Đồ Gàn XXI
Chuyện mừng tuổi ngày đầu năm có tự thời xửa
thời xưa. Hầu như trong đời ai cũng đều đã từng khoanh tay trước ông bà, cha mẹ…
mừng ông bà, cha mẹ năm mới thêm được thọ. Có đã từ lâu, ai ai cũng từng đã làm,
phải làm. Nhưng có ai đã để ý sự việc chung quanh chuyện mừng tuổi chưa, thấy vậy
chớ nó cũng có đủ thứ chuyện nổi đình nổi đám khi trà dư tửu hậu.
Đầu năm “tám” ngắn gọn, nói tầm phào sơ sơ với bà
con vài ba chuyện cho vui. Chỉ mong là đừng gây nên chuyện nổi đình nổi đám.
Điều mà Gàn Tui muốn nói trước tiên là “tuổi” ở đây phải viết có “ô”, đừng bày viết “tủi” theo nghĩa mừng mừng
tủi tủi mà sẽ sinh ra lắm điều. Mới cách đây mấy bữa, rành rành trên mấy sạp hàng
bán giấy tiền vàng bạc cúng “tất niên”, thấy người ta in to tổ bố dòng chữ “tết niên”, ngẫm lại mà giật mình. Cứ nghĩ xem, khi mà mỗi cuối năm ai nấy đều
cứ bô bô là cúng “tết niên”, sớm muộn gì nó cũng sẽ chết cái tên đó
trên cửa miệng người đời. Chắc chắn là sau nầy thiên hạ sẽ khổ công chí chóe cãi
với nhau chuyện ngữ nghĩa của “tết
niên”. Rồi cuối cùng sẽ chả có ai hiểu
được “tết niên” nó là cái quái gì, “tất
niên” nghĩa là làm sao !
Người lớn còn nói sai, làm sai lắm chuyện vậy,
đừng trách chi sấp nhỏ hằng hà sa số đứa ngày nay viết sai chính tả, nói - đọc
lộn tùng phèo…
Còn điều mà Gàn tui muốn nói cho rõ, việc phải
làm trong những ngày đầu năm mới của ngày xưa, đến nay xem lại thì thấy đã phiêu
dạt đâu đó khá nhiều. Còn sót lại loe hoe vài ba việc, may là trong đó còn có
việc mừng tuổi.
Người Việt ta bấy lâu vốn trọng người có tuổi.
Người có tuổi là người từng trải, tích lũy nhiều vốn sống. Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ… Mỗi khi trong nhà có tiệc hiếu - hỷ,
bao giờ người già cũng đều được mời lên ngồi chiếu trên. Ngày xưa ở đình làng, giống
như kiểu ở trụ sở cơ quan hành chánh thôn xã bây giờ, người có tuổi được quyền
ngồi ngang hàng với người có khoa bảng. Người lục thập ngồi cùng chiếu với Tú tài,
người thất thập ngồi ngang hàng với người đỗ Cử nhân, người 80 tuổi trở lên ngồi
sánh vai cùng với các vị đỗ đại khoa Tiến sĩ. Có nghĩa là người được thọ, họ có
vai vế ngang hàng với chức sắc, với đại quan. Theo quan niệm thời bấy giờ, người
có tuổi được ngồi chung chiếu với người có chức tước vua ban, vì người có tuổi
là người có được “thiên tước”, tước do chính ông trời ban cho.
Việc mừng tuổi đầu năm không chỉ riêng cho người
già, không chỉ làm thủ tục lạy bàn thờ gia tiên mừng tuổi ông bà đã quá vãng.
Trẻ con mới là trọng tâm của việc chúc mừng chúng ăn mau chóng lớn. Lớp sồn sồn
cũng không có ngoại lệ… Ngày đầu năm ai ai cũng đều mừng được thêm một tuổi với
nhau. Có người nói rằng “hầu như ngày
Tết đều là ngày sinh nhật của toàn dân Việt thời xưa”. Thế thì với thời buổi bây giờ có lẽ nên hô hào với nhau đừng nên
bắt chước người Tây tổ chức sinh nhật nữa. Nên gom lại tổ chức chung vào mấy ngày
Tết. Bỏ quách nó đi cho đỡ tốn kém, đỡ chạy vạy quà mừng hết ngày sinh của con
sếp, của sếp bà, rồi lại tới ngày sinh của sếp ông.
Tết ngày xưa, bên cạnh của việc mừng, bao giờ
cũng có việc chúc tụng. Mừng tuổi nhau thì cũng phải chúc cho nhau trăm tuổi bạc
đầu râu… Đến tận bây giờ, chuyện chúc nhau cũng còn là chuyện thời sự của ba ngày
Tết, không riêng gì thời của Ông Tú Vị Xuyên Trần Tế Xương. Người lớn chúc nhau
là mong mỏi cho nhau trong tương lai có được cuộc sống tốt hơn, quên đi những
thử thách, những cay đắng đã trải qua. Sấp nhỏ khi được mừng tuổi, nó có được
phong bao lì xì là nó mừng hết lớn. Bao nhiêu đó đã đủ cho chúng rồi. Đừng để
chúng bắt chước người lớn chúc nhau có dây có nhợ. Đừng để sấp nhỏ nếm sớm cái
trái đắng.
Điều Gàn Tui muốn nói thêm nữa cũng là chuyện
Chúc Nhau đó. Thời buổi bây giờ mạng xã hội phát triển nên khá dễ dàng chuyện
quảng giao, kết bạn với nhau. Dĩ nhiên trong bạn bè trên mạng cũng có đủ loại bạn
như núi như non che chắn cho nhau, loại bạn như đất như biển có cùng chung nỗi
sẻ chia, gởi gắm, trút cho nhau những nỗi niềm những tâm sự… Không tránh khỏi
hiện diện loại bạn như bông như hoa sớm nở tối tàn, không loại trừ trong đó có cả
loại bạn cân đo đong đếm, có thể đếm cả lượt like để khoe thành tích. Như vậy
trong đống hỗn độn bạn bè, khi treo trên tường câu chúc nhau năm mới mọi người
đều được Vạn Sự Như Ý, lỡ trong số người được chúc có người là đầu trộm đuôi cướp, đôi
khi là kẻ cướp ngày nữa, ngữ ấy mà được vạn sự như ý thì thiên hạ từ chết tới chết.
Gàn Tui vốn dĩ là Đồ Gàn, xin bà con thương tình,
chớ có ném đá mà tội nghiệp Gàn Tui.
Có lẽ sấp nhỏ bây giờ không còn cái cảnh phải
chờ đến ngày Tết mới có áo mới, phải đỏ mắt “chờ mong anh trai / sẽ đem về cho tà áo mới / ba ngày
xuân đi khoe xóm giềng…”. Tết bây
giờ đã không còn “nghe pháo giao thừa
rộn ràng nơi nơi”. Có lẽ cũng không
còn có cảnh “bên mái tranh nghèo ngồi
quanh bếp hồng / trông bánh chưng chờ trời sáng / đỏ hây hây những
đôi má đào…”. Nhưng ít ra bây giờ việc
mừng tuổi cũng còn điểm tô thêm màu sắc cho ba ngày Tết. Cũng còn có chuyện để
nói tầm phào với nhau như Gàn Tui.
2016, Tết Con Khỉ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét