Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

BÀ TÔI ĂN TRẦU


Sáng nào, bà tôi cũng ăn trầu, sau khi đã giúp má tôi dọn dẹp xong nhà cửa để má bắt đầu công việc của một ngày mới, bà tôi tới ngồi bên cơi trầu đặt trên giường của bà. Cơi trầu của bà là một hộp sơn mài cũ kỹ, nắp hộp to bằng cái đĩa bà thường dùng sắp đồ cúng trong ngày nhà có giỗ.

Bà đựng đủ thứ trong cơi trầu: vài thếp lá trầu xanh, mấy quả cau tươi, chừng một nắm rễ cắt sẵn dài bằng đốt ngón tay, một con dao xếp, bộ cối giã trầu bằng đồng cùng mấy viên thuốc lá rê to bằng quả trứng gà gói trong một lớp lá chuối... Bên giường là một ông bình vôi bằng đất nung mầu đỏ khé và cái ống nhổ bằng đồng thau luôn sáng bóng. Ðôi tay bà khẳng khiu, một tay cầm lá trầu, tay kia cầm dao chìa vôi rọc theo sống lá để chia đôi lá trầu. Xong, bà lấy một nửa lá trầu, dùng bàn tay ủi ủi cho thẳng trước khi quệt vôi, têm trầu. Bà bỏ miếng trầu vừa têm kèm với vài miếng rễ, miếng cau tươi (có khi là cau khô bà ngâm nước trước cho mềm) vào cối giã trầu. Bà ngồi ăn trầu, một chân xếp trên chiếu, một chân dựng đầu gối gác một cánh tay lên đó, miệng nhai bỏm bẻm. Những lúc này, tôi thương bà lắm và thầm mong bà sống lâu.   


Tuy không thường ăn trầu, nhưng có khi má tôi cùng ngồi ăn trầu hầu bà tôi. Má têm trầu, giã trầu cho bà, rồi mời bà ăn trầu và má cũng ăn một miếng với bà. Hai người cùng nhai trầu và chuyện trò vui vẻ. Những câu chuyện bà thương má tảo tần, chuyện mấy đứa cháu của bà ngoan, còn má thì ngồi lắng nghe... Những khi bà tôi ngồi ăn trầu một mình, bà có vẻ nghĩ ngợi. Lũ con Thơ, con Ngây - con cậu tôi, cứ bảo bà đang ôn lại chuyện cổ tích để kể cho chúng nghe, vì bà có cả một kho chuyện cổ tích. Ăn trầu với ngoại xong, trông má tôi xinh hơn, má có Nét cười đen nhánh sau tay áo (thơ Lưu Trọng Lư). Mỗi khi bà tôi bổ xong miếng cau tươi, thả cái vỏ cau ra chiếu, mấy chị em chúng tôi vây quanh bà tranh nhau nhặt để đánh răng. 

Mỗi khi đi đâu, bà dỡ trầu theo, gói gọn trong chiếc khăn trầu. Bạn ăn trầu của bà là bà Kỷ, bà Ngôn, bà Nhẫn... hàng xóm. Ðôi khi ông Ngôn, ông Ngữ, cũng là bạn già hàng xóm của bà, đem biếu bà thếp trầu xanh, nắm hạt cau khô, rồi cùng ngồi ăn trầu với bà. Cũng như nhiều nhà khác, nhà bà tôi trồng một hàng cau quanh vườn và cho leo chằng chịt những dây trầu không. Nguồn trầu dồi dào nhất ở đây là trầu nguồn, do các thuyền buôn từ An Khê, Tây Sơn xuôi theo dòng sông Côn chở xuống. Trong các chợ Gò Chàm, Ðập Ðá và các chợ quê, chợ nào cũng có hàng trầu cau. Tương truyền, ông Biện Nhạc, tức Nguyễn Nhạc, thời chưa dấy nghiệp, đã sinh sống bằng nghề buôn trầu và dấu tích còn lưu lại đến giờ là bến Trường Trầu. Chợ Gò (Tuy Phước) mỗi năm chỉ họp một phiên duy nhất vào sáng mồng một Tết để người ta đi mua lộc Bà là những thếp trầu mướt rượt, quả cau tươi... Bà tôi già yếu, không đi chợ được, nhưng bà vẫn có nhiều lộc Bà, do mấy người trong làng mua đem về biếu bà. Phiên chợ này, nay trở thành lễ hội truyền thống ở địa phương.  

Chuyện Trầu Cau bà kể cho con, cháu nghe, đến ngày lớn khôn mới dần hiểu ra. Cây cau với dây trầu quấn chặt là biểu tượng của tình yêu chung thủy vượt lên trên số phận. Người ta ăn trầu để thưởng thức mùi thơm, vị ngọt và cho thắm đỏ đôi môi. Ðó cũng là biểu tượng của tình yêu ngọt ngào, sống chết có nhau của tình anh em ruột thịt. Người phụ nữ ăn xong miếng trầu, là thêm duyên đằm thắm mặn mà. Nhà nào mà chẳng có khay cẩn, hộp trầu để có sẵn miếng trầu là đầu câu chuyện mỗi khi tiếp khách, rồi cái hộp thau để dâng trầu cúng gia tiên. Lễ cưới, lễ hỏi, dẫu cho đủ lễ vật đến đâu, cũng không cho phép thiếu trầu cau để chúc mừng sự hạnh phúc bền lâu của lứa đôi: Cưới em một thúng xôi vò - Một con lợn béo một vò rượu tăm - Cưới em đôi chiếu em nằm - Ðôi chăn em đắp đôi trằm em đeo - Cưới em quan tám tiền cheo - Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau (Ca dao). Lần nào cũng vậy, đến ngày giỗ ông tôi, bà cũng tự tay sắp đặt tinh tươm, đẹp mắt hộp trầu dâng cúng ông. Má tôi vẫn bảo: Bà vẫn dạy má têm trầu cánh phượng và cách lễ phép mời trầu để cho ba bay yêu suốt đời

Bà tôi mất đã lâu. Cảnh quê đã thay đổi nhiều, cuộc sống ở quê cũng khác trước. Các bà, các bác gái, các chị mặc đồ bộ thong thả thoải mái, không ai còn mặc bộ bà ba nhuộm đen thô dày sẫm tối như hồi xưa nữa. Tìm đâu ra người răng đen, ăn trầu? Mới rồi tôi về quê, ngồi trên thềm cũ của nhà ngoại, tôi nhớ thuở ngày xưa: Nhớ bà tôi miệng ăn trầu và cái khăn trầu vắt vai của bà, chợt thấy hình bóng một cậu bé - chính là tôi bây giờ - vẫn ham thích trò chơi cưỡi ngựa tàu cau chạy lông nhông trong sân nhà ngoại mình... 

Huỳnh Kim Bửu
Cố GS. TH QuangTrung BinhKhe


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét