Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

HẾT TUỔI THỌ NHƯNG CHƯA CHẾT


Thực phẩm quá “đát” (date) ăn có bị sao không? Câu hỏi đơn giản nhưng không dễ trả lời chút nào. Ước tính khoảng 100 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí hàng năm tại Châu Âu, khoảng 30- 50% trong số thực phẩm này bị lãng phí ngay tại siêu thị chỉ vì hiểu sai chữ “đát” trên bao bì thực phẩm.

Thực phẩm nhiều loại “đát” lắm: Hạn dùng (use by date, expiry date), dùng tốt nhất trước ngày (before use date, best by,..), bán trước ngày (sell by date). Hai “đát” đầu được dùng khá phổ biến. Còn “sell by date” dùng cho thực phẩm dễ hư như thịt cá tươi ướp lạnh, sữa tươi, bánh sandwich … và chủ yếu để cảnh báo người bán biết cách mà sắp xếp bảo quản.

Ghi “đát” trên nhãn thực phẩm là điều bắt buộc, nhưng chọn “đát” nào là tùy nhà sản xuất. Cho sản phẩm thọ tới cỡ nào cũng tùy nhà sản xuất luôn. Tuy nhiên, nếu bày bán thực phẩm bị nhiễm khuẩn hay thiếu an toàn theo quy định, thì dù “đát” loại nào, còn “đát” hay hết “đát” cũng đều gặp rắc rối với pháp luật.

Vấn đề là bảo quản có đúng hay không

Xác định “đát” sản phẩm là điều không dễ dàng, dựa vào kinh nghiệm là chủ yếu. Thực phẩm hết “đát” chưa chắc đã hỏng, ngược lại, thực phẩm còn “đát” chưa chắc đã an toàn. Vấn đề ở đây là chuyện bảo quản có đúng không, nhất là với thịt cá tươi ướp lạnh, xúc xích, patê, phó mát, jambon, chả lụa,…Bảo quản không đúng thì còn “đát” cũng như hết “đát”. Có bao nhiêu quầy hàng ở siêu thị Việt Nam bảo đảm độ lạnh ở 2 độ C?

Dĩ nhiên đang nói đến thực phẩm còn trong bao bì kín, chưa khui. Nếu khui rồi hay bị thủng thì phải dùng ngay, nếu có đậy kín lại bảo quản trong tủ lạnh cũng chỉ còn được khoảng 2-4 ngày tùy loại thực phẩm. Đi siêu thị mua hàng, gặp bao bì thủng, thủng to hay nhỏ đều nên lắc đầu, nhất là với đồ hộp bị phồng, phồng nhiều hay ít, phải dứt khoát không. Khí gì phát sinh làm phồng? Chắc chắn là có trục trặc ở khâu sản xuất rồi.

Quá “đát” kiểu “best before” là còn xài được

Hai loại “đát” thường ghi trên nhãn thực phẩm là:

“Dùng tốt nhất trước ngày” (Best before). Đây chỉ là khuyến cáo của nhà sản xuất, và thường được dùng cho thực phẩm đông lạnh, hàng khô, đồ hộp,…Sau “đát” này thực phẩm vẫn an toàn, nhưng hương vị, cấu trúc, màu sắc, dinh dưỡng có thể suy giảm đôi chút (xem bài “Hư Còn Đỡ - Hỏng Là Tiêu”). Thực phẩm quá “đát” loại này vẫn được phép bán.

Gói thực phẩm này vẫn sử dụng an toàn, vẫn được phép bán, dù đã quá hạn “best before” (best for), nhưng sẽ bị vứt bỏ do thiếu hiểu biết

Hạn dùng (use by, expiry date). Hàng quá “đát” này còn an toàn hay không thì chưa biết, nhưng không được phép bán (theo luật).

Luật Thực Phẩm Việt Nam (Nghị định 38) mới ban hành gần đây cũng cho phép bày bán thực phẩm quá đát” với nhãn “Dùng tốt nhất trước ngày” nhưng thòng thêm câu “nếu nhà sản xuất chứng minh được thực phẩm đó an toàn với cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Trời đất! Chứng minh theo kiểu gì đây, sao không nói rõ. Chưa hết, “và phải ghi hạn sử dụng theo hai hình thức “ Hạn sử dụng” hoặc sử dụng đến ngày”. Ghi 2 “đát” kiểu này, thì “best before chỉ để làm kiểng.

Lãng phí và an toàn? Tiến thoái lưỡng nan

Ước tính hơn một nửa số lượng thực phẩm trên thế giới bị lãng phí vì nhiều nguyên nhân: bảo quản sau thu hoạch, tồn trữ, và vận chuyển kém, bên cạnh đó là sự thiếu trách nhiệm của các nhà bán lẻ và thái độ của người tiêu dùng, hiểu “best before” theo nghĩa sau “đát” này là vứt đi.

Sự lãng phí thực phẩm quá mức này quả là điều nhức nhối khi nghĩ đến con số 925 triệu người thường xuyên bị đói (theo FAO, 2010), xét về mặt nhân đạo. Đó là chưa kể đến hệ lụy về môi trường. Bộ trưởng Nông Nghiệp các nước Châu Âu đã nhóm họp vào tháng 5/2014 để thảo luận về những đề xuất của các chuyên gia về sự lãng phí này. Họ cũng kêu gọi các nước thành viên bãi bỏ ghi nhãn “best before” với những thực phẩm có tuổi thọ dài, và đẩy mạnh truyền thông cho người tiêu dùng hiểu biết hơn về “đát” thực phẩm.

Bia rượu, cà phê, tôm khô, mì khô, tiêu, hạt củ sấy khô, trà, nhất là đồ khô có hàm lượng chất béo ít thì ghi “đát” thế nào đây? Nhiều loại rượu càng để lâu càng ngon, càng có giá. Luật Thực  Phẩm Việt Nam khó nhất và cũng dễ nhất. Nếu không nhất quán từ văn bản đến thực thi thì an toàn và lãng phí, biết cân đối thế nào?

Vũ Thế Thành


1 nhận xét:

  1. Thực phẩm nào cũng có cái giá của nó?
    Dùng nhanh ,để lâu ,thời hạn từng thứ..
    Biết cách tính toán sắp xếp để dùng vẫn hơn?
    Thực phẩm khô cứng,tươi mềm,don dót giòn..
    Có ngon có dở chứ phải không?
    Dở không ngon lắm người cũng chọn?
    Qua tay chế biến dở thành ngon?
    Ngon nhìn đã mắt nhanh tay chọn
    Đem về không biết dụng như không!?
    Cho nên ngon dở tùy người dùng?
    Bảo quản như mới trách nhiệm chung
    Phận sự của người nhận đảm đương?
    Thực phẩm phục vụ cho người sống?
    Thực tiển là thế ta tận hưởng.
    Cái ăn cái uống đời cho sướng
    An toàn sức khỏe là vui mừng?

    Trả lờiXóa