Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

TRĂNG SÁNG TRONG THÀNH ĐỒ BÀN


Buổi chiều còn đọng những giọt nắng vàng trên những cành cây gòn cao lêu nghêu, xương xẩu, cành cây chìa ra cứng nhắc giữa vòm trời sẫm tối trông giống như cánh tay dang rộng, bất động, vạch nét đen đậm im lìm. Chỗ Nhật đứng cỏ cây đã nhuốm hẳn bóng tối chập choạng đìu hiu giữa bụi bờ lau lách hoang dại phủ ngập. Trước mặt Nhật là những soi bắp đã mọc cao, những đám bông vải đã khô nứt vỏ bông trắng trông điểm rõ trong khoảng tối âm u. Vượt lên trên những thân bắp, đám bông vải đã nở, những chiếc cột xi măng cốt sắt của khu chợ cách khoảng đều đặn đen đúa, rêu mốc. Nhật đếm thấy có mấy dãy cột đã bị đào xới để dễ trồng trọt, có mấy cột bị mòn gãy cong quập xuống một cách ảo não, phiền muộn.


Thường ngày, buổi chiều, những buổi chiều mênh mông vắng lặng giữa cỏ cây hoang tịch, Nhật đứng nhìn mấy chiếc cột chợ đã bị phá hoại, mấy soi bắp cao dần, và những đám bông vải nở khô bông trắng; thấy lòng trống trải, bình thản hết sức. Trống trải như bầu trời, và yên lặng như cây cỏ. Trong những phút quay về đắm hồn trong từng ngõ ngách bụi bờ tịch mịch, Nhật cạnh nhớ tới đời sống mình bấy lâu: ngơ ngác và ảo não quá. Chính những buổi chiều ra đứng giữa bãi cỏ trước nhà, nhìn ngó mông lung ở mấy soi bắp, đám bông vải, hàng gòn, cột chợ, lau lách, bầu trời ; Nhật mới cảm nhận được hết nỗi lẻ loi, lạc lõng của mình trong gần một năm nay. Một năm đầy tai biến, đổi thay, lận đận, bơ phờ… Và, cũng trong những buổi chiều như vậy, Nhật đã khóc cho mẹ anh, cho dì anh, cho những đứa em khốn khó thơ dại như một bầy thỏ bạch. Người mẹ dáng cao, nụ cười đen láy, hàm răng nhuộm đều, tóc bới, áo vải nâu thâm, cuống quít bên đàn con nheo nhóc như một con gà tình nghĩa vừa kiếm mồi cho bầy con, vừa nơm nớp lo sợ đàn diều, đàn quạ. Còn bà dì, gần nửa đời người góa bụa không có một mụn con lây lất trôi dạt tới bên mẹ Nhật như một cùng đường, một bến cuối cho đời sống dừng lại. Bà đã mãn nguyyện yên thân bên gia đình Nhật để cúi xuống với bao nỗi nhọc nhằn mong đắp đổi chút êm ấm an vui của một túp lều còn hồng ánh lửa, còn vọng tiếng cười. Từ ngày có dì tới, Nhật thấy thương xót mẹ hơn qua dáng dấp hao gầy, buồn thảm của người dì rất đổi giống mẹ: dáng cao, răng đen, tóc bới, áo vải thô nâu. Hai chị em đã gặp lại nhau sau mấy năm biền biệt chỉ để nhìn rõ sự lạc lõng, cô quạnh, âu sầu. Mẹ có bao giờ ngờ rằng có ngày mẹ sẽ gặp lại dì với bao đau xót đó không? Ngày rời gia đình theo chồng của ai cũng huy hoàng, phấn khởi bên muôn ngàn câu chúc tụng, giữa những giấc mộng êm đềm, nhưng ngày cuối của đời người có mấy ai còn giữ được nụ cười thưở trước? Dì Nhật. thì mới nửa đời người, đã héo hắt, khổ lụy; còn mẹ Nhật thì đôi mắt đã mờ dần sau bao mong ngóng xa vời nơi rừng sâu núi thẳm. Bây giờ, mẹ , dì, những đứa em; tất cả đã im ngủ, đã bỏ đi, đã xa mờ như núi rừng. Nụ cười lấp lánh hàm răng đen, mớ tóc bới cao, tấm áo vải xi ta nâu cờn rách nghèo khó đã mất. Đã lặng chìm đâu đó trong những bờ bụi, hào rạch, bóng đêm. Tất cả nay đã thành mây bay mỗi sớm, gió thổi mỗi chiều, trăng sáng mỗi đêm. Và Nhật bỗng thấy đời mình còn lại chỉ biết thiết tha, chìm đắm với gió, mây, trăng, và cây cỏ nồng nàn.

