Nhà Văn Nguyễn Mộng
Giác gọi Thầy Nguyễn Ngọc Liễn - Hiệu Trưởng Tiểu Học Quận Lỵ Bình Khê bằng
chú. Ông từng là Hiệu Trưởng Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn, Chánh Sự Vụ Sở Học
Chánh Bình Định, có nhiều tác phẩm xuất bản trước 1975. Định cư ở Hoa Kỳ năm
1982. Sau 1975 ông có tập truyện Sông Côn Mùa Lũ, viết dưới bối cảnh khởi nghĩa
Nhà Tây Sơn, in và phát hành tại Việt Nam.
Được tin ông mất, một
bạn đọc, thân hữu của Quang Trung Bình Khê đã chuyển đến một truyện ngắn của
Nguyễn Mộng Giác viết vào năm 1971. QuangTrung BinhKhe giới thiệu truyện ngắn
nầy với mọi người.
MÙA XUÂN CHO BÉ THƠ
Buổi sáng hôm đó, bé Thơ dậy từ lúc
mặt trời chưa mọc. Sương còn ngập đầy những khu rừng tiếp nối, cho nên nhìn
sang nhà bên kia, Thơ thấy mái tôn xám mập mờ ẩn hiện như căn nhà ma. Bé dậy đã
sớm, nhưng cha còn dậy sớm hơn. Cha đang ngồi trầm ngâm bên cái bàn nhôm, một
tay gõ bâng quơ trên mặt bàn, một tay lần tìm mấy sợi râu còn sót. Khác với mọi
ngày, hôm nay cha mặt áo lương đen và quần tây cũ. Đôi giày da bé thấy cha giấu
kỹ trong xó tủ, hôm nay được đánh bóng mới toanh.
Bé cũng được một đôi giày mới, mới
hơn đôi giày của cha nhiều. Cha mới mua cho bé chiều ba mươi Tết, lúc chủ tiệm
đã cố ý tỏ sự ơ hờ với khách mua để lo đóng cửa sửa soạn giao thừa. Bé muốn
mang giày ngay lúc đó, nhưng cha hiền từ khuyên lơn :
- Rán chút con. Rán chờ sáng mai
mang đầu năm lấy hên.
Bé Thơ nhanh nhẹn lặng lẽ trụt xuống
khỏi giường. Bộ đồ mới cha ủi thẳng hôm qua còn nguyên trên móc áo . Nhìn xuống
đũng quần, bé ngượng với chính mình, lại lo sợ cha biết bé đã trở dậy nên nhón
gót đi xuống bếp. Bé rửa mặt thật lẹ, gắng hạ thấp ca cho tiếng nước rơi khỏi
đến tai cha. Bé cởi cái quần ướt đầm và khai ngấy đêm trước, khép cánh cửa lại
rồi mặc quần áo mới. Tuy nhà chỉ có hai cha con, nhưng bé thấy cha luôn luôn
giữ gìn ý tứ lúc thay đổi quần áo. Cha bảo bé Thơ đi ra ngoài chơi, khép kín
cửa lớn rồi mới thay đồ. Bé khâm phục sự cẩn thận của cha. Để cho người khác
thấy bộ xương cách trí nầy thật không nên. Lúc mặc xong quần áo mới, lấy khăn
lau sạch lần nữa cái mặt còn ướt, bé Thơ mới dám đẩy mạnh cánh cửa ngăn. Ông
Thông hỏi :
- Thơ đấy phải không con ?
Bé trả lời :
- Dạ. Đi chưa cha ? Chờ con mang
giày đã.
Giọng ông Thông hết sức ngạc nhiên :
- Đi đâu ? Sáng nay mồng một, xông đất
nhà người ta, lỡ suốt năm họ làm ăn lỗ lã, đau yếu, mình phải nghe chửi mệt
lắm. Chờ chiều hãy đi quanh thăm mấy nhà láng giềng.
Bé Thơ không ngờ cha mau quên đến
như vậy. Mới chiều hôm qua, lúc bé phân bì nhà thằng Tèo có nhiều bánh trái và
có cả bình hoa mai to tướng, cha đã ngẩng mặt vênh vênh, ra vẻ tự đắc :
- Ối, hơi đâu mà so bì với người ta,
con. Mai cha dẫn con đi dự lễ, xem nhiều người mặc áo đẹp này, xem lính thổi
kèn này, xem lính bắn súng này. À quên, mai cha cho con thả một chùm bong bóng
xanh đỏ. Thích không?
Bé Thơ đã nói : Thích. Thích lắm. Bé
ngủ, và đã mơ thấy hằng hà sa số bong bóng không biết từ đâu bay về, chen nhau
vào trong cửa sổ buồng. Có cái bong bóng mầu đỏ ối. Có cái bong bóng mầu vàng
rực rỡ. Có cái mầu tím thẫm. Có cái mầu xanh xa trời. Có cái mầu lá cây. Có cái
mầu xám nguệch. Bé không thích mấy cái bong bóng sau cùng này. Chúng nó cà lắc,
mới rán chui vào đó đã biến mất đó. Cái mầu xanh bay ra cửa sổ và nhập vào sắc
trời. Cái xanh lá cây chui xuống khóm su hào và biến thành một nụ hoa. Cái mầu
xám chập chờn, bập bồng bay lên trên rồi thành một lá tôn. Chỉ có mấy cái bong
bóng đỏ vàng tím không trốn đi đâu dược. Bé nhảy lên chụp mấy sợi dây lại, được
dây nào cẩn thận cột ngay vào cổ tay trái. Cột được đến cái bong bóng thứ một
trăm, bé thấy người nhẹ nhõm. Tự dưng trần nhà mở ra như một phép tiên. Bé bay
lên không. Cha đứng dưới giàn su vẫy tay từ biệt. Thằng Tèo nhìn bé với đôi mắt
thèm thuồng. Bé bay lên tới phố, là là trên nóc hội trường, lướt qua đỉnh tháp
chuông nhà thờ, vươn cao lên khỏi trụ vô tuyến đăng, chụp bắt những áng mây.
Ông tiên vui có cái râu dài thấy bé lên đỉnh mây, rủ bé chơi trò cút bắt. Về
sau ra sao, bé quên mất, nhưng chắc chắn cha có hứa sáng nay dẫn bé ra công
viên dự lễ. Bé vừa mang đôi tất ngũ sắc vừa nói với cha :
- Cha bảo sáng nay cho con đi thả
bong bóng mà.
Ông Thông nghe con nói, giật thót
người như chạm phải điện. Ông chạy ra phía cửa sổ nheo mắt xem đồng hồ. Ở đây
mặt trời lên trễ, vì đỉnh núi phía đông quá cao và thị trấn nằm sâu trong lũng
thấp. Bóng tối còn lãng đãng đây đó, sương chưa tan hết trên từng khóm lá,
nhưng đồng hồ đã chỉ bảy giờ. Thôi chết rồi. Chỉ còn một giờ nữa buổi lễ bắt
đầu. Ông Thông chạy xuống nhà bếp khép cửa sau, chạy vào buồng khóa lại cái tủ
gỗ đựng quần áo, rồi đẩy nhanh cái xe đạp cũ ra cửa trước. Ông rối rít bảo bé :
- Mau đi con. Mau đi con. Thơ không
nhắc cha, thì nguy to rồi.
Bé gài mãi chưa được cái quai giày
xăng đan. Cha dùng hai tay xốc bé ra trước thềm, đóng ập cửa lại. Trong lúc tí
tách khóa, cha ngập ngừng, đăm chiêu như muốn tìm cái gì. Chợt cha à lên một
tiếng :
- Chút nữa cha quên cái bánh chưng.
Để hai cha con mình đem theo, lên khán đài ăn sáng luôn thể. Cha cứ hoang mang,
nhơ nhớ mình quên cái gì, hóa ra là quên ăn sáng.
Bé Thơ cười vui sướng, một phần vì
thấy cha vui tính bông đùa vào sáng đầu tiên của mùa xuân, một phần vì vừa gài
được quai giày. Cha lấy bánh xong, đưa cho bé cầm, lần này cương quyết khóa
thật nhanh nhưng cái ổ khóa cũ đột ngột trở chứng. Cha giật mạnh cái chìa mà
không ra, nó mắc kẹt trong ổ khóa. Đến lúc gắng sức giật ra được, ổ khóa lại
bật tung. Cha sắp mất kiên nhẫn, thì cái ổ khóa cảm thấy trêu chọc như vậy đã
đủ rồi, chịu nằm yên trong ngàm và chịu cho ông Thông lấy chìa dễ dàng. Nét mặt
cha bớt vẻ hăm hở ban đầu. Cha nghiêng xe đạp, quàng chân ngồi lên yên, ra lệnh
cụt lủn cho bé :
- Leo lên lẹ đi.
Tình thế đã đổi khác. Tốt hơn hết,
nên giữ im lặng cho lửa hạ xuống, cho gió mùa xuân sương mùa xuân làm nguội hơi
nóng giận. Thơ tự bảo vậy, nên chỉ bấu chặt tay vào yên xe chứ không dám ôm
lưng cha. Gió và sương mát dịu thật. Nhà cửa thiên hạ còn đóng im ỉm, nên con
đường chật hẹp hằng ngày trở nên quang đãng sạch sẽ. Chỉ có vài người từ phía
ngôi chùa trở về, tay vẫn còn cầm cành lộc non. Bé Thơ đoán niềm vui đã dần dà
nhen nhúm trở lại nơi cha, khi ông Thông trìu mến bảo con :
- Xuống đi con Thơ. Đứng đây đợi cha
đi gửi cái xe đạp rồi đến công viên.
***
Ông Thông đã gửi xong cái xe đạp ở
nhà kho Tòa Hành chánh. Nhưng lúc ra, ông đem theo cây chổi và cái phất trần.
Bé Thơ hỏi :
- Hôm nay lễ mà cha ?
Ông Thông buồn rầu trả lời con :
- Ừ, lễ. Nhưng cha không được nghỉ.
Ngày thường lao công lo quét dọn các văn phòng, lau chùi bàn ghế. Ngày lễ lo
quét dọn khán đài, phủi bụi trên ghế quan khách...
Hai cha con dắt nhau ra phía công
viên. Bé Thơ thấy thương cha tràn trề. Bé nói :
- Để con vác cái chổi.
Ông Thông vuốt đầu con :
- Con trai vác súng oai vệ hơn vác
chổi. Lớn con thích đi lính không ?
- Thích. Con bắn súng đoành đoành.
Con bắn chết mấy con chuột. Cha đưa chổi cho con vác, giả bộ làm súng.
Ông Thông cười, đưa cái phất trần
cho con bảo :
- Vác súng dài là lính trơn. Con cầm
cái súng ngắn nầy làm tướng.
Bé Thơ hỏi :
- Súng ngắn bắn có chết không cha .
- Sao không ?
- Lính dùng súng dài bắn lính bên
địch. Tướng dùng súng ngắn bắn tướng địch phải không cha ?
- Không. Mấy ông làm tướng chỉ cầm
súng ngắn lấy oai. Có oai để ra lệnh cho lính đánh nhau. Tướng không cần bắn
súng.
Bé Thơ không hỏi nữa, cắp cái phất
trần vào nách giống như cách ông đại tá cắp hèo duyệt binh, cười nói với ông
Thông :
- Cha coi đây. Con giống ông đại tá
đi nhìn lính hôm trước không.
Ông Thông cười lớn, ngắm một cách
thích thú đứa con trai lên sáu mặc quần áo mới, đang gắng làm điệu đi oai vệ
như người lớn, chổi lông gà cắp vào nách khó khăn nên đôi vai rùn lên, đầu
ngoẽo hẳn sang bên mặt. Ông Thông kêu Thơ lại :
- Thôi, oai lắm rồi, ông tướng. Lính
tráng họ đã hàng ngũ chỉnh tề rồi kìa. Con lên khán đài phủi bụi cái ghế nệm
nhung đỏ đặt ngay chính giữa. Rồi lần lượt phủi hết mấy hàng ghế sau. Làm cho
mau, chóng ngoan cha thương, lớn cha cho đi làm tướng. Để cha lo quét sơ cái
sân cờ.
Lính trong tiểu khu mặc áo thẳng
nếp, đang chỉnh đốn hàng ngũ và ôn tập thao diễn. Bé quen với cảnh nầy quá rồi,
nên không thèm để ý. Bé lo phủi bụi mấy hàng ghế trên khán đài. Ông lính mang
gương trắng ngồi góc bên kia nhìn bé với đôi mắt xoi bói nghi ngờ. Nhưng ông
không đứng dậy. Ông ta chờ bé đến gần hỏi trống :
- Ở đâu, làm gì đây ?
Người lính đứng dưới bục trả lời
thay cho Thơ :
- Thằng con lão lao công tòa hành
chánh đó đại úy.
Ông đại úy chưa tin, hỏi lại :
- Con ông Thông hả ?
Bây giờ bé Thơ mới trả lời :
- Dạ.
Đại úy không chú ý tới bé nữa, quay
sang hỏi người lính :
- Đã cho thử lại băng phát thanh
chưa ?
- Thưa đại úy, đã thử rồi.
- Bắt đầu từ chỗ nào ?
Người lính lúng túng :
- Từ lúc mở đầu bai quốc ca được
không đại úy ?
Viên sĩ quan khánh tiết bắt đầu nổi
sùng, nhưng hình như chợt nhớ hôm nay là ngày đầu năm, nên cố gắng nói thật chậm
để dằn giận dữ :
- Tôi đã bảo với anh là không cần
đoạn quốc ca. Ban quân nhạc của tiểu khu đứng sắp hàng dưới kia làm gì sáng
nay, mà anh để băng quốc ca. Anh nhớ kỹ cho tôi : lúc tôi điều khiển lễ thượng
kỳ, anh mở cái nút micro. Lúc tôi hô NGHIÊM để toàn thể quân cán chính long
trọng đoán nghe thông điệp của Tổng Thống, anh mới tắt nút micro và mở nút
tape. Đoạn, anh cho máy thu băng chạy. Nghe rõ chưa ?
Người lính tuy đã quá quen với công
việc, nhưng buổi lễ long trọng định vận hên xuôi của cả một năm, cùng những lời
dặn dài dòng của viên đại úy làm cho anh bối rối. Anh ta lắp bắp :
- Thưa đại úy nghe rõ. Lúc đại úy hô
NGHIÊM thì mở tape.
Ông đại úy giật mình hỏi lại :
- Tôi hô NGHIÊM khi nào ?
- Khi điều khiển thượng kỳ, đại úy
hô nghiêm thì mở tape.
Viên sĩ quan tức giận, đập mạnh tay
lên ghế quát :
- Ai bảo anh thế ? Lúc thượng kỳ,
anh mở tape làm sao ban quân nhạc tấu bài quốc ca.
Rồi ông kiên nhẫn nhắc lại thật chậm
những điều căn dặn, bắt người lính lập lại những điều phải làm. Một anh lính
khác chạy đến báo cáo :
- Thưa đại úy, bong bóng sắp đem về.
Phải nhờ ba cái bình xì mới mau như vậy. Tuy biết lụp chụp vội vàng, nhưng tụi
em không dám bơm sớm, sợ hơi đá xì hết thả không bay.
Viên sĩ quan trút bớt sự giận dữ lên
người lính vừa hớn hở tâng công :
- Anh biết bây giờ mấy giờ rồi không
mà chưa đem bong bóng về ? Chỉ còn có hai chục phút nữa thôi.
Nét mặt người lính xìu như cái bong
bóng bơm quá sớm anh vừa nói. Người lính lí nhí biện hộ :
- Thưa đại úy, chắc chắn kịp. Chiếc
Jeep sắp về ngay bây giờ.
Ông đại úy tự nhận thấy mình bất
công, hạ giọng an ủi :
- Thôi được. Cảm ơn anh. Nhớ dặn lão
Thông cách thả : mầu vàng trước tiên vì là mầu cờ. Mầu đỏ tiếp theo tượng trưng
cho mầu ba sọc, tới mấy bong bóng xanh mầu hy vọng. Cuối cùng, thả bong bóng
trắng như mầu cánh bồ câu hòa bình. Nghe rõ không ?
Tuy hỏi vậy, nhưng đại úy không bắt
nhắc lại kỹ càng như đối với người lính truyền tin. Ông bỏ khán đài chạy xuống
đoàn quân đang đứng ngay ngắn theo đội ngũ. Bé Thơ nghe lóm câu chuyện mấy
chiếc bong bóng, hí hửng phất cái chổi lông gà cẩu thả trên hàng ghế sau cùng,
rồi chạy về phía cha. Chiếc xe Jeep chở bong bóng đã trở về, và người lính chịu
trách nhiệm trọng đại đang lo giải thích cặn kẽ cách thả bong bóng cho cha của
bé Thơ. Bé đến nắm chéo áo lương của cha, nhưng ông Thông mãi nghe không chú ý
đến con. Ông cứ gật đầu lia lịa :
- Được, được. Anh nói sơ tôi đã
hiểu. Mầu vàng phải thả trước vì tượng trưng cho nền cờ. Mầu đỏ thả tiếp theo
vì là mầu ba sọc. Mầu xanh hy vọng. Mầu trắng bồ câu hòa bình.
Người lính không yên tâm, cố dặn :
- Bác nhớ kỹ chuyện thả bong bóng
sau thông điệp là sáng kiến của đại tá. Ông chú ý lắm đó. Bác thả bong bóng sai
thứ tự, là chôn sống tụi nầy đó nghe. Bác nhớ kỹ cho.
Ông Thông giải thích cho người lính
yên lòng :
- Tôi lanh trí lắm. anh khỏi lo. Cái
gì khó thuộc, tôi đặt vè là nhớ suốt hết. Này nhé, tôi chỉ cần nhớ câu này :
Da VÀNG máu ĐỎ cùng nhau.
Rừng XANH sao để TRẮNG phau xương
tàn.
Người lính vỗ tay cười, yên lòng bỏ
đi.
***
Bé Thơ không còn thấy gì khác hơn
chùm bong bóng trên đỉnh đầu. Y như trong giấc mộng, vì mấy chiếc bong bóng mặt
mày nhẵn nhụi tươi tắn nầy cũng cà lắc tệ. Chúng không chịu đứng yên. Cái nọ cọ
má vào cái kia, kêu ríu rít như tiếng chim sẻ mới ra ràng từ trong tổ ấm mừng
gọi trời xanh và cành lá bao dung. Mỗi lần gió lạnh từ đỉnh núi thổi thốc từng
cơn, là mỗi lần mấy chiếc bong bóng hớn hở nghiêng ngả. Ban đầu, sợi dây chỉ
còn thả dài, chiếc nào bềnh bồng ngả nghiêng theo hướng chiếc nấy. Càng về sau,
mãi lo cọ đầu nghiêng vai, chúng quấn lấy nhau, làm thành một chùm liên kết.
Cha lo âu nói với bé Thơ :
- Con coi chừng giùm cho cha. Chúng
nó dính chùm thế nầy, chốc nữa làm sao thả theo từng mầu được. Con cầm cho cha
mầu nầy.
Ông Thông đưa chum bong bong mầu
xanh cho bé cầm. tay bé run, bé sợ nó bay mất để nhập vào vim cao xanh như mấy
chiếc trong mộng. Ông Thông lại tưởng con lạnh, trách móc :
- Cha đã dặn mồng một hay mưa phùn
và mù sương. Năm ngoái năm kia cũng vậy. Con ưa mặc đồ mới, bây giờ lạnh run
thấy không ?
Bé Thơ trả lời :
- Con đâu có lạnh. Con sợ nó dằng ra
khỏi tay con, bay tuốt lên cao, mất hút không tìm ra. Nó xanh mầu trời hy vọng
hả cha ?
Ông Thông ngạc nhiên thấy con nói
một câu người lớn quá tuổi :
- Ai dạy con nói vậy ?
- Dạ ông đại úy dặn ông lính. Ông
lính dặn lại cha. Con nghe rõ mà.
Ông Thông cười, tự nhận cái lỗi lú
lẫn lẩm cẩm về mình. Thơ lấy chùm dây quấn nhiều vòng quanh cổ tay trái, trong
khi ông Thông lo gỡ mấy cái bong bóng xanh còn mắc dính vào chùm bong bóng
vàng. Lúc gỡ xong, ông lại thấy chùm bong bóng đỏ đã quấn chặt vào chùm trắng.
Ông Thông lo sợ, vì đằng trước khán
đài, đội quân nhạc đã khởi tấu chào mừng ông đại tá đến. Tiếng hô NGHIÊM dõng
dạc của ông đại úy lại càng làm cho ông Thông rối thêm. Ông đẩy bé Thơ ra xa
một chút nữa, rồi bảo :
- Con phải giữ thêm cho cha một chùm
nữa. Mỗi tay giữ một chùm. Nếu không, gió thổi già sẽ rối rắm hết.
Bé Thơ chỉ trông mong có thế. Ý bé
muốn giữ thêm chùm bong bóng trắng, có vẽ hình bồ câu, nhưng không dám đề nghị
với cha. Lỡ tham lam ôm đồm, không giữ chặt, bong bóng bay thì làm thế nào ? Bé
tự nhủ vậy, nên mỉm cười gật đầu một cách e ngại lúc nghe cha nói. Bé cố giấu
sự cảm động hân hoan :
- Cha đưa con giữ them mấy con bồ
câu cũng được. Bồ câu hòa bình hả cha ?
Ông Thông cột hai chùm vàng đỏ vào
hai cổ tay, rồi cẩn thận gỡ nhẹ mấy cái bong bóng trắng lém lỉnh hoang đàng.
Ông không nghe lời bé. Thơ thắc mắc hỏi nữa :
- Vì sao ông đại úy gọi là bồ câu
hòa bình hả cha ?
Ông Thông đem chùm trắng lại cho bé,
đích thân cúi xuống cột vào cổ tay phải cho con. Ông dặn :
- Con gắng dang hai tay ra cho hai
chùm khỏi quấn quít nhau. Bồ câu hòa bình hả ? Chuyện trong Thánh Kinh đó Thơ.
- Chuyện Thánh Kinh là sao hả cha ?
Ông Thông chỉ tay ra phía núi đồi
trước mặt :
- Con có thấy ngọn núi cao ngất và
thung lũng sâu mờ sương này không ? Con có thấy đám mây lưng chừng trời và suối
nước chảy dưới kia không ? Con có thấy chim chóc, thú vật, con kiến con trùn
không ? Cả loài người nữa. Con có biết ai tạo ra tất cả chừng ấy thứ không ?
Thiên Chúa đấy. Chúa tạo ra hết. Nhưng mọi sự diễn ra không đúng lòng Chúa.
Gian ác tràn lan trên mặt đất. Lòng người hướng về ngang trái nhầy nhụa. Ngài
đâm ra ân hận đã tạo ra dương thế nầy. Ngài buồn rầu tự bảo : Ta sẽ hủy diệt sự
sống do ta tạo nên trên khắp mặt trái đất. Từ sâu bọ cho đến chim muông.
Duy chỉ có ông Nô ê được Chúa thương
nên Chúa kêu ông ấy đến bảo rằng : Trần gian đầy rẫy tội lỗi, nên ta sắp hủy
diệt hết. Ngươi hãy dùng gỗ trám đóng một chiếc thuyền lớn. Ngươi hãy dẫn cả
gia đình vào sống sẵn trong thuyền. Ngươi hãy đem theo các loại sinh vật, loại
nào cũng đủ đôi đủ cặp. Riêng các loài thanh sạch, các loại chim trời, thì hãy
đem theo đủ bảy cặp. Ngươi cũng nhớ đem theo đủ thực phẩm cho gia đình ngươi và
các loài sinh vật ...
Ông Thông miên man kể theo trí nhớ
một con chiên ngoan đạo, không cần biết bé Thơ có hiểu hay không. Bé Thơ tròn
xoe mắt hỏi cha :
- Ông Nô ê có đem bồ câu theo không
cha ?
- Có chứ sao không. Bồ câu là loài
chim trời thanh sạch. Khi ông Nô ê làm theo lời Chúa dặn xong, thì Ngài khiến
mạch nước nơi vực thẳm tuôn ra, thác trên trời đổ xuống, mưa trút ào ào suốt
bốn mươi ngày bốn mươi đêm. Nước lũ tràn ngập địa cầu, đỉnh núi cao chìm sâu cả
mười lăm thước. Nước dâng đến một trăm năm mươi ngày, nên mọi vật trên quả đất,
từ côn trùng đến chim trời đều bị tiêu diệt.
Bé Thơ lại hỏi :
- Mấy con bồ câu có chết không cha ?
- Chết sao được. Ông Nô ê đã mang
chúng vào thuyền mà. Nước dâng cao bao nhiêu thì thuyền càng nổi bấy nhiêu, nên
bồ câu vô sự. Kế đó Thiên Chúa nhớ rằng có thể Nô ê đã hết lương thực nên Ngài
khiến gió thổi cho nước rút hết. Một trăm năm mươi ngày sau, khi nước rút
nhiều, thuyền của Nô ê mắc cạn trên đỉnh núi A mê ni a. Nô ê không biết trận
lụt lớn đã hết chưa, bèn mở cửa thuyền thả chim quạ bay đi. Quạ bay về phương
trời xa, Nô ê chờ mãi không thấy nó bay trở về.
Bé Thơ hỏi :
- Nó bị gió quật xuống nước phải
không cha ?
- Không. Lúc đó hết gió cả rồi. Quạ
mãi lo đậu trên các xác chết rỉa mồi không thèm về với Nô ê nữa. Sau đó, ông Nô
ê lại thả một con bồ câu. Nó xỏa cánh nhẹ nhàng bay đi, rồi chẳng bao lâu quay
trở lại vì không tìm được chỗ đất khô để đậu.
Bé Thơ hỏi :
- Bồ câu không đậu trên xác chết sao
cha ?
- Không. Nó ghét mùi tử khí. Ông Nô
ê lại chờ bảy ngày sau, thả thử một con bồ câu nữa. Tới chiều, nó trở lại với
thuyền, mỏ ngậm một cành ô liu xanh tươi. Ông Nô ê hiểu rằng trên mặt đất nước
đã cạn, cây cối lại xanh tươi. Từ đó, bồ câu là hình ảnh của ...
Tiếng kèn đồng trổi nhạc quốc ca cắt
ngang lời ông Thông. Cả hai cha con phản ứng như cái máy, đứng thật thẳng dậy,
nhìn về phía trụ cờ. Thế đứng của cả hai đều giống nhau, hai tay dang ra cho
hai chùm bong bóng cách biệt. Tiếng kèn chấm dứt mà cờ chưa tới đỉnh, nên ai
nấy nghe rõ mồn một tiếng ròng rọc róc rách và tiếng bong bóng va chạm ríu rít.
Ông đại úy hô NGHỈ, rồi chậm rải lễ phép xuống giọng :
- Kính mời Đại tá tỉnh trưởng, ông
chánh án tòa sơ thẩm, ông chủ tịch hội đồng tỉnh và quí vị quan khách an tọa.
Ông Thông tự thấy cánh tay mình ê
ẩm, nên thương hại bé Thơ, bảo con :
- Mình cũng tìm chỗ an tọa đi Thơ.
Còn lâu mới thả bong bóng. Trước hết là lời chào mừng đầu năm của đại tá này,
tiếp theo là lễ gắn huy chương cho các chiến sĩ hữu công này, sau đó tới thông
điệp chúc tết của tổng thống này. Thông điệp bao giờ cũng dài. Thông điệp xong,
mới đến mục thả bong bóng.
Hai cha con đi về phía mấy bụi cây
dương liễu xanh. Buổi lễ tổ chức trong khuôn viên tòa hành chánh, chỉ có công
chức và quân nhân tham dự, nên không có đứa con nít nào chạy theo mấy chùm bong
bóng.
Ông Thông hỏi Thơ :
- Con có đói không ? Cha bóc bánh
chưng ra ăn nhé ?
Bé Thơ dối :
- Con không đói. Mấy con chim bồ câu
ai vẽ đẹp quá.
- Con có thích bồ câu không ?
- Thích lắm. Nhà thằng Tèo có một
chuồng bồ câu sơn đỏ vẽ hoa lá vàng. Buổi trưa, chúng nó gù nhau nghe buồn
buồn, êm tai ...
Ông Thông tò mò hỏi Thơ :
- Chúng nó noi chuyện với nhau đấy.
Con có biết trưa trưa chúng nó nói gì với nhau không ?
- Giọng gù buồn buồn, chắc là chúng
nó kình cãi nhau.
- Con nói đúng lắm. Con bồ câu mái
trưa trưa càm ràm : Anh làm gì bay sang bắc sang đông suốt cả sáng nay ? Theo
con đĩ nào hữ ? Con bồ câu trống bực mình càu nhàu : Trưa nào bà cũng ca vọng
cổ. Để yên cho người ta ngủ. Đã bảo để yên cho người ta ngủ mà.
Bé thích chí qua cười khúc khích. Bé
hạ tay phải xuống, nhìn kỹ vào hình mấy con bồ câu, nhìn sâu vào những đôi mắt
hiền từ và những đôi cánh xõa quí phái. Bé không tìm thấy đôi mắt nào bất bình
hay cáu kỉnh hết. Bé Thơ lưu ý cha :
- Mấy con bồ câu nầy đều hiền khô mà
cha.
Ông Thông vui mừng thấy con khôn lớn
hơn Tết năm ngoái, biết đối đáp rành rẽ và nhận xét chính xác. Ông hỏi :
- Con xem kỹ lại thử. Chắc có những
con bồ câu mắt lém lỉnh hay đỏ ngầu phẫn nộ. Xem mấy con phía bên trên kìa.
Bé Thơ hạ thấp tay phải xuống một
cấp nữa, tìm kiếm từng hình bồ câu, vừa tìm vừa lắc đầu :
- Con không thấy. Mắt con nào cũng
vậy. Thật là hiếm quá chừng. Á, có một con bồ câu đui.
- Sao con biết nó đui ?
- Người ta quên vẽ con mắt.
Ông Thông cười xòa, an ủi bé :
- Ông thợ vẽ không quên đâu. Đó là
con bồ câu chúa. Ông ta vẽ con chim đầu đàn không có mắt, không thấy nước lụt,
yên tâm tha tiếp cành ô liu.
Bé Thơ mãi ngắm hình chim, không chú
ý tới những lời cha nói. Mắt bé Thơ sáng lên, môi bé Thơ cười. Bé nhìn về phía
cha, định nói cái gì nhiều lần nhưng sau đó lại thôi. Ông thông đoán được ý
con, hỏi trước :
- Con muốn xin cha cái gì ? Đầu năm
mới, con xin thứ gì cha cho thứ nấy.
Bé ngập ngừng trước khi nói :
- Cha cho con mấy cái bong bóng bồ
câu nầy. Đừng thả bay mất nữa.
Ông Thông không tin ở tai mình. Ông
ngạc nhiên quá, chưa biết trả lời thế nào thì giọng ông đại úy đã oang oang
trên micro :
- Tất cả chú ý : NGHIÊM. Thông điệp
của tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.
Ông Thông và bé thơ lại phải đứng
ngay ngắn dậy như mọi người. Cả công viên im phăng phắc. Tiếng máy thu băng lục
cục rè rè trên loa phóng thanh, rồi giọng của Tổng Thống dõng dạc :
Quốc dân đồng bào,
Khác với thông lệ, tôi muốn dành lời
nói đầu tiên trong giờ phút giao thừa thiêng liêng nầy để quay về quá khứ :
Cảm ơn các bậc tiền nhân đã từng nêu
gương anh dũng bất khuất trong việc bảo vệ bờ cõi và xây nền độc lập nước nhà.
Cảm ơn các chiến sĩ đã bỏ mình nơi
rừng sâu đồng vắng, hay lặn lội khổ cực trên sông rạch bùn lầy để chống lại mọi
hình thức xâm lược, đem lại an ninh tự do cho đồng bào.
Cảm ơn những anh em, bạn bè bên cạnh
chúng ta, đằng sau chúng ta, những người đã từng vỗ về an ủi khi chúng ta chán
nản, khuyến khích khuyên răn khi chúng ta thất vọng.
Cảm ơn nếp nhăn trên trán người già
là dấu hiệu của kiên nhẫn đời đời, nụ cười trên môi tuổi thơ là dấu hiệu của hy
vọng lạc quan.
Nhờ tất cả bao nhiêu công lao hy
sinh, nhờ tất cả sự nhẫn nại kiên trì, và niềm tin sắt đá không lay chuyển, mà
hôm nay đây, vào buổi sáng mùa xuân tươi đẹp nầy, tôi có thể hãnh diện reo to
cùng với toàn thể quốc dân đồng bào : Thanh bình đã về.
Thanh bình đã về, về trong danh dự
và bằng sức mạnh ...
Ông Thông không thể đứng yên được
nữa. Ông lấy tay kiểm soát lại các chùm bong bóng. Ông lẩm nhẩm : Da vàng, máu
đỏ cùng nhau. Rừng xanh nỡ để trắng phau xương tàn. Da vàng máu đỏ ... Ông tiến
đến gần bé Thơ, nghiêm nghị căn dặn bé :
- Khi ông đại úy ra lệnh, con để cha
thả trước nghe không. Cha thả da vàng bay lên này. Rồi thả máu đỏ bay lên này.
Tới lượt con, con nhớ thả chùm xanh trước, rồi thả cái chùm trắng sau cùng.
Thơ xịu mặt, không trả lời. Ông
Thông dặn nữa :
- Con chờ cha thả hết rồi mới thả.
Xanh trước, trắng sau.
Bé trả lời gọn :
- Cha cho con mấy con bồ câu. Thả
bay mất uổng ...
Ông Thông nôn nao cả dạ, trợn mắt
dọa bé :
- Mầy muốn chết hả. Tao bảo thả là
thả.
Ngay lúc đó, tiếng ông đại úy ví von
trên micro :
- Để thể hiện mùa xuân thanh bình
trên quê hương thân yêu, những chiếc bong bóng sẽ được thả bay lên cao, mang
tin vui cho khắp mọi nhà nhân ngày xuân mới... Trước hết là mầu vàng tượng
trưng nền cờ của dân tộc Việt Nam kiêu hùng.
Ông Thông vội thả nắm dây, đùa mạnh
chùm bong bóng lên không. Mọi người ngước cổ trông theo, vừa cười nói vừa vỗ
tay vui.
Ông đại úy tiếp :
- Tiếp theo là mầu đỏ tượng trưng
cho ba sọc cờ, nói lên tình bắc trung nam ruột thịt.
Ông Thông thả tiếp chùm bong bóng đỏ
còn lại, rồi chạy đến bên cạnh bé Thơ. Vẫn giọng ngâm nga của đại úy :
- Mùa xuân đến, và nhờ sự nổ lực của
toàn thể quân cán chính, chúng ta hy vọng tràn trề một mùa xuân tươi đẹp, no
ấm. Mầu xanh hy vọng đang vươn lên cao.
Ông Thông vỗ nhẹ vai bé Thơ. Bàn tay
nhỏ nhắn thả ra, chùm bong bóng xanh từ từ bay lên khỏi mái khán đài, óng ánh
dưới ánh nắng, nhập nhòe vào sắc trời. Bé năn nỉ cha :
- Cho Thơ mấy con bồ câu đi cha. Cho
con đi cha.
Ông đại úy nói tiếp :
- Cuối cùng, là đàn bồ câu mang tin
vui hòa bình, tung cánh khắp muôn phương của đất Việt.
Mọi người nhìn lên khoảng trời trên
mái khán đài chờ đợi. Chờ mãi không thấy gì. Ông đại úy lập lại lần nữa :
- Chim bồ câu trắng biểu hiệu cho
hòa bình. Sau đây là đàn bồ câu mang tin hòa bình cho toàn dân Việt Nam ...
Sau khán đài, ông Thông đang rối rít
cố gỡ bàn tay của bé Thơ. Bé đang khóc rưng rức, và mấy ngón tay nhỏ bấu chặt
lấy chùm dây bong bóng trắng. Đến lúc không còn giữ bình tĩnh được nữa, ông
Thông chặt mạnh lên cánh tay non của bé, cù lét vào nách bé. Bồ câu tung bay,
những con bồ câu mắt hiền. Cả con bồ câu mắt mù cũng xa bàn tay bé.
Mọi người reo hò vỗ tay. Quân nhạc
tấu một khúc vui.
Trong khi đó, ông Thông ngồi xuống
trước mặt con, ôm chặt bé Thơ vào lòng. Ông không biết dỗ con thế nào, vì thật
ra bé không khóc thành tiếng. Bé ngước mặt lên nền trời xanh mầu hy vọng, nhìn
theo mấy cái bong bóng trắng, nước mắt chảy thành dòng trên má.
Mãi một lúc sau, ông Thông mới nói
được một câu an ủi bé :
- Bồ câu của Tổng Thống mà con. Đâu
phải của mình mà con đòi giữ lại.
Bé Thơ không trả lời, nhưng bé nhủ
thầm : Mùa xuân đã mất rồi.
Còn đâu những con bồ câu mắt hiền
...
Nguyễn Mộng Giác
1971
Quý bạn có thể đọc mấy tác phẩm của thầy Nguyễn Mộng Giác Ở đây .
Trả lờiXóaTrong đó có bài "Ngày xuân nghĩ về quê hương" (Bình Định ta) ở đây