Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

SUỐI TỪ BI

Hoài An


                        Chim kêu dưới suối Từ Bi
                        Nghĩa nhân còn bỏ huống chi cái gùi …

Lần đầu tôi được nghe câu ca có tên những vùng đất ở địa phương tôi là từ bà nội. Những năm đó ba mẹ đi làm xa, bà ở trên Bác xuống trông chừng tôi, cái thằng tôi mới nứt mắt đã biết đi chọc ghẹo xóm làng. Anh hai tôi đã đi học ngày hai buổi, thằng em còn bế trên tay thì đã có chị Bốn hàng xóm trông coi.

Chị Bốn nhà chẳng xa là mấy, thỉnh thoảng có việc phải chạy về bên nhà, chị ru cho em tôi ngủ rồi mới dám chuyển tay qua cho bà. Bà lúc nầy mắt đã mờ. Em tôi ngủ say, bà vẫn đong đưa ru. Bà ru hát để dẫn dụ tôi ở bên cạnh bà, bà hát cho cháu ngủ, hát cho những câu ca chín muồi trong tâm thức chúng tôi :

                        Củ lang Đồng Phó
                        Đỗ phộng Hà Nhung
                        Chàng bòn thiếp mót đổ chung một gùi
                        Chẳng qua duyên nợ sụt sùi
                        Chàng giận chàng đá cái gùi lăn đi
                        Chim kêu dưới suối Từ Bi
                        Nghĩa nhơn còn bỏ huống chi cái gùi.

Đồng Phó là nơi chôn nhau cắt rốn của anh em chúng tôi, nay thuộc Thượng giang huyện Tây Sơn. Hồi đó Đồng Phó bé tí tẹo, nhưng Ông Ngô Đình Diệm đã từng đặt chân đến đây cắt băng khánh thành Khu Trù Mật. Khu Trù Mật có Hòn Lãnh Lương, ngày xa xưa là đồn tích lương thảo của khởi nghĩa Tây Sơn, có Hóc Yến dưới chân Hòn Bà Phù là nơi đãi yến tiệc cho nghĩa quân trước khi xuống Hòn Lãnh Lương nhận lương thực trong cuộc hành binh tiến chiếm huyện lỵ Tuy Viễn. Khoai lang Đồng Phó nổi tiếng ngon, sai củ, nhưng thời ông Diệm khoai lang Đồng Phó bắt đầu lép vế trước giống khoai các Khu Dinh Điền ở Tây nguyên. Nhắc đến khoai lang người ta chỉ biết khoai lang Lệ Cần Pleiku, ít tai biết khoai lang Đồng Phó một thời cung cấp lương thực cho nghĩa quân Tây Sơn.

Thời Tây Sơn khởi nghĩa, theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí, trước đó Nguyễn Nhạc làm biện lại Vân Đồn. Biện lại là một chức quan thu thuế. Chưa rõ Vân Đồn là đồn thuế nào. Nhưng theo truyền lại thì ở Cây Muồng bên kia Dốc Đất Đỏ bây giờ, nằm phía trên Phú Lạc (là nơi sinh ba anh em Tây Sơn) một chút, xưa xa có đồn thu thuế. Đồn thuế đứng bên bờ sông Côn, án ngữ đường giao thương từ thượng nguồn về hạ bạn. Sau nầy chúa Nguyễn cho lập thêm một đồn phụ (phó) ở Đồng Phó hiện nay. Tên Đồng Phó có lẽ thoát thai từ tên Đồn phó, cũng giống như thời Pháp, trong vùng có Đồn Đoan (cũng là đồn thu thuế) nay đã gọi trại đi là Đồng Đang. Thanh điệu giọng Bình Định lởi xởi trong ăn nói hằng ngày đã làm biến dạng các tên gọi địa danh.

