Một
làn gió bấc thổi qua, cỏ khẽ rùng mình làm màu xanh sắc lại. Màu xanh này làm
tôi nhớ lại cái màu xanh mà từ thứ hai đến thứ bảy tôi đều gặp ở hồi xa xa lắm.
Màu sắc phục của thầy tôi. Thầy Trần Minh Sư !
Thầy
không thể lẫn với bất cứ thầy nào được vì Thầy luôn mặc bộ đồ lính đi dạy. Tôi
nghe chồng tôi kể trước khi về dạy ở Trường Tiểu học Quận Lỵ Bình Khê, Thầy dạy
ở Trường Tiểu Học Bình Nghi. Thầy dạy lớp chồng của tôi. Ở lớp đó có một học
sinh nam cực kì cá biệt, tên là “Ên” Chí (“Ên” là tên đệm mà bạn bè kèm vô vì
nghe nói ngày xưa anh này rất bợm và lớn tuổi nhất lớp). Hồi đó, Thầy có một
cái xe mô-bi-lét (nếu hết xăng thì dùng như xe đạp) rất oách. Lũ học trò trường
làng nghe tiếng xe “bành bạch” là biết Thầy đến rồi. Như mọi hôm, vào lớp là Thầy
điểm danh nhưng vắng mất trò Chí “Ên”. Cả lớp nhao nhao . Thầy gọi lớp trưởng
hỏi lí do vắng mặt của trò Chí. Lớp trưởng ấp a,ấp úng mãi rồi thưa :
- Thưa thầy… thưa thầy… trò Chí cưỡi xe của thầy
vô Cây Xoài Một rồi ạ.
Thầy
khẽ nhíu mày, rồi thầy nhờ một thầy ở lớp bên trông hộ lớp. Sau đó, Thầy và ông
cai cưỡi xe đạp vô Cây Xoài Một. Đi giữa đường, gặp được trò Chí. Thấy Thầy trò
ấy cười hềnh hệch, đứng lại. Thầy cũng đứng lại. Thầy nhờ ông cai cưỡi xe đạp
về trường còn thầy đèo trò Chí bằng xe mô-bi-lét. Trò Chí hai tay nắm yên trước,
hai chân thu lại trên yên sau, miệng cười tủm tỉm. Giờ ra chơi, bạn bè bu lại
hỏi. Chí hềnh hệch cười khoe :
- Thầy đâu có la. Thầy bảo đừng như thế nữa, lỡ
có chuyện gì thì khổ ...
Rồi
trò Chí lại hềnh hệch cười. Thầy không la và “Ên” Chí bắt đầu ngoan hơn.
Vài
năm Thầy chuyển về Trường Tiểu học Quận Lỵ Bình Khê. Thầy dạy lớp năm B (khóa
1971 -1972, hình như đó cũng là năm đầu tiên lớp nhất chuyển tên gọi là lớp
năm). Lớp đó có lớp trưởng là Võ Đình Đảm, có Trần Thị Lệ Xuân (bà con với thầy
đấy - dòng họ Trần Minh), có Trần Thị Thanh Tâm (con của thầy), có Đặng Thị
Chín (chị của tui), có nhiều bạn nữa và trong đó có cả tôi.
Tôi
còn nhớ Lớp Năm B của tôi học ở phòng 2 nằm dãy bờ sông, bên hàng rào nên thích
lắm. Thích vì nghe “tùng, tùng, tùng” là có thể chạy nhanh đưa tay qua hàng rào
mua một món vặt nào đó hợp khẩu của mình. Mùa nắng có đá bào xịt xi-rô, chè đậu
đen, chè đậu ván, nước é…, ổi, cóc, me dầm. Mùa mưa có sắn, me non chấm muối ớt,
có mực chút chút nướng phết tương ớt… Giờ nghĩ nước miếng lại tứa ra đầy miệng. Ra
chơi lũ lớp tui hay tranh chỗ mua quà với lũ Lớp Năm A. Lớp này được cô Đinh
dạy. Cô người Huế. Cô rất Huế. Cô chỉn
chu bao nhiêu thì thầy tôi lại phong trần bấy nhiêu. Tôi cố lục trong kí ức của
tôi Thầy có bộ đồ nào khác ngoài bộ đồ lính hay không. Không, tôi không tìm
thấy. Thầy tôi chỉ một bộ đồ lính không ũi, không hồ cùng đôi giày lính ngày ngày
đến lớp. Thế thôi ! Giáo phục của Thầy tôi. Sắc phục của Thầy tôi - màu cỏ mùa
gió bấc.
Hồi
đó, dạy là dạy đâu có khái niệm “tích hợp” như bây giờ. Thế mà trong phần toán
“động tử” Thầy đã cho chúng tôi động não và phát huy năng khiếu của mình. Thầy
đã cho chúng tôi vẽ hình “động tử cùng chiều” hoặc “động tử ngược chiều” rồi từ
đó đặt bài toán đố. Lũ 5B chúng tôi thích lắm. Bài thì học qua loa cho xong,
gác qua một bên để giành thời gian mà hoàn thành tác phẩm của mình, hoàn thành
đề toán của mình. Chúng tôi học làm họa sĩ. Chúng tôi học làm giáo viên. Rồi, đứa thì vẽ thuyền chèo ngược dòng; đứa
thì vẽ xe, người cùng đi; đứa thì vẽ xe máy, xe đạp đi ngược chiều… Và tôi nhớ
nhất đó là tác phẩm “Thỏ và Rùa”của lớp trưởng Võ Đình Đảm. Tác phẩm đó Thầy
nhận xét là tài năng. Đúng là tài năng thiệt. Thời gian đã trả lời rồi mà.
Thầy
như thế đó, rất đơn giản, rất bình thường. Mà cái đơn giản và bình thường đó
không lẫn vào đâu được. Thầy nhập vào cuộc đời nhưng cuộc đời không hòa tan
được Thầy. Dù ở đâu, dù ở vị trí nào chúng tôi cũng nhận ra Thầy - Thầy của lớp
5B chúng tôi. Thầy ít cười lắm nhưng bây giờ chúng tôi thấy mắt Thầy cười. Vì
trong cuộc đời đầy dâu bể này Thầy đã miệt mài, cặm cụi cày xới mảnh đất này để
ươm mầm, trồng cây. Thầy đã chắp cánh cho chúng tôi ước mơ. Cho chúng tôi nhớ
những điều mà chứng tôi đã từng lãng quên trong cuộc sống vội vã này.
Một
cái gì cay cay trên mắt . Một cái gì mằn mặn trên môi .
Giờ
thì:
Cây
cao - bóng hạc.
Bấc
lạnh - đông về,
Thấy
màu cỏ lạnh :
“Thưa
thầy …..
Thầy
ơi !”
Nguyễn Thị Hồng Lê
Khóa 8 QuangTrung BinhKhe
Ôi buồn thấy màu cỏ lạnh!Nhớ áo Thầy ta áo lính năm xưa!Chí-Ên học trò quậy phá Thầy chỉ la sơ rầy rà chút đỉnh!Nhớ Thầy nhớ bao kỷ niệm...Buồn vui ngày ấy dịu êm trong lòng Hình ảnh Thầy như Thần Tượng!Tâm hồn Thơ trẻ yêu thương kính Thầy..........
Trả lờiXóaCó phải thầy Trần Minh Sư ở Phú Hiệp, nhà ở cạnh bầu Bờ Lặn, cũng có 1 căn nhà ở Quốc lộ (đường Quang Trung), sau 30/4/75 có thời gian làm chủ nhiệm HTX nông nghiệp rồi sau đó từ chức không?
XóaDạ , đó là thầy !
XóaCảm ơn Nguyễn Thị Hồng Lê!
Xóa