Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

NGUYỄN ĐÌNH THƯ - NHÀ THƠ ĐƯỢC GIỚI THIỆU SAU CÙNG TRONG THI NHÂN VN


Dù có ý kiến khác nhau (như Nguyễn Vỹ viết trong Văn Thi Sĩ Tiền Chiến, NXB Văn học, Hà Nội, 2007) nhưng Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh xuất bản năm 1942 là cuốn sách giới thiệu, khảo cứu, phê bình thơ được đánh giá cao và được yêu mến nhất trong số những công trình giới thiệu thơ. Nguyễn Đình Thư là thi sĩ cuối cùng được giới thiệu trong tập sách. Nói đúng ra là sau đó còn 2 người nữa là T.T.KH và Trần Huyền Trân nhưng 2 tác giả này Hoài Thanh chỉ giới thiệu và dẫn thơ, không trích trọn bài thơ nào. Nguyễn Đình Thư xếp thứ 46, được trích 5 bài trong khi những nhà thơ có tên tuổi khác như Nguyễn Nhược Pháp được trích 2 bài, Yến Lan 2 bài, Đoàn Phú Tứ 1 bài v.v…

Nguyễn Đình Thư sinh năm 1917 ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên; chưa rõ năm mất. Có tư liệu nói rằng ông tham gia kháng chiến chống Pháp và mất trong kháng chiến. Ông có bằng Thành chung, khi làm thơ thời 30 - 45 đang là thư ký Kho bạc ở Huế .

Khác với tất cả các tác giả khác, Nguyễn Đình Thư được Hoài Thanh giới thiệu khi thi phẩm Hương Màu chưa in thành tập, có thể đã in rải rác ở các báo. Hoài Thanh viết: “Khách yêu thơ gặp được một bài thơ hay là một cái thú. Nếu bài thơ lại chưa hề in lên mặt giấy cho hàng vạn người xem thì cái thú lại gấp hai. Thơ in ra rồi hình như có mất đi một tí gì, có lẽ là một ít hương trinh tiết. Tôi đã được nếm cái thú thanh khiết ấy trong khi xem thơ Nguyễn Đình Thư”. Quả là một trường hợp rất đặc biệt và chính vì sự đặc biệt chưa mất đi một ít hương trình tiết nên Hoài Thanh ưu ái trích 5 bài nhưng cũng không cho biết là tập Hương Màu có bao nhiêu bài. Sau này trong nhiều tuyển tập thơ Việt Nam Thế Kỷ 20, Nguyễn Đình Thư thường được trích bài Thiệt Thà. Trong Thi Nhân Việt Nam, ngoài bài Thiệt Thà còn 4 bài khác là Đến Chiều, Sang Ngang, Tống Biệt và Vương Tình .

Tống biệt là một đề tài được các nhà thơ ưu ái, trong Thi Nhân Việt Nam có Tống Biệt của Tản Đà, Tống Biệt Hành của Thâm Tâm và Tống Biệt của Nguyễn Đình Thư. Xem ra như vậy trên chiếu thơ này, Nguyễn Đình Thư có chỗ ngồi với tiên sinh Tản Đà và thi sĩ Thâm Tâm - nhà thơ liên quan trong nghi án văn chương T.T.KH .

Tống Biệt của Tản Đà :

Cái hạc bay lên vút tận trời !
Trời đất từ nay xa cách mãi.
Cửa động ,
Đầu non ,
Đường lối cũ ,
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.

Tống Biệt Hành của Thâm Tâm :

Đưa người, ta không đưa qua sông.
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Còn Tống Biệt của Nguyễn Đình Thư:

Nước non đây chỗ chia đường
Tương tư mở lối đoạn trường cũng đây.
Cách vời trước biết bèo mây
Chung đôi xưa nỏ sum vầy làm chi,
Để giờ lủi thủi người đi
Mai chiều quạnh quẽ tà huy tôi buồn,
Võ vàng đứng bến giang thôn
Thuyền người nắng bể mây nguồn biết đâu!
Cầm tay chừ hẹn chi nhau
Sầu chia nước chảy bên nào xa hơn ?

Sang ngang cũng là đề tài muôn thuở của những thi nhân thất tình, Nguyễn Bính có thi phẩm Lỡ Bước Sang Ngang:

Lòng anh như biển sóng cồn
Chứa muôn con nước ngàn con sông dài
Lòng em như chiếc lá khoai,
Đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu.
(Hai lòng)

Sang Ngang của Nguyễn Đình Thư:

Lòng tôi như chiếc thuyền lan,
Tình cô như khách sang ngang một chiều
Thu nào quá đỗi cô liêu
Bờ hun hút lạnh nắng hiu hiu buồn
Qua rồi thôn cách bến sương
Phất phơ áo nhạt mất đường lau không.
Vô tình đâu biết trên sông
Có người ngang lái còn trông dõi mình .

Thơ là một niềm riêng tư, không ai đem mà so sánh; đọc qua cảm nhận được Nguyễn Đình Thư có giọng thơ riêng của mình. Nghe rằng con ông là Nguyễn Quốc Vọng, Việt kiều ở Australia, một nhà nghiên cứu giống cây trồng thành đạt, có lần về Việt Nam, nếu ông Quốc Vọng bỏ công sưu tập lại di sản thơ của thân phụ phổ biến thì hay biết bao. Xứng đáng lắm chứ, nhiều người ngoài chiếu thơ Thi Nhân Việt Nam vẫn được in tràn lan. Nhưng trước hết là giá trị của tập Hương Màu:

Một thương thì sự đã liều
Thì theo cho đến xế chiều chứ sao!
(Đến chiều)

TRẦN CHIÊM THÀNH


 TS Nguyễn Quốc Vọng và vợ, chị Nguyễn Thanh Tuyền tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam


1 nhận xét:

  1. Nặc danh20:58 24/3/14

    Những tư liệu nầy rất giá trị cho nền văn học...

    Trả lờiXóa