Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

CÂU CHUYỆN BÀN RƯỢU VỀ "NHỮNG THẰNG GIÀ NHỚ MẸ"


(Đọc “Những thằng già nhớ mẹ” của Vũ Thế Thành
NXB Hồng Đức - 2013)

Viết tạp bút là một trò chơi mạo hiểm! Trong thể loại này người viết không thông qua đối thoại nhân vật hay núp bóng một “cái tôi khác” (alter ego) mà thoải mái nói về mình, “liều lĩnh” đưa ra những chính kiến, thì có khác chi kẻ sơn đông mãi võ, giữa thanh thiên bạch nhật đứng múa may trước trăm nghìn con mắt của bàn dân thiên hạ!
Múa sai là chết. Đá bốn phương sẽ ném vào, tơi tả.
Thế nhưng với Vũ Thế Thành thì hình như anh sinh ra để… “chơi” cái trò khó “chơi” này! Tạp bút,… “ai muốn hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp gì mặc kệ”, còn anh thì gọi đó là… “câu chuyện bàn rượu”. Quả thật anh viết thể văn này chẳng khác “con sâu” có tửu lượng, đủng đỉnh rót ra ly mời mọc mọi người. Dẫu là bạn quen lâu hay diện kiến lần đầu, đều được anh cẩn trọng nâng ly: cùng nhau khề khà, chia sẻ vui buồn trong đời sống. Cốc rượu anh mời có lẽ chẳng làm ai tuý lúy, nhưng cái men say chắc vẫn lan sang lòng mình.   
Vị cay của nó có mang theo chút tri thức và để lại dư vị dí dỏm của văn chương.

Bàn rượu của anh không có nhiều sơn hào hải vị, nhưng thân tình, dai dẳng. Trong tuyển tập “Những thằng già nhớ mẹ” gồm 18 tản văn người hiếu kỳ có thể đếm được 118 chữ RƯỢU trên tổng số 36.000 chữ. Trung bình, cứ 300 chữ viết là có một chữ rượu, bởi thế gọi đây là “câu chuyện bàn rượu” thì tác giả quả có cặp mắt xanh, biết nhìn người, xét việc, xem mặt đặt tên lắm chứ!
Khề khà. Cà kê. Nhấm nháp.
Anh viết như người say. Mà té ra rất tỉnh.
Cái lối viết của anh không theo một khuôn mẫu nào, cứ tuỳ hứng như con chim muốn bay thì bay, muốn dừng thì dừng. Thoải mái. Đang chuyện này anh bỗng nhảy sang chuyện kia, giống kẻ thảnh thơi thõng tay vào chợ, tuy định mua cây kim nhưng chủ ý là liếc mắt nhìn cô hàng xén. Cái lém lỉnh của ngòi bút là từ chuyện nọ xọ chuyện kia, tưởng nhớ đâu viết đó nhưng người đọc không thấy gián đoạn vì tất cả được xâu chuỗi, liên kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa kỷ niệm và những ưu tư vào trong chuyện đời anh kể:
Ông già cháo huyết hay bà cháo lòng có khác gì “những người muôn năm cũ”.  Họ là phần ký ức nhỏ trong một khoảng hành trình nào đó của đời người, đầy nhọc nhằn biến động, gắn liền với bao chuyện vụn vặt, không sao quên được… Nhớ đâu viết đó.” (Món ăn dĩ vãng)
Sở hữu vốn tiếng Việt vững vàng, bằng giọng điệu của kẻ “buôn dưa lê” có  chút “duyên” ngầm, anh tha hồ múa máy, thể hiện những điều mình đề cập bằng thứ ngôn ngữ cô đọng, giàu hình ảnh khiến người đọc cứ phải buồn vui theo dõi.
Thử đọc một đoạn văn “sặc mùi ethanol” của Thành, lan man dẫn  người đọc khởi đầu từ phim Hồng lâu Mộng đến Cuốn theo chiều gió, rồi từ phim Doctor Zhivago đến phim Bố già, rồi lách qua bộ phim Thủy Hử, tỉ tê bàn đến cái chết bi tráng của Tống Giang và Lý Quỳ để quay phắt một cái, nói về Rượu:
“Từ  mùi rượu chạy qua… rượu vào là khoác lác theo kiểu ăn giỗ nói dóc, kiểu ba hoa này chẳng hại ai chỉ làm bàn tiệc thêm vui, mỗi người có cách ứng xử với rượu khác nhau.” 
“Có người mượn rượu để khẳng định “cái tôi” giữa đám đông, mà lúc bình thường “cái tôi” của họ chứa đầy mặc cảm. Lại có người rượu vào là buông ra những lời hứa hẹn nhân nghĩa, để rồi ngày mai quên sạch,… Uống rượu để thanh minh, uống rượu để nói, mà chẳng cần biết mình nói gì, nói huyên thuyên đủ chuyện, không đầu không đuôi…”
“Hình như có chút rượu vào con người khang khác so với lúc bình thường. Rượu làm hưng phấn, làm cuộc sống dễ chịu hơn đôi chút. …Cái phép màu đó là ý tưởng lạ, lên đồng từ hơi rượu.”  (Huynh đệ tương phùng, ba chén rượu)
Vũ Thế Thành sống thật, viết cũng thật.. Tất cả đều dựa vào sự kiện, thu thập và sắp xếp chúng, suy luận chứ không suy diễn. Những nhận định của Thành không thuộc về đám đông, không chiều lòng đám đông. Chúng là góc nhìn đầy mẫn cảm và rất riêng của anh. Vâng, viết tùy bút (personal essay) theo anh là phải thế…
Có lẽ do tính cách ngang (tàng, chứ không bướng), và nhìn đời khinh  bạc… nên“Câu chuyện bàn rượu” của anh thì tùy, ai hiểu sao cũng được. Đồng ẩm thì vui, mà người không uống được, nâng ly đấy mà chẳng chạm môi thì cũng chẳng sao. Anh không rót nữa, thế thôi. Hay chỉ rót thêm cho mình một chút để giải toả nỗi lòng: “… Tôi sẽ viết tiếp nếu còn người muốn…đọc. Mà dù không còn người đọc, tôi cũng viết. Viết để trả nợ quá khứ, một quá khứ chẳng đâu vào đâu. ”  (Xe cháo huyết…đêm)
Khi dám sống hết mình thì mọi thứ đều nhẹ tênh với Thành. Chữ nghĩa của anh ít nhiều mang phong thái ngông nghênh:  “Tình yêu là gì? Dễ ẹc! Tình yêu là… chịu lấy nhau, mà chịu lấy nhau chưa chắc đã là tình yêu. Triết lý phết!  Nhưng đó là thứ triết lý của thằng nhãi, điếc không sợ súng. (Áo xưa dù nhàu).
Bụi bặm, sần sùi nhưng cách viết đó lôi cuốn người đọc. Và tôi nghĩ cũng chẳng ai nỡ trách anh, ngay khi anh (giả tảng) tự chửi mình mà người nghe thấy… “nhột”, cảm giác đang bị anh đang khều nhẹ:
Tôi dốt về hoa lá cỏ cây, dốt bẩm sinh, dốt tận cùng bằng số… Nói với tôi về hoa chẳng khác nào đàn khảy tai trâu”  ( Câu chuyện trồng hoa);
Hoặc nghe anh tự trào mà “bỗng” thấy mình trong đó: “Nói thiệt, tôi mê nhạc…sến, mà cũng chỉ mới “ngộ” ra đây thôi. Nghe nó…sến, nhưng lại thấy gần, bay xa chịu không nổi.”(Áo xưa dù nhàu).
Viết như thế thì không ai có thể phật ý hay bắt bẻ được anh. Ngay cả khi anh to gan chòng ghẹo mấy cô xứ Nẫu biết múa roi đi quyền: “Hồi trẻ, gặp gái Bình Định là sợ, về già gặp mấy bà Bình Định là hãi. Chết xuống âm phủ, gặp ma nữ Bình Định thì coi như hết kiếp (khỏi đầu thai)… Đàn bà con gái gì mà roi quyền cung cước, thấy là muốn… ù té chạy.” (Nẫu cả người…(Nẫu)).
Thông minh, hóm hỉnh nhưng  hơn ai hết Vũ Thế Thành biết khả năng và giới hạn của cuộc chơi ngôn từ bên chén rượu. Những cú “húc đầu” liều lĩnh của anh đều có tính toán. Mọi rủi ro đã được hoá giải. Và anh cũng“ Sướng là ở chỗ đó! ”             
 Đọc tạp bút của Thành cười được, khóc được và có khi “Chạm tay vào dĩ vãng, lòng cảm thấy ngậm ngùi” hay từ đó ngẫm được lắm cái sự đời mà anh đã trải và bây giờ muốn chia sẻ. Anh viết như nói, tự nhiên và tỉnh queo như đang bỡn cợt nhưng không thiếu ý nghĩa triết lý. Muốn trồng hoa xấu hổ cạnh cây trúc trong sân nhà mình, anh nói: “Cây trúc tượng trưng cho người quân tử. … Xấu hổ lúc nào cũng gắn liền với người quân tử. Hoa xấu hổ không bám vào rễ, vào gốc cây trúc, thì bám chỗ nào?..”. Rồi  “Nhìn hoa xấu hổ dưới chân bụi trúc, ngẫm nghĩ về lòng tự trọng.” (Câu chuyện trồng hoa).
Thế thôi. Triết lý vừa phải. Vũ Thế Thành cơ bản là một nhà khoa học làm báo, một người viết tạp văn vì thế chúng ta không nên chờ đợi ở câu chuyện rượu những phân tích tâm lý sâu sắc hoặc những ý nghĩa triết học cao siêu…
Trong 18 bài tản văn Thành viết, phần lớn thì ai cũng biết, cũng đã từng chứng kiến thế nhưng đọc lên tôi vẫn cảm thấy…lạ, dù những chuyện đó đều là chuyện thực…
Nó “lạ” vì phong cách độc đáo, nửa đùa nửa thật, viết lan man để dẫn người đọc từ chuyện “Cô gái rượu”, “Ông thầy việt văn” đến “Món ăn dĩ vãng”, từ chuyện “kiều lão Đà Lạt” đến  “Hồi đó tụi mày ở đâu?” để nhắc đến “Chuyện của một thời”… làm người đọc lúc thì cười ha hả, lúc thì khóc hu hu…Ai cứng lòng, không cười, không khóc thì ít nhất cũng phải… cắn răng mím lợi…vì giọng văn sặc mùi rượu, câu chữ khinh bạc và nhìn đời bằng một phần tư con mắt…
Nhưng dù cười hay khóc…thì người đọc cũng nhìn thấy những điều đã qua như hiển hiện  trước mặt và lòng không khỏi không vương vấn một chút ngậm ngùi.
Phía sau những câu chữ ngang tàng… bụi bặm là trái tim nhạy cảm. Còn nằm quanh con chữ là hương vị của mùi “ethanol” đậm đà hương sắc.
Trước khi chấm dứt xin mạn phép trích thêm 2 tiểu đoạn của Thành:
-  Vũ Thế Thành đã từng một thời vì cuộc mưu sinh phải đạp xích lô để sống. Hãy nghe anh mô tả trải nghiệm của mình khi phải chở hai quý bà bụ bẫm, trọng lượng chắc cũng trên tạ rưỡi ở dốc cầu Thị Nghè :  “…Trời ơi! Hai bà khách vẫn vô tư cười nói, sao họ  không xuống xe đi bộ một quãng cho mình đỡ khổ ! Cho dù thế nào, có Chúa làm chứng, tôi đã tận lực làm tròn nhiệm vụ của  thằng đạp xích lô. Dốc mỗi lúc mỗi cao, lực bất tòng tâm, tôi không còn ghì nổi tay lái, chiếc xe đổ nhào về phía trước…”  (Chuyện của một thời).
Bạn có cười không? Tôi thì lúc đọc thì cười ha hả, nhưng nước mắt cứ chảy ra vì thương thằng bạn có bộ ngực omega, rồi “cám cảnh sinh tình”, bùi ngùi thương cả bọn “sinh lầm thế kỷ ”(*)  như lũ chúng tôi.
-  Hơn 2 năm trước,  tôi có mặt trong đám tang của mẹ Thành. Vài hôm sau, khi những bận bịu về lễ nghi đã hoàn tất, tôi đọc được tâm trạng của anh: 
Sáng nay, khi xuống lầu đi làm, tôi buột miệng “ Mẹ ở …” (… nhà, con đi làm đây!). Tôi khựng lại, chợt nhớ ra bà mất rồi. Tôi nhìn lên bàn thờ, thắp nén nhang, rồi đi… ”
(Đừng như tôi, còn ray rứt với những gì thiếu sót.)
Tôi thấm thía và cảm thấy ớn lạnh toàn thân khi đọc đoạn văn này! Giọng văn sắc và lạnh, cảm giác dồn dập  như đang chạy, gặp phải bức tường mà dừng không kịp. Mấy dấu chấm bỏ lửng sau hai chữ  “rồi đi”… giống như những giọt nước mắt của người vừa mất mẹ đang chảy lên trang viết…
Tôi thẫn thờ buông trang giấy. Cảm giác hụt hẫng, mất mát, thất vọng, tuyệt vọng, tiếc nuối cứ như những luồng khí lạnh đang lan toả toàn thân.
Đột nhiên tôi thấy mình hạnh phúc và cũng cảm thấy lo sợ vì tôi còn mẹ.
Đây chỉ là  hai trích đoạn mà tôi chỉ lật lật và trích ra tình cờ. Cảm nhận có thể là chủ quan hay rất riêng tư và cá nhân. Nhưng tôi tin là bạn đọc sẽ còn tìm thấy nhiều tiểu đoạn khác.
Cuối cùng, “Những thằng già nhớ mẹ” của Vũ Thế Thành đang mở trước mắt bạn.  Xin mời bạn nâng ly, khề khà nhấm nháp và tự mình khám phá những đoạn văn đắc ý khác.

Trương Văn Dân
Viết tại Paris 6-2013
-----------------------------------------------------------
(*)
Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ,
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ.
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị.
Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ…”
(Trích Phương xa - Thơ Vũ Hoàng Chương)


1 nhận xét:

  1. ''Rượu vào lời ra...''khề khà cười ha ha ..,hát thật đã!Vị cay của Rượu..Cay đắng tình đơi..Nồng say Nhớ thiết tha.Rượu vui cũng nói ..Rượu buồn cũng ca..Ca cho đã..Hát cho thỏa..Rượu vào lời ra mà..Cái Nhớ nó ùa vào..Ngập cả hồn ta..Say Nhớ ..Say Tình..Say tất cả!Say viết..Say Thơ văn..Say Tình yêu..Say lãng đãng...Khi người say..Hưng phấn Nhà Văn hay ''chọc cù lét'' Thiên hạ chơi đỡ buồn?-Vũ Thế Thành đó!Trong tôi dường cũng có chun chút, giông giống Anh ấy thì phải?Mở ra..Đọc nhận xét của Anh Dân..Quay sang Anh ấy..Vui vô vàn..

    Trả lờiXóa