Tranh vẽ vua Hàm Nghi bị quân Pháp bắt |
Tháng 9 năm 1888, triều đình Đồng
Khánh trích lấy 18 thôn của huyện Tuy Viễn, kết hợp cùng Nha Kinh lý An Khê lập
ra huyện Bình Khê, cho lệ vào phủ An Nhơn. Huyện Bình Khê với các thôn xã hiện
thuộc TX An Khê của Gia Lai, huyện Vĩnh Thạnh ngày nay, các xã Tây Thuận, Tây
Giang, Bình Tường… của Tây Sơn bây giờ. Như vậy triều Nguyễn đã thiết lập, ổn định
được chính quyền ở ngay vùng cửa ngõ lên Tây Nguyên.
Trước đó ít lâu, vùng đất nầy nằm
trong phạm vi kiểm soát của lực lượng Cần vương kháng Pháp. Tháng 7 năm 1887,
chủ soái Cần Vương Bình Định là Mai Xuân Thưởng cùng các đồng sự lên đoạn đầu
đài ở gò Chàm. Phong trào tan rã, nhưng khí thế bình Tây sát Tả ở đây chắc cũng
còn bàng bạc trong dân. Dù vậy các Cha đạo người Pháp vẫn vượt qua được vùng đất
nầy để lên Tây nguyên thiết lập các giáo xứ, xây dựng các nhà thờ. Ngay như vào
tháng 3 năm 1888, tay phiêu lưu giang hồ người Pháp Charles – Marie David de
Mayréna, cũng từ Quy Nhơn lên được trên đó lập ra nhà nước "Vương quốc
SeDang" mà y là quốc vương.
Trong Quốc sử quán nhà Nguyễn chưa
thấy chép rõ ông quan trấn nhậm Bình Khê lúc mới thành lập năm 1888 đó là ai. Mới
đây Đào Nhật Kim ở Phú Yên viết về tiểu sử Bùi Giảng – Phó soái phong trào Cần
vương Phú Yên (1885 – 1887), đã có cho thông tin : “Bùi Giảng sau khi về hàng được thực dân Pháp cho làm Ký lục, sau đó
làm Tri huyện Bình Khê…”
Wikipedia cũng có dẫn lời nhà viết
sử Phạm Văn Sơn của miền Nam trước đây về việc viên phó soái Cần vương ở Phú
Yên vào ngày 25.2.1887 đã ra đầu thú quân Pháp :
“Bùi Giảng
mang các thuộc hạ ra hàng, mang tiền bạc đã chiếm được khi đánh thành Phú Yên
dâng hết cho (Trần Bá) Lộc. Y còn xin làm con nuôi Lộc để được đề bạt với thực
dân Pháp và nhận chức Ký lục Sông Cầu. Sáu tháng sau, y được bổ Tri huyện rồi
thăng dần lên tới chức Tổng đốc Bình Định…”
Khi chưa tìm thấy được tư liệu nào
khác, cứ tạm theo các dữ liệu trên mà phối kiểm lại khẩu truyền của người ở
Bình Khê trước đây. Khẩu truyền lưu lại là có một vị tên Bùi Giảng, là ông quan
đầu tiên trấn nhậm huyện Bình Khê, sau đó có làm Án sát Bình Định, rồi Tổng đốc
Bình Phú (Bình Định – Phú Yên). Xét theo năm tháng cũng như hành trạng 2 dữ liệu
trên thì thấy không thể ai khác ngoài ông phó soái nầy.
Dù rằng có không phải đi nữa, ít
nhiều gì cũng nên tìm biết chút ít về ông phó soái Cần vương Phú Yên đã đầu
hàng giặc Pháp.
Bùi Giảng hưởng ứng Cần vương ở
Phú Yên năm 1885, được chủ soái Lê Thành Phương phân công phối hợp cùng quân thứ
Tuy Viễn ở Bình Định, đưa lực lượng vào hỗ trợ phong trào Khánh Hòa, Bình Thuận
nổi dậy. Lực lượng Cần vương nam tiến được lực lượng tại chỗ của Trịnh Phong ở
Khánh Hòa hổ trợ, bắt sống Bố chánh và Án sát của tỉnh nầy. Tuần phủ Bình Thuận
phải khẩn cấp yêu cầu thống đốc Nam kỳ đem quân ứng cứu Bình Thuận (gồm cả Ninh
Thuận ngày nay).
Suốt năm 1886, Bùi Giảng rất xông
xáo, lập khá nhiều công trạng cho lực lượng Cần vuong phía Nam. Hai vị phó soái
Cần vương thời ấy được ghi nhận qua lời truyền : “Bình Định có Bùi Điền, Phú
Yên có Bùi Giảng”.
Thế nhưng khi đầu hàng giặc Pháp,
riêng việc Bùi Giảng xin được làm con nuôi Trần Bá Lộc, một viên quan ở thuộc địa
Nam kỳ nổi tiếng tàn ác, hiểm độc chỉ để mong được làm quan cũng đã để lại đời
cái tiếng không hay. Khi Bùi Giảng về làm quan huyện Bình Khê, chưa tìm thấy tiếng
tốt tiếng dở nào lưu truyền ở địa phương. Nhưng Bùi Giảng cũng chẳng khác gì
Nguyễn Thân. Nguyễn Thân người Quảng Ngãi, nguyên trước tham gia nghĩa hội Văn
thân sau cũng quy phục triều đình, cầm binh quay lại tiêu diệt lực lượng Cần
vương. Năm 1888 Nguyễn Thân được kiêm lĩnh Tổng đốc Bình Phú. Một ông Tổng đốc,
một ông Tri huyện, hai ông cùng một giuộc cộng tác với Pháp, quay lưng lại đồng
bào.
Cũng theo Đào Nhật Kim thì Bùi Giảng
còn có tên gọi khác nữa là Bùi Quảng, hoặc Bùi Tử Quảng. Thế thì đây chính là
manh mối để xác nhận hành trạng ông Án sát Bình Định năm 1908. Năm 1908 là năm
Trung kỳ nổ ra dân biến. Hàng ngàn người dân chân lấm tay bùn khắp từ Quảng Nam
vào đến Bình Định, Phú Yên… cùng kéo nhau về các tỉnh đường xin giảm sưu giảm
thuế. Để đàn áp, Pháp điều động cả lính Âu Phi trang bị đầy đủ súng ống từ Bắc
vào, nhưng chúng cũng không dám bắn vào dân, không ngăn nổi khí thế của dân
chúng đang hừng hực dâng trào.
Đại Nam Thực Lục Chính Biên – Đệ lục
kỷ Phụ biên do Cao Tự Thanh dịch mới đây, sách cho biết lúc ấy “Man dân Bình Định”
bắn chết một viên quan Pháp. Quan chức người Pháp xin triều đình cho lấy Án sát
Quảng Trị là “Bùi Quản” (!?) về tỉnh ấy. Phủ Phụ chính xét thấy Bùi Quản từng làm
việc phủ huyện ở Bình Định, am hiểu tình hình, nên chuẩn theo lời xin, cho
thuyên chuyển Án sát Huỳnh Lưu ở đây đổi bổ ra Quảng Trị.
Theo những bậc cao niên ở Bình Khê
ngày trước, viên Án sát Bình Định lúc ấy chính là người đích thân cầm súng, lên
trên thành bắn thẳng xuống đội ngũ dân lành đang ngồi biểu tình, đang kêu đòi
quyền sống của họ. Sau dân biến cũng chính viên Án sát ấy trực tiếp làm án, cả
ngàn người bị bắt, nhiều người bị chém, có số bị lưu đày Côn đảo. Tiến sĩ Hồ Sĩ
Tạo người Hòa Cư – An Nhơn, linh hồn của phong trào bị Bùi Giảng kết án tử
hình. Nhờ cuộc vận động của các đồng liêu người Bình Định ở Kinh đô, án tử hình
của Hồ Sĩ Tạo được giảm còn khổ sai chung thân, mãi đến năm 1920 mới được ân
xá, trả về quê. Còn viên quan làm án đó, quãng thời gian 1916 - 1922 nầy đang
ngồi ghế Tổng đốc, trấn nhậm đất Bình Định và Phú Yên.
Một viên tướng quỳ lụy kẻ đối địch
thắng cuộc để xin được làm quan, thản nhiên dẫm lên đầu, lên xương máu của đồng
bào đang đòi quyền sống để thăng quan tiến chức. Chỉ bao nhiêu đấy thôi cũng chẳng
còn lời để diễn giải sự đời.
Tháng 5.2017
Phan Trường Nghị
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét