Có một điều khi ngày xưa tôi học Văn không
bao giờ bỏ qua : đó là tìm hiểu thật kỹ bối cảnh ra đời của tác phẩm. Đối với
tác phẩm nào mà tôi không hiểu rõ hoàn cảnh, không nắm được tinh thần thời đại,
tôi cảm thấy lúng túng vô cùng!
Chẳng phải ngẫu nhiên mà ngày xưa có giai đoạn
"Văn - Sử - Triết bất phân". Văn chương là hồn cốt, là tinh thần sống
động của một thời kì lịch sử. Lịch Sử lại đặt ra những yêu cầu, những đòi hỏi
cho văn chương phải thổi bùng lên tinh thần thời đại. Triết chính là cái tư tưởng
cốt lõi chi phối để tạo ra những con đường, những ngã rẽ quyết định vận mệnh của
dân tộc.
Tôi yêu môn Sử không phải là yêu theo kiểu
ghi nhớ ngày tháng năm, sự kiện diễn ra, nguyên nhân - kết quả, bài học kinh
nghiệm ... mà lịch sử hiển hiện sống động qua những nhân vật của thời đại, những
biến cố làm chấn động lòng dân tộc. Một "hào khi Đông A" khi nhắc đến
là như cảm thấy ngùn ngụt trong người huyết khí như bùng lên cùng lời thét vang
"Sát Thát", hay "hào khí Đồng Nai" là âm vang tiếng thét của
sĩ phu văn thân: "Phan, Lâm mãi quốc, triều đình khí dân", là máu và
nước mắt trộn hòa và tiếng súng rền vang nhức nhối tâm can cụ Đồ Chiểu...
Bây giờ các học trò của tôi học Văn ra sao?
Vẫn có những em cảm xúc dạt dào, tự nhiên; có
những em hoạt ngôn sắc sảo; có những em già dặn suy tư... Thế nhưng cái mà các
em thiếu chính là một kiến thức về lịch sử - xã hội vững chắc! Không chỉ là những
học sinh lớp thường, mà cả học sinh lớp chuyên Văn cũng thế. Định hướng cho các
em học Văn và Sử song hành, nhưng năng lực đọc và sự thẩm thấu lịch sử mới chỉ
dừng lại ở những con số, sự kiện... Văn chưa hòa với Sử và Sử chưa sống trong
Văn, bởi vậy tất nhiên những lập luận triết lý của các em không khỏi có phần võ
đoán, mơ hồ và chông chênh!
Lỗi không ở các em, mà chính là từ quan niệm
máy móc phân chia chương trình học theo loại thể, hết văn đến thơ, sắp xếp lộn
nhào các tác giả của các giai đoạn văn học khác nhau. Cuối cùng các em ngơ ngác
vì dù các em có phân tích tác phẩm đúng theo loại thể thì bài viết vẫn thiếu đi
rung cảm cần thiết! Xin thưa thẳng với các giáo sư soạn sách, cũng như sắp xếp
chương trình là hiện nay chương trình Văn đang nát bét, khiến học trò bị ăn món
cháo tả pí lù! Nghiên cứu tiến trình phát triển của một thể loại nào đó là công
việc của sinh viên chuyên ngành Văn học, còn học trò phổ thông hãy để các em
yêu văn học dân tộc qua từng chặng đường lịch sử. Văn là Người, Văn còn là Đời
nữa, thưa các giáo sư! Đời sống có sự phát triển theo tiến trình, theo quy luật,
theo lịch sử của nó. Chưa kể là còn tình trạng học tác phẩm trước rồi mới học
tác giả sau! Tác phẩm là đứa con tinh thần của nhà văn, cho nên biết tác phẩm
trước, biết tác giả sau thì cũng như kiểu truyện cổ tích "sinh con rồi mới
sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông" vậy! Chẳng hạn, học kì 1 học
trò tiếp xúc Nguyễn Du ở thể thất ngôn bát cú Đường luật với "Độc Tiểu
Thanh Ký", sau đó lại thủng thẳng học một loạt tác giả ở các thể ngâm
khúc, rồi Tiếng Việt, rồi Làm Văn, rồi mới quay lại truyện thơ "Đoạn Trường Tân Thanh", rồi mới học Nguyễn Du...Học vậy chẳng khác nào như tình trạng
phân mảnh trong ổ đĩa cứng, não học trò lại phải chắp nối các phân mảnh lại, loạn
cả óc! Cứ cảm tưởng như cụ Nguyễn bị loạn đao phân thây rời rạc, cuối cùng ghép
lại cho đủ các bộ phận!
Mong một lần cải cách sách giáo khoa thật chuẩn,
có tính hệ thống, nhất quán. Các giáo sư cũng dẹp bớt sự tự ái, để cùng vạch ra
một định hướng chuẩn, cho môn Văn thật sự là Văn! Đỡ khổ cho thầy trò chúng em
đây ở phổ thông!!! Dạy như tình trạng bây giờ, hãi lắm rồi!
Tháng 08.2013
Trần Hà Nam
GV Trường Lê Quý Đôn
Đây là một chuyệt thiệt 100%. Cách đây khoảng 5 năm (không biết bi giờ đã thay đổi chưa), tôi đã từng nghe mấy cháu ở trường PTTH chuyên Lê Quý Đôn Bình Định nói chuyện với nhau: "Nếu muốn học giỏi môn văn thì hãy học Thầy Trần Hà Nam, còn nếu muốn học để thi đỗ đại học thì chưa chắc".
Trả lờiXóaThầy Nam nghĩ gì về nhận xét này?
Những em học sinh ngày nay, khi đã thích học giỏi môn Văn, có lẽ là chẳng ngó ngàng gì đến khoa cử. Tiến thân qua ngã môn Văn, chỉ là thiểu số thôi mà BuuChau !?
XóaTui thích bài viết của Thầy Trần Hà Nam.
Trả lờiXóaVăn chưa hòa với Sử và Sử chưa sống trong Văn, bởi vậy tất nhiên những lập luận triết lý của các em không khỏi có phần võ đoán, mơ hồ và chông chênh!
XóaQuá thích đi chứ !?