Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

NHỮNG LÍNH NGA TỐT SỐ Ở SÀI GÒN

Tuần dương hạm Diana lúc mới hạ thủy 1901

Đó là những thủy thủ của Tuần Dương Hạm Diana trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật đầu thế kỷ trước. Gọi tốt số cũng được. Mà gọi là có số phận may mắn hơn đồng đội cũng được. Vì cái may cái rủi, cái sống cái chết của người chiến binh chỉ trong đường tơ kẽ tóc giữa mũi đạn làn tên.

Tuần dương hạm Diana của Đế chế Nga vào những năm đầu thế kỷ trước đã tham gia hạm đội Thái Bình Dương để tăng cường uy lực hải quân Sa hoàng ở vùng Viễn Đông. Nguyên sau cuộc chiến Thanh - Nhật, theo hiệp ước Mã Quan ký kết giữa nhà Thanh và Nhật Bản vào năm 1895 thì bán đảo Liêu Đông trong đó có hải cảng chiến lược Lữ Thuận (Port Arthur) được nhường cho Nhật, nhưng Nga liên kết với Đức và Pháp uy hiếp Nhật từ bỏ phần đất nầy. Nhật Bản ngậm đắng nuốt cay nhượng bộ. Chỉ mấy năm sau thì Nga được nhà Thanh dành cho quyền làm đường xe lửa ở Mãn Châu, được phép đóng quân và khai thác Cảng Lữ Thuận.

Năm 1903 cảng Lữ Thuận được người Nga xây dựng thêm, căn cứ được mở rộng, tàu chiến được điều từ Đại Tây Dương bổ sung cho hạm đội Thái Bình Dương phô trương thanh thế, diễu võ dương oai ở Viễn Đông. Chịu hết nổi, tháng 2 năm 1904 Nhật Bản tuyên chiến, cho các tàu khu trục đánh đắm tàu Nga.

Nga hoàng phái Đô đốc Makharov sang Thái bình dương thay thế Đô đốc Alekseev đối phó hải quân Nhật. Ngày 13.4.1904 kỳ hạm Petropavlov bị thủy lôi của Nhật nổ tung chìm xuống biển, mang theo xác Đô đốc tài danh Makharov. Trên bộ lục quân Nhật đánh chiếm Đại Liên, cắt đứt bán đảo Liêu Đông với cảng biển. Dưới nước hải quân Nhật bao vây phong tỏa, bít đường ra khơi của hạm đội Thái Bình Dương. Quân Nga khốn đốn ở Lữ Thuận. Ngày 10. 8.1904, trong một trận phá trùng vây, kỳ hạm Tsarevits trúng đạn bốc cháy, Đô đốc Whitev vừa kế nhiệm bị tử thương, hạm đội Thái Bình Dương của Nga bị đánh chìm tổn thất nặng nề. Tuần dương hạm Diana may mắn chỉ trọng thương, không chạy về được Hải Sâm Uy (Vladivostok), Diana thoát xuống phía nam xin cư trú ở Sài Gòn. Nơi đây Diana bị chính quyền thuộc địa Pháp tước vũ khí, quản thúc thủy thủ đoàn.

Diana sau chiến tranh Nga - Nhật

Tuần dương hạm Diana ở lại Sài Gòn hơn một năm. Mãi đến tháng 11.1905 Diana mới được phép tháp tùng với một số chiến hạm còn sót lại của hạm đội Baltique sang cứu viện bị thất trận tan tác (tháng 5.1905) ở eo biển Đối Mã (Tsoushima) cùng quay về Đại Tây Dương. Nhưng 12 (!?) thủy thủ của Diana phải nằm lại ở đất Sài Gòn. Họ đã mất vào năm 1905. Mất vì vết thương trong cuộc chiến với Nhật Bản hay vì khí hậu bất thường (dịch bệnh !?).

Dù sao thì những người lính Nga của Sa Hoàng Nicolas II nầy được xem là tốt số.

Người chiến binh ra sa trường phải chấp nhận da ngựa bọc thây, biển cả được xem là mồ chôn của lính thủy. Những lính thủy của tuần dương hạm Diana tốt số hơn đồng đội, họ đã được chôn cất tử tế trên đất liền ở Sài Gòn. Khoảng năm 1985 - 1986, nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ở Sài Gòn giải tỏa để thành lập công viên (công viên Lê Văn Tám bây giờ) và xây dựng trạm viễn thông Hoa Sen, hài cốt của những lính thủy Nga nầy được dời về nghĩa trang Lái Thiêu, nằm sát bên tỉnh lộ 743, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.




Số phận của những lính thủy Nga thời đầu thế kỷ trước nầy thật may mắn. Danh tính của 8 người trong họ được xác định. Mộ họ được xây dựng như một đài tưởng niệm bề thế ở nghĩa trang Lái Thiêu, được chăm sóc chu đáo. Trong khi đó ngay trên đất nước Việt Nam, nhiều chiến binh đã nằm xuống vì bảo vệ biển đảo, lãnh thổ mà chưa được thừa nhận công khai. Qua rồi mấy mươi năm, sau ly loạn lửa binh vẫn còn biết bao mồ chưa yên, mả chưa đẹp. Mộ bia đã đều như nấm mà đến nay vẫn còn phải ra công tiếp tục tìm mộ đồng đội.

Chiến tranh và di hại của chiến tranh thật đau lòng, nhức nhối…


Phan Trường Nghị
Khóa 4 QuangTrung BinhKhe


6 nhận xét:

  1. Nặc danh08:39 28/10/14

    Ở nghĩa trang Lái Thiêu nầy, phía đầu trên tượng đài lính thủy Nga có mộ của 2 anh em tên ghi trên bia là Huynh và Đệ. Một thời họ là nguyên thủ của nền Đệ nhất Cộng Hòa ở miền nam...
    Ngậm ngùi !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhơn ông/bà Nặc danh ngậm ngùi nhắc đến chuyện "bầm dập" cho đến chết mà mồ mả vẫn chưa được yên của anh em nhà Ông Huynh và Đệ, tui xin góp thêm mấy hình ảnh:
      Lúc mộ phần 2 anh em ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi:
      [IMG]http://i860.photobucket.com/albums/ab163/trangochau/NgoDinhDiem/0_0MoNgoDinhDiem-1_zps2e0c1f71.jpg[/IMG]

      Xóa
    2. Xin nói cho rõ hơn,
      Lần đầu chôn Cụ Ngô Đình Diệm & Cụ Ngô Đình Nhu trong trại Trần Hưng Đạo, kề lăng Võ Tánh, quận Phú Nhuận, Sài Gòn
      Ít lâu sau, hài cốt 2 Cụ mới được dời tới nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, như ảnh chụp lại trên đây (Mộ Cụ Diệm- Huynh- hình bên phải)
      Năm 1984, chính quyền giải tỏa nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi nhằm xây dựng công viên Lê Văn Tám, mộ phần của hai Cụ cùng thân mẫu là Bà Phạm Thị Thân được dời đến nghĩa trang Lái Thiêu. Đầu tiên mộ phần 2 Cụ mộ được đề đích danh, như hình ảnh sau đây:
      [IMG]http://i860.photobucket.com/albums/ab163/trangochau/NgoDinhDiem/0_0MoNgoDinhDiem-1b_zpsd6a684b8.jpg[/IMG]

      Xóa
    3. Sau đó có nhiều ý kiến nên ghi lại bia mộ của 2 Cụ như ban đầu, nên bia mộ bị đục đi và ghi lại là "Gioan Baotixita Huynh mất ngày 2-11-1963 và Giacôbê Đệ mất ngày 2-11-1963", như hình ảnh sau đây:
      [IMG]http://i860.photobucket.com/albums/ab163/trangochau/NgoDinhDiem/0_0MoNgoDinhDiem-2_zpsb491fd4c.jpg[/IMG]

      Xóa
    4. Như vậy, đúng như bạn Phan Trường Nghi nhận xét "những lính thủy Nga thời đầu thế kỷ trước nầy thật may mắn", thật là "tốt số", ... Hơn hẳn, không những các quân nhân đã nằm xuống vì bảo vệ biển đảo, lãnh thổ của tổ quốc mà còn hơn cả nhiều người Việt nam khác nữa!...

      Xóa
  2. Năm 1974, tui được nghe cô Thu Trang (Giáo sư dạy sử Trường Cường Để) kể chuyện. Trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật cũng có một số chiến binh của Nga thất trận bị trôi giạt vô bờ biển Qui nhơn nữa đấy!

    Trả lờiXóa