Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

THƯ GỞI BẠN

TẠI SAO TÔI CHỌN ĐỀ TÀI “GIỌNG BÌNH ĐỊNH” ĐỂ THUYẾT TRÌNH

Thầy Đào Đức Chương

San Jose, ngày 25- 10 2010
Bạn H. mến,

Tôi chọn đề tài Giọng Bình Định để thuyết trình trong Hội Nghị Quốc Tế về Tiếng Việt: Lịch Sử và Giảng Dạy, tổ chức tại Westminster (Nam California) vào năm 2007, vì muốn nhân cơ hội này trình bày cho quan khách hiểu rõ về giọng nói của quê hương mình. Một giọng nói không phải hoàn toàn khuyết điểm, quê kệch, như một số người lầm tưởng qua thành kiến: nào "Dân Xứ Nẫu", nào "Dân Củ Mì", nào "Dân Bình Đượng, ...".

Là một đề tài nghiên cứu về tiếng địa phương, qua phương pháp biên khảo, không thể chỉ phô trương cái tốt và chối phăng cái xấu của một giọng nói. Bởi thế, công bằng mà nói, Giọng Bình Định có nhiều khuyết điểm nhưng cũng lắm phần ưu điểm.

Trên toàn cõi Việt Nam, không có một nơi nào phát âm hoàn toàn đúng, mà cũng không có một nơi nào phát âm hoàn toàn sai. Bình Định, quê ta, cũng nằm trong định luật ấy. Cái điều quan trọng ở đây, là giọng nói ấy, có tầm ảnh hưởng thế nào đến các vùng khác hay không?

- Vâng, Bình Định nằm giữa và tương đối cách đều hai đầu của nước ta. Bình Định là nơi đón nhận dân định cư từ Miền Bắc và Bắc Trung Việt (thời Lê Thánh Tông); và cũng là nơi tuyến đầu của cuộc Nam Tiến (thời Chúa Nguyễn). Vì vậy, giọng nói Bình Định mang vai trò gạch nối giữa giọng Bắc, Trung, Nam.

- Ngoài ra, xét về mặt chức năng của ngôn ngữ, Bình Định còn có những thổ ngữ đa năng đa dụng vô cùng. Đơn cử, tiếng "nẫu", một đại danh tự chủ yếu dùng cho ngôi thứ 3 số ít cả số nhiều, nhưng cũng có thể dùng ở ngôi thứ nhất và thứ hai một cách linh hoạt và sáng tạo.

- Lối nói lái của Bình Định, xét về mặt cấu trúc từ ngữ, rất khoa học và có qui củ, hơn cả lối nói lái của người Bắc.

- Về phát âm, người Bình Định chỉ lười cách phát âm cho tròn tiếng, chứ không phải không thể phát âm đúng. Chẳng hạn, ngoài Bắc có một nơi, không phát âm đúng phụ âm khởi đầu L, muốn nói "cái lò" phát âm thành "cái nò", "làm ăn" phát âm thành "nàm ăn" mà không thể sửa đổi được.

Chính vì muốn xóa tan những thành kiến nêu trên, tôi quyết định chọn đề tài này. Một đề tài mà tôi có những thuận tiện để viết nên, có dịp tiếp xúc với nhiều người ở các miền của đất nước, đối chiếu giọng nói và thổ ngữ của tỉnh nhà với các nơi khác. Vâng, thời gian học ở Trường Trung Học Cường Để (1955- 1958), tôi ở trọ nhà người Bắc. Lúc đi học xa, sống ở Nha Trang, Huế và Sài Gòn. Những năm dạy học, tôi thường về miền quê, nói chuyện nhiều với phụ huynh học sinh vùng Tuy Phước, An Nhơn. Lúc cải tạo ở Kim Sơn (huyện Hoài Ân), được tiếp xúc với những bạn tù ở vùng Bắc Bình Định và Quảng Ngãi (khi ấy sáp nhập hai tỉnh). Khi tôi bị tù vượt biên ở Vĩnh Long, nhốt chung phòng với nhiều người Miền Lục Tỉnh. Sau đó, lại sống nhiều năm ở Bình Long (tỉnh Sông Bé) và Sài Gòn cho đến ngày xuất cảnh. Đến nay, đã 17 năm ở Mỹ, lại được trao đổi nhiều với đồng hương các hội: Bình Định Nam và Bắc Cali, Liên Trường Qui Nhơn, Cường Để & Nữ Trung Học, Liên Trường Lại Giang, Hội Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa... Và với phương tiện truyền thông hiện đại, dễ dàng liên lạc với tất cả những bạn cũ, mới, khắp mọi miền đất nước, cùng chung cuộc đời tị nạn.

Bên cạnh những thuận tiện nêu trên, vẫn có điều trở ngại, vì tôi xa quê từ 1980, không thể cập nhật được những thổ âm thổ ngữ ở quê mình, mới phát sinh hoặc đã lui vào dĩ vãng không còn thông dụng nữa.

Và cũng chính vì hoàn cảnh phải ly hương, đã thôi thúc tôi biên soạn đề tài này để những thổ âm thổ ngữ đặc trưng của miền đất chôn nhau cắt rốn vẫn mãi mãi theo tôi trên bước đường viễn xứ.

Đấy, những tâm tình của tôi khi biên soạn đề tài này và chọn thuyết trình.

Sau cùng, tôi tặng Hạnh đoạn thơ của tôi viết về Quê Hương, và đó cũng là lý do tại sao tôi dành nhiều thì giờ viết những đề tài về Văn hóa, Giáo dục, Lịch sử và Địa danh tỉnh nhà ngày cũ thân thương đầy ắp kỷ niệm của chúng ta:

Tôi lớn lên trong vườn khoai ruộng thóc
Đọt rau bùi, trái chín ngọt tình thương...
Nhờ hai buổi trường làng, tôi biết đọc
Luyện tay mềm, tôi viết chữ Quê Hương.

Con mương sau làng chảy từ Vinh Đông xuống Vinh Tây

Tôi nhớ mãi con mương làng câu cắm,
Những đêm mưa đơm dẹp ở sau nhà,
Mùa keo chín tu hú về rộn lắm
Đất viên tròn làm đạn bắn chim sa...

Cổng làng Vinh Thạnh xóm Vinh Tây

Quê thương quá! Giờ muôn vàn xa cách
Biết còn không, hình nét nhớ thân yêu ?
Bước gian truân chưa dám hứa ra nhiều
Nhưng vẫn hẹn trong tim ngày tái ngộ.

Trích Quê Tôi Nhớ (đoạn cuối)
Trong tập Đời Viễn Xứ, 2001, VIỆT THAO


Chào H. quý mến

Việt Thao Đào Đức Chương
(San Jose, CA, USA.)

* Thành thật cảm ơn Thầy Đào Đức Chương đã cho phép Quang Trung Bình Khê sử dụng, đăng bài của Thầy

9 nhận xét:

  1. Nẫu cười nẫu bảo thịch
    Xé phay chấm muối mặn mà tiêu chanh
    Nẫu cười đôi mắt nong nanh
    Niếc qua nghiêng nước,nghiêng thành nàm thao ?
    Nẫu cười nẫu nói thao thao
    Lồm en thớt boát biết bââu giờ gièo ! ...

    Nẫu dẫy mà đi chê nẫu !?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chỉ mấy câu thâu mà “phe” bao nhiêu là” giọng”...để đời bất hủ !

      Cảm ơn anh “Tấn Gu “ nhé !

      Xóa
  2. Dzẫy là “Giọng Bình Định” cũng nẩu tiếng gơ hén !

    Dzậy mà lâu rầu cứ bị thiên hạ dèm !

    Chỉ thấy cái xấu …mà không thấy cái tốt…! Có lẽ…

    Cảm ơn QTBK về bài thuyết trình của Thầy ĐĐC !

    Trả lờiXóa
  3. Khắc Tuấn20:55 12/4/12

    Tiếng Bình Định có chất giọng riêng độc đáo dzẫy mà Nẫu xa quơ hông giữ được hắn !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. nguyen ngoc tho22:18 12/4/12

      KT ơi ! Nẫu nào tui hổng biết ,chớ riêng Nẫu này thì trên 32 năm rầu dzẫn dzậy !

      Tiếng Quê hương _ Nơi” chôn nhau cắt rún”thì có dzì xấu nào ?

      Phải hãnh diện mới phải chớ !Đó là nét riêng của mình mà !

      Xóa
  4. Giọng Bình Định nói ra nghe thấy cục mịch củ mì, nhưng đọc chính tả âm nào ra âm nấy. Đây chính là ưu điểm của Giọng Bình Định quê ta đấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xuân Đào07:44 13/4/12

      Ngày nay, người B.Đ. đa số đã bỏ cái thói quen (chỉ những người ít học)âm ê đọc thành ơ, nếu phân biệt được âm t,c (cái bát, bác học) ,n,ng (cái bàn,cây bàng)d,gi (làn da,gia đình)... thì giọng nói người B.Đ.Chuẩn không có vùng miền nào bằng.

      Xóa
    2. Đúng như thế Bác Xuân Đào.
      Nhưng người Bình Định mang cái tính sởi lởi như người Nam Bộ, cách nói không ngắt âm, không khít rin kẽ răng, nên âm t,c hoặc d, gi ... người Bình Định khó chuẩn khi nói.
      Chỉ chuẩn khi đọc.

      Xóa
  5. Nặc danh19:19 13/4/12

    Ướt gì 19/2/2013- sinh nhật lần thứ 2 trang blogspot này- thầy Đ Đ C dìa quơ tham dự dới mình thì hay quá chừng quá đẫu hắn !

    Tui rất dui dì thấy các bạn cũng không ai chê bai dì tiếng BĐ mình nè !

    Trả lờiXóa