Nhật ngồi xuống bãi cỏ tươi mượt, mát rượi. Con đường dẫn lên ga trơ trọi những hòn sỏi trắng cạnh những cây lá hoang sơ lan tràn, lấn át, phủ lấp. Có dôi chỗ những nhánh cây mọc dài ra, ngăn giữa đường. Những dây leo nhãn lồng bò ngoằn ngoèo trổ bông tím trái vàng che khuất lớp đá sỏi giữa lộ ở xa trông như một lớp cỏ xanh. Con đường này, chính trên con đường hoang vu cô tịch này, Nhật đã mỗi chiều đi qua, lặng lẽ, thơ thẩn, dàu dàu như sắc lá hoàng hôn. Như nắng vàng tàn tạ. Nhật đã đi hết con đường lau lách qua khỏi nghĩa địa trập trùng, để đến ngồi trên thềm sân ga vắng tanh nhìn hút mắt con đường sắt hoen rỉ hai chiều mà ước mơ tưởng nghĩ tới những giấc mộng hoang đường có một chuyến tàu ghé bến chở anh trong một toa tàu rộn ràng tiếng cười đi mất vào một bến bờ nào đó không có bên cuộc sống. Nhưng ga vẫn vắng bặt, chuyến tàu mơ mộng không nghe kéo còi, con đường sắt hoen rỉ trơ vơ chìm dần vào bóng tối mịt mù; lúc đó Nhật mới đứng dậy, chậm chạp, thơ thẩn quay trở lại nghĩa địa, qua con đường mập mờ cây cỏ, về nhà.

Có một buổi chiều từ ga trở về, Nhật không theo lối cũ để qua nghĩa địa, và con đường vắng vẻ kia. Anh đi vòng xuống cửa Tây để vào Thành. Có lẽ Nhật không muốn phải đi mãi trên ngõ đường buồn bã, ghê rợn nọ: Anh sợ những nấm mộ bỏ hoang đất bày dấu đạn, và những nhánh cây tua tủa vướng mắc gót chân như có bàn tay nào vô tình giữ lại. Cửa Tây: con đường dẫn vào thành Đồ Bàn, thành nội, vùng đất mênh mông, dãy gòn lớp lớp kết trái dày đặc, hoa trắng nở đầy, gió lùa mênh mang, dấu tích rực rỡ một thời Chiêm Vương, Chiêm nương ẩn hiện. Giữa cõi bao la của đất trời, những bông gòn trắng rơi nhẹ, bay bay, lãng đãng như những chùm hoa mong manh, từ tay những Chiêm nương trên cổng thành thả xuống. Gió âm thầm đưa những cụm bông gòn, thổi dạt dào mùi hương những bông hoa dại kết tụ của bầu trời đầy hoa trái hiền dịu, cách biệt. Vào trong thành, Nhật ngỡ như mình đi lạc vào một chốn nào êm ái, thơ mộng, bình yên quá. Cỏ cây hoa trái một màu tươi tốt nguyên vẹn không hề có bàn tay người lay động. Màu xanh ngút trong tầm mắt. Xa xa, những chiếc cổng đồ sộ, loang lỗ, rêu mốc sừng sững cô độc với năm tháng mịt mờ, dâu bể. Nhật đi lan man giữa cõi yên lành khôn cùng đó với ý nghĩ rằng mình đã trở về, sống lại thuở đời hoang dã, lạnh lùng, đơn độc của mấy nghìn năm trước.

