Ở làng Cù, đất Nam Tượng, phủ Qui Nhơn (tỉnh Bình Định ngày nay) có ông Doãn, họ Khoách, đỗ cử nhân vào năm 1883, tức năm vua Tự Đức mất. Gia phả họ Khoách ghi : Gặp thời các vua ba ngày bốn tháng, ông buồn lòng ở luôn nơi làng quê, vui cùng cày cuốc và thú thi văn.
Theo di chiếu, Ưng Chân Dục Đức, con nuôi của Tự Đức, lên thay ngôi vua. Nhưng ở ngôi mới ba hôm đã bị các quan phụ chính hạ bệ, đưa em Tự Đức là Hồng Dật lên thay, tức vua Hiệp Hoà. Bốn tháng sau thì vua Hiệp Hoà lại bị các quan phụ chính buộc uống thuốc độc chết để đưa Kiến Phúc lên thay. Do vậy gia phả họ Khoách mới có câu "gặp thời các vua ba ngày, bốn tháng".
Nam Tượng là đất cằn, mùa hạ gió nam, khô buốt, mùa đông mưa sẫy, lún chân. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, cuốn viết về Bình Định, thì rặng núi phía nam đất ấy có tên Triều Sơn. Trong dãy hoành sơn này có núi Voi Nằm, tháng giêng hoa mua nở, tháng chạp chim sáo về trú chân, sao gọi là núi Voi Nằm thì không thấy sách ấy nói.
Tương truyền, ông Cử Doãn rất khoẻ, đã cùng dân làng nhấc hòn đá đè mả Vua Rang đặt sang một bên để chứng tỏ lớp con cháu đời ông không chấp nhận cuộc tranh giành đất đai của lớp người thuở trước. Vua Rang là người khai khẩn đất Nam Tượng, đã bị những người cùng thời giết chết, đem tảng đá to mà đè lên mộ .
" Không kể trong kinh hay ngoài các tỉnh , những người đã đỗ tiến sĩ, phó bảng, cử nhân, tú tài, trước đây đã từng làm quan nhưng đã từ quan về qu , hoặc thi đỗ mà thác cớ không chịu ra làm quan, nay, hết thảy phải ra làm việc nước. Quan địa phương phải có trách nhiệm cấp ngựa trạm cho họ về kinh. Người nào lấy cớ ốm đau chưa chịu đi thì, các quan địa phương phải cử người đến tận nơi xem xét hư thực ra sao. Ai không tuân theo dụ này sẽ bị tước bỏ văn bằng. Quan địa phương nào không khai báo nghiêm túc, có ý che dấu, sẽ bị nghiêm trị ".
Đấy là chỉ dụ của vua Kiến Phúc ban bố vào tháng hai năm 1884, đã được tóm lược lại trong hồ sơ gia phả họ Khoách. Một cuộc động viên chất xám để xây dựng đất nước thời bấy giờ. Nhưng không đầy bốn tháng sau, ngày mồng sáu tháng sáu năm 1884, bên triều đình Huế có các quan Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật và Tôn Thất Phan, bên phía Pháp có đặc phái viên của chính phủ Pháp bên cạnh hoàng đế Trung Hoa là Jules Patenôtre, đã cùng ký vào bản hiệp ước lấy tên hiệp ước Patenôtre. Điều một của bản hiệp ước : Nước An Nam thừa nhận và chấp nhận nền bảo hộ của nước Pháp. Nước Pháp sẽ thay mặt nước An Nam trong mọi quan hệ đối ngoại. Người An Nam sống ở nước ngoài sẽ đặt dưới sự bảo hộ của nước Pháp. Thật ra, vào năm 1883 trước đấy, lúc vua Hiệp Hoà chưa bị buộc uống thuốc độc chết, triều đình nhà Nguyễn đã ký vào bản hiệp ước Harmand, công nhận quyền bảo hộ của thực dân Pháp ở Trung và Bắc kỳ, bỡi Nam kỳ đã là đất thuộc địa của Pháp kể từ ngày ký các hiệp ước 1862 và 1874, dưới thời vua Tự Đức.
Lính phủ đến nhà nhắc lại chỉ dụ của vua :
- Nếu không đi , triều đình sẽ tước bỏ văn bằng cử nhân của ngài.
Ông Doãn liền mở hòm, lấy sắc chỉ đỗ cử nhân giao cho lính phủ.
- Xin làm ơn thưa lại với quan phủ, là kể từ nay Doãn tôi chẳng còn nợ nần với vua.
* * *
Ra cày đất sắn, ông Cử Doãn biết cách đặt cái hôm mì sao cho nhiều củ, biết làm cho con bò nhác ách cày chịu bước đi nhịp nhàng theo tiếng ví thá. Nhưng về nhà, ông là bậc văn nhân. Chính ông là khách thi văn của ông. Mà vợ con ông cũng là khách thi văn của ông. Nhà tranh ba gian, vách trét đất rơm, cột chống là cây trên núi Triều Sơn. Gian giữa thờ ông bà. Gian bên tả, nơi ăn ở của cả nhà. Còn gian bên hữu, cửa vào không có cánh đóng mở, bốn mùa gió lộng, có chiếu trải, bàn trà và nghiên bút.
Gia phả được đầy đủ đến mức vậy là nhờ trong những con ông có người tên Duận, thấy ghi là đỗ cử nhân vào thời vua Kiến Phúc .
Ông Cử Doãn thích uống rượu vào lúc sáng sớm. Rồi ngồi ngắm vầng dương đang rạng ở đằng đông. Nhà ông Cử Doãn xoay mặt đằng đông. Nên buổi sớm có mặt trời làm chứng cho tấm lòng thanh sạch sau một đêm có giấc ngủ chẳng vướng chút bụi trần. Ngắm mặt trời lên, rồi đi bắt sâu cho cây tùng, cây mai, cây nguyệt quế. Ông nghĩ trồng cây kiểng giống như cầm bút mà viết ra thi văn. Đấy là việc sắp xếp lại cái đẹp đã sẵn có. Cỏ cây, và tiếng nói, là những thứ đã sẵn có trong đất trời.
Cây nguyệt quế hỏi ta : Có phải từng đêm ông đã đem bớt hương thơm của ta mà làm thức nhắm cho mình? Ta liền đáp : Hỡi loài giống quí của trời, chớ buông lời thô lỗ. Bỡi trời đã ban riêng cho loài giống cỏ cây các người đến hai lỗ miệng, là lá để hút khí trời mà sống, là rễ để uống nước trời mà lớn lên, vậy thì ngươi lấy lỗ miệng nào để buông lời thô lỗ? Cây nguyệt quế liền hỏi lại ta : Nhưng trời đã ban cho giống người chỉ mỗi lỗ miệng, thì ai thốt nên áng thi văn cao nhã, ai buông lời độc ác, dối gian ? Ta liền đáp : Thế là ngươi đã thấu hiểu được loài giống của ta. Đem cái miệng kia gán cho vua Văn Vươn , Vũ Vương thì thiên hạ thái bình, cơm no áo ấm. Nhưng đem gán cho ông Kiệt ông Trụ thì ngói lở, trúc tan.
Ông Cử Doãn nghĩ xong cuộc chuyện trò cùng hoa kiểng, thì liền gọi vợ con :
- Hãy lên Gác khuê văn mà nghe ta nói.
Gian nhà bên hữu có sẵn thuốc rê, nước lá nhẫn lồng sao khử thổ, và bút nghiên, ông Cử Doãn gọi là Gác khuê văn. Cây nguyệt quế hỏi ta ... Ông Doãn uống xong bát nước lá nhãn lồng, thì nhắm mắt lại mà đọc.
Bà Doãn hỏi :
- Có phải vì tức giận chuyện vua mà làm ra chăng ?
Đáp :
- Ta muốn làm cây mua trỗ hoa tháng giêng trên núi Voi Nằm, nhưng gió cứ muốn bầy sáo tháng chạp không thể trở về nơi tổ ấm.
Con trai là Duận, hỏi :
- Con người là giống linh ư vạn vật, sao trời chỉ ban cho mỗi lỗ miệng ?
Ông Cử Doãn liền cất tiếng ngâm :
- Ngọn kích gãy chìm trong bãi cát đã lâu ngày mà sắt vẫn chưa tan. Ta đào lên đem mài rửa đi, nhận ra rằng đấy là vật của triều đại trước .
Ngâm xong thì nói :
- Đấy là thơ ông Đỗ Mục bên tàu, nhắc chuyện Đông Ngô đốt Tào Tháo trên sông Xích Bích. Việc thế nhân có đảo điên cũng chỉ do những lời thốt ra từ nơi lỗ miệng .
Những cuộc bình thi văn như vậy vẫn thường xảy ra. Ông Doãn làm ra thi văn, và tự bình lấy.
Một hôm Duận hỏi :
- Lúc vua đang cần, sao lại không ra giúp ?
Thì ông Doãn đáp :
- Sao nỡ trách chim hồng chim hộc, giữa lúc chẳng còn khoảng trời cao rộng …
* * *
Ở làng Cù, đất Nam Tượng, nay chỉ còn người cháu mấy chục đời thuộc họ ngoại của ông Doãn, kẻ đang lưu giữ hồ sơ gia phả họ Khoách. Còn họ chính của ông chẳng còn ai. Thơ văn ông Cử Doãn bài nào cũng thăm thẳm. Rất tiếc là không được sưu tập vào sử sách.
Gia phả họ Khoách còn ghi : Vào lúc gần cuối đời, ông Cử Doãn có làm một bài từ khúc, lấy tên là Triều Sơn Phẫn Khúc, đem phân phát khắp nơi, rồi rủ những kẻ vũ dũng ở các vùng lân cận vào núi Triều Sơn đốn cây chặt gai, làm một bức luỹ dày dưới chân dãi núi ấy, để phòng khi có việc chống giặc ngoại xâm thì dùng đến. Bọn họ vừa cày đất trồng sắn gieo lúa, vừa rèn dao kiếm. Bấy giờ thì vua Hàm Nghi đã xuất bôn. Hịch Cần Vương đang ban truyền khắp nước.
Ông Cử Doãn nói với những người đang cày đất sắn với mình :
- Ta nay có Gác khuê văn ngay nơi quê nhà, đã thoả thuê cùng thú thi văn. Chỉ sợ con cháu mai sau không còn có được thú vui tao nhã ấy, nên ta phải vội vã cùng anh em cày đất gieo lúa và mài dao kiếm để may ra có làm được điều gì chăng .
Nguyễn Thanh Hiện 1998
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét