Quê hương tôi xứ nẫu Tây Sơn Bình Định gọi mẹ bằng má, gọi cha là ba. Má sinh ra trong một gia đình trung nông tại một làng quê nhỏ có Hầm Hô một thắng cảnh nổi tiếng của xứ Tây Sơn, có truyền thống cách mạng tham gia phòng trào chống Pháp của Anh hùng Mai nguyên soái.
Má lúc nhỏ được ông ngoại cho đi học tiểu học Pháp, má có vầng trán rộng và chiếc mũi cao, lúc nhỏ có người nói tôi hơi giống má, tôi rất tự hào, tuy nhiên có một điều tôi không thể giống má được là học giỏi. Thầy giáo của má sau nầy là thầy dạy Pháp văn của tôi có một lần gọi tôi lên bảng trả bài tôi không trả lời được, thầy bảo “Mẹ thì học giỏi còn con thì dốt” tôi như pho tượng mặt đờ ra còn cả lớp có một trận cười no bụng, song tôi không giận thầy.
Con gái của một gia đình có của cải dư giả được học hành và có chút ít nhan sắc, tha hồ ông ngoại tôi kén chọn con rể, trai tráng trong làng không dám để mắt đến má tôi. Đương nhiên thời buổi ấy ông ngoại tôi kén chọn con cháu của một dòng họ có danh tiếng và môn đăng hộ đối. Ba của tôi con của một già đình giàu có là cháu đích tôn của dòng họ nhiều đời làm quan triều Nguyễn, ông tổ của tôi làm quan dưới thời Minh Mạng cầm quân chống phỉ ở Ba Xuyên trận vong, có ông cầm quân chống Pháp đến xâm lược lần đầu tại Thuận An tử trận, có ông làm quan ở cấp tỉnh,… như vậy khó có trai làng nào địch nổi lại ba tôi.
Má tôi về làm dâu trong một gia định giàu có, không phải làm gì, song cũng có rất nhiều nỗi khổ đau của người phụ nữ trong thời đại này. Đối với má, ông nội chỉ có ước một điều là sinh cho ông một cháu trai để nối dõi tông đường. Má sinh đứa con đầu lòng là chị hai của tôi đương nhiên là gái rồi, ông nôi không được vui và đặt tên cho cháu là Cháu Gái. Ba năm sau má lại sinh một lần nữa ông nội đặt tên cho cháu là Cháu Trai, nhưng ông nội rất buồn, vì người con thứ hai của má là chị ba của tôi. Thật tội cho chị ba tôi, ông nội bắt buộc phải mặc quần áo con trai và đi đâu ông cũng dắt theo.
Bẵng đi một thời gian lâu ba năm sau nữa, má đã đem lại một niềm vui cho cả gia đình, anh Bốn ra đời, nhưng lúc này không còn ông nội nữa. Má rất vui và xem anh Bốn là của quý không có gì bằng, còn hơn mấy lần cái gia tài hàng trăm mẫu ruộng, bao nhiêu kẻ ăn người ở, tá điền làm việc của ông nội để lại. Ruộng đất của gia đình tôi là ruộng phong điền triều đình cấp, không phải làm địa chủ bóc lột để có đâu. Anh Bốn là một đứa bé rất đẹp trai, trông thông minh, nhà tôi nườm nượp người đến chúc mừng, song trái ngang thay, anh không sống lâu được với má. Sự ra đi của anh đã thay đổi cả cuộc đời má, đời má trở nên buồn tủi kể từ đây. Với áp lực của nho giáo phong kiến, ba tôi đã lén lút tìm người nối dõi cho mình ở bên ngoài. Song cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, má tôi biết được, điều gì xảy ra thì nó cũng sẽ đến, gia đình có hạnh phúc hay không?
Với má có rất nhiều cái 3 năm, như theo một quy luật. 3 năm sau tôi - một thằng cu ra đời. Quê tôi khi sanh ra con trai thì gọi là thằng cu, cu Tèo, cu Tí, sanh con gái gọi là bé, bé Huệ, bé Lan… Má rất quý và giữ gìn cẩn thận không cho người lạ mặt tiếp xúc, lớn lên cùng với thời gian đã được bốn tuổi, song nó vẫn chưa được đặt tên mọi người cứ gọi nó là cu Năm, quê tôi thường gọi theo thứ. Má muốn đặt tên cho con, nhưng với thân phận người phụ nữ thời ấy má không có quyền. Ba tôi vì chiến tranh nên chỉ học đến lớp 9, ba má muốn con lớn lên học hành nên người, nên hai ông bà bàn nhau đặt tên cho con là Tấn Khoa có nghĩa là phải tiến tới khoa bảng nói nôm na theo người nông dân ở quê là phải đổ đạt thành danh.
Má cứ tiếp tục những cái 3 năm và tôi đã có 3 đứa em trai nữa, nhưng tiếc thay lúc này ông nội tôi không còn nữa và ba cũng đã lỡ rồi, sự việc này cho tôi rút kinh nghiệm cái gì cũng phải kiên trì và chời đợi trong cố gắng. Trong thời gian này ba tôi đang làm ở Văn phòng Thông tin Vùng 2 chiến thuật, ba ở Đà Lạt và hay đi công tác ở các tỉnh, mỗi tháng chỉ về một lần, còn lại một mình má con chúng tôi nhà cữa thật là cô quạnh.
Sau năm 1975, gia đình tôi suy sụp, ba tôi đi cải tạo. Nhà tôi bị mất đi tất cả, đến cái chén ăn cơm cũng không có, hàng xóm láng giềng không dám tiếp xúc sợ bị liên lụy. Má sống trong tuỉ nhục, song má luôn luôn nhường nhịn những món ngon vật lạ cho các con, hy sinh tất cả vì con. Có những bữa má và chúng tôi chỉ có những lát củ mì, vài chén cơm cho 2 đứa em út của tôi, lúc này hai chị tôi đã đi lấy chồng.
Sau khi ba tôi mãn hạn cải tạo, gia đình tôi có khá hơn, ba thuộc diện HO, song má tôi không muốn rời bỏ quê hương, cái quê hương xứ nẫu má đã được sanh ra và lớn lên, ba tôi đành chịu ở lại quê nhà.
Cuộc đời của má còn nhiều đắng cay làm sao kể cho hết, song ở trong hoàn cảnh nào má cũng dạy cho các con có lòng vị tha, yêu thương lẫn nhau và sống có tâm, có đạo đức đó là điều quý nhất không có tài sản nào bằng. Anh chi em chúng tôi lớn lên đều ghi nhớ lời má dặn, có lẽ điều này đã làm cho má tôi vui nhất.
Ba đã yên nghỉ nơi chín suối, một minh má với tuổi trên 85, má tôi hằng đêm vẫn còn lo cho các con, nhưng lực bất tòng tâm. Má là người tôi yêu quý nhất trên đời này, tôi luôn cầu mong má mạnh khỏe và sống mãi mãi với con cháu.
Khoa Chè
Khóa 5 QuangTrung
BinhKhe
Thầy dạy Pháp văn hẳn là Thầy Đồng mình rồi phải không Khoa. Hai mẹ con cùng học một Thầy.
Trả lờiXóaChưa đâu Khoa. Hiếm ai được như Thầy mình, có nhà cả Ông rồi Con rồi Cháu đều học Thầy đấy.
Đung rồi là Thầy Đồng đó
Trả lờiXóaThôn An Chánh xa xôi quê mùa, không hiểu vì sao thuở xưa lại có một trường trung học tư thục, thầy Đồng dạy ở đó, má tôi học trò cũ của Thầy đã mời Thầy về ở trong nhà để đi dạy học, nhà Thầy ở xa tận Phú Hiệp….
Trả lờiXóaSau này lúc tôi học lớp 10, tôi nghịch gì đó không nhớ rõ, tôi bị Thầy nhéo tai và tra hỏi, con nhà ai ở đâu. Tôi trả lời dạ con ở An Chánh – Bình An. Thầy lại hỏi có biết ông Phạm …. Tôi lí nhí trả lời dạ bá má con,…. Kể từ đây tôi được thầy “chiếu cố” nhiều hơn tôi rất khổ sở, vì tôi rất đốt Pháp văn mà.