Ông hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển trong Đồ Bàn
Thành Ký nói : Nhìn xa xa về hướng đông, thấy những làn sóng nhấp nhô bao la
bát ngát cùng đổ vào khoảng bến Hổ và sông Nhạn, đó là cửa bể Hỗn Cảng tức cửa
tấn Thi Nại. Đây là đứng ở thành Đồ Bàn mà nhìn. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí của
triều Nguyễn nói : Đầm Biển Cạn ở phía đông huyện Tuy Phước, chu vi hơn 9500
trượng, nước đầm đổ vào cửa Thi Nại. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí thấy nước đầm
đổ ra bể. Còn ông Hoàng giáp Hiển thấy nước bể đổ vào đầm. Khi cầm bút
chép thì chuyện đã là của thời quá khứ. Nghìn năm trước là quá khứ. Mà vài giờ
trước cũng là quá khứ. Lịch sử là ký ức. Sự chuyển dịch của ngôn ngữ con
người qua ký ức là quá lớn. Nên nghe nói Thi Nại trước là Thi Lị Bi Nại là do
chuyển từ Cri Vinaya. Cri Vinaya hay Cri Vijaya? Nghe nói đấy là tên một vị vua
Chiêm, người đã chuyển kinh đô Indrapura (Đồng Dương) về phía nam, từ đó mới có
tên đất Vijaya, Bình Định, đất đặt theo tên vua, kinh đô cũng theo tên
vua, kinh đô Vijaya, Đồ Bàn? Và cái đầm nước mặn phía đông kinh đô cũng theo
tên vua, đầm Cri Vijaya? Tất cả cũng chỉ để gọi một vùng non sông đất nước
mà thôi.
Gần ba mươi năm trước kẻ chép bài ký này lần
đầu tiên đã ra chơi Cồn Chim, một cù lao nhỏ nằm giữa đầm Thi Nại. Thuyền
vừa cập bờ thì lập tức như ngửi thấy được mùi thái cổ của đất. Thì chẳng phải
những thứ đó là thuộc thời đầu và thời trước của kỷ Camri hay sao? Mùi của tảo
biển và mùi vỏ sò vỏ hến. Nhưng trước khi con người đến ngụ ỏ đây để lập
đìa nuôi tôm và vớt tảo biển xuất ra các nước thì cái cồn đất nhỏ này là giang
sơn của các loài chim. Cồn Chim là cách nói gọn lại sự hiện hữu một quần
cư của chim trời. Những năm, những thế kỷ trôi qua, cái đầm nước dài gần
vài mươi cây số trải dọc dài theo chân dãy Phương Mai là nơi thử sức tồn tại của
nhiều giống loài trên mặt đất này. Con cá nước ngọt theo những ngả sông Tam Huyện,
con sông chảy ngang qua thành Đồ Bàn, khi đến đầm nước mặn này thì vội quay ngược
về nguồn, hoặc lập tức được làm thức ăn cho những loài cá vốn có quốc tịch
ở biển Đông. Triều lên, các loài tôm cá ở biển Đông theo con nước vào đầm, có
thể quay lại biển Đông, hay ở lại sinh con đẻ cháu mà lần lữa làm sản phẩm cho
những cuộc đánh bắt của những ngư dân ven đầm. Con triều xuống, một phần đầm lại
bày đáy ra, thời điểm cho lũ mèo hoang. chồn hoang, và lũ chim trời, đến lấy thức
ăn. Lần đầu tiên trong đời ra chơi Cồn Chim, nghe người nuôi tôm kể chuyện sông
nước nơi đây, kẻ chép bài ký này không thể không nghĩ đến cảnh tự nhiên
thắm đỏ trong răng và móng vuốt.
Chưa có thư tịch nào nói đến các loài chim ở
vùng đầm này. Nhưng cứ theo hiện trạng và lời truyền thì không thể không nghĩ đến
một cuộc chiến trong quần cư chim trời ở nơi đây. Tháp Thầy Bói. Đó là
tên cái gộp đá, một ngọn tháp bằng đá nguyên khối nhô lên mặt nước phía
tây nam đầm, giang sơn của loài chim bói cá. Không giống những loài chim khác,
phải chờ những điều kiện khách quan như đầm cạn, mới tìm được con mồi, loài
chim này cứ từ trên không trung mà lao xuống đầm nước, nơi có con mồi nó nhìn
thấy được bằng sự hiểu biết bẩm sinh. Bói ở đây không thể hiểu theo cách
của con ngừơi là đoán định tương lai. Ơ đây là đoán định hiện tại. Nhưng những
ghềnh đá phía đông dãy Phương Mai, nơi biển ăn sâu vào chân núi tạo thành ghềnh,
là giang sơn của một loài chim trời có vẻ cao sang hơn tất cả những loài chim
khác. Nói đấy là Đảo Yến thì cũng như nói đấy là chốn cư trú biệt lập
của loài chim biết khạc cái anh hoa loài giống mình ra mà làm tổ. Nhà ở của
chim yến là làm bằng anh hoa của loài giống chúng, chất anh hoa được tiết ra
trong nước đãi nơi miệng chúng. Loài thì trí tuệ, loài thì cao sang, thì làm
sao có cuộc chung sống với đám cò đám vạc, với đám vịt nước, le le? Chẳng
biết cuộc chiến giữa các loài chim ở đây đã xảy ra như thế nào. Khi con người
chủ ý đến thì giữa chúng đã có cuộc phân hóa. Thì chẳng phải có một xã hội chim
yến quí tộc với một xã hội chim bói cá thượng lưu đang tồn tại bên cạnh một xã
hội cò vạc và le le vịt nước rất đông đảo đấy sao ?
Sự tạo núi sông của tự nhiên là chẳng chút ẩn
ý. Đến lúc ấy thì có một cái đầm nước mặn nằm dọc theo núi, vậy thôi. Đầm Thi Nại
tựa cái phổi nước nằm dựa biển Đông phập phào thở theo con triều lên xuống.
Đêm, nằm ở chồ rớ trên đầm Thi Nại, chờ đến giờ kéo rớ để luộc con ghẹ còn tươi
roi rói, vừa ăn vừa nhìn nước đầm loang loáng ánh sao, thì quả là sông nước hữu
tình. Vào những giờ thuyền cá về, khi trông thấy những bàn tay dơ lên ở thuyền
cá ra hiệu là được mẻ lớn, thì đám đàn bà con nít ở những xóm cá hai bên
bờ cửa Thi Nại nhao lên như con sóng biển xô vào đầm, thì cũng quả là
sông nước hữu tình. Nhưng cửa biển ấy, đầm nước ấy, cũng vô tình làm cho các
vua Chiêm điêu đứng.
Từ khi nước Chiêm dời kinh đô đến Đồ Bàn, đầm
Thi Nại được nhiều lần đứng vào thư tịch. Một dãi dài từ châu Ai châu Hoan vào
châu Ô châu Lý đến Cựu Châu (Quảng Nam) và Đại Châu (Bình Định) đều lắm
sông nhiều núi, việc di chuyển thời ấy chủ yếu là bằng đường biển. Các vua
Chiêm đi đánh Đại Việt hay các vua Đại Việt đi đánh Chiêm hầu hết là đi đường
biển. Có nhiều cửa biển để lên kinh đô Thăng Long của Đại Việt. Nhưng muốn
lên kinh đô Đồ Bàn của Chiêm với con đường tiện lợi nhất là phải vào cửa Thi Nại.
Đầm Thi Nại như phải chấp nhận một số phận bi thảm từ khi có kinh đô Đồ Bàn.
Binh lửa đã nhiều phen xảy ra ở đây. Có phải vì thế mà ông Hoàng giáp Hiển gọi
cửa Thi Nại là Hỗn Cảng hay không? Cuộc binh lửa năm 1044 là cuộc binh lửa
đầu tiên xảy đến với đầm Thi Nại được chép vào thư tịch. Mùa xuân năm 1044 vua
Lý Thái Tông của Đại Việt thân chinh đi đánh Chiêm, đánh nhau với quân
Chiêm ở sông Ngũ Bồ, chém được vua Chiêm Rudravarman III (Sạ Đẩu), sang thu thì
đem quân vào thành Đồ Bàn bắt các phi tần của vua Chiêm múa khúc Tây Thiên để
xem. Trong các thư tịch cổ, khi nói về trận đánh này chẳng thấy nói gì về cửa
Thi Nại. Nhưng Lý Thái Tông đi đánh Chiêm bằng đường thủy mà không qua cửa Thi
Nại thì lên Đồ Bàn bằng đường nào? Hai mươi lăm năm sau đấy, năm 1069, vua Lý
Thánh Tông lấy cớ nước Chiêm bỏ triều cống, đem quân sang đánh. Sách Đại Việt Sử
Ký Toàn Thư nói : Kỷ Dậu, 1069, mùa xuân, tháng hai, vua thân đi đánh Chiêm
Thành bắt được vua nước ấy là Chế Củ (Rudravarman III) Sách Đất Nước Việt Nam
Qua Các Đời của Đào Duy Anh nói : Ngày kỷ tỵ, hăm bảy tháng ba, thì qua Đại Trường
Sa….ngày bính ngọ, mồng ba tháng tư, thì đến cửa Thi Lị Bi Nại. Ba
thế kỷ sau đấy, vua Trần Duệ Tông vừa lên ngôi (1373) đã chuẩn bị đánh
Chiêm. Tuyển lính, đào kênh với đắp đường từ Thanh Hoá vào Nghệ Tĩnh. Tháng năm
1376 Chiêm Thành cướp phá Hoá Châu (Bấy giờ hai châu Ô, Lý của Chiêm đã thành
Hoá Châu, Thuận Châu của Đại Việt. Ô, Lý là sính lễ cưới Huyền Trân của vua
Chiêm Sinhavarman III, Chế Mân). Tháng mười hai thì vua thân đi đánh Chiêm.
Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nói : Đinh Tỵ, 1377, mùa xuân, tháng giêng, ngày
hăm ba, đại quân tiến đến cửa Thi Nại của Chiêm Thành, lên đến Thạch Kiều, đóng
lại ở động Ỷ Mang.... ngày hăm bốn vua mặc áo đen, cưỡi ngựa nghê thông, … truyền
lệnh tiến quân. Và vua đã chết nơi phục binh của vua Chiêm, Chế Bồng Nga. Nhưng
số phận lịch sử của kinh đô Đồ Bàn đã được thay đổi vào hậu bán thế kỷ mười
lăm. Năm 1470, vua Chiêm, Trà Toàn, đem mười vạn quân ra đánh Hóa Châu. Năm
sau, 1471, vua Lê Thánh Tông của Đại Việt đem hơn hai mươi vạn quân vào đánh
Chiêm, bắt sống Trà Toàn, sáp nhập phần đất phía bắc nước Chiêm (từ đèo Cù Mông
trở ra) vào Đại Việt. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nói : Tân Mão, 1471, tháng
hai, ngày hăm bảy, vua tự mình đem đại quân đánh phá thành Thi Nại, chém được
hơn một trăm thủ cấp, …..ngày hăm tám vua tiến vây thành Chà Bàn. Thành
Chà Bàn tức thành Đồ Bàn. Còn thành Thi Nại là đồn tiền tiêu của kinh đô Đồ
Bàn, nằm ở phía tây đầm Thi Nại chừng vài ba cây số. Đây là trận đánh cuối cùng
giữa Chiêm Thành và Đại Việt ở đầm Thi Nại. Bốn trận đánh ở đầm Thi Nại kể trên
là xảy ra trong ba triều Lý, Trần, Lê của Đại Việt. Dường các bậc quân
vương chỉ thích đọc anh hùng ca mà không thích đọc bi ca. Cho nên khi chép về
cuộc thân chinh của vua sử văn phải đầy hào khí. …Ngày hôm ấy, ngự giá khởi
hành, trời mưa nhỏ, gió bấc. Tư thiên giám Tạ Khắc Hài tâu rằng : “Mưa là mưa
nhuần quân, gió từ phương bắc là gió hòa” Cho nên, khi thuyền vua đi, có câu
thơ rằng … Đấy là quang cảnh xuất quân đi đánh Chiêm của vua Lê Thánh Tông. Bi
ca là chuyện của cái đầm nước khi thì gọi là Thi Nại, khi gọi là Thi Lị Bi Nại,
hay đầm Bể Cạn, hay Hải Hạc Đàm. Bỡi mỗi lần binh lửa xảy nơi đây thì ngoài xác
chim, xác cá tôm, trong đầm còn có cả xác người.
Nguyễn Thanh Hiện
Cựu GS QuangTrung BinhKhe
Thầy Nguyễn Thanh Hiện chỉ mới nhắc đến "Bốn trận đánh ở đầm Thi Nại..." mà thầy chưa kể đến trận chiến đẫm máu giữa 2 triều Nguyễn - Gia Miêu và Tây Sơn, khi quân của Nguyễn Phúc Ánh vây hãm và tấn công thành Bình Định. (tham khảo ở đây).
Trả lờiXóaĐồng bào ta đã phát hiện liên tiếp nhiều khẩu thần công dưới đáy đầm Thi Nại trong thời gian qua là một minh chứng cho những trận thư hùng "đẫm máu" đó.
Nhiều lần, trên đường từ nhà bạn ở Phước Thuận về Quy Nhơn bằng thuyền qua đầm Thị Nại vào lúc chạng vạng, có lẽ do bị ám ảnh bởi những điều sử sách biên chép, tui cứ bị "rờn rợn và lạnh nổi gai ốc" khi nghĩ đến những chiến binh Việt tộc đã ngã xuống nơi nầy trong những trận huyết chiến đó. Xác những mười mấy khẩu thần công bằng sắt, bằng gang đã được tìm thấy và đưa về bảo tàng viện để mọi người "chiêm ngưỡng". Còn hằng trăm, hằng ngàn xác người bằng xương, bằng thịt, chìm sâu dưới biển nước mênh mông, vùi sâu trong lòng đất lãnh lẽo đó, cho sự nghiệp tranh bá đồ vương của các vương triều, có mấy ai còn nhớ, nghĩ,...
Thầy Hiện đã có nhận xét,"dường như các bậc quân vương chỉ thích đọc anh hùng ca mà không thích đọc bi ca." Vâng, dường như, không chỉ các bậc quân vương mà hầu hết con người đều thích như vậy, thưa Thầy!
Bỡi vậy nên mỗi lần binh lửa xảy nơi đây thì ngoài xác chim, xác cá tôm, trong đầm còn có cả xác người đấy bạn tôi ơi !
Xóa