Tôi xa quê đã lâu, ăn Tết quê người đã bao nhiêu cái Tết, nhưng không quên được Tết quê nhà thuở tôi còn thơ.
Mới đầu tháng Chạp, các chợ Gò Chàm, Đập Đá, Cảnh Hàng ... đã nhộn nhịp cảnh mua bán những mặt hàng ngày Tết: Vải vóc, quần áo, gạo nếp, dụng cụ gia đình ... Từ ngày 22 trở đi, chợ còn nhóm đêm nữa. Tôi mừng lắm mỗi khi được mẹ dẫn đi chợ Tết. Thế nào tôi cũng vòi vĩnh mẹ mua cho được, khi thì con gà cồ đất, khi thì anh giã gạo bằng gỗ, cái trống rung bịt giấy bong ... Đem về nhà, tôi chơi với những đồ chơi ấy không chán, tôi thúc dậy sớm để gáy con gà cồ đất lúc sáng sớm, rồi đi học. Và còn đem đi khoe với lũ đồng trang lứa trong xóm.
Mấy ngày trước Tết, nhà nào cũng lo trang trí nhà cửa, lau chùi bàn thờ gia tiên, tham gia tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm. Các cái hàng rào xanh được cắt ngay ngắn. Nhiều nhà trồng trụ đèn trái ấu, cây nêu cao ở trước sân, dán câu đối Tết ở hai trụ ngõ. Các chợ chỉ bán hoa giấy ngũ sắc cắt thủ công, dán vào cọng thép hoặc thanh tre chuốt mảnh tạo thành cành huệ, cành cúc, cành mai...được nhiều người mua, bảo là về chơi cho bền. Nhiều nhà trồng cúc, thược dược, vạn thọ ... hoa nở khoe sắc khoe hương như một báo hiệu Xuân sang.
Mỗi năm, mỗi Tết qua đi, tuổi tôi mỗi lớn khôn. Mỗi lần sắp đến Tết, tôi thấy người ta ra chợ, mua những tấm bức đại tự viết chữ Phước hoặc Thọ hoặc chữ Thái Sơn hoặc Càn Khôn về treo trên bàn thờ ông bà. Các thầy đồ ngồi viết bức thờ khăn đen, áo dài đĩnh đạc, chữ viết như "Phượng múa rồng bay". Mà khách mua cũng là những người đàn ông thành tâm, lịch sự, bà ba trắng guốc mộc, thưa gởi rất lễ phép với thầy đồ.
Không ít nhà treo tranh Tết mua ở các hiệu tàu trên Bình Định, Đập Đá ... Tranh Đông Hồ Húng dừa, Đám cưới chuột, Đàn gà mẹ con ... kén người mua. Người ta mua tranh ''Tứ bình" in mộc bản Mai – Lan – Cúc – Trúc, Bát Tiên, Mục Kiền Liên, Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Quốc Toản ... Mẹ đi chợ Phú Đa mua về một bộ tranh Phũ Đỗng Thiên Vương đuổi giặc Ân treo ở phòng khách. Đi học về thấy tranh, tôi và thằng Út dán mắt vào xem. Thấy thế, đến tối mẹ giảng sự tích Tháng Gióng cho nghe, để tôi nhớ suốt đời.
Tôi cảm thấy hạnh phúc gia đình ở đêm 30 Tết: Gia đình tôi đoàn tụ và cả nhà thức để đón giao thừa. Ba làm cai lục lộ, quanh năm đi làm xa nhà, chị Hai buôn bán với các cô gái hái chè ở đồn điền chè Bàu Cạn, đến chiều 30 Tết mới lục tục về để cho mẹ trông đợi. Nhà trên, Ba đã thắp đèn nến sáng choang và báo cho chúng tôi giao thừa đã đến. Lòng tôi bồi hồi cảm động vì thấy bao điều thiêng liêng ở phút giây này. Gương mặt của mọi người trong nhà đều tươi vui. Mẹ đi thăm nồi bánh tét còn chị Hai thì ngồi tỉa tót những bánh hoa qủa: Mãn cầu, chanh, ớt ... bằng bột nếp nhuộm màu, trông giống như thật. Sáng Mồng một, mẹ dặn mọi người phải tử tế với nhau để cho cả năm gặp toàn chuyện vui. Tôi và thằng Út, nhỏ nhất nhà, nghe mẹ nói thế, mừng lắm. Chị Hai dẫn tôi và thằng Út Nhàn ra đường làng, chị bảo là đi xuất hành. Có đông người đi xuất hành như chị em chúng tôi. "Chí cha chí chát khua giày dép'' (TTX) và lược là phấn son làm rộn lên âm thanh và sắc màu con đường làng sáng Mồng Một Tết.
Mấy ngày Tết, các đình làng ở trong vùng đều có tổ chức các trò chơi : Đánh bài chòi, đánh đu, đập ấm, bịt mắt bắt dê ... Người trong làng ra xem. Chàng trai cô gái làng nọ sang làng kia xem như thể vừa du xuân vừa giao duyên để sau đó đã có bao ''chuyện tình'':
Trai Thuận Thái nhớ gái Kim Tài
Trách con sông Gò Chàm nó chảy, rẽ hai chúng mình.
(Ca dao)
Đình Trung Lý, đình Tân Dân, chùa Ông trong thành Bình Định, Tết nào cũng xổ cổ nhân. Cổ nhân là một trò chơi đòi hỏi kiến thức, là dịp cho mấy thầy đồ ngồi sẵn hè phố bàn ''thai'' ăn tiền. Đánh cờ người thì hay tổ chức ở Cảnh Hàng, Háo Lễ ... Những nhà có học thức : Thư sinh, hàn sĩ, thầy đồ, tú, cử ... thường lấy việc ''khai bút'' đầu xuân làm thú tao nhã theo tinh thần:
Chẳng hay ho cũng đỗ Tú tài
Ngày Tết đến cũng một vài câu đối
(Trần Tế Xương)
Đến đêm Rằm tháng Giêng thì mọi người tụ hội về nhà ông Cử Nhì ở Thuận Thái để ''trình làng'' những bài thơ khai bút đó. Thật là một cuộc uống rượu ngâm thơ dưới vầng trăng Nguyên tiêu đầy thi hứng.
Từ mồng Năm trở đi diễn ra nhiều lễ hội ở các đình chùa : Vía Chùa Ông Bình Định 12, chùa Bà Liêm Lợi 17, Tổ nghề dệt Chùa Kén – Phương Danh 21, Thành Hoàng của các làng thì lần lượt mỗi làng một ngày ... Các lễ hội có cúng tế, hát bội, náo nức lắm, người xem đến mỏi mắt mà không chán. Đặc biệt, lễ hội Đống Đa, kỷ niệm trận đại thắng của anh hùng dân tộc Quang Trung, ngày mồng Năm Tết, là lớn nhất. Người đi trẩy hội, từ các nơi đổ về Điện Tây Sơn (Nay là Bảo tàng Vua Quang Trung) như nước chảy.
Đã gọi là ăn Tết, cho nên Tết phải có ăn :
Chẳng phong lưu cũng ba ngày Tết
Keo kiết như ai cũng rượu chè
(Trần Tế Xương)
Mấy ngày Tết, khi thì ba mẹ dẫn, khi anh chị cho đi theo, tôi được đi thăm Xuân, mừng tuổi, chúc Tết nhiều nhà trong dòng họ, bà con. Đi đến đâu, tôi cũng được tiền mừng tuổi, ăn bánh trái. Người lớn nói với nhau những câu chúc tụng, ăn uống nhiều rượu thịt.Trong làng, có nhà Phú ông và mấy người Chức việc có phúc lộc, được tá điền, thuộc cấp đi Tết gạo nếp, gà vịt, bánh trái, trà rượu ... để chật nhà, ăn Tết to lắm. Tôi nhớ món ngon ngày Tết của quê tôi : nem chua, chả lụa, thịt thưng, thịt bì ... Thứ nhất, nhớ bánh tét của mẹ làm. Mới đến ngày đưa ông Táo về Trời, 23 tháng Chạp, mẹ đã lo chọn nếp ngon, đậu xanh đều hột, đặt phần thịt heo đậu tay ... Mẹ bảo đâu đó cho sẵn để đến sáng ngày 30 dậy sớm gói bánh và nấu cho kịp đến giao thừa thì bánh chín. Bánh tét của mẹ nấu chín rồi, lột lớp lá chuối thấy cây bánh xanh, tét ra mặt miếng bánh mịn, nhân bánh ở giữa, phảng phất mùi thơm ngon. Ăn với thịt bì hay thịt heo phay, dưa kiệu ... đều ngon. Có lần ngồi ăn bánh tét với cả nhà, anh Ba đố : Trong trắng ngoài xanh trỉa đỗ trồng hành, thả heo vô chạy. Đố là cái gì? Tôi nghĩ một thoáng, đáp : - Bánh tét. Anh Ba khen tôi thông minh cho tôi vui, chớ câu đố đó dễ ợt. Tôi nhớ mâm cơm ngày Tết, mẹ dọn lên bữa nào cũng tinh tươm: Đủ thứ thịt (kho tàu,thưng, bì) bánh tráng, dưa kiệu, dưa leo, nhiều bữa có nem chả ... Ba tôi vừa ăn vừa uống. Ba tôi bảo một năm được uống rượu Bàu Đá mấy ngày Tết, ở quê người nhớ bao món ngon của quê hương.
.
Ơi nhớ ơi là nhớ !
Trả lờiXóaTết Quê Xưa của HKB đủ cả ăn lẫn chơi.
Đọc đến sao Đồ tui nhớ quá cái con gà cồ đất thổi toe toe hồi đũng quần còn trễ dưới mông. Thổi đến nỗi màu dính trắng cả miệng vẫn thổi. Con gà đất có bể cũng moi lấy còi tre kê vô tai lũ bạn mà làm cái hoét ... (Hê hê ! hồi nhỏ mà)