Mùa Xuân - Tranh của DoanThanhThuy |
Chiều hôm ấy nồm bỗng thổi rộ. Anh
Bốn Bơn chốc chốc dừng cày, mở thuốc ra vấn, lòng cảm thấy nhớ
nhung một điều gì đó vừa ngọt ngào vừa cay đắng, niềm rạo rực
tưởng chừng đã bị những tháng năm khổ ải vùi lấp từ lâu. Đã mười
mấy năm, chứ ít đâu. Năm ấy nồm cũng thổi sớm thế này, sau cơn mưa
bất chợt, bầu trời lạnh lẽo như bị bứt ra, những đám mây ủ ê cùng
những cơn bấc khô buốt bị đẩy hết về phương nam, và từ phía biển
đông, gió nồm ngọt lịm ùa về. Người làng Cù bắt đầu lùa bò ra
đồng cày vỡ. Nhưng cha anh Bốn Bơn bảo :
-
Mày đã quyết thì chớ chần chờ. Đi vài bận, về làng cũng chưa muộn.
Còn mẹ anh thì quýnh lên, vội vã
mang mấy cân nếp hạt đổ vào ống tay áo đã cắt ra từ một chiếc áo
dài rách từ lúc nào, rồi dặn đi dặn lai :
-
Phải ăn nói cho từ ngằn nghe con. Nếp là dành dụm từ mùa năm trước,
gọi là chút thảo lảo giữa những người nghèo với nhau.
Phải. Năm ấy nồm cũng thổi vào cuối tháng giêng thế này, anh đi hạ bạn thăm nhà Thắm, sau đấy thì quay về cày vỡ.
-
Thằng Ri đâu ? Mở bò cho uống nước đi con.
Đương núp ở bờ ruộng rình chim chiền
chiện, thằng Ri anh vùng chạy đến.
-
Còn sớm mà ba?
-
Nghỉ. Sáng mai làm tiếp. Nhớ cho uống nước xong, lẻ dọc bờ mương, tao
thấy ở đấy còn lắm cỏ. Đã cày bò của người ta thì phải lo cho chu
đáo.
Gác cày vô hiên nhà xong, anh Bốn Bơn
đi thẳng lên nhà trên, rón rén mở nắp chiếc rương gỗ.
Nghe tiếng động, chị Bốn Bơn từ trong
buồng hỏi vọng ra :
-
Ba thằng Ri đã về đấy sao ?
-
Phải cặp bò ông Tảo mùa này bết quá. Mới nửa buổi chiều đã bước
không nổi.
Anh
Bốn Bơn gượng gạo trả lời vợ. Rồi vội vã đậy nắp rương lại.
Thằng
Ri em chợt khóc thét.
Chị
Bốn dỗ dành.
-
Tại má to tiếng làm lỡ giấc con đấy thôi.
Từ buồng nằm chị Bốn toả ra mùi
lửa than ấm áp cùng mùi thơm đĩa đèn thắp bằng dầu phộng còn lưu
lại sau những lần xông hơ. Tự nhiên chẳng còn thoải mái tự nhiên như
mọi ngày, anh Bốn Bơn khựng lại bên ngoài chiếc chiếu che, bỡ ngỡ đưa
tay sửa lại nhánh xương rồng treo ở bậu cửa, rồi lặng lẽ bước vào
buồng.
Chị
Bốn nhìn chồng nói:
- Chiều nay nghe mệt trong người, hay đêm
nay ta nghỉ xông hơ một bữa.
Biết
tính chị Bốn nhác chuyện xông hơ, anh Bốn la :
-
Cả tháng nay làm động gió bấc, chiều nay bỗng chuyển nồm, mát mẻ,
sao lại kêu mệt ?
-
Ba thằng Ri nói giỡn ? Chưa hết tháng giêng, nồm gì ?
-
Thiệt mà. Mười mấy năm nay mới có nồm tháng giêng đấy.
Dường
sợ vợ phát hiện được nỗi sâu kín trong lòng mình, anh Bốn Bơn vội
im, vơ lấy thau nước tiểu bưng đi đổ, rồi lập tức quay vào.
Chị
Bốn Bơn nghiêng người ôm thằng Ri em, buông tiếng thở dài.
Không
kìm được lo lắng, anh Bốn Bơn cầm lấy tay vợ, hỏi :
-
Má thằng Ri mệt thiệt sao?
Chị
Bốn chỉ im. Rồi sụt sịt khóc
-
Đừng , má nó không sợ bịnh sản hậu, chết bỏ tui với lũ thằng Ri
sao?
Anh
Bốn Bơn nói, cúi xuống hôn trán vợ.
Muối
mè dành cho người nằm cữ. Cha con anh Bốn Bơn ăn cơm với muối sả, cay,
nuốt không nổi, thằng Ri anh khóc.
Chị
Bốn từ trong buồng gọi:
-
Ba nó vào sớt bớt thức ăn, nhiều lắm !
Anh
Bốn toan đứng lên, nhưng thằng Ri anh đã níu lại.
-
Thôi, để cho má ăn, ba. Chiều nay con rình thấy ổ rồi. Nhất định trưa
mai nhà mình có thịt chiền chiện nấu canh bồ ngót.
Anh
Bốn Bơn nuốt vội miếng cơm mới và, đặt đũa xuống mâm.
-
Từ hôm bắt đầu cày vỡ tới nay, mày sát hại bao nhiêu chiền chiện
rồi ?
Thằng
Ri anh dơ cả bàn tay lên :
-
Năm cặp, ba.
-
Tức đến hàng chục chiền chiện con chết đói chết khát ngoài đồng,
vì mất cha mất mẹ.
Thấy
thằng Ri anh cúi mặt làm thinh, anh Bốn Bơn tiếp :
-
Mầy biết buồn vậy là được. Nếu ba má rủi bề chi, thì lũ con cũng
xanh xương như lũ chiền chiện kia.
Tối
ấy anh Bốn Bơn bắt vợ xông lá bưởi. Cách tắm rửa cho người ở
cữ. Khi lau đến phần chân tay của chị Bốn, anh Bốn khen :
-
Nằm cữ mà da thịt được thế này, là quí lắm.
-
Do ba thằng Ri nuôi kỹ đấy thôi.
Chị
Bốn nói như để che dấu sự e thẹn
Thằng
Ri em thức giấc, khóc. Chị Bốn mặc vội áo quần , nằm cho con
bú.
-
Thôi, ba thằng Ri đi nghỉ đi.
Chị Bốn Bơn thấy thương chồng ghê gớm.
Cũng may là chị thưa con. Thằng Ri anh bảy tuổi mới sinh thằng Ri em.
Nếu không, anh Bốn Bơn còn khổ hơn. Không khổ sao được. Nhà chỉ có
vỏn vẹn hai sào ruộng gieo cha mẹ để lại. Bò cày thì thuê của người
khác. Lúa trì mỗi năm một vụ, đủ ăn vài ba tháng. Ba mùa cày vỡ,
cày trở và cày gieo, anh Bốn đều phải đi cày mướn để kiếm thêm lúa.
-
Ba lũ nhỏ ngủ rồi sao?
Nghe
thằng Ri anh mê ngủ ú ớ, chị Bốn hỏi .
Anh
Bốn ôm chặt con vào lòng.
-
Cũng sắp ngủ đây.
-
Ừ, ngủ đi cho khoẻ. Bò ông Tảo bết thế, mai ba lũ nhỏ định cày bò
ai ?
Anh
Bốn Bơn bật cười thầm về chuyện dối vợ lúc chiều.
-
Ở làng Cù mình, chỉ nhà ông Tảo với nhà ông Nhơn là dư bò cày, má
nó biết rồi. Nhưg bò ông Nhơn thì ông Năm Thưa đã lấy từ mấy bữa nay.
Có
tiếng chíp lưỡi của chị Bốn Bơn
-
Ba thằng Ri có nghĩ, đến chết vợ chồng mình cũng không sắm nổi đôi bò
không?
-
Sao má nó nói thế ? Tỉ như ai biết được mới hôm qua gió bấc cắt da,
nay bỗng nổi nồm ngọt lựt.
-
Làm sao đem chuyện của người ra tỉ với chuyện của trời ?
-
Má thằng Ri hiểu câu "sông có khúc người có lúc" là sao
không ? Nắng hạn lâu ngày, sông khô. Nhưng mưa xuống sông lại đầy nước.
Ta cứ đem hết sức mình ra chí thú làm ăn, tất có ngày khấm khá
thôi.
Chị
Bốn Bơn dường đuối lý, cho ý chồng là phải, nên không cãi nữa. Lát
sau thì có tiếng thở đều đặn trong buồng. Anh Bốn Bơn thấy phấn chấn
trong lòng ghê gớm. Do cha mẹ nghèo chẳng được ăn học là bao, nhưng anh
cũng đủ sức để nói cho vợ hiểu ra lý lẽ của nhân sinh. Phải lắm mà.
Ở làng Cù hồi ấy thiếu chi đám con trai, nhưng Thắm chỉ chọn anh để
mà chung thuỷ. Nghĩ đến đây anh Bốn Bơn ứa nước mắt. Chuyện xảy ra
từ mùa lúa trì ấy. Đã bao nhiêu đời, cứ đến tháng chạp lúa trì
chín, dân miệt hạ bạn kéo lên làng Cù cắt mướn. Nhà anh Bốn Bơn lại
thêm người ăn ở. Mới đến bữa trước bữa sau Thắm đã hỏi :
-
Thấy hai bác ở nhà già yếu cả, sao anh Bốn không lo cưới vợ cho ông
bà nhờ?
Lúc
đầu anh Bốn cho ăn nói thế là trắc nết. Nhưng sau mấy hôm đi cắt chung
với bọn Thắm, anh mới hiểu người miệt biển thì rất thiệt tình.
Tính ra, hai người trò chuyện chẳng là bao. Cốt yếu chỉ nhìn nhau mà
hiểu những gì diễn ra trong lòng. Có một hôm, lúc chất rạ giúp cho
nhà ông Tảo, anh Bốn Bơn đánh bạo cầm tay Thắm :
-
Sang giêng rảnh rỗi, nhất định anh phải đi hạ bạn, thăm nhà em
cho biết.
Tháng
giêng năm ấy gió nồm bỗng thổi rộ. Cả làng Cù vui mừng, cho đấy là
điềm báo trước một năm mưa thuận gió hoà. Anh Bốn Bơn thưa thiệt với
cha mẹ về chuyện thương Thắm, rồi lên đường đi hạ bạn, hỏi thăm đến
làng An, vào nhà Thắm. Cha mẹ Thắm vốn đông con gái, nên cũng muốn
có một đứa lấy chồng về đồng gieo.
-
Lũ bay cũng mười chín hai mươi, lớn cả rồi. Có thương nhau thì cháu
cứ thưa thiệt với anh chị trên ấy sớm bước tới.
Nghe cha Thắm bảo, anh Bốn Bơn mừng vô
kể.
Trời không mưa thuận gió hoà như
người làng Cù tưởng. Lúa trì gieo xuống gặp nắng to, chết quá nửa.
Đi cưới vợ ít nhất cũng phải có tiền sắm đôi hoa tai cho cô dâu với
mâm cơm cúng lễ tơ hồng. Nhưng cha mẹ anh Bốn Bơn lại đau ốm liên miên,
tiền cày thuê của anh chỉ đủ cho việc thuốc thang. Tháng chạp, lúa
trì lại chín. Thắm lại cùng bè bạn lên làng Cù cắt mướn. Tình yêu
thương giữa hai người mỗi ngày một đượm. Cha mẹ anh Bốn Bơn định qua
giêng năm sau thì lo việc gia thất cho con. Nhưng sang giêng cha anh
Bốn Bơn lâm bệnh nặng, chỉ ba hôm thì chết. Mẹ anh Bốn lo rầu,
mấy tháng sau cũng đi theo cha anh. Ở làng An, có mấy đám đến dạm
hỏi Thắm. Cha Thắm bảo :
-
Vậy là thằng Bốn Bơn không có duyên nợ với mầy. Bởi đã mấy năm mà
không thấy đằng trai đá động gì. Thôi, lấy chồng ở hạ bạn mình đi
con.
Thắm
khóc:
-
Đời con chỉ biết có mỗi anh ấy .
Lại
đến mùa lúa trì. Thắm lại cùng bè bạn lên làng Cù.
Anh
Bốn Bơn nói:
-
Anh để tang mẹ đến ba năm, làm sao em chờ cho nổi ?
Thắm
bặm môi, đáp :
-
Tới tóc bạc răng long cưới nhau cũng được.
Nhưng đấu là ý Thắm, còn cha mẹ
Thắm thì quyết gả Thắm cho anh con trai cùng làng, nên đã nhận trầu
cau dạm hỏi. Gần đến ngày cưới, Thắm biến mất khỏi làng. Khi tìm
được thì đã thành cô ni cô ở chùa Tịnh Liên bên làng Nam.
Cho đến lúc mãn tang cha mẹ, anh Bốn
Bơn cũng đã đâu sắm nổi đôi bông tai với mâm cơm tơ hồng nếu Thắm chưa
đi tu. Sắp đến mùa lúa trì thì cô bạn gái từng đi cắt mướn với Thắm
mang thư Thắm lên làng Cù. Anh Bốn Bơn xé phong thư mà tay cứ run lên.
"Em nào ham hố chi cảnh niết bàn
cửa Phật. Nhưng chỉ còn cách vào chùa mới khỏi phải lấy chồng. Đêm
nằm, gác tay lên trán nghĩ, tháy chẳng lẽ bắt anh ở vậy hoài. Bởi
thế cho nên khi thư này đến tay anh thì em không còn nữa đâu."
Biết chẳng còn cách nào cứu Thắm
kịp, cô bạn của Thắm kêu rú lên. Còn anh Bốn Bơn thì thấy đất sụt
dưới chân, trời sập đè trên đầu. Ở chùa Tịnh Liên, sư cô thủ toạ đã
làm lễ cầu siêu cho Thắm, vì biết cô ni cô hăm mấy tuổi đời còn
nặng mùi trần tục. Anh Bốn Bơn cứ tưởng khi gặp được chị Bốn Bơn là
người cùng làng, cùng cảnh ngộ côi cút, lỡ thì, nhất là khi có lũ
thằng Ri, thì quên được chuyện tình duyên dang dở năm xưa, nhưng nào
phải vậy. Cả đêm nằm nghĩ chuyện cũ, anh cứ thấy như vừa mới hôm qua
đây thôi, mình đã để tuột khỏi tầm tay điều cho đến chết cũng chẳng
thể tìm lại được. Điều ấy chỉ xảy ra mỗi lần ấy thôi. Anh Bốn nghĩ.
Và thấy dâng lên trong lòng niềm tiếc thương vô hạn. Mới nghe gà cất
tiếng gáy, anh đã thức dậy lấy gạo, nấu cơm. Thấy chị Bốn còn đang
ngủ say, anh Bốn bưng đèn rón rén lên nhà trên, chui vào gầm bàn thờ,
mở chiếc rương gỗ. Sau khi sắp hết mấy tấm nghi khậu thờ ra, anh Bốn
vội vã lôi cuốn giấy trích lục đất ra khỏi rương. Mười mấy năm qua,
anh vẫn dấu kỹ bức thư của Thắm vào cuốn trích lục ấy. Ở
trong buồng, chị Bốn Bơn chợt cựa mình, hỏi:
-
Ba thằng Ri đã dậy rồi sao?
-
Tui tính dậy sớm nấu cơm ăn, để đi cày sớm. Anh Bốn Bơn hồi hộp trả
lời vợ. Cũng không rõ hồi hộp vì sắp được cầm lại trong tay thư
người tình cũ, hay vì sợ chị Bốn biết được những gì đang diễn ra
trong lòng mình.
Chị
Bốn lại hỏi:
-
Hình như ba nó vừa mới mở rương gỗ làm gì đó, phải không?
Anh
Bốn giật mình, nhét vội bức thư của Thắm vào túi áo rồi đáp :
-
Nghe tiếng khua ở đít bàn thờ, cứ tưởng lũ chuột chui vào rương, cắn
máy tấm đồ thờ.
Giọng
chị Bốn lo lắng:
-
Chết. Có bị thủng nhiều không ba thằng Ri ?
-
Chắc lũ chúng chỉ mới gặm bên ngoài.
Cha
con anh Bốn Bơn cơm nước xong thì trời sáng.
Thằng
Ri anh nói:
-
Giờ con sang bác Tảo lừa bò nghe ba.
-
Ừ. Nhưng chiều qua mày có nói trước với ông ấy mình còn cày một
buổi sáng này nữa không?
-
Thưa có.
Thằng
Ri anh đáp. Rồi cò một chân, chạy ra khỏi cửa.
Anh
Bốn Bơn bưng cơm vào buồng, căn dặn vợ:
-
Má nó phải ráng ăn cho hết. Ăn có bạo thì mới đủ sữa cho thằng Ri
bú.
Chị
Bốn Bơn lén con, ngồi dậy trên giường, quờ chân tìm guốc
-
Nồm thổi cả đêm, phải không ba thằng Ri?
-
Phải, hình như mới tạnh đâu hồi chặp gà gáy .
Chị
Bốn chợt lấy tay chùi mấy giọt nước mắt vừa mới ứa ra :
-
Nghe nồm thổi rộ, tui cứ thấy nhớ tháng giêng năm ấy, cả làng Cù
mình đồn rầm lên ba thằng Ri sắp làm đám cưới với cô Thắm cắt mướn
ở hạ bạn.
Anh
Bốn cố dấu nỗi bối rối :
-
Thôi, má thằng Ri nhắc chi chuyện cũ.
Đến
nửa buổi mai thì nồm lại thổi lại. Anh Bốn Bơn cảm thấy như trong
mùi đất ải thơm lừng có cả vị mặn của biển. Lòng tự nhủ lòng là
sau buổi cày sẽ đem bức thư của Thắm cất kỹ vào chỗ cũ. Nhưng liền
sau đó, anh Bốn đã dừng bò, lấy thuốc vấn, và mở thư ra đọc.
Thằng
Ri anh định đến khoe cặp chim chiền chiện vừa bẫy được, thấy anh Bốn
đang chùi nước mắt, thì đứng ngớ ra.
-
Sao ba khóc vậy hở ba ?
-
Con còn nhỏ dại, chớ nên biết.
Anh
Bốn Bơn vuốt tóc con, đáp. Rồi giật mình. Anh hiểu làm thế là có lỗi
với chị Bốn Bơn. Lỗi rất lớn. Nhưng có điều kỳ lạ là khi nghĩ đến
những tháng năm tuổi trẻ đầy hạnh phúc và khổ đau ấy, anh lại thấy
yêu mảnh đất quê cơ cực của mình hơn.
Tháng 8.1998
Nguyễn Thanh Hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét