Theo nhà thơ Quách Tấn (1910 - 1992) trong Thi Thoại Hương Vườn Cũ, học trò
ngày xưa chỉ biết “chọc gái” chứ không biết “tán gái”. Chọc gái, đôi lúc bị
“đáp từ” bằng những câu không mấy êm tai (bị chửi), mà nếu chọc hơi quá tay
(bóp vú), bị mắng vốn với thầy thì thầy cho ăn roi là cái chắc.
Có một cậu học trò làng Phương
Danh (Đập Đá, An Nhơn bây giờ), ngày xưa ấy cậu đã từng chọc gái mà không bị chửi,
mà mông không bị thầy đánh nổi vồng là nhờ ở tài xuất khẩu thành thơ. Một hôm cậu
cùng các bạn đi học về, gặp một cô con gái nhà giàu ở nơi vắng vẻ. Các bạn
thách làm thế nào bóp vú cô ả mà không bị đánh bị chửi. Cậu liền bước đến gần
cô con gái, vừa đi vừa đọc :
“Đã bấy lâu nay gặp chị nầy
Lấy chi cho thỏa tấm lòng đây
Kề vai đọ thử lưng cao thấp …”
Cô nàng tai mãi lắng nghe thơ,
không để ý cậu học trò vừa xích lại gần vừa đọc :
“Xuống cánh rờ xem yếm mỏng dày…”
Miệng đọc là tay rờ vào ngực yếm
cô nàng liền. Cô ta chưa kịp phản ứng gì hết thì cậu đã đọc tiếp :
“Cũng đã thỏa tình trăng giỡn thỏ
Nhưng chưa phỉ chí nhạn trông mây
Bên đường vắng vẻ không ai biết
Vuốt giận thôi thôi chị chớ ngầy”
Một lần nữa thuyết ngôn hành hiệp
nhất (nói đi đôi với làm) được cậu học trò thực hiện, tay liền vuốt lấy ngực cô gái. Cô nàng bị sờ lần nữa
mà không bị ăn câu chửi nào. Chửi thế nào được khi mê thơ mà lại gặp được người
thơ !
Theo cụ Quách thì cậu học trò lém
lỉnh ấy tên là Nguyễn Đôn Phục.
Nguyễn Đôn Phục, người làng Phương
Danh, phủ An Nhơn (nay thuộc Thị xã An Nhơn). Ông đỗ cử nhân thứ 9/15 kỳ thi
Hương khoa Quý Dậu, niên hiệu Tự Đức thứ 26 ở Trường thi Bình Định (nằm 1873).
Từ thuở nhỏ đã có tiếng là mẫn tiệp, xuất khẩu là thành thơ… Nguyễn Đôn Phục được
triều đình bổ tri huyện Bình Khê vào năm nào chưa được rõ, nhưng xứng để gán
danh hiệu cho ông là "Ông Quan Lãng
Tử". Bạn hữu của ông không phải người giới chức quyền, mà đều gồm những
tay cự phách chữ nghĩa, khuấy nước chọc trời, thiên hạ nể vì. Cụ thể là :
- Nguyễn Bá Huân (1853 - 1915) người
làng Vân Sơn (Nhơn Hậu, An Nhơn), là anh của cụ Nghè Nguyễn Trọng Trì, con của
cụ Tú Nguyễn Khuê. Ông nổi tiếng văn tài nhưng thi đâu trượt đó. Khi đi thi,
làm bài đến đâu, rót rượu tự thưởng tài đến đó, uống đến khi say mèm lăn ra ngủ.
Văn thơ ông còn để lại như Tây Sơn Tiềm
Long Lục, Tây Sơn Văn Thần Liệt Truyện, Cân Quắc Anh Hùng Truyện…, viết về
người Tây Sơn ngay trong lòng triều đại thù địch nhà Tây Sơn, đủ để khâm phục
khí phách của người cầm bút.
- Phạm Trường Phát người Phù Cát.
Tên ông gắn liền với dật sự đi thi lúc nào cũng đem khăn quấn chặt lấy đầu, vì
sợ khi làm bài, văn tài hứng lên, óc nổ chữ nghĩa văng ra lây dính quan trường…
uổng!
Bạn bè đều như vậy, hẳn là ông
quan huyện Bình Khê Nguyễn Đôn Phục không thiếu chất ngạo thế. Chỉ xét đến bài
phú Bằng Hữu Kim Ký của ông, gốm toàn
những câu tục ngữ xưa ghép lại, thế cũng đáng nể phục ông "hay Chữ, giỏi
Nôm". Đọc lại dật sự chuyện ông "Làm
án vụ con Gà", có thể nói ông không thiếu tài "cầm Cân, nẩy Mực".
Theo Quách Tấn trong Họ Nguyễn
Thôn Vân Sơn viết về Nguyễn Bá Huân, một ngày nọ để tìm vui, Nguyễn Bá Huân
cùng nhóm bạn văn rủ lên Bình Khê thăm bạn.
Xét theo chuyện kể nầy, có thể
hình dung được dật sự chỉ có thể xảy ra sau năm 1895 và phải trước năm 1915.
Năm 1895 là năm vua Thành Thái cho bãi lệnh truy tầm dư đảng Cần vương. Ba anh
em cụ Nguyễn Bá Huân đều là những nhân vật trọng yếu của phong trào Cần vương ở
Bình Định do Mai Xuân Thưởng thống lĩnh. Khi phong trào tan vỡ năm 1887, mọi
người phải tìm nơi ẩn náu. Năm vua Thành Thái bãi lệnh truy tầm thì cụ Bá Huân
mới trở lại được quê nhà Vân Sơn. Đến năm 1915, đêm giỗ kỵ quan Thiếu phó nhà
Tây Sơn Trần Quang Diệu, ông mất trong cơn bi hứng vì lòng uất hận viên quan
gian ác Nguyễn Thân.
Như vậy với khoảng thời gian từ
1895 đến 1915, trong đó có những năm ông Cử làng Phương Danh ngồi ghế Tri huyện
Bình Khê ở Đồng Phó.
Được bạn hữu lặn lội đến thăm,
quan huyện Bình Khê mừng rỡ sai thịt một con gà cồ làm gỏi đãi khách. Với hứng
thú thơ văn, Cụ Nguyễn Đôn Phục xin mấy vị khách phải có một bài hịch kết tội
con gà, xử đáng tội chết rồi mới cho cắt cổ nó. Khoảnh khắc bài ông Huân đã làm
xong.
Trích dẫn theo Họ Nguyễn Thôn Vân
Sơn của Quách Tấn :
Tánh
ưa bôi mặt,
Sao
chẳng biết thân?
Thoát
Mạnh Thường tài gã thấy đâu, chẳng qua là mơ hồ tiếng Khách nhân, nghìn thuở
cũng khoe khoang công cứu nạn;
Khuông
Đường thất mặt ngươi sao vắng, để đến nỗi lẫy lừng hơi Võ thị, bấy nhiêu năm
inh ỏi giọng thư thần!
Đức
nghiệp gì đầu đội văn quan, trau chuốt xuê xoang hoài phấn nước;
Tài
cán mấy chân đeo võ cự, lăm le bươi chải nát nhà dân!
Trời
tạnh sáng chưa kêu, công báo biểu không xong một nỗi;
Mổng
cối xay ăn quẩn, tội xé phay đáng đã mười phân.
Các bạn đồng hành đều gác bút,
khen hay. Riêng quan huyện cười :
- Phàm lên án phải dựa vào luật.
Những tội trạng nêu trong bài hịch kia phạm vào điều luật nào ? Phạt vi cảnh
còn chưa được huống hồ buộc đến tội xé phay.
Mọi người đồng thanh thách :
- Thế thì quan lớn buộc tội đi.
Chẳng chờ lâu, quan huyện tiếp
theo bài hịch của Bá Huân mà buộc tội con gà :
Mái
chẳng chịu cũng lên lưng. Coi sức nó đã ngang quá ghẹ
Con
có kêu thời mặc cẳng. Sá chi mày mới ló đuôi tôm.
Mọi người vỗ tay khen :
- Đúng là đao bút của quan. Kết được
tội cưỡng dâm, hiếp kẻ thế cô. Đáng đem nó ra cắt cổ.
(…)
Văn thơ lúc nào cũng vận vào cuộc
sống, còn cá tính con người là một trong những yếu tố quyết định sự suôn sẻ đường
đời. Quan huyện Bình Khê người làng Phương Danh mang trong mình chất lãng tử
thì dễ gì yên ổn giữa chốn quan trường. Bài phú Bằng Hữu Kim Ký của ông chỉ là
một tác nhân phụ, để những kẻ miệng có gang có thép mượn cớ tìm cách đẩy ông về
với cán cuốc chuôi cày…
Cụ Nguyễn Bá Huân từng tiếc cho
ông có tài mà mang vào cửa quan thì thật uổng phí.
Sau ông bị cách chức về vườn vì không được lòng quan trên, lớp hậu sinh cũng mừng
cho là Ông không bị áo mão, cân đai ràng buộc.
Phan trường Nghị
BÀI PHÚ BẰNG HỮU KIM KÝ
Kho
Tục ngữ ẩn tàng trong một bài phú khoảng đầu thế kỷ trước. Người đời ghi nhận
tác giả là ông quan lãng tử Tri huyện Bình Khê - Nguyễn Đôn Phục. Bài phú nói về
tình bằng hữu thuở ấy, được xem là soạn ra để nói xiên nói xỏ nhà quan.
BẰNG HỮU KIM KÝ PHÚ
Người trong trời đất;
Học dõi thánh hiền.
Sang hèn đã có mấy thiên;
Thương ghét mặc dầu tình thế.
Cha nói ngang quan nói hiếp, hiếp ngang phận phải chịu lòn;
Cú rằng có vọ rằng không, không có hơi đâu đôi chối.
Đất đã đắp, đắp cho nên núi, chín chày phải gắng công lao;
Đường dầu đi, đi dốc tới nơi, ngàn dặm chi nài lao khổ.
Tuy gần mực thì đen, gần đèn thì tỏ;
Song có thân phải dốc, có vóc phải toan.
Đừng quen người gậy múa vườn hoang;
Mà học kẻ trống qua cửa sấm.
Tài trí xem còn thấy chậm, hát xay lúa múa lại tắt đèn;
Phận duyên gẫm hỡi biết hèn, khóc hổ ngươi cười ra nước mắt.
Song mà khi này còn khi khác, mía sâu có đốt, nhà dột có nơi;
Muốn cho lòng đó tỏ lòng đây, chuông đánh mới kêu, đèn khêu mới sáng.
Mựa chớ đem lòng đen bạc;
Khá tua giữ dạ sắt đinh.
Một con sâu khuấy rầu nồi canh, lầm lỡ đó đà thấy vậy;
Ba mươi cái răng đóng trăng cái lưỡi, hèn gì đây phải lo âu.
Miễn là mất lòng trước mà được lòng sau;
E khi một miệng kín mà chín miệng hở.
Cũng mong hiệp một nhà Tần Sở, thần cậy đa, đa cậy thần;
Dễ muốn phân hai ngả Sâm Thương, Phật giả ni ni giả Phật.
Khôn thì sống mống thì mất, lời kia tục những thường rằng;
Đầu trở xuống cuống trở lên, lẽ ấy ai mà chẳng thấu.
Thương nên tốt ghét đà nên xấu;
Lành đồn gần dữ lại đồn xa.
Gẫm cũng phường con ông cháu cha;
Phải chi nhà thuyền mượn lái mướn.
Người xem tướng, rậm mày thì ắt cả lông;
Tớ kể công, cao ngày lại thêm dày kén.
Khó nhịn lời, côi thì nhịn lẻ, chẳng nói - nói thì thương;
Giàu đổi bạn, sang lại đổi hầu, không phô - phô hóa ghét.
Đời còn biết so hơn
tính thiệt;
Ta há không hả miệng
ra răng.
Đó dẫu muốn tỏ đường
hơn thiệt
Đây bao nài kể việc
xưa nay.
Đừng lo mụ vãi trọc
đầu;
Chớ sợ con đò khát
nước.
Trách là trách cưu
giành ổ thước;
Hiềm vì hiềm gởi bạ
nhành dâu.
Lươn đã cả kiếp lấm
đầu;
Gà lại một nhà bôi mặt.
Vì con heo phải đèo
khúc chuối, công phu đã chẳng so đo;
Liều nắm cải vãi vườn
dâu, ngày khắc họa nên cây trái.
Nghĩ nào sợ chết
thiêu cháy giái;
Hơi đâu lo làm đĩ thủng
đồ.
Thà khi đầy tớ người
khôn;
Hơn lúc quân sư đứa
dại.
Bụng làm dạ chịu, có
gian thì phải có ngoan;
Mũi dại lái mang,
làm lớn ai cho làm láo.
Bến trong thì nhờ bến
nhơ thì chịu;
Nói xuôi cũng được
nói ngược cũng xong.
Ăn cơm mới nói chuyện
cũ;
Kẻ thiếu việc người
dư công.
Vì muốn cho bán thịt
mua lòng;
Dễ trách lúc đau
chân há miệng.
Kiến ăn cá cá rồi ăn
kiến, mựa đừng ỷ thế ỷ thần;
Rồng lộn rắn rắn lại
lộn rồng, khuyên chớ rằng khôn rằng quỷ.
Cháo nấu rầu lòng
suy nghĩ, đỗ cua thua thú đỗ mèo;
Cơm no lo việc đèo
bòng, giờ mẹo trèo qua giờ dậu.
Kìa cao lớn đã từng
mấy nổi, khiến người thù để ba năm;
Nọ rộng dài ước có
bao lăm, xui kẻ lời phô tám sải.
Mười hai bến dạ dầu
dốc trải, bao nài lái một mũi đôi;
Băm sáu nghề lòng nó
muốn vui, phải gắng ngày ba đêm bảy.
Song còn nghĩ lại :
Rừng cao công gáy,
em chị có ngàn;
Đồng rộng gió luồn,
vui buồn nhiều nỗi.
Một mặt hơn mười
gói, nói là nói cho kêu;
Người sống bằng đống
vàng, ví chăng ví có chỗ.
Ai cho nói vãi thì lại
nói vơ;
Hễ là muốn ăn phải
lăn vào bếp.
Nơi sao ăn chẳng hết,
nơi sao thết chẳng khẳm;
Nói với khôn không lại,
nói với dại không cùng.
Đừng hung hăng như
trâu húc nhà thần;
Mà lật đật như ma trật
đám quải.
Suy đi nghĩ lại cơm
mắm thấm về lâu;
Nhắm trước nhắm sau,
bến hiền thuyền mới đậu.
Dạ giữ dạ mựa đừng
sơ lậu, nhà có vách ngạch có tai;
Lòng dặn lòng đâu
dám đơn sai, ăn coi nồi ngồi coi hướng.
Chớ thấy của đời mơ
tưởng, con trê cũng tiếc con giếc cũng ham;
Đừng cho miệng thế
thị phi, bánh sáp trao đi bánh chì trao lại.
Trách bấy kẻ nhiều lời
dối trá, nước lã giã nên hồ;
Ghét thay người học
thói hàm hồ, bắt ngô xô chú chệt.
Bới lông tìm vết, thế
gian lắm chuyện sâu cay;
Suy béo kéo gầy,
thiên hạ mấy người xởi lởi?
Đừng đừng quen trục
lợi, tham ván bán thuyền;
Phải phải nghĩ thân
duyên, liệu cơm gắp mắm.
Lịch sự đủ điều lịch
sự, đừng để lỗ mà cổ đeo hoa;
Đàn bà ba thứ đàn
bà, mặt dường nào chóp mao dường ấy.
Tai cho nghe mắt cho
thấy, chớ như ốc nọ mượn hồn;
Ăn ham chắc mặc ham
dày, mựa học trâu kia vẽ bóng.
Vì nhiều sãi mà chùa
không ai đóng;
Thà ít thầy mà đãy lại
đầy thêm.
Dẫu khoe cả vú lấp
miệng em, cả hèm lấp miệng hũ;
Song cũng làm thần ở
đất ta, làm ma ở đất người.
Trải qua lắm sự nực
cười;
Gẫm lại nhiều điều
thắm thiết.
Cảm là cảm gà nuôi
con vịt, chít chiu nào kẻ nâng niu;
Thương những thương
cá bỏ giỏ cua, hiếp đáp nhiều bề tủi hổ.
Dễ chẳng muốn lời
kia cặn kẽ, nóng súng súng phải nổ, đau gỗ gỗ phải kêu;
Song chi bằng lẽ nọ
êm đềm, cơm mình mình dễ ăn, con mình mình dễ khiến.
Hầu mong được tiếng,
làm dâu nhà cả thể, làm rể nhà đông con;
Lại sự vô duyên, bằng
lông quăng chẳng đi, bằng chì quăng xa lắc.
Rượu chẳng say mà
chè say quá sức;
Môn không ngứa mà
ráy ngứa nỗi gì?
Nói ra là sự vân vi,
ấu sao tròn mà bồ hòn sao méo?
Thiệt vậy chớ phòng
khinh dễ, lành là thúng mà lủng cũng là mê.
Bảy mươi chưa què chớ
khoe rằng trọn,
Ba mươi đời đĩ bợm
thì mắc điếm thầy
Cầm dầu sao khỏi ướt
tay, trách chi những lẽ;
Rót nước phải toan
chừa cặn, miễn đặng chút tình.
Sao cho lèo lái phân
minh, giỏ có quai chài có chóp;
Chớ để cá tôm lộn xộn,
quân vô tướng hổ vô đầu.
Dám đâu cữ cá hành
câu;
Mà lại tham mùi chè
gắp.
Nhiều ít cũng là ơn
nghĩa, miếng khi đói bằng gói khi no;
Thiệt hơn chớ khá so
đo, một đời ta ba mươi đời nó.
Chớ ăn đằng sóng mà
nói đằng gió;
Hễ một câu nhịn là
chín câu lành.
Chẳng qua vì nghĩa
vì tình;
Nào phải rằng vinh rằng
nhục.
Đắng mà là ruột, chẳng
chọc - chọc đau lòng;
Ngọt cũng người
dưng, dầu thương - thương giúp miệng.
Lẽ dời đổi nay sông
mai biển, khiến nên quên nơi bến đò xưa;
Chốn nương nhờ cội cả
bóng cao, xin đừng phụ nơi cây đa cũ.
Ăn chưa no lo chưa tới,
dễ đèo bòng cóc nọ trèo thang;
Học còn ít chí còn
hèn, dám mong mỏi voi kia đẻ trứng.
Miễn cho có đức
không sức mà ăn;
Bằng chẳng biết lo của
kho cũng hết.
Phận mình tự biết,
ăn đằng hôm phải lo đằng mai;
Duyên ai nấy nhờ, tắm
khi nào vuốt mặt khi ấy.
Tuy mừng đặng cá ươn
gặp chợ;
Còn lo khi trâu trắng
mất mùa.
Biết đâu cao nấm ấm
mồ, trao duyên gởi phận;
Ta cũng bắt buồm coi
gió, cầm lái dõi sông.
Dễ khoe khoang vợ cậy
thế chồng;
Cũng may mắn con nhờ
đức mẹ.
Liệu lời liệu lẽ sao
cho phải phải phân phân;
Dầu đặng dầu chăng
cũng mặc không không có có.
Bởi vì cơm chúa nên
múa tối ngày;
Dám thấy ăn khoai
vác mai chạy quấy.
Sao cho có chí, sắt
mài rồi cũng nên kim;
Khuyên chớ lưu tâm,
sành rán muốn cho ra mỡ.
Dầu mà không mợ thì
chợ cũng đông;
E khi có chồng như
gông vào cổ.
Đừng khinh dại ngộ,
cha nó lú còn chú nó khôn;
Phải nghĩ nguồn cơn,
mẹ tốt sữa nên con mới mập.
Chớ dớn dác cái củ lập
dập;
Mà đua bơi lũ cá
lòng tong.
Nhảy đồng vì bởi nước
sông;
Có gió cho nên rung
mõ.
Trách đòn gánh nọ,
công trau rồi lại đè vai;
Sợ lũ gà kia, chủ vắng
phòng toan bới bếp.
Nói sao cho hết tình
đời khôn dại dại khôn;
Kể thử mà nghe lời
thế tục thanh thanh tục.
Ai chưa nhắm mắt, về
cùng chín đất mười trời;
Thì phải cắn răng,
chịu với năm cha bảy mẹ…
Mai Đình - Nguyễn Hoài Văn sưu tầm
Vũ
Ngọc Liễn hiệu đính
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét