Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

CẢM NHẬN VỀ "NHỮNG THẰNG GIÀ NHỚ MẸ"


VÀI CẢM NHẬN VỀ TẠP BÚT
“NHỮNG THẰNG GIÀ NHỚ MẸ”
(Của Vũ Thế Thành - NXB Hồng Đức - 2013) 

Từ những ngày đầu, cuốn tạp bút, còn trong “thai nghén” giữa hai mùa Vu lan (1), tôi được nghe tác giả thổ lộ, sẽ sớm trả nợ bạn bè, thân hữu cho lòng nhẹ nhõm! Món nợ gốc văn chương mà anh đã vay, trong mớ duyên-nghiệp gần 20 năm cầm bút của mình … (Đôi lời…)

Bẵng đi gần nửa năm, một sáng tình cờ ghé anh Trương Văn Dân, tôi bất ngờ nhận được tuyển tập Những Thằng Già Nhớ Mẹ từ Vũ Thế Thành gởi tặng. Cầm cuốn tạp bút trên tay, tôi thực sự xúc động! Vậy là, đứa con đầu lòng của anh đã chào đời, bằng cái tình đơn sơ, mộc mạc đó!

Những Thằng Già Nhớ Mẹ không dày, xinh xinh. Bìa màu xám nhạt, phác họa một thằng già ngồi nhớ mẹ qua chiếc laptop trên bàn viết giữa đêm khuya, trông thật cô đơn!


Tuyển tập với 18 tản văn đầy ngẫu hứng cô đọng, súc tích! Bằng cái nhìn thông minh, hóm hỉnh, tư duy sâu lắng, nối kết sự đời trần trụi, giữa thực tại và quá khứ, gói trong giọng văn khẩu khí lạ ngông ngông - cay cay, như vỡ ra từ giọt lệ khô rớt “một thời tuổi trẻ nổi trôi”, anh chia sẻ  buồn vui rất chân thành…

Tạp bút, còn gọi là tản văn, hay tùy bút (personal essay), “ai muốn hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp gì đó, mặc kệ” - một thể loại (có từ xưa?), dùng để diễn đạt tính riêng tư; bày tỏ tâm trạng, qua trải nghiệm sự đời (của) chính người trong cuộc…

Anh gọi nó là “câu chuyện bàn rượu”! Những ai từng cầm bút, thường ngại viết thể loại này, vì sợ lạc đường không biết lối ra. Nhưng với Vũ Thế Thành, dù tác phẩm đầu tay, vào đọc, tôi lại thấy là một ngoại lệ! Lối viết  thong dong, đi đứng - đóng mở tùy hứng, toát lên phong thái đĩnh đạc, nhẹ tênh, đọng lại nụ cười thân mật, thật dí dỏm!

Đọc Vũ Thế Thành, có lẽ ai cũng cảm nhận điều đó! Michel De Montaigne, sống ở Pháp khoảng thế kỷ 16, một bậc thầy về “nghệ thuật tản văn” đã từng nói “Mỗi người mang trong mình tất cả phận làm người” (2). Như vậy, tuyển tập Những Thằng Già Nhớ Mẹ, ẩn chứa những phận người không riêng gì anh, mà của tất cả chúng ta đã và đang sống trong cuộc đời này! Có thể nói, Những Thằng Già Nhớ Mẹ là 18 khúc “tâm tình hiến dâng” (3), đậm màu sắc nhân văn, xâu thành chuổi, tác giả dành tặng những ai còn mẹ hay mất mẹ, yêu thương cùng sẻ chia cho nhau!

Những Thằng Già Nhớ Mẹ, sót lại đâu đó chút hoài cổ, gạn lọc khá sắc sảo, đượm buồn man mác! Anh bảo:

“…ở tuổi “tiêu rắc lên muối” trí nhớ càng thảm hại, quên trước quên sau, quên cái lẽ ra nên nhớ, nhưng lại nhớ cái lẽ ra nên quên. Bi kịch!”
(Câu chuyện trồng hoa)

Vậy mà, trong tuyển tập, thả đầy những quên quên nhớ nhớ … ngọt lịm!

Thử xem cách anh diễn tả nghệ thuật thưởng thức hoa, đủ biết Vũ Thế Thành lém lỉnh, đáo để cỡ nào? Nó làm người đọc thấm thía, nhất là các “bác” sồn sồn, nghe như thấm … vị thiền đang xuân!

“Cả đời chay theo…hoa biết nói, lời nói bay lên lượn xuống, rồi trôi đi tuốt luốt. Bây giờ tôi lại chạy theo những loài hoa không biết nói, ngắm nghía sự im lặng của chúng…”
(Câu chuyện trồng hoa)

Mở đầu mỗi tạp bút, Vũ Thế Thành thường trích những câu hư hư thực thực, gợi tò mò nơi người đọc, làm họ đọng não vào xem… đúng là một thủ thuật nhà nghề:

“Giang sơn đẹp hơn tranh vẽ
Bóng hào kiệt khuất dần xa
Hiệp nghĩa như chén rượu nồng cay…”

Xuyên suốt tuyển tập,bằng giọng văn gãy gọn, từ ngữ sắc bén, nổi bật hình ảnh và âm điệu! Vũ Thế Thành sử dụng dấu chấm lửng thả khá nhiều, rải khắp 18 tản văn! Phải chăng, anh có ngụ ý nhấn mạnh dòng xúc cảm đang tuôn, hay cố tình bỏ lửng (…) để người đọc tự suy tưởng?

Với lối dẫn này, cuộn trong chất men tri thức, xen lẫn chút tếu, tác giả đã đưa người đọc vào thế giới Những Thằng Già Nhớ Mẹ một cách thật tự nhiên, và dường như, Vũ Thế Thành đang sắm vai kép độc, xuất thần trên sân khấu diễn say sưa, làm khán giả thích thú!

Luận về rượu, Vũ Thế Thành là một tay chơi lão luyện, qua cách mời rượu, đủ thấy cái tự tại, thâm trầm trong con người anh. Chân thành, bộc trực! Không đẩy đưa, cũng chẳng bốc đồng! Ai thích thì uống, tùy hỉ, rồi lại… “rót”, mọi người tự lượng sức nâng ly, nhấp tửu! Với anh chỉ cần 3 chén rượu là tràn cuộc vui, rỉ rả tới sáng! Hay hơn số đó, huynh đệ tương phùng sẽ hóa ra tương khắc, vì cuộc chơi (nhậu) sớm vỡ chợ, không hợp gu anh? Nếu vậy, làm sao khề khà chén thù chén tạc, hiểu thấu tình đời “bi tráng” trong chén “rượu độc” anh em nhà Tống Giang:

“Không sinh ly mà cũng chẳng tử biệt. Tống Giang và Lý Quỳ cùng uống chung bình rượu độc, cùng bước ra khỏi cõi đời bạc bẽo. Đó là chọn lựa bi thảm. Tôi tiếc cho cái chết ngu trung của Tống Giang và ngậm ngùi cho cái chết nghĩa khí của Lý Quỳ, chỉ vì “tình huynh đệ là chén rượu không màu…”
(Huynh đệ tương phùng ba chén rượu)

Chia sẻ Những Thằng Già Nhớ Mẹ, lại được mời nhấp “thiên tửu vô biên” Vũ Thế Thành chưng cất, nhà văn Nhật Chiêu, say túy lúy bật cười ha hả, thốt lên:

“…Trời! Trong thiên hạ lại có “thiên tửu vô biên” nữa sao? Thành ơi là Thành, nếu thế thì sẽ có vô tận say giữa hoa quả cỏ cây trần thế, mặc kệ có địa đàng hay không ?...”                        

Trong “Chuyện của một thời”, Vũ Thế Thành cũng bản lĩnh ra phết! Giai đoạn đất nước chưa mở cửa, kinh tế khó khăn, anh đã lăn xả vào đời xoay sở bằng mọi nghề kiếm sống, rồi một lần bén duyên, huynh đệ ba chén lai rai ngoài phố, Vũ Thế Thành đầu quân nghề đạp xích lô, trong tình huống bi hài, ngộ nghĩnh mà anh nhớ đời!

“ … Một bà bước đến bên bàn nhậu hỏi :
-  Xích lô! Có đi không ?
-  Nghỉ rồi dì, thằng bạn lắc đầu
Vài ly rượu đủ làm tôi bốc lên:
-  Để tao! Ngồi đó chờ một chút.”, tôi quay qua bà khách:
-  Dì đi đâu?”

Hình như tôi có khiếu… đạp xích lô. Chẳng cần tập tành gì cả, mọi thứ đều an toàn trót lọt. Nửa tiềng sau, tôi trở lại quán rượu, đặt số tiền của cuốc xe đầu tiên lên bàn, cười sảng khoái: “5 giờ rưỡi chiều mai, tao ghé nhà mày lấy xe.”
(Chuyện của một thời)

Đọc cứ ngậm ngùi ứa nước mắt, như thấm tận nổi cô đơn của anh dằn vặt tự vấn:

 “… Nhưng trong cõi ta bà này, tháng tư năm nay, tự nhiên tôi muốn nâng ly rượu, hỏi những thằng bạn còn sống: Hồi đó tụi mày ở đâu ?”
(Hồi đó tụi mày ở đâu?)
      
Hãy xem ông thầy giáo xưa, dạy bài học làm người qua chất giọng Vũ Thế Thành, toát lên cái tâm huyết sư phạm, đầy hình tượng:

“Ông giảng say sưa, bằng giọng bi ai, phẫn hận về thời Nho mạt, về danh lợi về nhân phẩm, ổng truyền lửa cho đám học trò đang há hốc miệng ngồi nghe, xả suốt 2 giờ đồng hồ. Hình như ổng đang dạy cho tụi tui kiến thức để làm người , chứ không phải kiến thức để đi thi…”
(Ông thầy Việt văn)

Nhận xét về Những Thằng Già Nhớ Mẹ, nhà văn Lữ Kiều, tưởng như đang trò chuyện với bạn:

“…Tất cả dưới cái nhìn của Vũ Thế Thành đều trở nên phong phú , đầy tư duy, mới lạ và nhất là đầy tình cảm, nó đến từ một tâm cảm trân trọng và yêu mến cuộc sống này, cho dù đôi khi bất hòa với nó…”

Sống bằng nghề khoa học, lại làm báo nên cái máu khoa học của anh dính liền vào truyện phân tích chặt chẽ, kiến giải sắc bén! Đọc mà thầm nể con mắt tinh đời của tác giả, khi so sánh Khổng giáo và Nho giáo:

“Quá trình phát triển Khổng giáo từ đời Hán cũng hơn 2000 năm, với cả trăm, ngàn triết gia thêm thắt chế biến nhiều, tiêu cực có, tích cực có. Tất cả đều được gom lại và ấn … vào đầu Khổng Tử, gọi chung là Khổng giáo. Người ta không chịu phân biệt Khổng giáo và Nho giáo, hay ít ra, giữa Khổng học và Nho học. Tội thay cho phu tử! Mũi lái chịu đòn…”
(Khổng Tử, nổi trôi giữa đời thực dụng)

Theo chiêm nghiệm của anh, chiếc áo Khổng đã quá cũ kỹ, lại vá bằng nhiều mảnh vải Nho mục rách te tua, người mặc nó hở ngực lạnh gáy sinh ra tiêu cực, nên các nước châu Á phải gánh lấy lạc hậu ngàn năm, so với các nước tự do phương Tây, là bản sắc, là quyền lực hay do thói quen đã ăn vào máu huyết … (?)

Còn đọc đoạn văn sau, lòng hiếu để bỗng vỡ thành con chữ, thấm hơn cả chục trang điếu văn hoa mỹ:

“Dọn dẹp nhà và thay quần áo cho bà xong, tôi quỳ xuống, vái bà ba lạy, tạ ơn sinh thành dưỡng dục. Ngày mai tang lễ, tất cả với tôi chỉ còn là thủ tục … Có những đêm rủ rỉ nói chuyện với bà, tôi mới “hiểu ra” tâm tư của người già sắp sửa ra đi, khác xa với lý lẽ khôn ngoan của sự đời… Để làm cho họ gật đầu thì tiền bạc, quyền lực, hay lý luận khoa học trở thành vô nghĩa. Chỉ có tấm lòng bạn ơi! Chỉ có tấm lòng và sự kiên nhẫn của chính bạn mà thôi…”
(Đừng như tôi, còn ray rứt với những gì thiếu sót)

Đó là tâm trạng anh trong ngày mẹ mất, và cũng trong bài viết đó, tác giả mở đầu bằng cái hiện thực trống vắng sau mấy ngày tang lễ, nghe buốt nhớ tận lòng:

“Sáng nay, khi xuống lầu đi làm, tôi buộc miệng “Mẹ ở…” (…nhà, con đi làm đây!). Tôi khựng lại, chợt nhớ ra bà mất rồi. Tôi nhìn lên bàn thờ, thắp nén nhang, rồi đi…”

Làm nhà văn Trương Văn Dân đã phải thốt lên: “…Tôi cảm thấy ớn lạnh toàn thân khi đọc đoạn văn này! Giọng văn sắc lạnh. Mấy dấu chấm bỏ lửng sau hai chữ “ rồi đi”… giống như những giọt nước mắt của người vừa mất mẹ đang chảy lên trang viết. Đột nhiên tôi thấy mình hạnh phúc và vô cùng cảm thấy lo sợ vì tôi còn mẹ…”

Qua bài viết giới hạn này, tôi không thể nói hết những khoảng lặng, thâm sâu về cuộc đời, về con người, ẩn trong những chuyện “Chả lụa không phải là xúc xích”, “ Ai mua thơ tôi bán thơ cho…”,  “Già đầu mới mê nhạc sến” hay các chuyện hấp dẫn khác, đầy tính mới lạ xin để người đọc tư duy, tự cảm…

Nói chung, 18 tạp bút trong tuyển tập “Những Thằng Già Nhớ Mẹ”, theo tôi, là một cuốn tạp bút hay, đáng để xem!

Vậy, mời bạn nếm thử “câu chuyện bàn rượu” của Vũ Thế Thành, tôi tin rằng, bạn sẽ ngộ độc sảng khoái… ha hả!

Sài Gòn, tháng 09/ 2013
Nguyễn Ngọc Thơ
Khóa 8 Quang Trung BinhKhe

Chú thích:
(1)  Những dòng chữ nghiêng được trích trong tuyển tập Những Thằng Già Nhớ Mẹ - Vũ Thế Thành - MùaVu lan (2011-2012)
(2)  Dựa theo Phillip Lopate -“The Art of the Personal Essay”, Doubleday, New  York, 1994 Phạm Viêm Phương & Nguyễn Phan Thịnh trích dịch (Văn Tuyển1 - 2013)
(3)   “Tâm Tình Hiến Dâng” của đại thi hào Rabindranath Tagore (1861-1941), Ấn Độ.


3 nhận xét:

  1. Mình chưa được đọc Những Thằng Già Nhớ Mẹ của Vũ Thế Thành nhưng qua các dòng bình của Ngọc thơ mình thấy thích. Té ra " Nhà Thơ " Nguyễn Ngọc Thơ cũng có nghề " Bình Loạn " nữa hén. Thân ái.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ, em chỉ có “lều… thơ” đứng trơ vơ trong bão thôi anh thiiasao ơi, nên lắm lúc bị lạnh, mình “bình loạn” với mình cho bớt lạnh đó anh!
      Để em gởi anh một cuốn đọc chơi cho đỡ “nhớ mẹ”…(nhớ thầy Lương) anh hén, cảm ơn anh đã ghé lều em, vậy là ấm suốt mùa lũ đang về rồi đó!(cừ)

      Xóa
  2. Tác giả Vũ Thế Thành cũng đã có xuất hiện trên trang mình.
    Bài viết Ông Thầy Việt Văn đăng hôm 12.07.2013.
    Click vào đây

    Trả lờiXóa