Bưởi
hay Bử. Cái ngữ âm chết tiệt vùng trung du đất Bình Định chẳng biết đâu mà lần để
ghi lại cho đúng tên người ta gọi gã. Nhưng nghe cái tên Bử thấy chẳng ra khoai
ra môn gì cả. Bưởi có họ hàng với cam quít, có mặt có tên, gọi Bưởi xem ra còn
có danh có phận. Nói cho cùng, ai lại muốn cái tên của mình chẳng có nghĩa lý
gì mà lại xấu hươ xấu hoắc. Lắm người khi được chút danh phận, chẳng phải thường
dấu nhẹm đi cái tên cha mẹ đã đặt cho, cải thành những cái tên khua như tiếng
dao miết trên đá mài đấy sao. Thực ra trên giấy tờ gã có tên là Lê Trấn Sơn. Đố
ai dám bảo là cái tên xấu. Nghiệt nỗi chẳng mấy ai biết được gã có cái tên nầy,
lại nữa nó chẳng xứng với một gã chưa có gì gọi là làm nên trò trống với đời. Vậy
thì với gã, thôi cứ ghi lại tên của gã là Bưởi vậy.
Tên
là thế, còn tướng tá gã kể ra cũng cao ráo, khỏe khoắn, dáng dấp trông không đến
nỗi xấu. Nói thẳng ra thì gã cũng có chút phong độ, đẹp trai. Ấy vậy mà gã lại
có cái hành vi quái đản là thích đi quẹt mông đàn bà con gái để ngửi. Mà phải
là gái lạ, ít ra nhìn cũng phải mướt con mắt kìa. Bà già cũng phải, gái lớn lên
cũng phải, hồi ấy hễ cứ người lạ nào mặc quần lĩnh Mỹ A láng bóng dạo chợ Phú
Phong, trước sau gì cái mông nổi gân qua làn vải ấy đố mà tránh được bàn tay của
gã.
Ai
đấy may mắn chiêm ngưỡng trọn vẹn cảnh Gã Bưởi đứng ngửi, có lẽ chỉ người ấy mới
thực sự thấy được sự nâng niu của người biết trân trọng những mùi hương ở trên
đời. Cho dù mùi hương đó có là cái mùi của mông đàn bà.
Đi
tận tít đằng xa mà thoáng thấy bên sạp chợ nhô ra cái mông là lạ đang cúi xuống
săm soi lựa hàng là gã băng băng tới ngay. Hình như gã có cái khiếu phân biệt
được cái mông nào quen, cái mông nào lạ. Tới gần, dù trên vai đang gánh cái
gánh gì đi nữa thì cũng mặc kệ, gã quăng chúng ngay xuống đất. Đang cầm cái gì
đó trên tay gã cũng vứt đi nữa là. Khẽ khàng vẹt người sang hai bên lấy lối đi,
lặng lẽ đến đứng bên cạnh, gã nhẹ nhàng… quẹt. Và cũng chừng ấy nhẹ nhàng, gã từ
tốn, trịnh trọng, chậm rải đưa tay lên ngửi. Mũi gã phập phồng nhiu nhíu, đôi mắt
gã mơ mơ màng màng như đang đánh giá, tận hưởng mùi hương. Có cô nào đó khi chỗ
khó nói của mình thình lình bị xâm phạm, hoảng hồn quay ngoắt lại sừng sộ thì
gã ủ ngón tay vào ngay trong vạt áo như sợ hương bay mất rồi chạy ù ra tận đằng
xa. Đến được chỗ có vẻ an toàn gã mới khom đầu xuống sát dưới vạt áo, he hé thò
ngón tay ra, vồ vập hít những gì còn đọng lại ở nơi đây.
Thoạt
đầu mấy bà mấy cô quát mắng, đánh đuổi không cho gã đến đứng gần bên cạnh,
nhưng riết rồi thành quen. Hành vi của gã kỳ quặc thiệt. Bị quẹt vào cái chỗ mắc
cỡ thiệt. Nhưng nghĩ lại cũng đâu có mất mát cái gì. Họa hoằn lắm mới có cô bị
gã quẹt lần thứ hai. Bị lần thứ ba thì hầu như chưa hề thấy xảy ra nên có gì đâu
mà phải nổi tam bành với gã. Cái chợ quận đất Phú Phong hồi ấy chẳng lớn gì,
lâu lâu mới có người lạ đến mua sắm, thành thử chuyện Gã Bưởi quẹt mông đàn bà
để ngửi không gây nên chuyện u đầu mẻ trán, nổi đình nổi đám lan đi xa.
Nhưng
kể cũng lạ. Thói thường ở đời những kẻ có hành vi kỳ kỳ quặc quặc đều bị người ta
gọi bằng Thằng ráo tuốt. Vậy mà một thằng đàn ông đi quẹt mông đàn bà con gái để
ngửi, một gã có cái tật kinh dị đến thế mà tới tận bây giờ những người lớn tuổi
ở Phú Phong khi nhắc chuyện cũ vẫn trọng vọng gọi gã bằng tiếng Ông - Ông Bưởi!
Người
ta đã gọi gã bằng Ông. Gã đâu có cái huông ám ảnh chết người để ai cũng hãi đến
nỗi phải gọi kiểu như gọi Ông Tý, Ông Ba Mươi đâu. Gã thàng thàng, gã hiền như cục
bột. Có cô nào đó đã bị quẹt mông từng dí tay vào mặt gã đay nghiến, lôi trời
lôi đất ra hăm he. Nói chẳng quá chớ trời có xuống gầm trước mặt đi nữa thì gã
cũng nhiu nhíu cái mũi thỏ lên cười. Khi cười, cái mũi gã hênh hếch, cái môi gã
giật giật rung rung, nếu không nhìn vào ánh mắt của gã thì không ai biết là gã đang
cười hay nhăn. Thực ra gã chưa hề biết nhăn nhó ai bao giờ. Gã ít nói. Hầu như chẳng
nói chuyện với ai, gã luôn tươi tắn với mọi người. Gã cũng chưa hề gây sự với
ai, và cũng chưa ai từng dám đem chuyện thể hiện sự hiếu thảo ra so với gã. Được
mời ăn cỗ, đố có ai bắt chước được như gã khi tan tiệc cứ đứng sững ra đó chờ tới
khi nào chủ nhà đưa cho cuốn bánh, khi thì gói cho cả khúc chả lụa mới ba chân
bốn cẳng mang về cho mẹ ở nhà.
Gã
Bưởi cũng đâu có sang giàu để buộc người ta phải cúi đầu cung kính gọi Ông. Gã nghèo
nhớt mồng tơi. Mới nứt mắt ra là gã đi chận bò cho Xã Háo miết cho tới năm
chính phủ ông Diệm đổ. Rồi làng Trinh Tường mất an ninh, Xã Háo tóm thâu bầu cọ,
bán sống bán chết chạy theo Cha Cần vô ở xứ đạo nào đó đâu tận Bà Rịa. Không còn
phải nương dựa vào ai, gã quay sang làm thuê sau khi loay hoay dựng được túp lều
cho hai mẹ con. Sáng sáng gã xuống Phú Phong gánh hàng cho mấy sạp chợ. Xế xế nai
lưng xay bột cho mấy bà tráng bánh tráng. Chiều nắng sắp tắt thì gã chạy vội ra
sông gánh nước uống cho mấy nhà dưới phố. Từ xưa tới nay cái kiếp đem sức trâu
ra làm quần quật như vậy có mấy ai đã giàu đâu !? Gã nghèo. Có phải vì nghèo bị
gái chê hay không mà bấy lâu gã vẫn chăn đơn gối chiếc. Nhưng lại có người nói
rằng nghe đâu gã chẳng chịu ưng cô nào cả, gã chỉ muốn ở vậy để tự tay chăm sóc
bà mẹ già tật nguyền của gã.
Người
ta gọi gã bằng Ông cũng đâu phải vì người ta tôn trọng tuổi tác. Tôn trọng thế
nào được với một gã có cái hành vi quái quỷ ấy với mấy chị em. Mà gã có lớn tuổi
gì cho cam. Năm Việt Minh cướp chính quyền gã mới chừng chín mười tuổi. Xem ra
dạo ấy gã cũng chỉ mới gần gần đâu cỡ bốn mươi. Cỡ chừng tuổi đấy là còn ở tuổi
quân dịch, phải cầm súng ra trận, thế thì sao thuở ấy gã lại được ở nhà nhông
nhông ngửi mông người ta. Đúng ra sau tiếp thu người ta cũng có bắt gã vô lính,
nhưng chẳng mấy lâu thì cả xóm lại thấy gã chường mặt ở nhà.
Vào
quân trường, bắt trườn thì gã trườn, bảo bò thì gã bò… Chỉ có cái hễ tới bữa là
gã cầm chén cơm ngồi rũ ra như con gà ướt. Gã nhớ mẹ. Giữa chốn đông người,
chung quanh ăn rào rào như tằm ăn lên mà gã không thể nào nuốt nổi. Ai cũng xúm
lại chọc quê cái thằng mới rời vú mẹ, chẳng muộn gì cũng gầy như con cầy hương.
Nhưng chuyện nuốt không trôi chỉ là chuyện nhỏ, nó chẳng suy suyển gì tới cái vai
u thịt bắp của gã. Khi được người ta giao cho cây súng, lúc đầu gã ngắm nghía,
săm soi nó như trẻ con săm soi cái bánh mẹ mua chợ về, tới chừng nghe tiếng nổ chát
chúa phát ra từ cái đồ quái quỷ ấy là gã quăng nó xuống đất cái xạch. Run như thằn
lằn đứt đuôi, gã nằm mẹp ôm lấy đầu khóc nức khóc nở. Rõ khổ ! Ra trận để bắn
nhau, giết nhau. Ấy vậy mà cầm lấy cây súng, cầm tới trái lựu đạn là gã vứt
quách đi thì làm sao mà giết được ai. Rồi cái thứ giết người ấy mà đụng đâu
quăng đấy, không khéo cả lũ phải mang lấy vạ vào thân. Thế là gã được trả về
nhà.
Về
nhà rồi lại bị bắt đi, bắt đi vài bữa lại quay về nhà. Sau mấy bận y như vậy Xã
Háo mới ra công làm giúp cho gã cái giấy hoãn dịch gia cảnh. Hoãn dịch vì là nhà
con một, phải nuôi mẹ già đui mù. Được cái bùa ấy lận trong lưng, từ đó Hiến
binh, Quân cảnh cũng quen mặt gã luôn, gặp gã trên đường chẳng ai buồn ngoắt gọi
gã lại nữa.
*
* *
Bức tranh The Rape - họa sĩ René Magritte 1935 |
Qua
vậy Gã Bưởi có cái lý lịch tạm gọi cũng bình thường. Khi gã đi quẹt mông đàn bà
con gái để ngửi mọi người cho đó cũng là thường tình, nên chẳng mấy ai thắc mắc,
tốn sức tìm hiểu chi vì sao gã nảy ra cái tật dị hợm như vậy. Xem lại cuộc đời
của Gã Bưởi thì hầu như luôn có bóng dáng của Xã Háo quanh quất ở một bên. Những
gì gã có được, nói chắc như đinh đóng cột là đều từ Xã Háo mà ra.
Xã
Háo đúng ra tên thật là Lê Hiếu, là một trong những nhà có máu mặt của làng Trinh
Tường. Trước xưa hắn đã từng làm Xã ăn trước ngồi trên, người ta kiêng, phải
cung kính gọi trại tên đi là Háo. Giống như làng Hiếu Nghĩa dưới kia xưa giờ
người ta gọi là làng Háo Ngãi vậy thôi. Tất nhiên Xã Háo là người giàu có. Kẻ
giàu người nghèo bao giờ cũng sống gắn bó với nhau. Làm chủ điền không thể
không có tá điền. Những kẻ đã giàu lên, họ đâu có thiếu cái ngón nghề mượn lấy công
sức, tận dụng cái ngây thơ chân chất của người ngờ nghệch sự đời.
Nhưng
giàu nghèo sống chung nhau cũng có năm bảy đường sống chung. Sống với tá điền, Xã
Háo kiểm soát cái bao tử người làm công cho hắn khéo tới mức phần chia cho họ chỉ
vừa ăn đủ no. Bù lại, khi họ cần chi tiêu việc gì đó là gần như hắn sẵn sàng đến
giúp. Giúp theo kiểu cho không. Năm Gã Bưởi oa oa khóc chào đời dưới túp lều mới
lợp, tranh lợp túp lều ấy là của Xã Háo mua cho vợ chồng người tá điền - cha mẹ
gã. Năm cha của gã mất vì chẳng may bị rắn độc cắn phải, Xã Háo sắm cho cái áo
quan. Năm đói Ất Dậu vua Bảo Đại thoái vị, mẹ con gã không phải vất vơ vất vưởng
cũng là nhờ vào sự đùm bọc của Xã Háo… Nói chung, tá điền đã nhận ở hắn khá nhiều
ân điển. Họ ở với hắn giống như thần tử ở với vua, nếu vua giận đưa cho chén
thuốc độc đi nữa bề tôi cũng cầm lấy mà miệng cứ hô vạn vạn tuế đã ban ơn.
Phải
nói Xã Háo là người khéo sống. Chẳng vậy mà khi triều đại đổi đời, con trai cả
của hắn đang học dưới Collège QuiNhon bỗng là một cán bộ Việt Minh dẫn bạn bè về
xưởng dệt Delignon đưa tự vệ xuống thu ấn tín Tổng đốc Bình Định. Nhà hắn từ đó
lúc nào cũng nườm nượp người có chức sắc ra vô. Những kẻ vô công rồi nghề mới vừa
xỉa xói hắn sao lại thừa cơ đói kém đi bắt mẹ con Gã Bưởi về ở đợ giờ phải im
thin thít, miệng câm như miệng hến. Cả làng Trinh Tường phải nể vì nhà Xã Háo. Nhưng
những tháng năm dài kháng chiến sau đó chẳng một ai dám đến cầu thân với hắn. Út
Tin, con gái rượu của hắn lúc ấy vừa tuổi xuân hơ hớ mà chưa ai đem cau trầu đến
dạm hỏi.
Kể
ra nhan sắc Út Tin của Xã Háo cũng dễ nhìn. Người ta cũng không tính gì chuyện Út
Tin là phụ nữ của thời đại mới, mới quá cỡ. Người ta có thể làm lơ cảnh Út Tin hay
nhảy đô mí sòn với đám dân quân. Làm lơ luôn cảnh cô thủ lĩnh đám thiếu nhi nầy
thường hay dẫn bọn chúng leng keng mõ lon xộc vào từng nhà xem nhà ấy ngày đấy
có ăn cháo, có nhín gạo lại để nuôi quân không. Làm lơ mọi thứ nhưng người ta
không thể không dè chừng bà chị dâu của Út, vợ con trai thứ của Xã Háo. Hai vợ
chồng trước cùng là tự vệ của xưởng Delignon. Năm bộ đội về đánh đồn Tú Thủy,
anh chồng xung phong vô cảm tử quân và sau trận ấy đã không trở về, chị vợ vẫn khép
nép ở trong nhà chồng nhưng ngoài làng miệng chị ta có gang có thép. Người miệng
có gang có thép lúc đấy không ai gọi là quan nữa mà gọi là cán bộ, là đầy tớ của
dân. Sợ bà cán bộ con dâu của Xã Háo. Người ta sợ luôn cả Út Tin vì cô đi đâu
cũng có hình có bóng bà chị dâu bên cạnh.
Gã
Bưởi chẳng thiết phải biết tới cán bộ nó là cái quái gì. Phụ nữ làm cán bộ thì
có sao đâu. Chị dâu Út Tin làm đầy tớ của dân gì đấy chẳng phải đã đẩy đưa cuộc
đời của gã đến chỗ sáng sủa hơn trước hay sao. Cũng đã khá lâu không ai dám gọi
gã là thằng trai ở đợ mà gọi là người nhà của Xã Háo. Gã thấy gã ung dung thoải
mái trong nhà Xã Háo, nhưng nếu nói sợ Út Tin… hình như gã cũng có sờ sợ. Chẳng
biết người ta sợ có giống như kiểu sợ của gã hay không. Gã ở cho Xã Háo, gã biết
Út Tin từ lúc cô còn tóc chỏm đuôi gà. Giờ không hiểu sao khi đứng trước mặt Út
Tin, cặp giò của gã cứ run run, cái mặt cứ gằm xuống đất chẳng ngẩng lên nổi. Đã
lâu rồi gã thấy sức trai đang khang khác trong người.
Còn
nhớ hôm Xã Háo thủ thỉ với gã bên góc chuồng bò “Mầy rán chịu khó chịu cực đi, mai mốt tao gả Út Tin cho”, gã bỗng thấy mình chợt lớn phổng lên
mà lại bồng bềnh nhẹ hểu như đang ở trên mây. Mấy khi nay ai gặp cũng gọi gã là
thành phần cốt cán của xã hội mới, gã thấy người cũng nhẹ hều ra thiệt nhưng chẳng
bằng khi nghe Xã Háo rót vào tai là sẽ gả Út Tin cho. Mỗi chiều lùa bò về chuồng,
gã ngó quanh ngó quất xem có Út Tin đang xách nước ngoài giếng không. Lỡ có, gã
lấm la lấm lét ngắm Út Tin nhoài người khom xuống giếng. Cái mông tròn lẳn đánh
qua đánh lại, đung đưa theo nhịp sải tay bắt lấy dây gàu. Gã cứ ngẩn người ra
trước cái mông dưới làn vải láng ấy. Sao ai đó lại bảo chổng mông vào mặt người
ta là vô phép vô tắc chớ, quả là khe khắc. Sáng đi rong bò sớm gã cũng tạt vào
bếp xem bóng hồng của gã đang có ở đó hay không. Kể ra ngày nào cũng gặp. Nhưng
thiệt lạ, mỗi lần gặp, đố mà gã dám ngó thẳng vào mặt con gái út của Xã Háo. Gã
chẳng hình dung ra nổi khuôn mặt của Út Tin. Có lần được đi họp thanh niên
thanh nữ ngoài sân đình, Út Tin đang điều khiển cuộc họp, gã lom khom bò tới muốn
nhìn cho rõ mặt. Dưới ánh đèn tù mù gã chỉ thấy được ánh mắt như dao sắc lóe
trong đêm. Với gã, Út Tin là thần tượng để hằng đêm gã mơ gã tưởng. Mỗi lần nghĩ
tới Út Tin, gã thấy cứ sao sao rạo rực trong người.
Những
cái sao sao ấy lại sùng sục thêm lên vào một đêm trăng mùa làm mía. Sau đêm ấy
gã mê mê mẩn mẩn, cứ thấy tê tê thế nào trong bụng ấy. Gã đã từng rủa thầm sao
trăng đêm đó không sáng hơn lên. Nhiều khi gã chép miệng tiếc rẻ, tức cho mình đêm
đó sao lại ngái ngủ quá vậy.
Làm
mía nấu đường mà không ngái ngủ mới là lạ. Ngày xưa làm ra được cục đường là thấy
rạc cả người. Đường ngọt nhưng làm ra nó mồ hôi đổ mặn chằn. Dựng lò, đặt che,
đốn mía, róc lá, cho che ăn, chụm lò, phơi bã…, đủ thứ những trời ơi đất hỡi ngốn
lấy công sức con người. Chỉ cần một công đoạn đứt lìa, mía chạy chè, đường
không đứng là coi như công sức cả năm trời đổ sông đổ biển. Làm mía phải làm liên
tục, hết công đoạn nầy là tiếp liền công đoạn nọ. Quần quật làm bất kể ngày đêm
nên ai mà chẳng mệt đừ. Sức trai như trâu cũng phải đuối, dụi được chỗ nào là
lăn ra ngủ chỗ đó. Được ngủ là ngủ như chết, nếu có ai đấy đái vô mặt chắc gì
đã tỉnh ra đâu. Làm mía nấu đường thì lấy gì có tỉnh táo mà gã tiếc với không
tiếc.
Đêm
ấy được người tới thay phiên chụm lò, chảo mới vừa xuống lắng nước chè hai, Gã
Bưởi lảo đảo bước ra sân phơi bã. Trăng hạ tuần xê xế trên đỉnh đầu, trời hơi
có chút sương, trong cửa lò vừa bước ra nên gã chợt thấy lạnh. Che ăn chỉ vài
nhả mía nữa là nghỉ, chắc rồi mấy bà sẽ dọn bữa lót dạ khuya, chẳng thiết gì, gã
chui vào lùm nhãn bên bờ rào. Gã muốn ngủ. Ngủ sướng hơn ăn.
Nằm
xuống là ngủ mê ngủ mệt nên gã đâu biết được là sau đó không mấy lâu, một bóng
người từ lò mía bước ra chỉ thoáng ngó quanh ngó quất hai bên rồi xăm xăm bước
lại bờ rào trật quần ngồi xuống. Gã Bưởi ú ớ thức giấc, nước xối như tuôn vào
chỗ gã nằm. Chắc nín nhịn lâu nên giờ bung ra tiếng nước kêu xè xè rõ to. Nước
vã đầy cả mặt gã. Gã vuốt vuốt mặt, dụi mắt cố nhướng lên nhìn cho được chỗ nguồn
nước phun ra. Bóng người thấy động giật mình đứng dậy kéo quần qua khỏi mông bước
như chạy vào trong trại lò. Dưới bóng trăng mờ thoáng ánh quần Mỹ A đen láng
bóng. Gã Bưởi ngồi bật dậy. Út Tin. Lâu nay chỉ có gái út của Xã Háo mới là người
có và dám mặc loại quần lĩnh sang trọng nầy. Gái trong làng bấy lâu thô cứng
trong lớp vải sita nặng trề nặng trịch. Đứng bên cạnh, gã thấy cái thô ráp ấy
truyền qua chẳng làm cho gã muốn khụy xuống như lúc đứng bên cạnh Út Tin. Gã Bưởi
ngẩn ngơ nhìn ánh quần Mỹ A lấp lánh. Gã nhẹ đưa tay lên mũi ngửi. Gã hít lấy
hít để như sợ cái mùi nó bay biến đi mất.
Tới
mấy tuần liền Út Tin tránh không gặp mặt gã. Từ trước tới giờ gã có biết ngẩng
đầu, có dám ngước nhìn lên mặt ai đâu mà phải né. Hồi giờ gã chỉ ngó xuống, chỉ
thấy chỉ biết cái màu đen láng bóng của cái quần. Nay gã biết thêm được cái mùi
bên trong cái quần ấy. Người ta nói nước đái đàn bà có mùi khai như nước đái ngựa.
Gã thấy không phải. Nhưng gã không biết phải diễn tả thế nào cho người ta biết
cái không phải ấy nó như thế nào. Thôi thì kêu khai cũng được. Gã thấy nhơ nhớ
cái mùi khai ấy. Một đêm bước qua sân cát nhà Xã Háo, trên dây phơi đồ giăng
trong góc tối, gã thấy có mấy bộ áo quần. Gã nhận ra ngay chúng là của Út Tin.
Một chút ngập ngừng, ngó quanh chẳng thấy ai, Gã Bưởi bước lại vùi mặt vào cái
quần đen mà hít hít. Gã ôm cứng lấy nó như không muốn rời ra. Gã không biết rằng
phía đằng sau tấm phên Xã Háo đang đứng yên lặng cười mỉm.
Xã
Háo là người thiệt giỏi xoay sở. Trong lúc mọi người ăn nhín nhịn thèm, hắn lúc
nào cũng ăn trắng mặc trơn. Trong thời buổi vác một bao bạc xuống hạ bạn chỉ
mua được vài con cá mòi, chẳng hiểu bằng cách quái nào mà hắn rinh về cả một bầy
bò giao cho Gã Bưởi tự do thả rông trên Hòn Đất. Gã Bưởi nay một mình một cõi cùng
cái trảng núi nằm lum lúp dưới chân Hòn Ông Đốc làng Trinh Tường. Xã Háo cười
hơ hớ với gã “Mầy coi ngó cả một hòn
núi, chừng đi làm giấy hộ tịch tao khai cho mầy tên là Lê Trấn Sơn nghe chưa”. Tên nào lại chả là tên. Kẻ không làm
nên trò trống gì với đời như gã, đời sẽ gọi chết cái tên có từ hồi nhỏ mà cha mẹ
đã đặt cho.
Một
mình làm chúa hòn núi Đất nhưng chung quanh chỉ với bầy bò, Gã Bưởi buồn không
biết nói chuyện với ai. Gã muốn hỏi ai đó cho rõ chuyện. Nghe đâu dưới hạ bạn
nhiều gia đình trước kia lừng lẫy giờ thường kết thân, gả con cho những kẻ
nghèo mạt hạng như hắn để được hạ thành phần, cho nhẹ bớt cái bậc phú nông, địa
chủ trầy trụa sống dở chết dở. Gã hy vọng lắm. Nhưng kể từ ngày ở đây trấn hòn
núi, gã chưa hề gặp lại được Út Tin. Bò nay cả bầy, tinh sương gã phải lùa
chúng lên núi, tối mịt mới về được tới nhà, ngó quanh ngó quất, vẫn như mọi khi
chẳng thấy bóng dáng Út Tin đâu. Gã bức rức trong người lại thấy chút thấp thỏm
lo âu. Gã sợ gã chẳng rờ được tới cái chân con gái út của Xã Háo.
Rằng
y như vậy. Có lần gã thấy cả làng rần rần. Có chuyện gì ấy xôn xao giống như hồi
dân làng được dẫn lên An Khê giúp bộ đội thu chiến lợi phẩm, những thứ của thằng
Pháp nào đấy thua chạy như vịt đã bỏ lại. Lần nầy giữa trăm tiếng xầm xì, Gã Bưởi
thoáng nghe ai đấy nói Út Tin cùng đi với bà chị dâu tập kết ra Bắc. Gã chẳng
biết tập kết nghĩa là làm sao, ra Bắc là đi đâu, nhưng gã thầm nghĩ chắc là đi
xa, xa lắm. Đánh bạo, có lẽ là lần bạo gan duy nhất gã dám đi hỏi Xã Háo. Xã
Háo buông thõng “Út Tin tao bệnh, nó
đi chữa bệnh dưới nhà thương Quy Hòa”.
Gã cũng chưa biết cái nhà thương Quy Hòa đó nó ở đâu, nhưng gã biết gã khó mà gặp
được Út Tin nữa.
Tiếp
thu, lính về đầy ở dưới Phú Phong. Lính ngày nào cũng ăn thịt chớ không ăn cơm
vắt muối mè như bộ đội lúc trước. Bầy bò của Xã Háo lại bỗng được việc, chúng
được bán lần lần nhưng đem lại khối tiền cho Xã Háo và cũng mang lại cái thảnh
thơi hơn cho Gã Bưởi. Lại đổi đời. Xã Háo thốt nhiên quay ra mộ đạo, chủ nhật
nào hắn cũng cần mẫn xuống nhà thờ vừa mới xây bên kia đầu cầu Phú Phong, trên
khuôn viên xưởng dệt Delignon đã tan hoang thời vườn không nhà trống.
Một
sáng chủ nhật nọ Gã Bưởi cùng với Xã Háo xuống Phú Phong đi lễ nhà thờ. Trong
lúc Xã Háo lo xưng tội gì đó với Cha Cần, gã lén ra đu xe đò đi Quy Nhơn. Gã đã
hỏi thăm biết chỗ cái nhà thương Quy Hòa. Nhưng tăm cá mịt mù, gã chẳng tìm ra đâu
bóng dáng của Út Tin. Rồi mẹ gã bỗng ngã bệnh, chẳng ít lâu sau mắt không còn
thấy đường được nữa. Còn gã lại bần thần đi tìm mùi hương ngày nọ. Ngày ngày xuống
chợ Phú Phong, gã miệt mài kiếm tìm mùi hương đó trong những cái quần lĩnh Mỹ
A.
* * *
Ở
với người mẹ tật nguyền, Gã Bưởi một lòng chăm chút cho mẹ. Hình như chẳng cô
dâu nào thay thế được đứa con trai của bà. Hằng ngày gã chăm cho bà từng chén
cơm muổng cháo, đêm đêm quạt muỗi dắt mùng cho bà rồi mới yên tâm đi nằm. Không
biết đã mấy năm trời rồi gã lo cho mẹ như vậy, ngày nào cũng như ngày ấy. Không
ai dám chê bai gã cả.
Một
hôm nọ mẹ của gã cảm nặng. Bà muốn ăn cháo. Lục đục rửa nồi, gã nghe tiếng mẹ
lơ mơ nói trong hơi thở mệt nhọc :
- Tao
muốn ăn cháo lòng của con Que.
Gã
Bưởi khoát mùng lại ngồi bên mẹ. Trán của bà còn đẫm mồ hôi. Gã nghe bà lẩm bẩm
trong cơn mê :
- Con
Que là đứa có hiếu. Đứa có hiếu biết chăm chút món ăn cho người già nên thường
nấu ăn ngon. Cháo nó bán ngày nào hết ngày đấy. Cháo nó ngon.
Chẳng
nói chẳng rằng, Gã Bưởi cầm lấy tô mở cửa bước vào màn đêm. Gà mới vừa gáy chặp
đầu, trời vẫn còn lấp lánh ánh sao. Nhà của bà Que xê xế cửa nhà thờ ở phía dưới
cầu Phú Phong. Trời cỡ chừng nầy lính Đại Hàn giữ cầu chắc là chưa mở rào chắn,
Gã Bưởi lần đường đi xuống bến chài. Băng ngang qua đường vô Đồng Lẫm, gã bước
xuống sông Đá Hàng. Cởi áo gói cái tô vào trong, gã khuấy nước lội qua sông.
Ánh
đèn pha trên cầu chợt bật sáng lên chiếu thẳng vào chỗ gã. Gã vẫn cứ đạp nước lội
qua. Gã phải mua cháo bà Que cho mẹ. Bấy lâu mẹ gã thích cái gì thì gã đều làm
cho bà, làm cho bằng được mới thôi. Nước sông từ Hầm Hô chảy ra mang theo khí đá
lạnh lẽo, nhưng Gã Bưởi chẳng thấy lạnh chút nào. Tay cầm tô vẫn giơ cao lên trời,
tay còn lại gã vẫn sải cánh bơi. Ánh đèn pha rê theo. Gã nghe có tiếng súng nổ.
Gã
Bưởi chết. Sáng ra người ta thấy tay gã vẫn còn cầm chặt cái tô đi mua cháo cho
mẹ. Đáng thương. Nhưng kể ra gã chết thế nầy còn hơn là chết mê chết mệt đi tìm
mùi nước đái ngày nọ mà chưa biết bao giờ mới tìm thấy nó. Không cần biết vì
sao ở Phú Phong người ta gọi gã bằng ông mà không hề gọi là thằng. Gã chết vì
tô cháo cho mẹ cũng đáng để cúi đầu gọi gã bằng Ông.
Ông
Bưởi chết hình như đâu quãng cuối tháng một năm một nghìn chin trăm bảy ba. Bận
ấy cuối tháng chạp năm Nhâm Tý. Trời sắp Tết.
Phan Trường Nghị
Quán Văn số 28 - nxb Hội Nhà Văn 2015
Anh Nghị đă cho mọi người biết thêm nhiều về ông Bử- Bưởi, người lớn tuổi ở quê mình đúng là không ai mà không biết ổng.
Trả lờiXóaChuyện tình ông Bử lạ lẫm hơn người bình thường nhưng em thấy thứ tình yêu của ổng không dối, không đùa...là tình thương chân thực. Thật đáng trách cho những ai bỡn cợt trên sự chân thành ấy.
Cho tới bây giờ, em còn nhớ vóc dáng ổng mà, ông thường sải chân đi về phía chợ . Chỉ nhớ bấy nhiêu thôi.
Và mỗi lần có người thân ,nhất là mấy ông mặc áo quần có phần xốc xếch, hay tay chân không được "chuẩn" (nói vui), tụi em còn nhắc tên ông mà- đồ quỷ giống ông Bử.
Em thích bài viết của anh, gợi lại cảnh đời , nhân vật Bử khó quên.