Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

ĐÓI LÒNG ĂN NỬA TRÁI SIM


Đói lòng ăn nửa trái sim,
Uống lưng bát nước đi tìm người thương...

Đi tìm người thương mà chỉ ăn nửa trái sim, uống lưng bát nước !? Hẳn không phải là ăn uống kiểu cầm hơi lấy sức, tiết kiệm lương phạn để đủ đi tiếp trên con đường dài dằng dặc. Mà phải chăng nửa trái sim nửa lưng bát nước còn lại kia là để dành riêng cho một nửa kia của mình khi đã tìm thấy được nhau (!?).

Trong kiểu sống xô bồ giành giật ngày nay, tâm tình chia sẻ đó nó đẹp giống như “ca dao” và chắc chỉ có ở trong “chuyện đời xưa”.

Ngày nay với điều kiện phổ biến công nghệ thông tin, được cũng lắm mà mang đến cũng lắm chuyện trái khoáy. Chỉ cần một chút táy máy, vô tâm của anh chàng đánh máy là tâm tình của kẻ ăn nửa trái sim kia bị đánh cắp một cách phũ phàng.

Bắt đầu là chuyện Cây cầu Đồng Sim, cũng là chuyện từ nửa trái sim của câu ca dao. Một người Thầy đa tài của đất Phú Phong đã thi vị hóa tên cây cầu trên đường 19 đoạn qua huyện Tây Sơn bây giờ bằng bài thơ :

"  Xưa ai ăn nửa trái sim
Uống lưng bầu nước đi tìm người ta
Đồng gần đến tận rừng xa
Nửa sim còn lại rớt ra hóa cầu" …
(Thơ Nguyễn Đình Lương)

Đồng gần cho tới tận rừng xa, tìm em chẳng thấy nên nửa trái sim còn lại đấy đắng lòng rơi rớt xuống hóa thành cây cầu mang tên nó : cầu Đồng Sim. Cầu Đồng Sim nối liền thôn Phú An và Phú Xuân của xã Tây Xuân huyện Tây Sơn (ngày xưa thuộc xã Bình Phú huyện Bình Khê). Trước xa mấy trăm năm trước, nó là cửa sông của con sông Đá Hàng từ Hầm Hô chảy ra giáp với con sông Côn từ Vĩnh Thạnh chảy xuống.

Cái tên Đồng Sim nó mộc mạc, nhưng nó đẹp và gần gũi trong lòng người địa phương, giống tên của các cánh đồng lân cận như Đồng Le, Đồng Tre, Đồng Tràm, Đồng Trâm… Nhưng sau 1975 chẳng mấy năm, mấy anh công nhân cầu đường mang trong mình cái máu “sờ nặng sờ nhẹ”, “nờ cao nờ thấp” đã gắn cái biển tên cầu bằng một cái tên khác không còn mang ý nghĩa ban đầu của nó : “Cầu Đồng Xiêm”.

Từ đấy về sau mấy anh nhà báo cũng mắt nhắm mắt mở xác định đây là Cầu Đồng Xiêm, hòn núi trong vùng cũng gán cho cái tên là “Núi Đồng Xiêm”. Mấy sấp nhỏ xa quê bây giờ làm thơ cho quê hương cũng hồn nhiên gọi nơi đó là Đồng Xiêm. Và bây giờ cái tên Đồng Xiêm hầu như đã chết tên với cây cầu nầy. Chẳng có ai còn quan tâm tới cái tên Đồng Sim thuở nọ.

Thời đại công nghệ thông tin chỉ biết cọp pi và dán, nên trong vùng đất khoe danh “đất võ trời văn” nầy cũng thêm chuyện buồn cười liên quan tới Lăng của Mai Xuân Thưởng, người ứng nghĩa Cần vương chống Pháp quãng năm 1885. Hình như khởi đầu từ số báo binhdinh.com ngày 20.12.2006. Anh chàng đánh máy nào đó trích từ Địa Chí Bình Định đã gõ rằng lăng của cụ Mai nằm ở xã Bình Hòa. Hiện nay không dưới 10 trang mạng chuyên copy and paste đã đăng tải với thông tin y hệt. Trong khi đó người địa phương biết tỏng là lăng Mai Xuân Thưởng nằm ở bên cạnh đường 19, thuộc thôn Hòa Sơn xã Bình Tường chớ không phải Bình Hòa, vậy mà cũng đành bó tay, la thì la chớ chẳng suy suyển gì khi báo đã lên khuôn.

Cũng sự việc liên quan đến cụ Mai. Theo một vài ý kiến của người đời nay (có học hàm) đã bác bỏ sử liệu cũ là cụ Mai ra nộp mình cho Pháp (bỡi vì Pháp bắt dân làng và mẹ của cụ, uy hiếp đem chém nếu không ra đầu thú). Họ khẳng định là cụ Mai bị bắt trên đường trốn vào Phú Yên tiếp tục kháng chiến, Nếu có tin ý nầy là đúng cũng chưa dám vội tin, vì phần sưu khảo chưa đủ độ tin cậy, liệt kê ngày tháng mà cũng không đúng phép làm lịch, thể hiện sự thiếu cẩn trọng. Nguyên văn đoạn liệt kê được trích dẫn trên Wikipedia  như sau (tiêu đề Mai Xuân Thưởng, mục Thân Thế Sự Nghiệp) :

… “Lúc ấy, Mai Xuân Thưởng có năm mươi người đi theo ông, trong đó có toàn bộ gia đình của ông: mẹ, vợ và những người phụ tá, kể cả em của ông. Ngày 4 tháng 4, cả nhóm bị vây hãm trong một làng Chàm (có thể là Vân Canh), nhưng sau đó chạy thoát. Ngày 21 tháng 4 gia đình Mai Xuân Thưởng bị bắt, nhưng ngay đêm hôm sau ông Thưởng lại giải thoát được. Nhưng, đêm 31 tháng 4 rạng ngày 1 tháng 5, một trong những thủ hạ của Mai Xuân Thưởng bị bắt làm tù binh, đã chịu hàng và chỉ chỗ ở những người đang chạy trốn”…

Lưu ý câu trích dẫn là đêm 31 tháng 4. Chắc chắn một điều là tháng 4 chỉ có 30 ngày không bao giờ có ngày thứ 31. Thế mà hiện nay cũng không dưới 10 trang mạng dẫn lời trích nầy nguyên xi (không điều chỉnh) để chứng minh cho những sự kiện liên quan tới Phong trào Cần vương ở Bình Định và Phú Yên. (Có lẽ Wikipedia trích dẫn từ báo binhdinh.com số ngày 19.4.2007 bài Tư Liệu Mới Về Cái Chết Của Mai Xuân Thưởng).

Chuyện đã 100 năm hơn, đúng sai còn phải bình tâm xem xét. Huống hồ chỉ mới đây, ngày 30.4.1975 chiếc xe tăng mang số hiệu nào đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập đã một thời còn giành nhau, to tiếng với nhau. Trận cãi nhau đó chắc sẽ không kết thúc nếu không có nữ nhà báo Pháp Françoise Demulder (có mặt trong thời khắc lịch sử ấy đã ghi lại được hình ảnh) đưa ảnh ra chứng minh chiếc tăng 390 đã húc đổ cổng chính, tiến vào dinh Độc Lập đầu tiên chứ không phải là chiếc mang số hiệu 843 (còn đang loay hoay ở cổng phụ).

"Đói lòng ăn nửa trái sim / uống lưng bát nước đi tìm người thương". Thiệt là phũ phàng nếu khi “người thương” tháo voan che mặt ra thì lại không phải là nửa kia của mình. Thôi thì cứ chấp nhận là duyên là nợ. Cũng chỉ bỡi vì ông tơ bà nguyệt là anh chàng đánh máy vô tâm đã để xảy ra chuyện đen hóa trắng, chuyện trắng hóa đen…

HoaiAn

.

1 nhận xét:

  1. Sinh ra ở đất Tây Sơn
    Thân mang gió bụi nặng tình nước
    (Hoàng Nhã phóng tác )

    Trả lờiXóa