Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

TRI HUYỆN BÌNH KHÊ - MỘT ÔNG QUAN TRONG VĂN HỌC


Đọc Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân, người nào có tấm lòng hoài cổ sẽ thấy chút hào sảng nhưng lại ngậm ngùi với truyện Chữ Viết Người Tử Tù, thấy một chút khoan khoái qua Chén Trà Trong Sương Sớm, thấy cả không gian đầm ấm, hương vị Tết “như thơ” của mấy cụ Đồ xưa trong bài Hương Cuội… Phải nói cả 11 truyện ngắn của Vang Bóng Một Thời không có bài nào non tay qua bút lực của Nguyễn Tuân.

Trong Vang Bóng Một Thời, Nguyễn Tuân dành ra đến 2 truyện ngắn là Thả ThơĐánh Thơ để dựng lại hình ảnh món ăn chơi của một thời từng vang bóng. Có lẽ bây giờ chẳng được mấy nhiêu người tường tận cái thú chơi nầy của người xưa, thấy được cái ý vị của trò chơi chữ nghĩa mà bây giờ đã tuyệt tích trong xã hội công nghiệp. Nhưng nếu có chút hồn thơ thì khi xem Thả Thơ, Đánh Thơ, sẽ thấy người xưa “chơi thơ” thật “nên thơ”.

Chỉ có điều, riêng trong truyện Đánh Thơ Nguyễn Tuân lại cho xuất hiện một ông quan huyện Bình Khê, một anh ma mãnh với trò đen đỏ, đã tô đậm thêm mặt trái trò chơi đầy nét thi vị nầy. Ông đã bị mụ Mộng Liên (nhân vật trong truyện) bắt nọn được mánh lới sát phạt quyết ăn thua : “… nên mỗi lần sau, ông huyện Bình Khê động tay vào lá thơ là mụ lại buông tay đàn, chận lấy giấy và nhìn trừng trừng vào giữa mặt ông huyện có tính gian giảo kia…” (Đánh Thơ - Vang Bóng Một Thời)

Là con dân Bình Khê - Tây Sơn, thấy Nguyễn Tuân xuống bút phê nặng nề vậy thì thật tự ái quê hương qua cái láu cá của ông quan huyện mang tên quê hương mình. Nhân vật Mộng Liên và ông Phó sứ trong Đánh Thơ là nhân vật có thực ở ngoài đời. Giới am tường văn học có thể nhận ra được ông Phó sứ trong truyện là cụ Tam Xuyên Tôn Thất Mỹ (1860 - 1913), người từng vang bóng một thời du Nam du Bắc chơi thơ với một nàng cũng tên Mộng Liên. Với cái thâm sâu kiểu “nho sĩ Bắc Hà” của Nguyễn Tuân, không thể không có ông huyện Bình Khê kiểu vậy ở ngoài đời.

Tìm thử sự trùng lặp địa danh Bình Khê. Xã Bình Khê thì có đâu đó tận ngoài Quảng Ninh thuộc huyện Đông Triều. Còn huyện Bình Khê chưa thấy có sự trùng lặp nào với Bình Khê trước đây của Bình Định. Bây giờ cụ Nguyễn Tuân đã ra người thiên cổ (1910 - 1988). Mà giả như cụ còn tại thế, có hỏi đi nữa chắc gì cụ đã chỉ ra. Nếu đúng ông huyện Bình Khê trong Vang Bóng Một Thời, là một ông quan thực sự nào đó quản hạt vùng đất thang mộc Bình Định, thật là mất mặt bầu cua cho dân Tây Sơn bây giờ. Chơi thơ mà không có cái chất lãng tử của người thơ lại còn lộ rõ cái máu mê cờ bạc kẻ chức quyền.

Xem lại một vài nét cách chơi đánh thơ của người xưa và cái ma mãnh của ông tri huyện nào đó qua ngòi bút của Nguyễn Tuân :

“… Cái ông huyện Bình Khê, người trông đứng đắn thế vậy mà nhảm lạ. Ông ta chúa hay vờ vĩnh. Nhà cái chưa thả thơ xong, ông cứ vờ vĩnh giục ồn lên những là lâu và làng đặt tiền chậm như thế, thì một đêm, phỏng thả được mấy câu thơ. Thế rồi ông vồ lấy lá thơ đặt ở giữa chiếu, dọa mọi người nếu không đặt tiền nhanh lên thì ông thổi tuột lá thơ ra và xin làng, nếu nghĩ lâu quá, thì đợi đến câu sau hãy đánh vậy. Một lần ông cầm lên đặt xuống lá thơ, cái mẫu giấy tàu bạch cuộn tròn như tổ sâu kèn lại nới giãn dần ra một chút. Và ông đã hé nhìn được chữ gì viết trên đầu giấy cuốn tròn tận vòng trong cùng của lá thơ. Mắt ông ta tinh lạ, và nhanh như cái cắt. Có lần ông Phó vòng một chữ “bút”, ông huyện vờ xin thổi thế nào mà nhìn được cái nét sổ dài. Rồi là có bao nhiêu tiền đem đặt tại chữ “bút” đến tột cửa. Nhưng mụ Mộng Liên xem chừng cũng hiểu, nên mỗi lần sau ông huyện Bình Khê động tay vào lá thơ là mụ lại buông tay đàn, chận lấy giấy và nhìn trừng trừng vào giữa mặt ông huyện có tính gian giảo kia…”
(Nguyễn Tuân - Vang Bóng Một Thời)

Huyện Bình Khê của Bình Định chính thức thành lập năm 1888 triều Đồng Khánh. Từ lúc lỵ sở Bình Khê xây dựng ở Đồng Phó (Xã Tây Giang -  huyện Tây Sơn ngày nay) cho đến lúc truyện Đánh Thơ xảy ra, được Nguyễn Tuân ghi nhận khoảng cuối triều Thành Thái (Thành Thái 1889 - 1907), thời gian nầy đã có bao nhiêu quan Tri huyện trấn nhậm ở đây. Chưa thể tra kỹ sách sử của triều Nguyễn, nhưng nếu có tra ra rồi thì với hư cấu văn chương, quan trọng gì đến thời điểm xảy ra chuyện. Nếu có tra ra rồi nhưng biết ai là ông huyện có hành trạng lảng nhách được thể hiện qua truyện ngắn Đánh Thơ !?

Phan Trường Nghị


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét