Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

ĐẬP ĐÁ DƯỚI MẮT NGƯỜI XƯA

Lâm Viên Hành Trình Nhật Ký trên Nam Phong

Anh về Đập Đá đưa đò
Trước đưa quan khách sau dò ý em

Câu ca hữu tình của ngày xưa nầy có nhắc đến địa danh Đập Đá ở thị xã An Nhơn bây giờ, nơi có con sông Phương Minh chảy qua. Sông Phương Minh còn gọi là sông Thạch Yển, là một chi lưu của sông Côn. Sông Côn thời nhà Nguyễn được gọi là sông Tam Huyện, vì nó chảy qua cả 3 huyện Tuy Viễn, Tuy Phước, Phù Cát, được xem là con sông lớn nhất của Bình Định.

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí (Tập 3 quyển 9), sông Côn có 3 nguồn. Nguồn thứ nhất (sông Kon) phát nguyên từ núi Phong Sơn, chảy về Đông nam đến thôn Trinh Tường hợp với nguồn Lộc Động (sông Kut) trong núi Kiền Kiền chảy ra. Chảy về Đông đến thôn Hòa Phong thì sông chia làm 2 nhánh :

- Nhánh phía Nam chảy về Đông nam qua thôn Phụ Ngọc thì lại chia làm 2 dòng. Một dòng chảy về Nam qua Quang Châu, hợp nguồn khe An Tượng chảy qua Liêm Trực làm sông Tân An. Một dòng chảy về Bắc qua An Ngãi làm sông Lam Kiều chảy qua Biểu Chánh.

- Nhánh phía Bắc chẩy về Đông bắc đến thôn Tân Kiều cũng chia làm 2 dòng. Một dòng chảy về phía Nam qua thôn Phương Minh hướng về Đa Tài làm sông Thạch Yển. Một dòng chảy qua thôn Thuận Chính hướng về Phú Thành, Nhơn Lý làm sông Gò Găng.

Cả 4 chi lưu nầy đều đổ ra đầm “Biển Cạn” chảy ra cửa Thị Nại.

Sông Phương Minh của nhánh phía Bắc (có người gọi là sông Bằng Châu) tại sao sách sử chép tên là sông Thạch Yển. Vì nơi đây, vùng Đập Đá bây giờ, dưới lòng sông có nền đá (Thạch), cư dân thời trước đã mượn địa thế để đắp đập (Yển) tưới ruộng. Dù đập đắp bằng bổi nhưng hiệu quả đem lại vô cùng, đã chuyển hóa cả tên sông để ghi vào sách sử. Và cái tên Thạch Yển, nôm na gọi là Đập Đá, sau cũng đã trở thành địa danh ở đây.  

Không những vậy, cái đập bằng bổi phải tu bổ, tốn kém sửa chữa hằng năm đó, đến năm 1916 (niên hiệu Khải Định thứ nhất) đã được bà con chung tay xây đắp bằng xi măng, chất liệu xây dựng mới mà người Pháp vừa đưa vào, đã sử dụng cho các công trình kiến trúc ở Nam kỳ, đang tiến hành công trình đường sắt Xuyên Việt… Công trình Đập Đá ở đây được xem như là đập kiên cố bậc nhất ở Trung kỳ thời ấy (đập Đồng Cam ở Phú Yên tới năm 1929 mới khởi công). Sự việc nầy được ghi nhận qua bản tấu trình vào năm 1917 của Thượng thư bộ Công là Nam tước Đoàn Đình Duyệt. Bản tấu trình sau được khới đăng trên Nam Phong tạp chí (bản chữ Hán) số 9, tháng 3 năm 1918, với tiêu đề Lâm Viên Hành Trình Nhật Ký.

Nguyên Thượng thư Đoàn Đình Duyệt được phái vào Lâm Viên (Đà Lạt), là tỉnh mới thành lập, quan sát và trù liệu xây dựng hành cung cho Vua. Nhiệm vụ đó chép rõ trong đoạn cuối của bản tấu trình :

“… Chuyến đi này của thần là do vâng lệnh Hoàng thượng mà đi quan sát. Phàm vùng núi sông nào thần đã đến, đường sá nào thần đã đi qua, những gì mắt thấy tai nghe có liên quan đến chính sự hiện nay, cùng hành trình bằng đường thuỷ, đường bộ như thế nào, giờ giấc đi xe điện nhanh như bay ra sao thần đều chẳng dám không ghi chép từng ngày để làm thành một bản Lược khảo trong chuyến đi Nam. Còn như tìm hiểu cho tận cùng bờ cõi, khảo đính thư tịch và bản vẽ, do thần học vấn thấp kém, hiểu biết có chỗ không tới nơi, còn mong chờ có người thực hiện”.

Cuộc hành trình của cụ Thượng thư được ghi chép rõ từng ngày. Trong ấy có đoạn lúc về ngang qua Bình Định, đã cùng quan chức ở đây tham quan công trình Đập Đá, chiều ngày 22 tháng 7 năm Đinh Tị 1917. Để minh bạch hơn cách nhìn của người xưa đối với Đập Đá, trích lại đây đoạn nhật ký của Thượng thư bộ Công (bây giờ giống như bộ Xây Dựng) ngày ấy. Bản dịch của Phạm Phú Thành

LÂM VIÊN HÀNH TRÌNH NHẬT KÝ
(…)
Ngày 22, từ giã quý toà, đi đến tỉnh đường Bình Định khám sát.

4 giờ rưỡi chiều, đi cùng với quan tỉnh đến xem một đập đá mới đắp do Hội bảo nông của địa phương thuộc phủ An Nhơn, lưu vực sông Phương Mính, cách tỉnh thành 4 ki-lô-mét. Thấy cái đập xây bằng xi măng, chắn ngang lòng sông, dài chừng trên 100 thước tây, có 9 cửa thông nước sâu thẫm, uốn quanh theo thế nước. Chắn nước thì dùng những tấm ván đặt ngang để phân cấp, mỗi cấp đều có thước tấc nhất định, tuỳ lúc mà mở hoặc đóng, đã được định trước. Mỗi đầu đập ở hai bên bờ sông đều có xây một móng đá lớn đề phòng nước lũ đập mạnh làm lở bờ sông. Trên móng có xây một số ghế đá để cho người đi đường có thể ngồi quan sát. Quy cách trông khá tân kỳ.

Lúc 7 giờ có khoảng vài trăm người già, trẻ, đàn ông, đàn bà vây quanh để xem. Họ đều nói : Từ khi xây đập đến nay, hai mùa thu hoạch đều tốt, dân chúng vui mừng. Số là nhà nông tỉnh này rất coi trọng việc đê đập. Phàm xây đập ngang hay dọc, thời hạn lấy nước, xả nước nhiều hay ít đều có văn thư giao ước. Nếu bội ước ắt liều mạng tranh giành. Quản trị tỉnh hạt này phải nắm rõ quy lệ về đập. Phàm đắp thêm một đường xe chạy, mở một cái mương hoặc di chuyển bờ đập như đập dọc đổi thành ngang, ngang đổi thành dọc, chỗ ất dời sang chỗ giáp, chỗ giáp dời sang chỗ ất chẳng hạn, phải họp những người dùng chung đập và những người cùng khúc sông, chất vấn nhau cặn kẽ, thuận tình thì mới được, nếu không ắt sẽ gây trở ngại. Cái đập đá này nguyên trước kia do hai người đàn bà mua đất tư và mở một khúc sông riêng, lấy nước từ 7 cái đập ở sông Đại An chảy trực tiếp tới phủ lỵ An Giang (!?) và đắp đập trên sóng lưng một nền đá, đã trải qua mấy trăm năm rồi. Nay dân vùng đập này còn lập miếu thờ hai người đàn bà ấy. Vì vật liệu xây dựng chủ yếu là gốc rạ, tre, gỗ và đất cát, do đó thường bị mưa to, lũ xuyên phá, mỗi năm đều phải làm lại, nhà nông phải chịu phí tổn đến gần ba ngàn nguyên, nhưng cứ mỗi lần mưa lũ thì đập vỡ, lại bị mất mùa. Vài năm trước đây, nông hộ Nguyễn Cẩn tự đứng ra xin cùng nhau đóng góp xây đập bằng xi măng, kinh phí dự trù lên đến trên một vạn nguyên. Năm ngoái đập hoàn thành.

Toà tỉnh này đã cứu xét và ra thông tư, phàm người nào đã tham gia vào công trình đều được tưởng thưởng. Nay thần đến đây thấy đập quả thật kiên cố. Quy cách của nó rất tối tân so với các đập khác. Công cuộc cải tiến nông nghiệp của ta ở Trung Kỳ do dân khởi xướng bắt đầu từ cái đập này. Tỉnh hạt có vài chục cái đập. Nếu tất cả những nơi khác đều bắt chước đó mà làm, thật là lợi ích lâu dài.

Ngày 23, lúc 6 giờ sáng, lên xe rời tỉnh lỵ Bình Định
(Thượng thư Nam tước Đoàn Đình Duyệt)

Trong tấu trình nầy có nói cái đập đá nguyên trước do 2 người dàn bà mua đất tư, đắp Yển mở nước sông tận trên Đại An về đây ngăn đưa vào ruộng. Theo người địa phương thì tên của hai Bà là Châu Thị Ngọc Mã và bà Trần Thị Ngọc Lân, dân ở đây đã lập miếu thờ, ghi công tích hằng năm cúng tế. Người phụ nữ Bình Định từ xưa thay mặt cho chồng gánh vác cả chuyện xã hội, đâu chỉ chuyện bếp núc trong nhà, bên anh đọc sách bên nàng quay tơ… Bình Định vẫn còn đó câu ca của anh chàng mơ mòng tới vùng đất Đập Đá, Gò Găng:

Anh về Đập Đá, Gò Găng
Bỏ em kéo vải sáng trăng một mình.

 .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét