Cuối
cùng thì con lại phải ra đi, những ngày nghỉ tết sao mà qua nhanh quá !
Sáng
hôm qua, con không lên nơi an nghỉ của Mẹ qua ngả An Xuyên - Mỹ Chánh. Con đi
theo trục đường An Mỹ - Trinh Long Khánh - Chánh Hội để về quê ngoại Hội Thuận.
Đó là con đường ký ức của con. Con đường ngày xưa trong đôi thúng, con ngồi
chễm chệ như ông hoàng để Mẹ gánh đi mỗi khi về ngoại. Chợ An Mỹ nay tiêu điều
quá vì đã có chợ mới ngay góc cầu An Xuyên. Phiên chợ mồng 5, 10, 15, 20, 25,
30 (hay 29 tháng thiếu) chắc là không còn nữa.
Mười
ba năm mẹ đã trở về với cát bụi thiên thu.
Mẹ!
Đâu còn từ nào trong ngôn ngữ tiếng Việt thiêng liêng hơn từ đó. Mẹ được dùng
như một trạng từ chỉ về nơi chốn, nơi chốn yên bình và thanh thản. Mẹ có thể
được ví như một dòng sông, dòng sông phẳng lặng lững lờ đưa từng con người trôi
về cõi thiên an. Mẹ như một điểm tựa cho đời con tựa vào khi mệt mỏi hay gặp
vấn nạn trên đường đời
Con
đang sống trên một trái đất đầy hoa thơm cỏ lạ, muôn trùng tiếng chim ca. Con
biết nhìn cái đẹp của ánh bình minh rực rỡ phía bên kia đầm Thị Nại hay Đề Gi.
Đẹp tuyệt vời buổi bình minh với những vầng sáng trên biển lặng. Chiều tà ở
hướng Tây vùng Tây Sơn, Vĩnh Thạnh tĩnh mịch và lưu luyến. Màu xanh trời hòa
làm một sắc màu của chiều tím hoàng hôn. Tâm hồn con cảm nhận được mọi thứ do
con có một điều khác, chính điều đó đã tạo nên một tâm hồn biết yêu, biết sống
và đầy cảm xúc. Điều thiêng liêng đó chỉ gói gọn trong tiếng Mẹ. Con gọi Mẹ từ
thưở nên thơ và sẽ không bao giờ tìm có nơi nào trên trái đất này.
Con
đi qua cánh đồng lúa Trinh Long Khánh. Tháng giêng, những cánh đồng lúa đang
thì con gái xanh mượt. Cánh cò trắng chập chờn trên sóng lúa dập dìu khúc hát
thanh bình của miền quê yêu dấu. Trên những cánh đồng kia hơn 40 năm trước là
cuộc sống của gia đình. Trên đôi vai gầy guộc “như cánh vạc về chốn xa xăm” Mẹ
đã gánh những gánh phân bò để vãi ruộng. Dấu chân Mẹ, giọt mồ hôi rơi xuống
ruộng đồng để làm những gì mà người Mẹ có thể làm được cho đàn con. Ba ngày
gánh phân thuê là tiền niên liễm của một năm học trường Trung học Cường Để Quy
Nhơn. Những con chữ, những dãy số tự nhiên đều được Mẹ chất trên đôi vai.
Chú thích ảnh
“Anh dìa dứ dạn hồi hôm
Gánh phân dãi ruộng gió Nồm bay lên”
(Anh về dưới Vạn hồi hôm
Gánh phân vãi ruộng gió Nồm bay lên)
Con
đi qua cầu Đậu Long đê bước chân lên thôn Chánh Hội. Hôm nay cây cầu bê tông đã
được xây. Mẹ đã không còn trên dương thế, tóc con cũng bắt đầu điểm bạc, có
nghĩa là con mãi không được mẹ cõng trên lưng để vượt qua con sông này. Từ trên
cầu, con nhìn xuống dòng nước trong xanh vẫn chảy nhẹ nhàng xuôi về Xuyên Hải.
Hãy còn đó tất cả chỉ thiếu đi dáng người mẹ gầy và thằng con ốm nhách trên
lưng. Mỗi lần qua sông mẹ đều phải nghỉ cho đỡ mệt. Đi vòng xung quanh kiếm vài
bụi sim sim chín đỏ cho con. Mẹ hái cho con những trái ổi núi chín chim rừng ăn
hơn phân nửa. “Cái gì chim ăn đươc là người ăn được”. Ruột ổi chín đỏ mềm và
thơm ngát như tình mẹ.
Con
đến Hội Thuận. Nơi mẹ được sinh ra và trở thành bất tử trong con.
Một
cơn mưa xuân nhẹ nhàng vào chiều ngày mồng 6 Tết !
Bên
chiếc cầu đập bờ Mun con như đang thấy sự sống của mùa xuân trỗi dậy, như sức
sống của mẹ đã truyền sang con. Bên dòng La Tinh, những thân cây khô khốc vẫn
còn dòng nhựa sống dạt dào. Mùa xuân đang đến, đang chảy thành dòng ngào ngạt
hương thơm mùa xuân. Ngày mai, những nụ non hé nở, những cây sim sim dú dẻ trên
đồi Hội Thuận sẽ bừng tỉnh dưới hơi thở của tiết trời mưa xuân.
Tại
sao người ta thường nhắc nhở nhiều về quê Mẹ? Có lẽ từ quê mẹ vừa là một không
gian rộng và cả một không gian hẹp. Khi đang lênh đênh trên biển Đề Gi con nhìn
về Hội Thuận là quê mẹ (nơi mẹ sinh ra). Con sống ở Quy Nhơn, ra Bồng Sơn hay
lên vùng Kim Sơn - An Lão thì Phù Mỹ là quê mẹ với một ý nghĩa rộng hơn. Khi con
sống rời xa Tổ Quốc, chuyện sống hay chết chỉ là một tiếng nổ, thì Việt Nam là quê Mẹ
của con với một nội hàm rộng lớn vô ngần.
Quê
ngoại là gì hả mẹ ? Nơi con chỉ thấy sự chiều chuộng nâng niu, tưng (cưng) cháu
như trứng mỏng.
Quê
ngoại là gì hả mẹ ? Nơi chất chứa điều gì ngọt ngào nhất cho con.
Quê
ngoại là gì hả mẹ ! Là nơi con được coi như một người khách quý.
Những
miếng đất soi nơi chân núi trồng ít mía, gừng, nghệ, củ mặc … Cả một thời thiếu
niên mẹ đã lặn lội cùng mấy con bò trên những sườn đồi. Những gì có trên núi
Hội Thuận, Mẹ đều thuộc làu như trong lòng bàn tay. Quê ngoại nghèo khô cằn chứ
không như quê nội dạt dào sóng biển đầy đủ cá tôm. Tháng ba âm lịch mùa sứa rộ.
Lại đôi gánh và thằng con về quê ngoại. Một đầu là sứa và đầu kia là thằng con.
Có
một điều mà phải đến khi làm cha, con mới hiều tại sao khi đi đâu người Mẹ luôn
dẫn theo con cái. Có thứ tình nào vượt qua được tình mẫu tử. Với người phụ nữ
thì con cái là gia tài, là của cải, là sự sống nối tiếp của cuộc đời mình. Dẫn
theo con cái như chứng minh cho sự hiện hữu của mình trên cõi đời. Cõng đứa con
trên lưng về quê ngoại như minh chứng cho sự làm tròn thiên chức của người phụ
nữ : làm vợ và làm mẹ. Đứa con là tất cả những gì mà người phụ nữ thể hiện
trong cuộc sống. Khi con hiểu ra mọi điều thì Mẹ đã ở cõi vĩnh hằng.
Mẹ
đã nắm sâu dưới ba tấc đất nơi đã sinh ra mình. Trên mộ, một tấm bia bằng đá
ghi tên họ người con gái họ Hồ của đất Hội Thuận. Tấm bia kia làm sao khắc nổi
cuộc đời của mẹ. Mọi hy sinh của mẹ không thể chìm vào dĩ vãng khi chúng con
còn đứng đây giữa đất trời. Mẹ vẫn hiện hữu và mãi song hành cùng chúng con đi
về phía trước. Tình mẹ vẫn phảng phất đâu đây như hương của mùa xuân, Tình mẹ
vẫn mát trong ngọt ngào như dòng nước La Tinh chảy mãi bốn mùa.
Nếu
cuộc đời này là sự tiền định của kiếp người thì con đã tạo ra một nghiệp lành
để làm con của mẹ. Cuộc đời này như một sân khấu lớn. Mẹ đã không để con một
mình diễn mọi vai để tồn tại. Con đã đi qua cái vai diễn đó lúc này khổ đau
cùng mẹ và lúc kia vui sướng chỉ mình con. Một vở tuồng mà lặng lẽ âm thầm
không cảm xúc thì làm sao hay hả mẹ ? Từ trong gian nan của tình mẹ yêu con,
sân khấu cuộc đời mới có vở diễn : Tình mẹ.
Con
lại đi xa và mẹ nằm lại một mình. Mẹ yên nghỉ nghìn thu nơi đất đã sinh ra
mình. Con sẽ mang theo sự sống của mẹ và truyền lại cho đời sau. Mẹ cho con
điều gì ? Chỉ là bầu sữa và bờ vai.
Bầu
sữa mẹ, dù khô cằn vẫn có thể nuôi con khôn lớn thành người. Cho con sống để
biết mình.
Bờ
vai mẹ, dù “gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi” là nơi cho con bám víu.
Bờ vai như điểm tựa trong cơn bỉ cực, nơi chia sẻ những gì của mình cho anh em
đồng loại. Khi con gặp ai đau khổ thì hãy dùng bờ vai con cho họ nương tựa.
Cuộc
đời còn lại điều thiêng liêng : Hãy sống cho mình và cho người.
Lạy
Mẹ con đi !
Võ Mỹ Cát
FFC BinhDinh
Sung sướng nhất khi đọc được những điều đã nghĩ về Mẹ,muốn nói với Mẹ mà ngôn từ nghèo nàn hạn hẹp...không thể diễn đạt được thì tác giả đã làm thay . Cảm ơn ,cảm ơn con người đầy diễm phúc đã được song hành cùng Mẹ về quê Ngoại bằng tình yêu đôi quang gánh"đầy hoa thơm cỏ lạ và muôn trùng tiếng chim ca"
Trả lờiXóa"Lại đôi gánh và thằng con về quê ngoại. Một đầu là sứa và đầu kia là thằng con."
Trả lờiXóaMình đồng cảm với Võ Mỹ Chánh vì mình cũng mồ côi mẹ. Nhưng Mỹ Chánh còn hạnh phúc hơn mình nhiều vì mình không biết Mẹ đã làm gì cho mình, không nhớ được bầu sữa Mẹ thế nào. Mình mất mẹ năm 3 tuổi.
Và mình cũng chẳng biết quê Ngoại thế nào vì nghe đâu mãi tận Quảng Đông bên Tàu...
Tác giả là Võ Mỹ Cát hay Võ Mỹ Chánh vậy Thiiasao
XóaMỹ Chánh và Mỹ Cát là hai xã nằm ở phía Đông của huyện Phù Mỹ. Hai xã này giáp ranh nhau theo tỉnh lộ 639.
XóaDẫu con đi hết cuộc đời
Trả lờiXóaVẫn không đi hết những lời mẹ ru
[youtube]http://www.youtube.com/watch?v=6oz380YuaAA[/youtube]
Xin lỗi Mỹ Cát nghen. Không biết sao minh viết mà lộn Chánh sang Cát. Có lẽ tại tên mẹ mình có chữ Chánh. Thành thật xin lỗi.
Trả lờiXóaHehe ! Không sao cả. Thực ra thì Mỹ Chánh và Mỹ Cát là một. Không một gia đình nào ở Mỹ Cát mà không có mối liên hệ tới Mỹ Chánh. Quê Nội ở Mỹ Chánh thì quê Ngoại Mỹ Cát và ngược lại.
Trả lờiXóa