Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015

LÀNG CỔ


Mới mấy chục năm thôi mà cái làng đã thay đổi nhiều lắm. Phỏng chừng không lâu nữa, có ai đó vì lòng hoài cổ, muốn tìm lại cái làng xưa để thăm một chuyến, e sẽ bị khó tìm, nếu không muốn nói ngay rằng không tìm đâu ra.

Phần nhiều, làng lập ven sông, từ xa nhìn thấy, làng phất phơ những khóm tre, ẩn hiện những xóm nhà, còn đồng làng thì trải rộng một màu xanh cây lúa non (hoặc màu vàng mùa lúa chín) tới phía chân trời. Con đường dẫn vào làng là hương lộ (nối làng nọ với làng kia), chạy qua cổng làng rồi chạy từ đầu làng đến cuối xóm, chạy suốt trong làng. Đường làng đắp đất cao, cũng gọi là bờ đổ (Ai đi bờ đổ một mình / Phất phơ chéo áo giống hình trò Ba… – Ca dao), tạo nên con đê đầu làng để ngăn, không cho con sông đổ những cơn lũ lớn vào làng. Làng lập ven sông để sông dẫn nước vào ruộng đồng, và còn để dân làng sắm thuyền, sõng đi lại trên sông nước, tiện lợi hơn nhiều so với đường bộ thời đó. Nhìn làng, người ta thấy bao vẻ đẹp của phong cảnh thiên nhiên và cuộc sống con người: Làng ta phong cảnh hữu tình / Dân cư giang khúc như hình con long / Nhờ trời hạ kế sang đông / Làm nghề cày cấy vun trồng tốt tươi”…- Ca dao.

Người ta vẫn bảo, cuộc sống trong các làng quê diễn ra ở phía sau lũy tre làng. Nó thật thanh bình, mỗi khi ta đứng ngắm cảnh chiều: Một màu ráng chiều nhuộm đỏ da trời, một cảnh trâu bò về trên đường thôn, đó đây những cột khói un đồng vật vã trong gió, đàn trẻ nhỏ say sưa thả diều trên đê…Trên cánh đồng làng, nhà nông có hai mùa cấy cày cắt hái, vào tháng 3 và tháng mười mỗi năm. Đến mùa màng, ai cũng làm lụng vất vả, chân lấm tay bùn, còn đồng làng thì hứng giọt mồ hôi của nông dân. Cho đến khi, hạt lúa chín ngoài đồng được đem về nhà, phơi khô quạt sạch mà cất vào lẫm, vào bồ; những ruộng chân thấp, ruộng chân cao đều được cày cấy xong, thì thời gian còn lại là để cho nhà nông nghỉ tay, hưởng nhàn và chờ đợi mùa sau. Trong cảnh nông nhàn, các làng quê thường tổ chức tết tư, lễ hội, các cuộc vui chơi, giải trí. Tháng giêng có tết Nguyên đán, tết Nguyên tiêu, tháng năm - Tết Đoan ngọ, tháng bảy - lễ hội Vu lan báo hiếu, tháng tám – tết Trung Thu…Người ta thường nói “Dĩ thực vi tiên”, cho nên có lễ tết là có tổ chức ăn uống, vui chơi. Tết Nguyên đán thì “Có nghèo cũng ngày Tết, có hết cũng ngày mùa” kèm theo hội làng với nhiều việc cúng tế đình đám, biểu diễn trò chơi dân gian (đánh đu, hội bài chòi, xổ cổ nhân…) và hát bội nơi đình làng, cho Thành hoàng chứng, đồng thời cũng để cho bàn dân thiên hạ xem.  Nhưng cuộc sống, mà cụ thể là cái ăn cái mặc, đâu có cợt đùa với nông dân, cho nên người ta còn phải tranh thủ nông nhàn để làm các nghề phụ như một cách kiếm thêm kế sinh nhai. Trong các làng quê, mỗi làng thường sở trường và nổi tiếng một vài ngành nghề riêng, để cho tên ngành nghề gắn liền với tên làng, như: Làng dệt Phương Danh, làng đúc đồng Bằng Châu, làng bún tươi Ngãi Chánh, làng nem - chợ Huyện…Ở Bình Định, vẫn lưu truyền câu ca dao: Lụa Phú Phong nên duyên nên nợ / Nón Gò Găng khắp chợ mến thương – Ca dao. Nổi tiếng cả nước, có làng gốm Bát Tràng, tương Bần, nón  Chuông…Bên cạnh những làng nổi tiếng vì nghề, còn có những làng nổi tiếng vì là “đất vua” “đất học”, như làng cổ Đường Lâm (thuộc thị xã Sơn Tây – Hà Nội) là đất hai vua Phùng Hưng, Ngô Quyền cùng có nhiều danh sĩ, làng Kiên Mỹ có Bảo tàng vua Quang Trung xây dựng trên vườn nhà cũ của ba anh em nhà Tây Sơn, làng Phú Xuân có nhà lưu niệm nữ tướng Bùi Thị Xuân tọa lạc trên vườn nhà cũ của thân sinh ra bà… Nhờ là làng của thế tộc trâm anh một phần, và phần nữa là nhờ một bài thơ hay mà thôn Vỹ Dạ nổi tiếng, được người xa gần ít ai không biết: Sao anh không về chơi thôn Vỹ / Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên / Vườn ai mướt quá xanh như ngọc / Lá trúc che ngang mặt chư điền… - Đây thôn Vỹ Dạ, Hàn Mạc Tử.

Trên có nói cuộc sống của làng là thanh bình, nhưng không phải làng không có hồi bất trắc, tai ương. Đó là lúc bị thiên tai bão lụt mà sinh đói kém, lúc bởi sa cơ thất thế mà nghèo… Và cũng lắm khi là bởi địch họa mà điêu tàn. Cho nên, trong làng luôn có câu “Tình làng nghĩa xóm” để nhắc nhở nhau sống đoàn kết, hòa thuận; “Lá lành đùm lá rách”để hô hào cứu giúp nhau mỗi khi gặp phải khó khăn, hoạn nạn. Câu: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” nói lên ý chí của toàn dân trong việc chống lại giặc ngoại xâm để bảo vệ làng, cũng như bảo vệ giang sơn - Tổ quốc.

Nói cuộc sống diễn ra sau lũy tre làng, nhưng không phải làng cô lập mà là làng mở, giữa các làng luôn có sự quan hệ gần gũi với nhau: Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông; Trai An Thái - gái An Vinh… Anh về bến Gỗ thăm cha / Tháng giêng em đợi, tháng ba em chờ / Ngó lên hòn An Tượng mây mờ / Thương người mòn mỏi đợi, giọt mưa trời cũng rơi nghiêng – Ca dao Bình Định.      

Lẽ đương nhiên, làng có ruộng đồng xanh tốt, làm nên sự trù phú, cho Đất lành chim đậu. Nhưng kìa, còn có những làng đất hẹp người đông, đồng chua nước mặn, phải mò cua bắt ốc kiếm sống mà cứ cầm chân người ta ở lại. Câu “Bỏ làng ra đi” là một câu chê trách những ai nỡ rời khỏi làng; dân ngụ cư bị coi khinh, vì đã một lần “bỏ làng ra đi”…Người ta có nhiều lý lẽ để ở lại làng. Nếu đi xa vì tìm sinh kế, người ta tự bảo ban: Vận nghèo đi tới xứ mô cũng nghèo; Gánh cực mà đổ trên non / Cắm đầu chạy trốn, cực còn đuổi theo... Người trọng cội nguồn thì đem câu: Nơi chôn rau cắt rốn, nơi mồ mả tổ tiên…mà tự an ủi, dẫu đói no cũng ở với làng. Bởi lẽ thị phi đó, cho nên ai bị cảnh ngộ nào đó phải rời xa làng, phải cách trở làng thì thương nhớ làng, khao khát một tình quê, một ngày về: về với làng cũ, cảnh xưa, với hình bóng mẹ già đợi trông: Tịch mịch sầu vơi bèo râm ran / Chuối vườn khuya lọt ánh trăng tàn / Người ơi quê cũ đèn hoe ngọn / Tóc bạc trông chừng cổng héo hon…- Cố Quận, Quang Dũng. Người nghệ sĩ nặng một tình quê đã đành, đến người làm quan to, cũng không kém, vì đã có không ít ông quan về hưu quan trí sĩ ở quê nhà, sống đời dân dã với dân làng: Chú Đáo bên đình lên với tớ / Ông Từ xóm Chợ lại cùng ta - Nguyễn Khuyến, và đến khi mãn đời, về cõi chẳng mô tê (thơ Xuân Diệu) thì gởi lại nắm xương tàn nơi quê cha đất tổ.

Hình như biểu tượng của cái làng cổ là cái cổng làng: Cổng làng xây gạch, loang lổ, lắm rêu phong, mọc trên hai mái cổng những cây ổi tàu xen lẩn cây bầu rượu, dây leo bìm bìm… với cảnh mỗi sớm mai: Cổng làng vội mở ồn ào / Nông phu lững thững đi vào nắng mai - Bàng Bá Lân. Còn bao nhiêu nữa những cảnh, những tình của làng xưa: Hàng cau liên phòng, ngõ trúc quanh co, con đò khua nước đêm trăng, những người vợ trẻ trông chồng đi xa về, những nỉ non tiếng đàn bầu đêm khuya khoắt…Phần nhiều, những gì đáng yêu, đáng quý kia đã vắng bóng và được thay thế bằng cuộc sống hiện đại, mặt nào đó có thể nói lắm cộ nhiều xe, lắm âm thanh hỗn tạp, lắm những tình cảnh cô đơn... Dù sao, cũng phải ghi nhận, hiện nay đang có phong trào xây dựng lại những cái cổng làng, nhưng những cổng làng đó vẫn không nói lên được cái hồn của làng ngày xưa.
  
Ôi, trong cuộc phát triển không ngừng ngày nay, liệu làm sao mà lưu giữ được mảnh hồn làng có tuổi 4000 năm như một bảo vật của tổ tiên, của các thế hệ ông cha ban tặng cho đàn hậu thế? Chớ không như có nhà thơ đã báo động: Xưa tôi sống trong làng / Giờ làng sống trong tôi -Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. 

Huỳnh Kim Bửu
Cố GS. TH QuangTrung BinhKhe

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét