Chỉ
vài ngày nữa, Chủ nhật 14 tháng 5 năm 2017 là Ngày Của Mẹ (Mother's
Day), ngày tôn vinh tình Mẹ và
các người Mẹ của phương Tây mới được du nhập vào Việt Nam. Còn hôm nay đã Rằm
tháng tư âm lịch là ngày lễ Phật đản. Nhưng đối với người dân Bình Khê – Tây
Sơn, đây cũng là ngày giỗ của người anh hùng kháng Pháp Mai Xuân Thưởng, vị chủ
soái Cần vương Bình Định năm 1887 đã hiên ngang nộp mình cho giặc Pháp để cứu
lương dân, vì lẽ sống của bao tướng sĩ, vì tình Mẹ.
Nguyên
đầu tháng 7 năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi
chạy ra Tân Sở, ban Chiếu Cần Vương kêu gọi mọi người giúp Vua cứu nước. Hường
lô Đào Doãn Địch mang chiếu về Bình Định, các Văn thân nhân sĩ từ Bình Định vào
tới Phú Yên, Khánh Hòa theo đó tham gia hưởng ứng phong trào. Tháng 9 năm 1885
chủ soái Đào Doãn Địch bị bệnh mất ở An Khê, trao binh quyền lại cho Cử nhân -
Tán tương Quân vụ Mai Xuân Thưởng, người thôn Phú Lạc huyện Tuy Viễn, hiện nay
là thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn.
Nghĩa
quân Cần vương cánh phía Bắc Bình Định dưới quyền nguyên soái Mai Xuân Thưởng kết
hợp với Nguyễn Bá Loan ở Quảng Ngãi, đã gây tổn thất nhiều cho quân triều ở tỉnh
nầy. Cánh phía Nam hổ trợ cho Lê Thành Phương ở Phú Yên mở rộng phong trào xuống
tới tận Bình Thuận. Trước sự lớn mạnh của phong trào, trong 2 năm 1885 - 1886,
triều đình Đồng Khánh thay tới mấy lần Tổng đốc Bình Phú (Bình Định Phú Yên) để
chịu trách nhiệm đàn áp cuộc nổi dậy, nhưng tỉnh đường (ở TX An Nhơn bây giờ) vẫn
nằm trong địa bàn hoạt động của nghĩa quân Cần vương.
Đầu
năm 1887, quân Pháp cùng lính mộ của Trần Bá Lộc từ Bình Thuận đánh ra, quân
triều đình của Nguyễn Thân từ Quảng Ngãi đánh vào. Nghĩa binh chỉ có chí dũng cùng gươm đao giáo mác... đâu thể đối địch lại súng ống. Tháng 2 – 1887, Cần vương
Phú Yên tan rã, Tháng 4 quân Pháp và quân triều đình gặp nhau tại tỉnh đường
Bình Định. Mai Xuân Thưởng rút quân vào mật khu Lộc Đỗng – Hầm Hô huyện Tây Sơn
bây giờ.
Thư
của Trần Bá Lộc gởi cho Thống đốc Nam kỳ (ngày 17.5.1887) có cho biết là bắt được
cụ Mai vào ngày 6 tháng 5. Đại Nam Thực Lục của nhà Nguyễn cũng ghi là : “Quan quân Pháp đóng ở Bình Định bắt được bọn
Mai Xuân Thưởng (Cử nhân, xưng Nguyên súy), Bùi Điền
(xưng Thống trấn), Nguyễn Đức Nhuận (xưng Hiệp trấn) và phó tướng, thống binh
trở xuống, 11 người, đều đem chém…” vào
tháng tư nhuận âm lịch. Những dòng chữ lạnh lùng ghi chép, nhưng không chép rõ
là bị bắt cách nào, ở đâu.
Gần
đây có tư liệu (theo Charles Fourniau) cho rằng cụ Mai cùng gia đình bị bắt trên đường núi vào Phú Yên. Nhưng
tư liệu ngày tháng nhiều chỗ không trùng khớp thư của Trần Bá Lộc, là viên quan
của Pháp trực tiếp cầm quân phá vỡ phong trào Cần vương Bình Định Phú Yên. Diễn
giải mục đích cụ Mai vào Phú Yên là để tiếp tục cuộc kháng chiến. Nhưng rõ ràng
lúc nầy phong trào Phú Yên đã kiệt sức hoàn toàn khi chủ soái Lê Thành Phương ra
nộp mình cho giặc đã bị bêu đầu, phó soái Bùi Giảng đầu hàng giặc Pháp đang
truy lùng tàn quân của Cừ mục Nguyễn Bá Sự.
Còn
với người dân Tây Sơn bây giờ, bấy lâu theo khẩu truyền của địa phương thì cụ
Mai ra nộp mình cho Trần Bá Lộc đang đóng quân ở Đình làng Phú Phong, chính là
cơ sở trường Tiểu học Quận lỵ Bình Khê ngày trước, là khuôn viên trường Tiểu học Võ Xán
Tây Sơn của hôm nay (theo diễn văn khai trường của Hiệu trưởng Tư thục Mai Xuân
Thưởng ở An Chánh năm 1950 là Thầy Nguyễn Đồng). Hình ảnh đoạn đầu tướng quân
chứ không phải hàng đầu tướng quân cũng phảng phất trong câu đối của Chí sĩ Đồng
Sỹ Bình viếng mộ cụ Mai khoảng năm 1926 thế kỷ trước :
- Bại trận nhi bất hàng hùng tâm phiêu vũ trụ …
Đoạn đầu do năng tiếu nghĩa khí quán càn khôn …
- Thất trận không hàng khí hùng tỏa vũ trụ …
Đầu rơi
còn cười cợt nghĩa khí rạng đất trời …
Cụ Mai nộp mình cho giặc, đoạn đầu
chứ đâu phải là hàng đầu giặc. Nộp mình vì Trần Bá Lộc đã ngày ngày bắt lý
hương hai thôn Phú Lạc, Phú Phong ra tra tấn, thảm sát lương dân, cho tống lao
thân mẫu cụ Mai, uy hiếp cụ ra hàng. Đây cũng là cách mà Lộc đã dùng để đối phó
chủ soái Cần vương Phú Yên Lê Thành Phương vào những ngày cuối tháng 2 – 1887.
Sự tàn độc của Bá Lộc đối với nghĩa binh kháng chiến khiến người Pháp cũng phải
than dài.
Đâu có thể đòi hỏi Mai mẫu phải xả
thân để cho con khỏi phải vướng bận. Cũng đâu có thể đòi hỏi cụ Mai cứ khư khư với sự
nghiệp của mình trước tình thế đã khó liệu cơ cứu vãn, kéo dài cuộc kháng chiến
là nhân dân thêm nặng thương vong. Bên cạnh đó còn có tình mẫu tử buộc ràng tâm
tình, cách thế sống của một Nho sĩ. Tình Mẹ, tình thân gia đình, tình gia tộc
là mối dây gắn kết cộng đồng Việt Nam, chẳng phải sách lược “tru di tam tộc”
ngày xưa đã nhắm vào đó để khống chế sự đối kháng hay sao. Ngay như thời chống
đối với nhà Tây Sơn, để buộc tráng đinh Gia Định lẩn trốn phải quay trở lại
quân ngũ, Nguyễn Ánh cũng đã từng dùng sách bắt gia thuộc của họ nhốt giam, gây
áp lực. Vợ con lính trốn bị giam lẫn lộn,
Hoàng tử Cảnh phải tâu xin làm chỗ nam nữ giam riêng.
Không
nhất thiết phải mổ xẻ việc chủ soái Cần vương Mai Xuân Thưởng bị bắt hay tự ra
nộp mình, vì chỉ với cảnh ung dung lên đoạn đầu đài, dù đầu sắp rơi vẫn còn cười
cợt, nhưng cụ Mai vẫn nghiêm trang hướng về quê lạy từ giã Mẹ. Ngày hôm nay có
thể nhận ra một điều : Ngày Của Mẹ ở Hoa Kỳ tôn vinh tình Mẹ, các bà Mẹ hoạt động
xã hội vì hòa bình và hòa giải. Còn ở Việt Nam không chỉ lòng Mẹ bao la như biển
Thái Bình, mà tình Mẹ còn bao hàm cả gia tộc, người thân, láng giềng, bờ cây ngọn
cỏ của xứ sở quê hương. Tình Mẹ Việt Nam trùm lên mọi sinh linh đang đứng dưới ánh mặt trời.
Trường Nghị
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét