Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

BINH BIẾN THÀNH BÌNH ĐỊNH NĂM 1800


Thành Bình Định trước xưa là Thành Đồ Bàn của Chiêm Thành, năm 1778 Nguyễn Nhạc lên ngôi vương đã cho xây đắp lại, đổi tên là Thành Hoàng Đế. Đến khi nhà Tây Sơn bất hòa, Quang Trung Nguyễn Huệ định đô ở Phú Xuân, Hoàng Đế thành của Thái Đức Nguyễn Nhạc mất thực lực nên quen gọi với tên là thành Quy Nhơn.

Tháng 6 năm Kỷ Mùi 1799, Nguyễn Ánh ở Gia Định ra chiếm lấy được Quy Nhơn, đổi tên là Thành Bình Định. Mùa gió bấc thổi, Nguyễn Ánh về nam, giao lại nơi đây cho Chưởng Hậu quân Võ Tánh và Lễ Bộ thượng thư Ngô Tùng Châu trấn giữ. Tháng giêng năm Canh Thân 1800, đại binh Phú Xuân dưới quyền của Thiếu Phó Trần Quang Diệu và Đại Tư Đồ Võ Văn Dõng vào bao vây Thành Bình Định, hòng đánh chiếm lại Quy Nhơn. Quân giữ thành cùng với Võ Tánh có một quân thứ toàn là người Quy Nhơn, gọi là Quân Ngự Lâm. Có một phiên hiệu của đội quân nầy đã gây ra binh biến nơi thành Bình Định, nếu thành công thì không dễ gì Nguyễn Ánh đã kết thúc sớm cuộc chiến, sớm lấy được Phú Xuân, Thăng Long năm 1802.

QUÂN NGỰ LÂM CỦA NGUYỄN VƯƠNG PHÚC ÁNH :

Năm đánh chiếm được Quy Nhơn, Nguyễn Vương Phúc Ánh liền tổ chức thu thuế ở đây làm quân lương. Đến tháng 8 lại cho kén binh ở Quy Nhơn, cứ theo ngạch binh, sổ sách cũ của Tây Sơn mà tuyển được gần 19.000 quân, biên thành chi hiệu đội ngũ. Lấy quân ở 2 Thuộc Võng Nhi, Hà Bạc và các xã miền dưới sung vào Thủy quân. Lấy quân của 4 Thuộc An Ngãi, Nhơn Ân, Nghĩa Hòa, Sơn Điền đặt làm 5 Đồn quân, gọi là Ngũ Đồn Ngự Lâm Quân. Biên chế mỗi Đồn có 5 Chi gọi là Trung Chi, Tiền - Hậu - Tả - Hữu Chi; mỗi Chi gồm 5 Hiệu gọi là Trung Hiệu, Tiền - Hậu - Tả - Hữu Hiệu; mỗi Hiệu có 2 Đội gọi là Nhất Đội và Nhị Đội.

Theo Đại Nam Thực Lục, lược sơ các viên tướng quản lĩnh Ngũ Đồn Ngự lâm quân :

·      Trung Đồn quân Ngự Lâm : Đô Thống chế là Khâm sai Phó tướng Tổng nhung Cai đội Phan Tiến Hoàng, trước là Cai cơ Phó tướng Tiền quân bị giáng làm Cai đội vào tháng giêng năm 1798 lúc còn quản dinh Bình Thuận. Thống chế là Thuộc nội Vệ úy vệ Võ Uy - Trung Đồn quân Thần Sách Hoàng Công Thành. Theo Liệt truyện, Thành người Phù Cát - Bình Định, Đô đốc của Tây Sơn theo vào Gia Định từ năm 1793.
·      Tiền Đồn quân Ngự Lâm : Đô Thống chế là Đại Đô đốc Đoàn Văn Cát của Tây Sơn, Cát người Bình Sơn - Quảng Ngãi, năm 1798 trấn thủ Phú Yên, xảy ra binh biến Tiểu triều Nguyễn Bảo, Cát bỏ vào Diên Khánh theo Nguyễn Vương. Thống chế là Đô đốc Lê Văn Niệm của Tây Sơn, người Phù Cát - Bình Định, mới theo về tháng 4 năm 1799.
·      Tả Đồn quân Ngự Lâm : Đô Thống chế là Đại Đô đốc Lê Chất của Tây Sơn. Thống chế là Đại Đô đốc Võ Đình Giai. Cả hai đều là người Phù Cát - Bình Định, cùng theo về với quân Gia Định vào tháng 4 năm 1799.
·      Hữu Đồn quân Ngự Lâm : Thống chế là Khâm sai Thuộc nội Cai cơ Vệ úy vệ Dương Võ - Tả Đồn quân Thần Sách Từ Văn Chiêu, nguyên trước là Tham tán của Thái Đức Nguyễn Nhạc, năm 1795 theo về Gia Định. Phó Thống chế là Đại đô đốc Nguyễn Văn Điểm của Tây Sơn, mới theo về tháng 4 năm 1799.
·      Hậu Đồn quân Ngự Lâm : Thống chế là Khâm sai Thuộc nội Cai cơ Vệ úy vệ Diệu Võ - Tả Đồn quân Thần Sách Nguyễn Văn Phát. Theo Liệt truyện, Phát người Phù Cát, Bình Định, ở với Tây Sơn làm tới chức Chỉ huy, từ năm 1793 đã theo vào với Gia Định. Còn Phó Thống chế là Đô đốc Hồ Văn Viện của Tây Sơn, mới theo về Nguyễn Vương tháng 4 năm 1799.

Xem vậy quân hiệu Ngự Lâm Quân của Nguyễn Vương Phúc Ánh không những binh lính đều toàn là người phủ Quy Nhơn, mà cấp chỉ huy, kể cả tướng lĩnh cao cấp thì phần đông đều là tướng của Tây Sơn đã theo về với Phúc Ánh. Người thì bỏ vào Gia Định từ năm binh Phú Xuân vô giải cứu Quy Nhơn rồi kê biên luôn kho tàng, võ khố khiến Thái Đức Nguyễn Nhạc uất ức mà chết 1793. Người thì chạy về với quân Nam khi Tiểu triều Nguyễn Bảo, con của Thái Đức cũng bị binh Phú Xuân bắt giết năm 1798. Người thì đầu quân với Nguyễn Vương khi thành Quy Nhơn lâm vào thế thất thủ năm 1799.

Binh chế Ngũ Đồn quân Ngự Lâm là Đồn, Chi, Hiệu, Đội, có lẽ dưới Đội còn có Thập và Ngũ. Với hơn 18.900 binh tuyển được ở huyện Tuy Viễn phải phân lực lượng của 2 Thuộc Võng Nhi và Hà Bạc về với Thủy binh, nên chưa xác định rõ mỗi Đồn quân Ngự Lâm gồm bao nhiêu quân lính. Nhưng máy móc một chút, nếu một Đội có 5 Thập thì mỗi Hiệu sẽ có 100 quân, dẫn đến mỗi Đồn khoảng 2.500 quân. Cộng lại 5 Đồn được 12.500, gần đúng với 2 phần 3 số quân là lính đã kén tuyển từ 4 Thuộc An Ngãi, Nhơn Ân, Nghĩa Hòa, Sơn Điền trong 6 Thuộc của Tuy Viễn.

Trong cuộc chiến ở Quy Nhơn từ năm 1800 đến 1802, bấy giờ 3 phiên hiệu Trung - Tiền - Hậu Đồn thuộc quyền sai bát của Chưởng Hậu quân Võ Tánh, bị vây trong thành Bình Định, còn 2 phiên hiệu Tả và Hữu Đồn thuộc lực lượng giải vây dưới quyền của Chưởng Tiền quân Nguyễn Văn Thành kiêm quản Tả Đồn quân Ngự lâm, Chưởng Hữu quân Nguyễn Huỳnh Đức kiêm quản Hữu Đồn quân Ngự lâm. Ghi nhận theo sử sách nhà Nguyễn thì đội quân có tên Ngự Lâm nầy chẳng mặn mà gì với Nguyễn Vương Phúc Ánh. Suốt cuộc chiến, gần như ngày nào cũng có binh lính quân Ngự lâm đào ngũ, trốn về với Tây Sơn, đôi khi có đêm đào thoát cả trăm người cùng với cấp chỉ huy.

So với các hàng tướng khác cùng quản lĩnh Ngũ Đồn quân Ngự lâm, Lê Chất là viên tướng mà Nguyễn Vương đặc biệt để mắt đến. Vương đã đưa mẹ già và vợ con của Lê Chất vào tận trong Gia Định cấp tiền lương nuôi nấng. Trước những dè bỉu, hằn học của các tướng lĩnh quân Nam đối với Chất, Nguyễn Vương phải ra công nhũn nhặn giải hòa… Lê Chất cũng vì vậy mà cúc cung tận tụy. Do đó Tả Đồn quân Ngự lâm của Chất dù chẳng ít binh tướng trốn bỏ quân thứ về với Tây Sơn, nhưng ít nhiều gì Tả Đồn cũng có công trạng với quân Nam. Sau nầy khi Gia Long đã lên ngôi tháng 5 năm 1802, Tả Đồn của Chất đổi thành dinh Hậu quân, thay thế cho Hậu Quân của Võ Tánh đã bị xóa sổ ở thành Bình Định, Lê Chất được phong Chưởng Hậu quân Bình Tây tướng quân.

Cùng trong lực lượng giải vây thành Bình Định, Đô Thống chế Hữu Đồn quân Ngự Lâm Từ Văn Chiêu thì khác. Vào tháng 7 năm 1800, Chiêu đem binh bản Đồn quay về với Tây Sơn, sau đó là lực lượng đã gây tổn thất cho quân của Nguyễn Ánh không ít. Trong các trận chiến nẩy lửa với quân Nam hầu như đều có mặt Từ Văn Chiêu. Trận Thị Dã (Chợ Giã - Tp. Quy Nhơn bây giờ) tháng 11 năm 1800, quân binh của Chiêu đã kịch liệt, ngăn chặn bước tiến quân của Chưởng Tiền quân Nguyễn Văn Thành và Tả dinh quân Thần Sách Đô thống chế Lê Văn Duyệt (Duyệt đến năm 1802 mới được phong Chưởng Tả quân). Trận Càn Dương (Cát Tiến - Phù Cát, Bình Định bây giờ) tháng giêng 1801, Chiêu bắt sống Thống chế Phan Văn Kỳ và Vệ úy Nguyễn Văn Trí, chém 2 Vệ úy Hoàng Phước Bảo và Hoàng Văn Tứ. Trận Tân Quan (Tam Quan - Hoài Nhơn, Bình Định bây giờ) tháng 6 năm 1801, Chiêu phục binh ở Hang Dơi bắt giết Trung dinh quân Thần Sách Đô Thống chế Tống Viết Phước… Sau Từ Văn Chiêu bị bắt cùng các tướng tháp tùng Trần Quang Diệu lúc chạy ra Thanh Chương - Nghệ An. Lên ngôi, Gia Long cho giết ngay Từ Văn Chiêu khi Chiêu còn xiềng ở trong ngục.

Còn Trung, Tiền và Hậu Đồn quân Ngự lâm bấy lâu bị Trần Quang Diệu vây hãm trong thành Bình Định. Tháng 5 năm 1801, liệu thế không còn giữ nổi thành, Võ Tánh và Ngô Tùng Châu người uống thuốc độc, người tự thiêu tuẫn tiết. Trần Quang Diệu vào thành Bình Định mà không giết binh tướng của Võ Tánh, có lẽ 3 phiên hiệu Quân Ngự Lâm nầy sau trở thành tù binh của quan Thiếu Phó nhà Tây Sơn.

Đô thống chế Trung Đồn quân Ngự lâm là Phan Tiến Hoàng đến năm 1802 về lại được với Nguyễn Vương. Ra Bắc, Tiến Hoàng thụ chức Trấn thủ Kinh Bắc, rồi Lưu thủ Quảng Ngãi. Sau đánh giặc Đá Vách (tộc Hré) thất bại, bị Lê Văn Duyệt hài tội trói giải về kinh. Còn Thống chế Trung Đồn Ngự lâm quân Hoàng Công Thành trước đã điều sang quản lĩnh Hậu Đồn, chết trong quân thứ, sau được tặng Chưởng cơ, thờ ở Đền Song Trung - Chiêu Trung Từ, nơi thờ Võ Tánh, Ngô Tùng Châu cùng các tướng chết trận chết bệnh ở trong thành Bình Định.

Thống chế Tiền Đồn quân Ngự lâm Lê Văn Niệm năm 1802 cũng về được với Phúc Ánh. Sau ra Bắc, Lê Văn Niệm thụ chức Trấn thủ Thái Nguyên. Còn Đô Thống chế Tiền Đồn quân Ngự lâm Đoàn Văn Cát trước đã chết trong quân tại Thành Bình Định, sau thờ ở Đền Song Trung, được tặng Chưởng cơ.

Thống chế Hậu Đồn quân Ngự lâm là Nguyễn Văn Phát trước đây vào tháng chạp năm 1799 bị miễn chức, không rõ bị điều sang quân thứ nào, rồi chết trong quân không rõ vào lúc nào, ở đâu, nhưng chắc chắn là không chết ở trong thành Bình Định, vì sau đó được tặng Chưởng cơ thờ ở Miếu núi Độc Sơn cửa Thị Nại - nơi thờ Võ Di Nguy, Tống Viết Phước và các tướng chết trận chết bệnh từ Quảng Ngãi đến Thị Nại… Còn Phó Thống chế Hồ Văn Viện kể từ khi về ở trong quân của Võ Tánh tại thành Bình Định không thấy ghi chép gì nữa trong sách sử nhà Nguyễn.

Nhưng ở đây có thể xem xét lại hành trạng của nguyên Đô đốc nhà Tây Sơn Hồ Văn Viện cũng như phiên hiệu Hậu Đồn quân Ngự Lâm. Đây chính là đơn vị đã gây ra binh biến ở thành Bình Định vào tháng 4 năm Canh Thân 1800, chỉ sau mấy tháng thành lập binh chủng Ngự Lâm ở Quy Nhơn.

BINH BIẾN THÀNH BÌNH ĐỊNH

Về binh biến ở thành Bình Định năm 1800, Đại Nam Thực Lục Tập I, Viện Sử Học phiên dịch, nxb Giáo Dục 2001 tái bản lần thứ nhất, trang 438 có ghi :

Bọn hàng tướng ở thành Bình Định là Trưởng chi Trung Chi Hậu Đồn quân Ngự lâm Võ Văn Sự cùng với Trưởng chi Hữu Chi Nguyễn Bá Phong đem đồ đảng làm phản, giết quân ta, mở cửa thành phía bắc để đầu hàng giặc. Võ Tánh sai Vệ úy Vệ Nhuệ Phong là Ngô Văn Sở chiếm giữ cửa, bọn quân phản đã ra trước ngoài thành hơn 400 người, còn dư thì không dám ra. Tánh liền xét bọn đồng mưu đem giết hết, phòng giữ nghiêm mật hơn

Nguyên tháng giêng năm 1800, thủy quân của Võ Văn Dõng đã vào cửa Thị Nại, bộ binh của Trần Quang Diệu đã vượt Thạch Tân vào đắp lũy cả bốn mặt vây bọc thành Bình Định. Trong thành quân binh của Võ Tánh ngoài lính bản dinh Hậu quân, lính Ngũ Đồn quân Ngự lâm, một số Vệ của quân Thần Sách…, ở đây còn có cả một vạn quân Xiêm (!?). Binh lương đầy đủ, Võ Tánh đóng cửa thành chia quân giữ chặt. Đến tháng tư thì lính Hậu Đồn quân Ngự lâm ở đây gây ra binh biến. Xét theo Thực Lục thì rõ ràng quân Hậu Đồn làm phản chứ không phải là đào thoát về với Tây sơn. Nhưng binh biến không thành, hơn 400 người thoát ra ngoài thành, còn dư thì kẹt lại, một số sau bị Võ Tánh đem giết…

Sử nhà Nguyễn chỉ ghi vắn tắt, không cho biết rõ con số bọn đồng mưu mà Võ Tánh giết là bao nhiêu. Hoàng Việt Hưng Long Chí, sách của Ngô Giáp Đậu biên soạn năm 1904 thì cho rằng số quân gây biến còn lại ở trong thành bị Võ Tánh đem ra giết cả :

Phe đảng của Bá Phong lúc ấy đã lọt ra ngoài hơn bốn trăm người. Số còn lại ở trong thành không dám động đậy. Võ Tánh lo bọn họ sẽ lại làm phản, bèn ra lệnh đem giết cả, rồi sai người về triều cáo cấp…(Hoàng Việt Hưng Long Chí - nxb Văn Học 1993)

Nếu biết rõ con số của quân gây biến còn ở lại trong thành bị đem ra hành quyết, sẽ lượng định được quy mô của binh biến. Từ tư liệu của các nhà truyền giáo, Thư của Longer gởi cho 2 giáo sĩ Boiret và Descourvières ngày 4.9.1801 (Nguyễn Ngọc Cư dịch, Tập San Sử Địa số 21 - nxb Khai Trí, Sài Gòn 1971) cho thấy rõ con số binh lính gây biến còn lại ở trong thành bị Võ Tánh đem ra hành quyết là chừng bảy, tám trăm người :

May thay tướng giữ thành vốn là một người can trường và trước kia đã cầm cự nổi một cuộc bao vây kéo dài từ 7 đến 9 tháng ở Nha Trang, khám phá được âm mưu của bọn làm phản. Độ 500 kẻ đã chạy thoát, số khác bị bắt và bị hành quyết, chừng bảy, tám trăm người. Vì thành trì được trang bị đầy đủ, quân địch bao vây bị cầm chân, không làm gì nổi…

Bảy, tám trăm người bị hành quyết sau biến loạn, một con số không phải nhỏ, được xem như gần quân số 2 Chi hiệu. Chẳng trách Hoàng Việt Hưng Long Chí của tác giả giòng Ngô Gia Văn Phái cho rằng quân gây biến còn lại ở trong thành bị Võ Tánh đem ra giết cả. Con số bảy, tám trăm người từ lá thư của Longer đã nói lên sự tổn thất khủng khiếp của Hậu Đồn quân Ngự lâm. Số binh lính của Hậu Đồn còn sống sót ở trong thành Bình Định chắc chắn cũng chẳng dễ thở gì sau binh biến. Võ Tánh sẽ giám sát chặt chẽ hơn, không dễ gì họ được đưa ra chiến đấu mà sẽ được xem như dạng lính lao công đào binh, phục dịch chiến trường, phòng ngự thành Bình Định. Lá thư của Longer còn cho biết Trần Quang Diệu khi vào vây thành Bình Định với hy vọng chiếm được thành là mong mỏi vào một cuộc nội phản mới ở đây. Có nghĩa là binh biến đã chuẩn bị từ trước :

Tháng giêng năm 1800, một trong hai tướng kể trên dẫn một đạo bộ quân hùng hậu vào cố đoạt lại thành Qui phủ. Có kẻ nội phản đã mở cho tướng ấy một lối đi và sau khi lọt được vào tỉnh Qui Nhơn, tướng ấy bèn phong tỏa thành Qui phủ và hy vọng chiếm được nhờ một cuộc nội phản mới…

Điều nầy phù hợp với Đại Nam Thực Lục ở chỗ là thấy tới 2 Chi của lính Hậu Đồn quân Ngự lâm làm phản. Lính làm phản đã giết quân, rồi mở được cửa thành thì đâu chỉ để chạy trốn, chỉ để thoát ra ngoài. Như vậy quy mô của binh biến không chỉ gói gọn ở cấp chi, hiệu, đội, ngũ. Binh biến đâu chỉ do Trưởng chi Trung Chi Đô đốc Võ Văn Sự và Trưởng chi Hữu Chi Đô đốc Nguyễn Bá Phong điều động. Có thể nói trong đó không thể không có vai trò của Phó Thống chế Hậu Đồn quân Ngự lâm Đô đốc Hồ Văn Viện.

Đô đốc Hồ Văn Viện là một trong những hàng tướng có tên được Nguyễn Vương Phúc Ánh điều động đi kén tuyển binh lính ở phủ Quy Nhơn năm 1799, để thành lập quân hiệu Ngự Lâm Quân. Khi Ngũ Đồn Ngự Lâm Quân đã định xong biên chế, cũng chính ông là người đứng ra xin lập 3 đội Chiến võ quân Lạc tòng (có thể hiểu là quân binh lưu lạc, nay thu nạp về lập thêm đội ngũ). Theo Thực Lục thì Nguyễn Vương đã y cho, “…Lại cho năm Đồn và hai Vệ Thiên Trường, Tín Trực, từ Đô thống chế đến Đội trưởng tham luận, đều được mộ lập thuộc quân theo mình sai sử…”. Có thể nói những binh lính Tây Sơn ngày Quy Nhơn thất thủ, những người không có tên trong sổ sách thôn ấp ở Quy Nhơn giờ không biết phải ra sao, bấy giờ đã được Đô đốc Hồ Văn Viện tạo điều kiện cho đứng chân trong quân ngũ của ông. Việc làm nầy sau đã khiến cho Thống chế Hậu Đồn Nguyễn Văn Phát bị mất chức. Thực Lục vào tháng chạp năm 1799 có ghi :

Thống chế Hậu Đồn quân Ngự lâm là Nguyễn Văn Phát và Tham tri Binh bộ Hồ Văn Định có tội bị miễn chức. Phát trước kia lấy quân trốn ở Đồn mình làm quân Lạc tòng, Định thì chữa lại sổ tuyển dùm, Định lại lập hạng biệt tính làm quân thuộc kiên, việc phát giác, hai người đều bị bãi chức. Lấy Thống chế Trung Đồn là Hoàng Công Thành quản lãnh Hậu Đồn…

Có thực Đô đốc Hồ Văn Viện là đầu mối nội phản của Trần Quang Diệu ở thành Bình Định hay không. Không thể khẳng định được khi chưa có minh chứng cụ thể khác. Nhưng không thể không đặt nghi vấn là tại sao kể từ ngày Hậu Đồn quân Ngự lâm về dưới quyền sai bát của Võ Tánh cùng phòng ngự thành Bình Định, không hề thấy sử sách nhà Nguyễn nhắc đến tên Phó Thống chế Đô đốc Hồ Văn Viện nữa. Trong khi đó sau nầy các chỉ huy cấp thấp như Trưởng hiệu, Cai đội Đội trưởng của các phiên hiệu trong Ngũ Đồn quân Ngự lâm thấy chép có người được thuyên chuyển qua Quân Thần Sách, có người được ghi tên nơi các Miếu thờ… Điều gì đã khiến các sử thần không tiếp tục chép về ông giống như đã chép về các đồng ngũ, đồng hương của ông như các Đô đốc Hoàng Công Thành, Nguyễn Văn Phát, Lê Văn Niệm…, những người cùng quản lĩnh các phiên hiệu Quân Ngự Lâm.

Binh biến tháng tư ở thành Bình Định năm Canh Thân 1800 hiện nay chưa rõ được diễn tiến vì sao thất bại. Sách sử mất dấu tích Phó Thống chế Hậu Đồn Hồ Văn Viện. Nhưng ngày đó mối ám ảnh nội phản không phải là đã dứt hẳn trong lòng viên tướng giữ thành Võ Tánh. Theo Hoàng Việt Hưng Long chí thì một năm sau, tháng 5 năm 1801, khi binh tướng thiếu quân lương phải giết ngựa mà ăn, liệu không giữ thành được nữa, Tánh bí mật đưa thư ra ngoài, hẹn với Tiền quân Nguyễn văn Thành tổ chức đón Tánh cùng người trong thành trốn ra. Nhưng khi sắp xếp đào thoát thì điểm lại trong quân thấy thiếu mất một viên Vệ úy, Võ Tánh cùng Ngô Tùng Châu đành bỏ ý định vì cho rằng cơ mưu đã bại lộ. Sau hai người kẻ chọn chén thuốc độc, người chọn ngọn lửa quyên sinh.

Nói đến sự thất bại của đơn vị gây biến ở thành Bình Định, tưởng cũng nên nhắc đến viên Vệ úy Ngô Văn Sở, người đã chiếm giữ được cửa thành, ngăn không cho binh bên ngoài liên kết được với bên trong. Khi thành bị mất, có lẽ Sở cũng là tù binh của Trần Quang Diệu, sau mới về lại với Nguyễn Vương. Năm 1802 ra Bắc, được cho trấn thủ Thanh Hoa Ngoại (Ninh Bình bây giờ), cùng một lúc với các tướng của quân Ngự lâm như Phan Tiến Hoàng, Lê Văn Niệm… Tháng 7 năm 1806 vì chiếm cướp ruộng dân ở xã Hoàng Đan, việc phát giác Sở bị mất chức. Triều Minh Mệnh năm 1822 chết, được ban cáo thụ truy phục nguyên hàm, phong tặng Chưởng cơ, hiệu thụy Trung Tráng.

Nhiều tư liệu cho rằng viên tướng nầy chính là Đại Tư mã Ngô Văn Sở của nhà Tây Sơn, đã không bị Võ Văn Dõng dìm xuống sông Hương lúc biến loạn Bùi Đắc Tuyên, sau theo về với quân Nam. Nhưng thấy có điều gì đó vẫn chưa ổn. E rằng không phải. Ngô Văn Sở nơi thành Bình Định cũng là hàng tướng, chức hiệu của Sở ở Tây Sơn là Đô úy, được Nguyễn Vương phong làm Chánh Vệ vệ Nhuệ Phong của dinh Hậu quân vào tháng 5 năm Bính Thìn 1796. Nếu xét riêng chức hiệu Vệ úy, Đô úy thì chẳng là gì cả so với chức hiệu Đại Tư mã triều Tây Sơn. Chẳng lẽ những hàng tướng khác của Tây Sơn như các Đô đốc Đoàn Văn Cát, Lê Chất… được Nguyễn Vương cho nắm quyền Đô Thống chế cả một phiên hiệu quân, thì lý nào Đại Tư mã là cấp trên Đô đốc, bấy giờ lại chỉ được Vương ban cho một chức hiệu Vệ úy nhỏ nhoi. Theo Liệt Truyện, Vệ úy Ngô Văn Sở chỉ là một tùy tướng của Võ Tánh, tổ tiên của ông người Thừa Thiên vào cư ngụ ở Gia Định. Thực Lục còn cho thấy rõ sau nầy Sở ở dưới quyền của Chưởng Hậu quân Lê Chất, theo Chất ra Bắc, có công trạng, được giao trấn thủ Thanh Hoa Ngoại. Đại Tư mã Ngô Văn Sở của nhà Tây Sơn từng thống lĩnh cả Bắc hà, lẽ đâu giờ chỉ đảm nhận chức trấn thủ vùng Ninh Bình nhỏ bé. Chỉ có cách giải thích hợp lý đó là hai người khác nhau chứ không phải là một.

Binh biến ở thành Bình Định năm 1800 liên quan nhiều đến người của phủ Quy Nhơn ngày xưa, tức cũng là của người Bình Định hôm nay, nó cũng liên quan đến mối xung đột lúc là người của bên nầy, lúc là người của bên kia. Thất bại của binh biến đã tắm thêm máu trên vùng đất kinh đô cũ Đồ Bàn vốn cũng đã đẫm máu của người Chiêm. Lịch sử thành Bình Định đã để lại nhiều tang thương, ngút khí ánh gươm đao. Năm 1814 vua Gia Long đập bỏ thành Bình Định, cho dời phủ lỵ Quy Nhơn ở đây xuống phía nam, nơi làng Liêm Trực và An Ngãi, nay thuộc Phường Bình Định, trung tâm Thị xã An Nhơn. Phế tích thành Bình Định bây giờ vẫn còn đó, nó vẫn còn ghi dấu những đau thương, khốn khó của chiến tranh qua tới mấy lớp bể dâu.

Phan Trường Nghị
Khóa 4 QuangTrung BinhKhe

------------------------------------- 

Phụ Chú : Theo bộ sử Đại Nam Thực Lục của Quốc sử quán triều Nguyễn thì các tướng lĩnh trông coi các Chi của Ngũ Đồn quân Ngự lâm lúc bấy giờ cụ thể như sau :
1)      Trung Đồn
Đô đốc Thái Văn Duật làm Trưởng chi Trung chi,
Tham đốc Lê Văn Tuy làm Phó trưởng chi,
Đô đốc Chánh Tiền chi Tiền quân là Nguyễn Văn Thiệu làm Trưởng chi Tiền chi,
Đô đốc Nguyễn Văn Hoa làm Phó trưởng chi,
Chỉ huy Nguyễn Văn Tường làm Trưởng chi Tả chi,
Đô đốc Võ Văn Tiến làm Phó trưởng chi,
Cai cơ Trần Văn Giáo làm Trưởng chi Hữu chi,
Đô đốc Nguyễn Công Tùy làm Phó trưởng chi,
Chưởng cơ Nguyễn Văn Tứ làm Trưởng chi Hậu chi,
Đô đốc Trần Văn Nhị làm Phó trưởng chi.
2)      Tiền Đồn
Đô đốc Đỗ Văn Trung làm Trưởng chi Trung chi,
Đô ty Đỗ Văn Hậu làm Phó trưởng chi,
Đô đốc Nguyễn Văn Cầu làm Trưởng chi Tiền chi,
Đô úy Nguyễn Văn Đoan làm Phó trưởng chi,
Cai cơ Phó trưởng chi Chi Hùng võ là Phạm Văn Hiếu làm Trưởng chi Tả chi,
Đô ty Ngô Tòng Cù làm Phó trưởng chi,
Khâm sai Thuộc nội Cai cơ Nguyễn Đồng làm Trưởng chi Hữu chi,
Đô úy Đặng Văn Nghĩa làm Phó trưởng chi.
3)      Tả Đồn
Đô úy Giang Cảnh Thực làm Trưởng chi Trung chi,
Tham đốc Đỗ Văn Pháp làm Phó trưởng chi,
Đô đốc Võ Đình Duyên làm Trưởng chi Tiền chi,
Đô úy Ngô Văn Vĩnh làm Phó trưởng chi,
Đô đốc Ngô Văn Ngữ làm Trưởng chi Tả chi,
Đô đốc Bùi Văn Bỉnh làm Phó trưởng chi,
Đô đốc Hồ Văn Thiêm làm Trưởng chi Hữu chi,
Đô úy Lương Văn Cương làm Phó trưởng chi,
Đô đốc Ngô Văn Tuấn làm Trưởng chi Hậu chi,
Đô ty Lương Văn Trạc làm Phó trưởng chi.
4)      Hữu Đồn
Đô ty Lê Văn Thụy làm Trưởng chi Trung chi
Đô úy Võ Doãn Tư làm Phó trưởng chi,
Cựu Phó vệ Vệ Tiệp Võ Tiền quân Phan Văn Vân làm Trưởng chi Tiền chi,
Đô ty Trần Văn Trân làm Phó trưởng chi,
Cai cơ Tiền quân Hồ Hữu An làm Trưởng chi Tả chi,
Đô úy Dương Văn Hiên làm Phó trưởng chi,
Đô úy Đinh Văn Tá làm Trưởng chi Hữu chi,
Đô ty Đinh Văn Sĩ làm Phó trưởng chi,
Đô úy Nguyễn Văn Lân làm Trưởng chi Hậu chi,
Quán quân Nguyễn Văn Tá làm Phó trưởng chi,
5)      Hậu Đồn
Đô đốc Võ Văn Sự làm Trưởng chi Trung chi,
Cai đội Vệ Diệu Võ là Đặng Đức Bính làm Phó trưởng chi,
Đô đốc Võ Văn Trung làm Trưởng chi Tiền chi,
Đô úy Huỳnh Văn Luân làm Phó trưởng chi,
Đô đốc Hà Văn Quảng làm Trưởng chi Tả chi,
Cai cơ Nguyễn Văn Chinh làm Phó trưởng chi,
Đô đốc Nguyễn Bá Phong làm Trưởng chi Hữu chi,
Đô úy Lữ Đắc Ngoạn làm Phó trưởng chi,
Khâm sai Thuộc nội Cai đội Vệ Định Võ Tả đồn quân Thần sách là Lê Tiến Vạn làm Trưởng chi Hậu chi,
Đô ty Phạm Văn Đơ làm Phó trưởng chi.
Rồi lấy Phó trưởng chi Tiền chi Trung đồn là Nguyễn Văn Ba (Hoa) làm Chánh trưởng chi, Cai cơ Nguyễn Mậu Trực làm Phó trưởng chi.

THAM KHẢO

·      Đại Nam Thực Lục - QSQ triều Nguyễn, nxb Giáo Dục 2001, Tái bản lần thứ nhất
·      Đại Nam Liệt Truyện - QSQ triều Nguyễn, nxb Thuận Hóa 2006, Tái bản lần thứ hai
·      Hoàng Việt Hưng Long Chí - Ngô Giáp Đậu, nxb Văn Học 1993
·      Địa Chí Bình Định, Địa Bạ Và Phép Quân Điền - Nguyễn Đình Đầu, Quy Nhơn 2002
·      Việt Sử Xứ Đàng Trong - Phan Khoang, nxb Khai Trí, Sài Gòn 1969
·      Tập San Sử Địa số 21 - nxb Khai Trí, Sài Gòn 1971
·      Lịch Sử Nội Chiến 1771 - 1802 Ở Việt Nam - Tạ Chí Đại Trường, Sài Gòn 1969 - bản điện tử pdf


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét