinh Ba viết tùy bút, truyện ngắn trên các báo khuynh tả. Chinh Văn làm thơ, tự xuất bản tác phẩm Lời chim bão tố trên giấy in kinh, với “giấy phép” là điều 12 Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa năm 1967. Rồi cả hai lần lượt bị bắt vào tù. Chinh Ba bị giam ba năm ở khám Chí Hòa, ra tù tìm đường trốn sang Campuchia rồi qua Pháp; cuộc mưu sinh trên xứ người khiến ông gần như dứt hẳn con đường văn chương. Chinh Văn thì ở tù đến năm năm, bị đày ra tận Côn Đảo. Sau ngày hòa bình, họ gặp nhau ở Việt Nam rồi ở Pháp. Mấy năm nay, nghỉ hưu, Chinh Ba thường về quê, hai anh em đi tìm mộ tổ tiên, xây dựng từ đường. Mãi năm ngoái đây, được bạn bè và gia đình động viên, anh em nhà họ Phan mới sưu tầm các truyện ngắn của Chinh Ba in thành tập Bài thơ trên xương cụt. Cuốn sách ra đời, gây tiếng vang, phát hành chưa đầy một năm đã được tái bản.

Ba cuộc chia xa của các anh em nhà họ Phạm, họ Bùi và họ Phan như vậy cũng là kết thúc có hậu. Oái oăm và để lại vết thương lâu nhất là cuộc chia ly của anh em nhà họ Đoàn: Đoàn Thế Nhơn (Võ Phiến) và Đoàn Thế Hối (Lê Vĩnh Hòa). Họ cũng cùng quê Bình Định như anh em nhà họ Phạm. Thuở nhỏ, Lê Vĩnh Hòa cùng cha mẹ vào Rạch Giá lập nghiệp, theo kháng chiến, làm văn nghệ; Võ Phiến ở lại miền Trung, đi kháng chiến một thời gian rồi trở về hợp tác với chính quyền Việt Nam Cộng hòa, trở thành một nhà văn hàng đầu thời đó. Sau 1954, Lê Vĩnh Hòa sáng tác nhiều truyện ngắn đặc sắc như Chiếc áo thiên thanh, Lúc chiều xuống, Trăng lu, Người tị nạn… cùng khuynh hướng với những nhà văn trên tuần báo Nhân loại như Thiếu Sơn, Lý Văn Sâm, Viễn Phương, Sơn Nam, Ngọc Linh, Văn Phụng Mỹ (Trang Thế Hy)… Từng bị bắt giam và kết án năm năm tù, được trả tự do, Lê Vĩnh Hòa vẫn kiên trì chọn lựa của mình và năm 1967 đã ngã xuống như một người tuẫn đạo.

Ở bên kia chiến tuyến, Võ Phiến cũng đi trọn con đường của mình, mặc dù đôi lúc phản ứng với chế độ khiến có lần bị giáng chức. Ông cùng gia đình sang Mỹ ngay trước ngày 30-4-1975 và cho đến nay chưa một lần trở lại quê hương. Trên đất Mỹ, ông viết và in nhiều tác phẩm, đặc biệt là bộ Văn học miền Nam, trong đó ghi chú rõ “Lê Vĩnh Hòa là em ruột Võ Phiến”. Năm ngoái, lần đầu tiên, một nhà xuất bản trong nước in lại một tập tùy bút của ông, lấy nhan đề Quê hương tôi, gợi nhớ đến cuốn Đất nước quê hương của ông in ở Sài Gòn năm 1973, ký bút hiệu Tràng Thiên mà ông thường dùng trên một số sách biên khảo, sách dịch và tạp chí Bách khoa ngày trước.

Khi rời đất nước ra đi, nhiều nhà văn Sài Gòn chỉ cầm trên tay chiếc vé một chiều. Không phải vé khứ hồi. Nhưng tự trong thâm tâm, người Việt đi xa nào không mong có một chiếc vé trở về, về với nơi chôn nhau cắt rốn, với anh em ruột thịt, với bà con, đồng bào. Nhiều người “sống nhờ đất khách, thác chôn quê người” đã không còn cơ hội thực hiện giấc mơ hồi hương như nhạc sĩ Phạm Duy. Nhưng tác phẩm văn chương mang nặng tình tự dân tộc của họ thực sự là những chiếc vé trở về, là nhịp cầu nối lại những chia xa, là thuốc chữa những vết thương còn rỉ máu. Chính những chiếc vé đó đã ghi rõ địa chỉ của ga cuối: Quê nhà, Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng, Đường về nước, Quê hương tôi

Huỳnh Như Phương
Quán Văn số 014


3 nhận xét:

  1. Để biết thêm "Chiếc vé trở về":

    1./Thầy Nguyễn Mộng Giác
    [img]http://i860.photobucket.com/albums/ab163/trangochau/cap%20II%20Binh%20Khe/KyYeuCapIIBinhKhe-NgMongGiac_zps7f9d5928.jpg?t=1370840719[/img]
    Kể lại chút ít ở đây

    2./Anh em nhà văn Nhật Tuấn và Nhật Tiến kể chuyện "...Chuyện bây giờ mới kể"
    đây

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Và đây là chiếc vé trở về của nhà văn Võ Phiến - Đoàn Thế Nhơn:
      [img]http://2.bp.blogspot.com/-JdhpPFDcy-8/UDeLScbwZ-I/AAAAAAAAAXM/qXpvi-06Dpg/s1600/photo1.JPG[/img]

      Xóa
    2. Nghe nhà văn Nhật Tiến kể về "Quê nhà - Quê người"
      [youtube]http://youtu.be/ZFEd2YYYN_o[/youtube]

      Xóa