Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

DỤNG GIÁN THỜI TIỀN KHỞI NGHĨA TÂY SƠN


Cứ mỗi độ Xuân về, Tết đến mọi người lại nhớ đến chiến công hiển hách của Quang Trung - Nguyễn Huệ đại phá 29 vạn quân nhà Thanh. Tự hào về lịch sử oai hùng của dân tộc, mùng Năm tháng Giêng âm lịch hàng năm, lễ hội chiến thắng Đồng Đa được chọn là lễ hội cấp quốc gia, được tổ chức tại quê hương người anh hùng áo vải Tây Sơn, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định và nhiều nơi khác, trong đó có Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đường tới chiến thắng đó Quang Trung - Nguyễn Huệ phải đối phó biết bao nhiêu là thế lực, trong đó có xung đột đau lòng giữa anh em ruột với nhau và phép dụng nhân của Quang Trung đã thể hiện ngay từ lúc đó, sau này đỉnh cao là tin dùng Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích…

Nội gián thời Tây Sơn khởi nghĩa bắt đầu từ chuyện Nguyễn Nhạc - sau này là Thái Đức Trung ương Hoàng đế, tự nhốt trong cũi để nộp mình. Chuyện rằng sau khi khởi nghĩa chiếm một vùng rộng lớn Tây Sơn thượng đạo và Tây Sơn hạ đạo, ba anh em Tây Sơn tiến đánh thành Quy Nhơn. Viên tướng giữ thành là Nguyễn Khắc Tuyên cố thủ, đánh rất khó. Nguyễn Nhạc sai nghĩa quân nhốt mình vào cũi, chọn một viên thổ hào làm nội gián, khiêng mình đến trước cổng thành nói đã bắt sống được Nhạc, đem nộp quan. Tuyên mừng quá, cho tống giam vào ngục, chờ giải về Thuận Hóa lập công, không ngờ nửa đêm nội gián mở cửa ngục, Nguyễn Nhạc thoát ra ngoài, cho mở cửa thành, tìm giết Tuyên và chiếm thành Quy Nhơn, cuộc khởi nghĩa thành công bước đầu từ một binh pháp hao hao như chuyện con ngựa thành Troie.

Thế nhưng chuyện nội gián ly kỳ là trong chuyến Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhất, sau Nguyễn Hữu Chỉnh làm phản và ra Bắc lần thứ hai để trừ Vũ Văn Nhậm, là phò mã vua Thái Đức, chính là cháu rể Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ.

Câu nói nổi tiếng của Nguyễn Huệ với Nguyễn Hữu Chỉnh rằng, người tài đất Bắc không còn ai, chỉ ngại ông thôi, Nguyễn Huệ biết Nguyễn Hữu Chỉnh sẽ phản sau khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhất “phù Lê diệt Trịnh”. Khi về Nam, Nguyễn Huệ trước mặt Chỉnh thì dặn Nguyễn Duệ là một tùy tướng của Nguyễn Huệ phải giúp Chỉnh nhưng sau đó lại nói riêng với Duệ :

- Chỉnh vốn là người Bắc Hà, vì cùng đường phải vào hàng Tây Sơn. Hắn là người tráo trở, không thể tin cậy được. Đất Nghệ An này là quê hương của hắn. Người Bắc Hà ghét Chỉnh lắm, tất ngoài Nghệ An ra hắn không còn nương tựa vào đâu. Vậy ngươi để ý dò xét động tĩnh của Chỉnh, chớ nên nhẹ dạ mà mắc mưu hắn . Nếu có xảy ra việc gì thì báo cho phò mã để liệu cách đối phó.

Dặn Duệ nhưng Nguyễn Huệ còn bảo Vũ Văn Nhậm canh chừng Duệ bằng cách bố trí quân cảnh giác.

Là tướng tâm phúc của Bắc Bình Vương nhưng Nguyễn Duệ rơi vào bẫy của Chỉnh bằng vật chất khi Chỉnh ngày nào cũng tặng quà cáp. Duệ có ý làm phản, hợp cùng Lê Duật là người của Chỉnh. Vũ Văn Nhậm biết được cơ mưu, báo về Phú Xuân, trong thư viết : Xưa kia ta dùng Chỉnh là nuôi hổ trong nhà, nay lưu Duệ ở Nghệ An là bọc ong tay áo. Xin tiết chế cất quân ngay để trước trừ Nguyễn Duệ và Nguyễn Hữu Chỉnh, sau chiếm lấy Bắc Hà, cơ hội không nên bỏ lơ .

Lúc này Bắc Bình Vương và Thái Đức có chuyện hục hặc, còn lại câu ca “Dầu sao anh vẫn là anh – Nồi da xáo thịt sao đành hỡi em” nên không cất quân ra Bắc, lệnh cho Vũ Văn Nhậm ra Bắc diệt Duệ và Chỉnh nhưng Duệ trốn thoát, Vũ Văn Nhậm chỉ giết được Chỉnh.

Vũ Văn Nhậm là phò mã của Thái Đức, lúc này Nguyễn Huệ chưa lên ngôi hoàng đế, Nhậm tỏ ra kiêu căng, lộng hành, không khác Chỉnh bao nhiêu, gây oán thán trong dân. Hai tướng thân tín của Bắc Bình Vương là Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân được giao giúp Nhậm bàn với nhau : “Vũ Văn Nhậm khinh người quá. Hắn coi chúng ta là một bọn vũ phu. Phỏng hắn có giỏi dang gì. Từ khi ra đây hết đắp lũy lại tôn Duy Cẩn. Trong lòng chỉ chực chia quyền vua ta. Hắn muốn bắt chước Chỉnh thì cũng nên cho hắn đi theo Chỉnh” và nhặt nhạnh những lỗi lầm của Nhậm tấu trình, Bắc Bình Vương nghe tin, chỉ mang một toán thân binh ngày đêm ra Bắc lần thứ hai, tra hỏi và cho giết Vũ Văn Nhậm tuy bằng chứng làm phản của Nhậm không rõ ràng. Thật ra trước đó, Nguyễn Huệ giao cho Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân canh chừng Vũ Văn Nhậm .

Thời tiền khởi nghĩa Tây Sơn tình hình vô cùng rối ren, trong đó có các phe phái tranh giành nhau, không kể vua Lê, chúa Trịnh ; ngay nội bộ Tây Sơn cũng dàn trận đánh nhau, lòng người kẻ theo phía này, người bên kia là chuyện dễ xảy ra và Quang Trung - Nguyễn Huệ là người có phép dụng nhân khi để lại tâm phúc phía đối phương làm nội gián. Điều này tiếp tục thể hiện khi đánh 29 vạn quân Thanh, một mặt Quang Trung như thần phục, cho người dỗ ngọt Tôn Sĩ Nghị nhưng một mặt hành quân thần tốc đánh thành Thăng Long. Thiên XIII trong Binh pháp Tôn Tử là dụng gián, như chuyện Nhạc Phi dụng kế phản gián trừ Lưu Dự, Lưu Bang bỏ nhiều vàng dụng kế thắng Hạng Vũ ; Quang Trung Hoàng Đế đã rất có tài trong việc này vậy ./.

Trần Phi Châu
Khóa lớp 69 - 76

Tài liệu tham khảo từ sách của các tác giả của Phan Trần Chúc , Hoa Bằng , Quách Tấn ,Văn Tân , Nguyễn Phan Quang …

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét