Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

VU LAN - MÙA BÁO HIẾU


Lễ Vu Lan - Rằm tháng 7 âm lịch - Mùa báo hiếu. Hằng năm cứ đến mùa này là lòng tôi cứ bồi hồi. Mỗi thời một tâm trạng khác nhau.

Nhớ lại thập niên 60 của thế kỷ trước, Anh em tôi còn nhỏ lắm, sinh hoạt ở ngành Oanh Gia đình Phật tử. Đến mùa Vu Lan theo lệ thường tôi nhận cho mình một cành bông trắng, nhưng Út - em tôi thì không chịu nằng nặc đòi cành bông hồng thắm vì nó thích màu hồng đẹp hơn màu trắng và vì mấy đứa bạn nó đeo bông hồng. Tôi không biết giải thích như thế nào để nó hiểu nên chỉ biết chảy nước mắt thôi... Rồi các anh, các chị huynh trưởng cũng khóc... những giọt nước mắt ấm áp của tình thương.

Sau năm 1975, Tôi dắt Út bỏ địa phương lên Tây nguyên tìm đường sống (năm ấy tôi đang học dở dang Đại học Văn Khoa Sài Gòn, Út đang học lớp 11). Lần đầu tiên trong đời tôi nhân được thư của Ba tôi nhắc nhở về chuyện rừng thiêng nước độc, còn nhắc nhở tôi "Nếu có gặp hoạn nạn gì, Ba không có bên con để giúp được, nên con cứ niệm Nam mô cứu khổ cứu nạn Linh cảm ứng Quan thế âm Bồ tát để người cứu giúp con". Ba ơi! Con đã lớn rồi mà Ba còn lo cho con đến vậy.

Đến nay có lẽ nỗi ray rức lớn nhất trong lòng tôi là không phụng dưỡng Ba Mẹ được ngày nào. Cho dù tôi đã giúp rất nhiều người là anh, chị bên nội bên ngoai, các cháu. Người thì cất nhà, người thì cho đất, người thì giúp vốn làm ăn, người thì xây mồ mả... nhưng với Ba Mẹ tôi thì chưa được một lần. Trước 1975 tôi đang đi hoc. Sau 1975 gia đình khánh kiệt tôi phải đi xa vật lộn miếng cơm manh áo. Mẹ tôi mất sớm khi tôi vừa 4 tuổi. Ba tôi mất khi tôi vẫn cơ hàn. Khi mình được miếng ăn đầy đủ thì Ba Mẹ đã không còn.

Vậy đó các bạn ạ. Những ai còn Ba Mẹ thì hãy yêu thương Người, quý trọng Người, phụng dưỡng Người kẻo rồi một ngày nào đó lại ray rức ân hận như tôi là mình đã không phụng dưỡng được Ba Mẹ.

Nhưng cũng có những người con muốn phụng dưỡng cha mẹ lắm nhưng không làm được như mình muốn. Tôi xin kể một trường hơp.

Theo lời người ta chỉ dẫn, "cứ chạy tới ngã tư rồi quẹo, hỏi nhà Nam cụt thì ai cũng biết" tôi chạy quanh, quẹo hỏi thăm nhiều lần đến nhà anh Nam.


Tên đầy đũ là Vỹ Văn Nam - 50 tuổi. Trước đây khi còn trai tráng anh nuôi nấng phụng dưỡng cha mình là ông Vỹ Văn Nghệ (năm nay 89) bị hơi lừng khừng không làm gì được một cách đầy đủ. Cất một căn nhà cấp 4 nhỏ thôi cũng đủ che mưa nắng. Oái oăm thay - 10 năm trước đây trong một lần lao động anh đã động 1 quả mìn làm đứt tiện đôi bàn tay - Trời ơi! Hai cha con không bà con họ hàng làm sao sống đây, lấy gì nuôi cha đây? May thay đồng bào mình vẫn nhiều người tốt lắm. Thím hàng xóm thì trước khi đi làm bưng cho ông già chén cháo. Cô bảy đi làm về ghé ngang vo cho nồi cơm rồi găm điện (Nồi cơm của đoàn từ thiện cho) rồi ai có rau cho rau, có cá cho cá nhưng phải nấu chín vì anh cụt 2 tay, cha già yếu khừng khừng... có làm được gì đâu... 10 năm nay anh sống trong sự đùm bọc yêu thương của đồng bào lối xóm. Không biết lỡ đau nằm xuống thì sao? Chỉ nghĩ đến đó tôi không dám nghĩ tiếp nữa. Đây là người cần giúp đỡ thường xuyên.

Đấy muốn phụng dưỡng cha mẹ có được đâu.

Các bạn ạ! Lòng yêu thương con người, sẵn sàng giúp nhau vượt khó, đùm bọc nhau lúc hoạn nạn là truyền thống quí báu của dòng máu Lạc Hồng. Bời nguồn gốc của chúng ta là Đồng Bào (Chung một Bọc) của Mẹ ÂU CƠ đẻ ra mà. 

Tôi thích câu nói của anh Võ Đình Cường (nhớ không chuẩn lắm) nôm na là "Hãy trải lòng mình ra ...  Cho tất cả thì sẽ nhận tất cả" 

Chúc các bạn là những người con hiếu thảo và trọn vẹn yêu thương nhân Mùa Báo Hiếu.

Mùa Vu Lan 2014
Thiiasao
Khóa 4 QuangTrung BinhKhe


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét