Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

PHÚ PHONG MỒNG 4 TẾT


Lại phải về quê. Hơn nửa tháng trời ở quê nhưng ru rú trong bệnh viện và trong nhà hơn là đi rông như mọi khi. Ở nhà, mọi thông tin giống như những áng mây giữa trời. Ngẫm mà buồn cười với vỡ kịch ở Crimea, với trò cút bắt của vụ máy bay MH370 mất tích… Mọi thứ chẳng đọng chút mảy may cảm xúc. Về Saigon, lục tìm lại Phú Phong Mồng 4 Tết đọc mà thấy ngập tràn hương quê. Hương vị mùa xuân vẫn còn phưởng phất đâu đó bóng dáng những yêu thương…
Phan Trường Nghị


PHÚ PHONG MỒNG 4 TẾT 
Võ Mỹ Cát


Chiến tranh phải ra đi. Thời bình cũng phải ra đi. Quê hương sao hẹp quá. Không phải đất hẹp vì Bình Định là tỉnh lớn, nó hẹp vì một thời nông nổi của những tư duy vụn vặt ấu trĩ. Rong ruổi khắp trời Nam xuôi ngược, mãi lo toan với với miếng cơm manh áo của cuộc sống đời người, gần đúng 37 năm mới trở lại nhìn thấy một đoạn sông Côn với dòng chảy hiền hòa, những đụn cát giữa dòng chảy qua đất Phú Phong. Cũng đã ghé vài lần nhưng cũng chưa có điều kiện để có phút giây nhìn lại dòng sông bạc lấp lánh ánh nắng.

Thương quá Côn giang ơi ! Nhớ lắm Phú Phong ơi ! Đất và nước đã cưu mang, đã cho nhiều kỷ niệm của một thời trai trẻ. Một thời gắn với những dòng sông.

Sáng mồng 4 Tết


Quá giang xe của đơn vị tỉnh đội Bình Định đi chúc tết ở An Khê, tôi có mặt ở Phú Phong khá sớm, chắc chừng hơn 7h. Đang lang thang tìm nhà thằng bạn ở đường Mai Xuân Thưởng thì gặp vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Thiện. Anh có vẻ ngạc nghiên và mời đi ăn sáng cùng. Nhưng đi sao được, thằng bạn nó đang chạy từ bên Bình Hòa sang để đón. Không biết kiểu gì mà mồng 4 lại đi dẩy mả. Đi được một đoạn nữa thì nhận được điện thoại của nó là không về được, phải trưa trưa mới về. Thế là chơ vơ lạc lõng giữa đất Phú Phong. Gọi cho ông bạn vàng đất An Nhơn rể nhà Kim Châu thì mới biết là hãy còn mắt sáng mắt tối ở An Nhơn, cũng phải lâu lâu nữa mới về Phú Phong. Hết đường.

Mỏi chân quá ghé quán cà phê bên đường và biết đây là đường Đống Đa. Gọi cho vợ chồng nhà thuốc Trung Tín thì mới biết là mình ngồi quán cà phê chỉ cách nhà thuốc chừng mấy chục thước. Ngó sang bên kia đường thấy vợ chồng nhà thuốc Trung Tín đang gọi điện thoại cho mình.

Sáng mồng 4 Phú Phong hãy còn đậm hương vị ngày Tết. Người đi trên phố hãy còn khá đông. Hình như hôm nay là ngày họ dành cho họp nhóm. Chỗ nào cũng thấy từng nhóm nhỏ cùng ngành, cùng nghề, cùng lớp…

Phú Phong cũng là nơi phát triển khá nhanh về đô thị. So với các thị trấn khác trong tỉnh thì có lẽ nằm trong top đầu do địa thế Phú Phong thuận lợi hơn. Trung tâm của thị trấn là đường Quang Trung (QL19 cũ) và phát triển cả về hướng Bắc nam. Nghe đâu còn phát triển sang cả bờ bắc sông Côn vì phía bên đó có bảo tàng Quang Trung cũng thuộc thị trấn.

Ngồi với ông chủ nhà thuốc Trung Tín ở quán cà phê Jin Jin (sao giống cái tên của sản phẩm gì quảng cáo trên TV) ngay sát đầu cầu phía Nam của cầu Kiên Mỹ mới. Ngày trước khu này cũng còn là lòng sông, lau sậy mọc um tùm. Ban đem chim quành quạch ngủ cả bầy. Mấy ông đi chài còn bày ra trò chài chim ban đêm ở những khu này. Mỗi bữa cũng được mấy chục con và ra bờ sông nhóm lửa nướng. Chim quành quạch cũng không lớn lắm, nhưng cũng vừa miệng chừng vài con cho một bữa (hehe còn đỡ hơn chim sẻ nhiều). Nhiều bữa ngán quá bỏ chim vào giỏ mang qua cái xóm nhà trồng rau phía đối diện bên kia sông (hình như Thuận Nghĩa) cho mấy người quen. Cũng vì chim chóc mà thằng Ngào và thằng Dũng cãi nhau. Thằng Ngào thì “ kinh tế” hơn định mang ra chợ hay theo dọc phố bán kiếm tiền. Nó còn tính tới đường bán chim cho mấy đứa nhỏ nuôi. Thằng Dũng thì không chịu, một là nướng hay xào ăn cơm, hai là cho bà con dọc sông để nhận lại củ mì khô nguyên củ hay cái gì đó mà ăn được (thường là muối dưa).

Từ quán Jin Jin gọi cho Quang Trung Bình Khê, Anes Thanh, Út Phú Phong để gửi lời chúc tết từ đất Võ Tây Sơn như gửi một chút hương vị xa nhà chon hững đứa con còn ở xa không về được. Trong giây phút nghe giọng nói từ chính mảnh đất mình sinh ra và lớn lên ai cũng sẽ bất chợt có những cảm xúc không có tên gọi, vì nó lưng lửng mà các nhà làm tự điển không biết dùng tính từ nào để diễn tả. Không ít những người con xa quê Tết muốn về lắm, nhưng cuộc đời còn nhiều sự trói buộc khác nữa mà không phải muốn là được. Bước chân xa xứ đã vướng vào bụi trần của thời gian, khi thấy con trưởng thành, thấy tóc mình sao đã không còn đen mướt thì hình ảnh quê hương lúc đó mới đổ ập về, xôn xao theo những chiếc la còn vướng lại mà ngày Đông chưa kịp rụng hết trên những con đường thị trấn. Dù là một chương trình đã được mặc định hiển nhiên và mọi cảm xúc dù có nhạt phai chăng nữa thì khi nghe hai tiếng Phú Phong  một cái gì đó bất chợt hiện về như cái lần đầu tiên đủ trí khôn (cũng bất chợt) biết nơi chôn nhau cắt rốn của mình là đất Phú Phong.

Sau cơn lụt ngày 15/11/2013



Cầu Kiên Mỹ cũ đã gãy hết mấy nhịp. Những nhịp cầu bằng bê tông sụm xuống lòng sông. Chuyện bình thường.Nhưng không dễ gì bình thường với nhiều người. Chiếc cầu giống như chính cuộc đời họ, nhịp cầu gãy chẳng khác nào trái tim vốn mỏng anh của con người lại giảm đi mấy nhịp đập làm cho khó thở hơn một chút.

Với nhiều người, quê hương chính là Tình yêu. Chiếc cầu Kiên Mỹ cũ, hàng tre phía bờ Bắc có khi là không gian của lưới tình và là dấu ấn sâu đậm của nhiều người. Chiếc cầu với dấu chân sánh bước tay trong tay của một thời thèm được yêu thương, muốn được ôm một cái ôm thật chặt, khao khát được hôn một nụ hôn nồng nàn, thích được nũng nịu đòi được chở đi trên chiếc xe đạp cà tàn đạp muốn đứt hơi, giòn rụm nụ cười bẽn lẽn ngất ngây dưới tiếng kẽo kẹt của hàng tre. Rồi những chiếc lá tre già rơi bay bay trong gió khi ngả bóng hoàng hôn ở hướng chùa Thiên Tôn.

Cũng một người con gái nào đó ở xa về. Ngồi trên chiếc cầu để nhớ lại ngày xưa. Có thể là đi tìm hình ảnh của mình nơi dòng sông khi còn tắm tồng ngồng, có khi tìm lại chút giây phút bình yên của xưa kia vọng lại. Gió nhẹ, hơi nước mát lạnh của đồng nội vỗ về tâm hồn mơn trớn da thịt mình.

Có ai đó ngồi một mình gió thổi mái tóc em bay nhẹ, thổi vào lòng em niềm nhớ nhung. Bên cạnh một ai khác đang nhìn vào đôi mắt kia nó trong xanh như bầu trời. Đôi mắt thật là đẹp ẩn chưa bao nhiều điều muốn nói. Rồi bất chợt giật mình rút tay lại… trái tim rộn ràng nhịp của yêu thương.

Thôi về đi
Đường trần đâu có gì
tóc xanh mấy mùa
Có nhiều khi
từ vườn khuya bước về
Bàn chân ai
rất nhẹ tựa hồn những năm xưa
(Phôi pha – TCS)

Bàn chân ai bước nhẹ...


Rồi có người nhìn thấy hình ảnh ở quê nhà được post lên trang Facebook. Những gương mặt thân quen trong không khí mặn nồng quây quần hội tụ. Một lời hăm dọa nhẹ nhàng “Tui bay về liền bây giờ đó” (tưởng mình là Tôn Ngộ Không). Phút giây đó quặn thắt lòng lệ lăn dài trên đôi má gầy.

Ai đó nhìn anh Nguyễn Ngọc Thiện gõ hai cái muỗng khi hát, lại nhớ về Cha mình. Nhớ lại ngày xưa Cha mình là người gõ muỗng số một của đất Tây Sơn.


Hình bóng quê hương yêu dấu cũng chỉ là vậy. Nhìn đâu cũng thấy bóng dáng của mình, của Cha Mẹ. Cuộc đời không dễ gì bằng phẳng nhưng dù vật đổi sao dời thì mọi thứ vẫn còn hiện hữu. Phú Phong như mảnh đất của chỗ dựa tinh thần để vươn lên. Bước chân đi mãi cũng đến nơi, đi mãi rồi cũng mỏi. Chỉ còn lại trong trí nhớ Phú Phong - Tây Sơn -  Nguồn cội.

Bắt tay tạm biệt chủ quán Jin Jin Trần Viết Dũng, bước vội mấy bước ra cầu Kiên Mỹ mới. Đứng trên cầu nhìn về hướng Chùa Thiên Tôn để nhìn lại dòng sông phiêu bồng một thưở.

Đi giữa dòng người vội vã đang qua lại cầu. Trời nắng chang chang nhưng cũng có một chút gió xuân lạnh lạnh lướt qua. Đôi mắt cay cay dường như vẫn đang kiếm tìm một thứ gì đó. Một hình bóng xưa, chiếc sõng và đường cá lên! Nhưng làm sao có thể tìm được nữa khi mọi thứ đã thay đổi, chỉ biết gom hết yêu thương còn vương vãi đâu đây…ở chính chốn này.

Võ Mỹ Cát


6 nhận xét:

  1. Phú Phong, nửa đời giông tố mãi...
    Nên người đi thầm nhói buốt Phú Phong
    Dù nhói buốt mà hồn xưa thương cúi mặt
    Bạc cả đầu, sao lòng vẫn khắc khoải nhớ- Phú Phong ơi!

    Trả lờiXóa
  2. Tui thích bài viết của Bạn - Bạn Võ Mỹ Cát ạ!.

    Trả lờiXóa
  3. Sáng mùng 4 tết tui cũng có mặt ở Phú Phong, xế trưa cùng ngày cũng hiện diện ở Jin Jin mà hổng biết Võ Mỹ Cát đang ở đó! Chắc là "vô duyên' nên không được "tương phùng"!

    Không biết người thì sao, vì chưa được diện kiến, chớ đọc văn của Võ Mỹ Cát, thấy dễ cảm quá. Người ta hay nói "văn tức là người", chắc không sai.

    Tui cũng đã từng đi qua qua nhiều vùng quê Phù Mỹ - bổn quán của Võ Mỹ Cát, từ Thị Trấn, đến Mỹ Hòa, Mỹ Quang, Mỹ Chánh, Mỹ Thọ, Mỹ An, Mỹ Đức, Mỹ Thắng,... Cũng đã từng bắt cá, bắt chình ở đầm Châu Trúc, để "sương sương"cùng bạn hữu. Cũng đã từng bắt gặp mấy bông hoa dúi dẻ thơm lừng ở Mỹ Đức và chia sẻ lên FB,... Tuy chưa lội sông, nhưng đã nhiều lần tắm biển ở thắng cảnh Mũi Rồng - Tân Phụng. Thậm chí cũng đã có một mối tình dễ thương với cô thủ thư ở thư viện ... năm nào. Ấy vậy mà tui chưa bao giờ có được cảm xúc như của Võ Mỹ Cát đối với Phú Phong - Tây Sơn, nói chi đến việc ghi lại được như Võ Mỹ Cát!

    Nói như thiiasao: "Tui thích bài viết của Bạn - Bạn Võ Mỹ Cát ạ!."

    Trả lờiXóa
  4. Đọc lại lần nữa vẫn tràn đầy cảm xúc : nghèn nghẹn , rưng rưng ...Phú phong !chỉ nghe tên gọi là tim muốn lỗi nhịp ,huống hồ VMC trải lòng cùng hàng tre ,bờ cát giòng sông Côn . Tuyệt vời .

    Trả lờiXóa
  5. Thỏ con08:38 29/3/14

    Về lại Phú Phong VMC đã lang thang cùng kí ức không phải cho riêng mình mà cho cả những ai đã lớn lên ở đó với một tâm trạng nhẹ nhàng tiên tiếc một thời êm ả của tuổi trẻ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Viết đi vào lòng người như vậy mà cái ông chài từng đi suốt dọc bờ sông Côn nầy lại nói là viết tào lao chơi ấy. Dễ ghét chưa !?

      Xóa