Đồng Phó đứng bên nầy sông Côn, bên kia sông là đất soi bồi đậu phụng Hà Nhung. Tên hành chính vùng Bắc sông Côn nằm trên Bến Cây Muồng một chút nầy gọi là Hữu Giang. Nhưng lâu nay cư dân lân cận vẫn gọi theo tên cũ xa xưa là Hà Nhung. Hữu Giang của Hà Nhung, Thượng Giang của Đồng Phó, Tả Giang của Chợ Sạn bắt đầu có tên trên sách vở vào năm 1834, khi nhà Nguyễn áp dụng phép quân điền, phân lại xóm thôn ở Bình Định. Trước đây đọc một vài cuốn truyện dã sử, thấy cảnh tả Trần Quang Diệu cỡi ngựa đi qua Thượng Giang mà thấy tội cho một giai đoạn xuất bản, phát hành mà không cần biết bên trong cuốn sách nó như thế nào …

Từ Hà Nhung đổ ngược lên nguồn, những địa danh mang âm hưởng tiếng Ba na cũng còn dùng nhiều như Hà Rêu, Hà Nhe, Hà Nhì … Phía nam sông Côn, quanh lân cận Đồng Phó thì nhiều địa danh mang âm hưởng tiếng Chăm như Cầu Cà Ná, Cầu Ba La … Bên cầu Ba La ở Chợ Sạn, khi san ũi xây dựng Nhà Máy Đường, nhiều dấu tích lộ ra ở đây trước là nơi sinh sống của một làng Chăm. Năm 2003 nước lũ xói lở bờ soi Đồng Phó cũng xuất lộ di chỉ Champa. Cư dân xưa sống quần tụ nơi đây với cái gùi, củ khoai, trái đậu đã làm nên câu ca của vùng đất quê tôi.


Di chỉ Chăm - Đồng Phó
Người làm nên câu ca đến bây giờ làm sao lần cho ra. “Chiều chiều trước bến Vân Lâu, Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm…” xuất hiện chỉ mới đây thôi, đang ở trong thời đại ghi lại bằng chữ viết, nay nó đã đi vào ca dao mà chắc gì có người còn nhớ, còn biết tên người viết nên nó. “Củ lang Đồng Phó, đỗ phộng Hà Nhung …” của chúng tôi không thể tìm ra người viết nên nó, nhưng nơi đầu tiên nó xuất hiện, có thể xác định được là địa phương có suối Từ Bi. Cái mô típ (motif) “ngó xuống…”, “ngó lên…”, “chim kêu…” là những yếu tố định hình cho nơi xuất phát câu ca.

Từ Đồng Phó - Hà Nhung ngược lên nguồn sông Côn năm sáu cây số, có con suối nhỏ đầy cây Từ Bi được người địa phương Tây Sơn thôn Tiên Thuận xưa đặt tên cho là suối Từ Bi. Suối Từ Bi, suối Co Co … những con suối nhỏ nhưng ngọt ngào đã giúp bớt mặn mồ hôi của đoàn người xưa mở đất lên nguồn. Từ đây nhìn về Đồng Phó, Hà Nhung, họ là chứng nhân cho cuộc đổ vỡ của mối tình từng chung một gùi bòn mót cái ăn …

                        Chim kêu dưới suối Từ Bi
                        Nghĩa nhơn còn bỏ huống chi cái gùi …

Sau nầy đọc trong Nước Non Bình Định của Quách Tấn, ông dẫn giải câu ca là biểu tượng mối bất hòa của Đại Tướng Tây Sơn Võ văn Dũng với các sắc tộc thiểu số quanh vùng. Tương truyền sau khi bị bắt cùng vợ chồng Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân ở Nghệ An, Võ Văn Dũng trốn thoát được về quê hương, đem hai con của Nguyễn Nhạc là Văn Đức, Văn Lương và cháu là Văn Đẩu lẩn tránh trên vùng núi Đồng Phó, Vĩnh Thạnh, tại các làng người thiểu số trước từng hợp tác với nhà Tây Sơn. Quan hệ giữa họ với Võ Công sau không còn gắn bó nữa. Năm Minh Mạng thứ 12 - 1831, chú cháu Văn Đức bị bắt đem về Phú Xuân hành quyết, còn trơ trọi một mình, Võ Công lang thang như mây ngàn, rày đây mai đó khắp vùng thượng nguồn sông Côn …

Có lẽ từ câu chuyện lịch sử bất hòa ở trên, từ bước chân hạc nội mây ngàn của Võ Công mà câu ca có khi được đọc là “chàng đi” chứ không phải “lăn đi”

                        Chàng giận chàng đá cái gùi, chàng đi …

Câu ca nếu viết đến đây cũng đã đủ nghĩa. Nhưng từ suối Từ Bi, tiếng chim thốt lên : “nghĩa nhân kia người ta còn dứt bỏ được thì sá chi cái gùi lăn nghiêng lăn ngửa”. Chỉ thêm tiếng kêu ở suối Từ Bi mà gia tăng thêm độ đớn đau, độ ngậm ngùi khi nhẩm lại câu ca.

Cũng từ suối Từ Bi, thử đi tìm những câu ca theo mô típ “khoai lang – đậu phụng”.

Thôn Phong Thạnh, xã Ninh Lộc, Ninh Hòa Khánh Hòa xưa là tên làng Suối Ré, ngày trước trồng nhiều khoai lang. Còn xã Ninh Sơn có Hòn Vung, núi hình giống cái vú nên còn có tên chữ là Nhũ Sơn. Phương dao Ninh Hòa có câu :

                        Khoai lang Suối Ré, đậu phụng Hòn Vung
                        Chàng bòn thiếp mót để chung một gùi.

Theo trang tin Văn hóa – Thể thao – Du lịch của Thị Xã Ninh Hòa, câu ca không thấy nối tiếp các câu sau. Nhưng theo chi tiết về Hòn Vung, Hòn Vung xưa là đất chuyên trồng trầu nguồn, khi đàn bà giảm ăn trầu mới chuyển sang trồng đậu phụng. Như vậy khoai lang Suối Ré đậu phụng Hòn Vung xuất hiện sau củ lang Đồng Phó đỗ phộng Hà Nhung xa.

Gần hơn là Phú Yên, phương dao ở đây cũng đầy đủ như ở Bình Định (Theo vietgle.vn – Tri thức Việt) :

                        Khoai lang suối Mít
                        Đậu phụng hòn Vung
                        Chồng đào thiếp mót đổ chung một gùi
                        Đến bây giờ nhơn nghĩa sụt sùi
                        Chàng giận chàng đá cái gùi lăn chiêng
                        Chim kêu dưới suối Từ Bi
                        Nghĩa nhơn anh còn bỏ huống chi cái gùi.

Suối Mít của Phú Yên thuộc thôn Hòa Trinh, xã Sơn Định – Sơn Hòa, ngày trước dân ở hai bên bờ khá đông và chuyên trồng mít nên có tên gọi như vậy. Gần đó có hòn Vung thuộc thôn Hòa Ngãi xã Sơn Định. Các huyện khác như Sông Cầu có núi Hòn Vung, huyện Tuy An xã An Hiệp, thôn Phước Hậu cũng có Hòn Vung chuyên làm đậu phụng. Như vậy hòn Vung nào là hòn Vung có đậu phụng trong phương dao Phú Yên. Tìm đến suối Từ Bi, mới biết được ở thôn Mỹ Phú xã An Hiệp – Tuy An có suối cùng tên nằm cách hòn Vung chừng 5km.

Phương dao của Phú Yên không nhất thống các địa danh, dù mường tượng ra hình như nó xuất hiện không thể trước củ lang Đồng Phó đậu phụng Hà Nhung, nhưng ít gì nó cũng mang tâm tình của câu ca Bình Định. Tên lại trùng tên, chuyện lại trùng chuyện là chuyện thường tình, nhưng cùng chung mối thương cảm thể hiện nên câu ca đi vào lòng người chỉ có thể cùng chung tâm tình, cùng chung lẽ sống.

Suối Từ Bi, Hà Nhung, Đồng Phó, những địa danh đã đi vào câu ca. Câu ca ngậm ngùi nhân nghĩa đã lan truyền khỏi nơi xuất phát.

                        Chim kêu dưới suối Từ Bi
                        Nghĩa nhân còn bỏ huống chi cái gùi …

Suối Từ Bi, suối mang chữ của nhà Phật, mong sao suối mang dòng chảy đầy ắp tình thương đến với con người, để con người không quên nghĩa quên nhân, đừng để cho thế nhân gặp cảnh sụt sùi …

26 nhận xét:

  1. Một câu ca mọi người có thể đọc, có thể thuộc, nhưng chỉ có người địa phương mới rõ tâm tình, mới truyền được cảm xúc của câu ca đến với mọi người.
    Câu ca Bình Định các bạn thật đẫm tình.

    Trả lờiXóa
  2. Rất tuyệt!
    Với bài này thì tui không thể có gì để "phản biện", không thể có gì để không "đồng thuận" với TruongNghi được rồi!
    (Trước đây trên tayson 12abCường Để Quy Nhơn, tui cũng đã có vài trao đổi rồi).
    Chỉ có một chi tiết về Văn Lương, Văn Đức và Văn Đẩu thì có thuyết cho rằng các vị nhớ quê đang đêm về thăm Phú Lạc, bị nhân dân bắt giao nộp cho nhà Triều đình. Nhưng những thông tin này không có cơ sở để kiểm chứng

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết hay, tâm huyết với quê hương.
    Ngoài đó các anh chộp cho mấy tấm hình nữa thì tuyệt cú mèo.
    Đứng ngay đầu dốc cầu Lò Gốm đường 19 chộp một cái là có ngay bờ soi Đồng Phó lẫn Hà Nhung nằm 2 bên bờ sông Côn. Siêng nữa quay lưng lại bấm một cái có thêm Hòn Lãnh Lương. Bảo đảm ảnh sẽ đẹp.
    Các anh mà chịu khó thì lên 3km nữa chơi luôn Hóc Yến, Hòn Bà Phù, cảnh quan bi giờ nghe đâu đã đắp thành Hồ phong cảnh khá hữu tình. Đi thêm lên Tiên Thuận qua bên kia Bến Hà Rêu làm thiên ký sự Suối Từ Bi.
    Hảo hảo!

    Trả lờiXóa
  4. VinhK8 làm như ai cũng có tâm huyết hết vậy. Hêhê!

    Trả lờiXóa
  5. @ VinhK8:
    VinhK8 rành quơ hương BK ghê hén!
    "Hà Rêu" hay "Hà Riêu"? Hồi giờ tui chỉ nghe "Hà Riêu" thôi!
    @ Trâm Anh:
    "Tâm huyết" tụi nhà quê này không thiếu! Chỉ thiếu "Tài lực" thôi hè!

    Trả lờiXóa
  6. Đính chính:
    Type thừa chữ "nhà" trong "giao nộp cho nhà Triều đình"

    Trả lờiXóa
  7. Có thêm hình minh họa thì quá hay. Nhưng qua diễn tả của VinhK8 khác chi thấy hình.

    Trả lờiXóa
  8. Thỏ Con22:24 23/5/11

    *Vinhk8 có phải là nhíp ảnh gia thực thụ không hè?
    *.....
    Chồng đào thiếp mót đổ chung một gùi
    Chẳng qua duyên nợ sụt sùi
    Chàng giận chàng đá cái gùi lăn đi
    Chim kêu dưới suối Từ Bi
    Nghĩa nhơn còn bỏ huống chi cái gùi.
    Chỉ là lời trách móc nhẹ nhàng nhưng thâm thúy, khôn khéo, ấy vậy mà được Hoài An mở rộng tầm nhìn và giới thiệu quê nhà thật tâm huyết, làm người đọc tưởng tượng được con người và cảnh vật của quê mình.

    Trả lờiXóa
  9. Hổng phải dân nhiếp ảnh. Tui là dân bình khơ chính hiệu mà Thỏ Con. Sáng thấy gì thì thấy chớ đêm nằm là thấy bình khơ liền.

    Chàng bòn thiếp mót chớ hổng phải chàng đào thiếp mót đâu Thỏ Con.

    Trả lờiXóa
  10. Thỏ Con hổng thuộc bài gì hết.
    Anh Bửu Châu ơi, dân nẫu kiêu kiếu là phải viết kêu cứu, thiêu thùa phải viết là thêu thùa. Hình như Hà Riêu cũng y sì sì dẫy.

    Trả lờiXóa
  11. Thỏ Con22:58 23/5/11

    Thế là TC lai dân Phú yên đấy Vinhk8 à!

    Trả lờiXóa
  12. Chàng đào đâu nàng lượm đó thì cái chiện bỏ chung một gùi đâu có hay ho gì nữa. Người bòn chỗ nầy, người mót chỗ kia, rồi xúm tới từ từ ta bỏ dzô gùi, rồi nhoẻn cừ dí nhau. Tình tứ chưa ?

    Tình tứ dzẫy mới thấy thê thảm chiện đá cái gùi.

    Thỏ Con có lai lông lai lá thì được chớ ai nỡ lai lòng !?

    Trả lờiXóa
  13. Thỏ Con08:47 24/5/11

    Hoài An viết nè, hổng phải TC không thuộc mà TC để đào phai lang ở Phú Yên cho quãnh xĩn còn ở quê mình thì.. mót.. mới đúng bài chứ
    "Gần hơn là Phú Yên, phương dao ở đây cũng đầy đủ như ở Bình Định (Theo vietgle.vn – Tri thức Việt) :
    Khoai lang suối Mít
    Đậu phụng hòn Vung
    Chồng đào thiếp mót đổ chung một gùi
    Đến bây giờ nhơn nghĩa sụt sùi..."

    Trả lờiXóa
  14. Theo dẫn giải của bạn VinhK8, tôi thấy đúng là Chàng bòn thiếp mót sâu sắc hơn Chàng đào thiếp mót hay Chồng đào thiếp mót ... nhiều.
    Bạn VinhK8 có cái "liên tưởng văn học" thật tinh tế.
    Cũng là một tranh luận văn học, nhưng bạn tranh luận bằng những dí dỏm nhiều khi tôi cũng bật cười theo. Trong văn học sử, sự dí dỏm, trào phúng đúng nghĩa, bao giờ cũng ẩn dụ những "phát hiện" rất thuyết phục.

    Trả lờiXóa
  15. BuuChau,
    Trong một dẫn chứng của Đỗ Bang (đã quên mất nguồn), Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện có chép việc chú cháu Văn Lương bị bắt và xử chém năm Minh Mệnh thứ 12.

    Theo mình việc bị xử chém chắc là có thật. Việc bị bắt như thế nào, ai, và làm sao bắt được, đúng là cần phải có những kiểm chứng khác.

    Trả lờiXóa
  16. Xem lại thời điểm đăng các comments hồi hôm, đúng là hợp đồng tác chiến của Thỏ Con và VinhK8.

    Người nầy đào ra, người nọ mót lấy liền ... cách nhau chỉ vài phút đồng hồ.

    Thú vị !!!

    Trả lờiXóa
  17. Trâm Anh17:01 24/5/11

    Kết VinhK8 rùi à nha !

    Trả lờiXóa
  18. Mắc cỡ ghê! Hêhê!

    Trả lờiXóa
  19. Cám ơn, cám ơn mọi người đã tham gia cùng với bài viết.
    Thỏ Con ơi, câu ca không chỉ là lời trách móc nhẹ nhàng, thâm thúy, khôn khéo đâu. Câu ca tiềm ẩn nỗi chua cay, đau đớn tình đời, thấy rõ được nhờ ở 2 câu cuối đấy.

    Trả lờiXóa
  20. kinhthi54@06:18 26/5/11

    Bữa nay mới đọc!Thật tâm huyết ,cảm ơn Hoài An với Suối Từ Bi và VinhK8 đã gợi lại những địa danh,hình ảnh quê nhà mà mình từng biết!

    Trả lờiXóa
  21. Vừa rồi tui có dịp về thăm quê.Lần theo dấu vết xưa tui ghi lại mấy tấm ảnh bổ sung cho bài Suối Từ Bi mà cái còm trước đây còn dang dở. Những "Hóc yến ,...hòn lãnh lương..."chứng tích lịch sử oai hùng,buổi đầu khởi nghiệp của đoàn quân Tây Sơn,Suối Từ Bi lững lờ chở nặng mối tình sụt sùi Kinh Thượng ngày nào.
    Thật bùi ngùi , xúc động khi dừng chân trước Bến Hà Rêu

    "Ai về nhắn với nẫu nguồn
    Măng le gửi xuống , cá chuồn gửi lên"

    Mời quí vị dành vài phút hoài niệm xin nhấp vào đây

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trần Ẩn Danh11:25 15/1/12

      Bạn VK8 chụp hình còn thiếu.
      Đã đứng ở "lãnh lương" mà không có hình hòn lãnh lương,từ đấy nhìn về hướng tây bắc là núi ông Bình,ông Nhạc.Chắc bạn thừa biết tên khác của Nguyễn Huệ là Nguyễn Quang Bình.
      Xuôi QL 19 về đông nam khoảng bốn hay năm cây số là gặp hòn Ấn,bên phải là hòn kiếm.Ấn kiếm,huyền thoại khá ly kỳ nhà Nguyễn Tây Sơn.Gan lì hơn xuôi đò dọc theo sông Côn dạt đến bến Trường trầu,cảnh sông nước không kém phần thơ mộng.Đến Phú Phong may ra gặp anh Trần Viết Dũng đang đứng đợi đò chớp luôn một tấm là hết chỗ chê.

      Thế là hình có cảnh sông núi, có cả người nữa.

      Xóa
    2. Trần bằng hữu thân mến !

      Cám ơn bạn đã nhắc nhở,có dịp tôi sẽ cố gắng ghi lại những bức ảnh khí thiêng sông núi đã hun đúc người áo vải thành đấng anh hùng dân tộc mà chúng ta đáng hãnh diện về đất Tây Sơn quê mình.

      Xóa
  22. Chào gặp lại VinhK8.
    VinhK8 là nhiếp ảnh gia thực thụ rồi nghen.

    Trả lờiXóa
  23. Ái chà ... Nghe hai tiếng Hà rêu là ta liên tưởng liền cái cũ kỹ cổ xưa . Mà Khịa cũng công nhận phong cảnh nên thơ thật , trên đầu bến còn chỗ cũng rộng ta dựng ở đây một tửu quán thiệt hết sẩy. Nhậu tưng tưng ngứa mình chạy ra ùm xuống sông giải mát xong lên uống tiếp quá là thơ mộng.
    Tui mới đọc Suối Từ bi thấy nó ngậm ngùi thảm thảm làm sao á .
    Xin chia buồn một ly .
    Chít.t.t

    Trả lờiXóa
  24. Chào Trâm Anh

    Cám ơn T.A. đã không tiếc lời ca ngợi,
    Tui chỉ làm cái việc mà cảm thấy mình làm chưa tròn thôi.
    Nay gặp lại T.A. diện cái váy đầm xinh ghê.

    Mến

    Trả lờiXóa