Một trái gòn khô rơi phía trước mặt Nhật, anh cúi xuống nhặt: trái gòn đã nức hẳn vỏ, lớp bông trắng đã bay đi gần hết. Nhật nghĩ, có lẽ đã quá ngày hái gòn rồi. Bấy năm, những trái gòn được hái đúng ngày nhưng gần hai năm nay, những trái gòn đã bị bỏ quên bởi những trận oanh tạc và càn quét của Pháp mỗi ngày một tiến sâu vào những làng cách xa bờ biển. Tới lúc nhà cửa, ruộng vườn còn bỏ lại, thì những trái gòn có đáng gì để cho người ta tiếc nghĩ đến đâu? Vậy mà những năm trước, ít ai được quyền nhặt, hái những trái gòn này cả. Họ có bao giờ nghĩ tới lúc những trái gòn bị gió cuốn bay đi gần hết, và rụng rải rác giữa đất cát bụi bờ hoang vắng này, mà đừng cãi cọ, tranh giành ồn ào ? Thói thường vẫn vậy, người ta thường bị lôi cuốn bởi những đòi hỏi lợi lộc trước mắt mà hiếm khi chịu nghĩ xa hơn một tí. Chỉ một hai năm thôi, những trái gòn này đã là một thứ bị bỏ quên, không cần thiết nữa.

Nhật bỗng nhận ra bóng một người thấp thoáng, ẩn hiện sau những thân gòn, những bụi cây cạnh ngôi chùa cổ đã sập đổ. Anh bước dần về hướng đó: một người lạ nào đã lẩn quẩn trong thành? Từ sau những bận khu phố bị bỏ bom lửa, bị oanh tạc ngày đêm, anh chưa hề gặp bóng người nào lui tới trong thành: Người nấn ná ở đây đã bỏ theo đoàn người tản cư lên sâu những miệt núi. Ngay ở xóm Nhật, sự còn lại của anh và một vài gia đình lẻ tẻ, khốn khó, là một nỗi tuyệt vọng, liều lĩnh, thí mạng với bom và đạn. Ở trong thành, vốn ít người, tất cả đã gồng gánh, dắt díu nhau ra đi từ mờ mờ sáng, sau buổi chiều, cả xóm bị dội bom, đốt cháy gần trọn nhà cửa. Nhật vạch từng lùm cây, bụi cỏ, dõi mắt tìm sau những hàng gòn sù sì, to lớn. Bóng người vượt thoăn thoắt qua những thân gòn, người lom khom, bé nhỏ. Nhật bỗng reo lên : Ê, nhỏ, thằng nhỏ… Thằng nhỏ nghe tiếng gọi vang dội đứng khựng lại, ngơ ngác, láo liêng, chợt nhìn thấy Nhật, nó mỉm cười. Nó cúi xuống nhặt những trái gòn dưới chân, chờ đợi.

Nhật cười với thằng bé :
-  Nhặt được nhiều không em?

Thằng nhỏ ngửng đầu cười lộ hai chiếc răng gãy :
-  Nhiều, nhiều lắm à …
-  Em nhặt về làm gì mà nhặt nhiều vậy ?
-  Chị Cơ sai em đi nhặt gòn, chị ấy nói nhiều chừng nào giỏi chừng đó mà.

Nhật ngó nét mặt thơ ngây nhưng đã sạm đen màu kham khổ của thằng bé, thấy nó dễ thương lạ lùng. Nhất là đôi mắt của thằng nhỏ: Đôi mắt mở to, tròn, đen láy dưới hàng lông mi dài. Mái tóc hớt carê lởm chởm không ngay ngắn. Nó mặc một chiếc áo đen, nhiều lỗ vá, kỹ lưỡng, và một cái quần cụt trắng đã ngã màu đất. Nhìn những mảnh vải vá cẩn thận chằn chịt, Nhật biết chắc nó cũng được cưng chìu, lo lắng nhiều. Những tấm áo quần rách được chằm vá lại cũng là một điều hiếm hoi với những đứa nhỏ.

Nhật xoa vào đầu thằng nhỏ, cười lớn :
-  À, chị Cơ, bây giờ chị Cơ đâu rồi ?

Thằng bé ngước lên nhìn Nhật kỹ hơn, giọng ngạc nhiên :
-  Bộ anh quen chị Cơ tui hả ? Chị Cơ ở nhà chớ đâu ở đây mà hỏi ?

Nhật vẫn giữ giọng nói trong tiếng cười cợt cũ :
-  Quen , quen chứ . Mà nhà em ở đâu, xa không?

Thắng nhỏ xoay người lại, đưa tay chỉ?
-  Đó, nhà tui ở trong cổng thành kia kìa…

Nhà tui ở trong cổng thành kia kìa: À, thì ra căn nhà của thằng nhỏ, của người con gái tên Cơ nào đó chui đục ở trong một cổng thành. Cái cổng thành đồ sộ trăm nghìn lớp đá vững chắc nọ làm một nơi trú ẩn kiên cố dưới những làn đạn oanh tạc của những đoàn máy bay Pháp thì thật là tuyệt. Căn nhà, chiếc cổng thành Đông cỏ mọc um tùm bốn phía, sớm chiều chim sáo dập dìu làm tổ trên nóc, là nơi dừng lại của gia đình thằng nhỏ từ một vùng biển gió cát khốn đốn nghèo xơ. Nhật đã không ngờ, một miền đất mà người vừa hãi hùng rời bỏ lại là vùng đất yên lành, là cõi sống cho gia đình người con gái có cái tên rất nên thơ: Mỵ Cơ, Huỳnh Thị Mỵ Cơ.

Nhật đi theo những bước chân của thằng nhỏ trở lại “căn nhà”, chiếc cổng thành trơ trọi trống trải, như đi theo sự dẫn dắt tình cờ rộn rã. Từ giữa con đường bưng bít những cây ổ tàu, vú dẻ, hoa dại, Nhật đã trông thấy Mỵ Cơ - người chị nhu hiền, e lệ. Trông thấy chị, thằng nhỏ chạy tới, trên vai mang nặng bao gòn đã nhặt được. Nhật giữ từng bước đi chậm, thực chậm, cốt ý để cho thằng nhỏ trả lời nỗi ngạc nhiên của người chị bé nhỏ kia.

Thấy Nhật tới gần, Cơ nói :
-  Anh cũng ở trong thành ?

Nhật nhìn thằng nhỏ, cười :
-  Tôi là chủ thành mà. Hồi nãy tôi đã nói chuyện với chú em rồi.

Cơ cười theo Nhật. Tôi chủ thành mà, chắc nàng cũng cảm thấy yên vui khi biết được, trong khu thành mênh mông cây cỏ này, còn có những người lưu lạc, lang thang, bơ vơ như nàng. Sự khổ cực lạc loài bao giờ cũng dễ đem lại nỗi gần gũi tha thiết cho hai cảnh ngộ cùng số phận. Một thoáng, tự dưng Nhật nhìn người con gái với ánh mắt khác lạ: Anh coi nàng như một đứa em tội nghiệp cần được cưng chiều, cần được vỗ về, an ủi. Những đứa em gái của anh nếu còn sống, cũng bằng tuổi nàng.

Thằng nhỏ bỏ đi vào phía trong cổng thành với bao gòn khô. Bóng nó mất hút, im lìm sau những bụi cây phía trước cổng. Trông nó rất giống một con thỏ chui vào hang. Nó là một con thỏ con. Trong hang đó còn những thỏ mẹ, thỏ chị nữa. Con thỏ chị đang rụt rè, bỡ ngỡ trước mặt anh đây. Con thỏ có đôi mắt to, tròn, đen lấp lánh. Có đôi má hồng, có mớ tóc mượt, có nốt ruồi nhỏ dưới khóe môi tươi. Nhìn suốt từ tóc tới chân Cơ một lượt, Nhật hỏi:
-  Bác đi đâu rồi ?

Cơ ngước đầu lên, cười má lúm đồng tiền :
-  Má đi qua bên kia sông…

Một buổi tối trăng lên thực sớm, thực trong, thực lạnh, Nhật nghĩ tới Cơ và chiếc cổng thành hoang vu giữa cỏ cây u tịch. Nhớ tới Cơ như nhớ đến hình ảnh êm dịu cuối cùng còn lại giữa lớp lớp lau lách phiền muộn. Trong nỗi cô độc mỏi mòn lòng người dễ yếu mềm xúc động. Nhật nhận thấy, bóng dáng Cơ khó lãng quên được trong giòng nhớ tưởng vu vơ mỗi chiều. Những giây phút êm ả hiếm hoi với nàng trong chiếc cổng thành ấm cúng của khoảng đời bạc bẽo, trống không đã vô tình khắc đậm lên trí nhớ Nhật đến nỗi anh cứ ngỡ là đã cùng nàng trải qua ngàn ngày thênh thang thơ mộng. Huỳnh Thị Mỵ Cơ, con thỏ xinh xắn, người chị bé bỏng rụt rè, tấm thân lưu lạc, đứa con gái miền  biển sôi động  mịt mù gió cát, bây giờ đã là ánh lửa ấm áp nhất sưởi ấm anh nửa đời dong ruổi còn lại. Nàng như một nàng tiên giáng trần kịp lúc để cứu vớt Nhật ra khỏi nỗi thất vọng của những buổi chiều thơ thẩn trong con đường quấn quít cây lá, khu nghĩa địa lạnh lẽo, sân ga buồn tênh không còn nghe tiếng còi tàu nào vọng lại cho ước mơ được một lần nhìn thấy. Từ ngày gặp thằng nhỏ, có Cơ, Nhật đã thấy sợ hãi con đường bụi rậm hoang dại dẫn lên ga.

Trăng sáng vằng vặc trên cao soi rõ nỗi vắng lặng mênh mông của cây cỏ chung quanh. Những chiếc trụ cột của dãy chợ đằng xa trông lâu như những thân người dựng đứng, chờ đợi. Những nhánh gòn in rõ nét giữa khoảng trời bao la, nhuộm vàng ánh sáng, cũng lặng lẽ, đìu hiu quá. Nhật nhìn xuống con đường dẫn ra phố: Trong ánh trăng rộn rã trong vắt kia, anh không còn nhìn thấy một bóng dáng nào. Những gia đình nào ở lại chắc đã trở về với công việc quanh quẩn trong nhà, trước sân. Nhật quyết định: Phải vào thành.

Qua khỏi con đường nhỏ phủ nhập cỏ, anh đi vội vã giữa hai dãy phố hoang phế, âm thầm. Thỉnh thoảng. Nhật quay ngó lại những căn nhà quen đã đổ sập, cháy đen, rồi lại cắm cúi bước. Bước. Bước. Bước cho nhanh vào trong thành. Ở đây, chung quanh chẳng còn gì để nhìn ngó, trông đợi. Nhật bỗng nghe tiếng chân mình gấp gáp vội vàng, anh lại ngửng đầu nhìn ngó chung quanh: Những chiếc cột cháy đen, những bức vách ngã sập một nửa, vài căn nhà còn sót cửa đóng im ỉm, những đống gạch vụn lồ lộ, từng mảnh áo quần lay động, những tiếng chân chuột chạy lạt sạt, vài chú mèo lang thang; tất cả như đang nghe ngóng, dõi theo từng bước chân khua động của Nhật. Trăng vẫn sáng. Trăng vẫn lạnh. Trăng vẫn Bình yên. Nhật vừa bước, vừa ngước nhìn mảnh trăng tỏ trên đầu.

Tới cửa thành đầu tiên để dẫn vào thành nội, Nhật chợt dừng hẳn lại: Màu trăng ở trong thành có vẻ gì khác lạ với ánh trăng dưới phố. Trăng ở đây rực rỡ, êm ái hơn. Ánh sáng không nhuốm chút vàng vọt héo hắt như giữa hai dãy phố tan hoang, ảo não dưới kia. Trăng sáng ở trong thành một màu tươi thắm, bao la, dịu dàng đến ngây ngất. Nhật chui vào trong cổng thành, đi sâu vào thành nội. Anh đi nhìn bóng mình loáng thoáng bên bóng của những hàng gòn, nhánh gòn in rõ trên đường. Anh đi nhớ tới con thỏ dịu hiền, đưa con gái miền biển nước da đen chắc, người chị cam phận nhỏ nhoi, đôi mắt mở to tròn đen láy, nốt ruồi nhỏ điểm dưới khóe môi tươi. Hình ảnh Cơ như càng sáng rõ hơn trong nỗi tưởng nhớ của Nhật. Chừng như ánh trăng trong tươi thắm chung quanh đã giúp anh chắp nối, tìm kiếm thêm từng mảnh vụn nồng nàn thắm thiết về nàng.

Nhật nhận ra chị em Cơ đang ngồi trên tản đá phía trước cổng thành. Giữa màu xanh của cây cỏ bị nhuốm ánh trăng, tản đá nổi rõ màu trắng, và dáng Cơ trông lung linh, mơ hồ như một tấm tranh vẽ nhòe. Thấy được Nhật, Cơ lên tiếng hỏi sau chuỗi cười dòn dã :
-  Anh Nhật, anh Nhật kia…Anh Nhật tới chơi à ?

Vâng, anh Nhật không tới chơi mà anh Nhật tới thăm Cơ vì nhớ quá. Anh Nhật tới vì nhớ, không phải vì đi chơi. Từ ngoài đó vào đến đây chơi ban đêm thực là một chuyện anh chưa làm trước đây bao giờ. Nhật đến ngồi trên tản đá, cạnh thằng Cương(thằng nhỏ, em Cơ). Cương ngồi sít vào chị, tay khác chống xuống tản đá, nhìn Nhật cười thẹn thuồng. Chắc thằng nhỏ cũng biết Nhật nhớ chị mình? Nó đã chẳng nằng nặc theo hỏi Nhật sao anh tới nhà em hoài vậy, anh Nhật, đó sao ? Nhật xoa tay lên đầu nó, thấy nó rất giống chị: Ưa cười rụt rè, hay cúi đầu phân vân. Nhật cầm cánh tay trần gầy ốm của nó:

-  Má đâu rồi Cương ?
-  Má ở trong nhà …

Cơ bỗng cười lớn :
-  Em đã dạy nó cái cổng thành không phải là “nhà” mà cứ kêu “nhà” với cửa hoài …

Nhật nói:
-  Thì trước đây là cổng thành, bây giờ là nhà không được sao? Gọi như Cương mà đúng, nơi mình trú ngụ, thì gọi là nhà được hết, lại hay nữa.

Cơ cười, xoay lại nhìn em:
-  Anh bênh nó nữa mà…

Nhật rủ chị em Cơ đi bộ về ngã sông Trường Thi một lát cho mát, Cơ chịu liền. Cương lẵng lặng đi theo chị. Đi hết quảng đường ngắn đắp cao trên bờ thành, ba người rẽ xuống con hẻm nhỏ dẫn xuống một ngôi xóm nhỏ, bỏ hoang, cây cối mọc lan tràn hiu quạnh. Đi giữa những hàng tre dày lã ngọn, bóng trăng mơ hồ, gió dìu dặt lay động những cành tre nhỏ. Nhật nghe như mình đi vào cõi êm ái, riêng rẽ nào đó không dấu chân người. Không còn những ưu tư, xao động, đau xót. Cơ ngoan ngoãn rụt rè bên anh, trong bóng tối mờ nhạt của những bóng trăng loang lỗ, rất giống đứa em gái nặng lòng. Còn Cương, từ khi rời tản đá, rời cổng thành, nó lặng lẽ như một cái bóng âm thầm, tội nghiệp. Cơ bỗng nói, thường ngày mẹ qua đây để thăm một người thím ở mãi tận trong cái xóm gần núi, nàng ít khi được mẹ cho đi theo. Nàng không ngờ, ở mãi trong hóc núi kia, vẫn còn có người sống. Bám núi mà sống như thuở người du mục. Nhật bảo cái xóm này lúc xưa đông đảo người ở lắm, từ sau ngày bị bỏ bom, oanh tạc liên tiếp, họ bỏ trốn hết trơn. Xóm làng không có người ở, trông dễ sợ, và buồn bã quá. Cơ cười, anh cũng sợ nữa à ? Từ ngày về sống dưới cổng thành lẻ loi, hoang dã này, em không còn sợ hãi như bấy khi nữa. Hồi còn ở dưới quê, chỉ toàn thấy biển, cát, và hàng dương thôi. Đi tản cư lần hồi hết miền này tới miền khác, được thấy nhiều, phải sống cô độc giữa đồng, dưới chân núi, lâu rồi thấy quen hết. Nàng kể lại những cảnh đẹp ở quê nàng: Đó là một xóm miền biển. Từ nhà trông ra biển, một bãi cát rộng, một hàng dương dày, những chiếc thuyền buồm, những tấm lưới đen giăng mắc, đám dân đen đúa hiền hậu, những buổi sớm đi bộ ra bãi cát, thơ thẩn dưới hàng dương mà nhìn từng đợt sóng vỗ êm đềm, những chiều tà ngồi với mẹ và bạn bè đón trăng hóng gió dưới gốc dương cao vút, trên bãi cát trắng mịn, rủ Cương chạy đi đuổi còng bắt còng… Nàng kể lại một mạch tất cả những chuyện cũ từng hình ảnh chất chồng, nối tiếp khiến Nhật không nhớ rành mạch, thứ tự được. Anh chỉ nhớ được một điều : Giọng nàng kể thực tha thiết, triền miên. Qua giọng kể, những tiếng cười, những hình ảnh chắp vá, Nhật cũng hình dung được bóng dáng nàng nồng nàn ở một cái xóm kề biển nào đó rất thơ mộng. Anh bị xúc động và phấn khởi cũng bởi cái giọng nàng nhiều hơn là những kỷ niệm mơ hồ, êm ấm xa lơ nào đó. Thỉnh thoảng, qua ánh trăng chiếu xuyên những cành tre thưa, Nhật cố ý nhìn lâu trên nét mặt nàng . Đó là một khuôn mặt đầm ấm, dịu dàng.

Đứng bên này bờ sông nhìn bên kia bờ sông ánh trăng rực rỡ, bằn bặt, mênh mông trên một thảm cây lá màu xanh thẫm, nhung mượt. Rất xa, những túp nhà tranh thấp, lẩn khuất lờ mờ bên những bờ bụi, cây lá vươn cao. Dãy núi tận cuối xóm đen hẳn, như một con vật khổng lồ nằm im lìm, bao quanh cánh đồng, làng mạc. Cơ chợt kéo tay Nhật, chỉ xuống dòng nước lặng lờ, một lớp khói sương phủ kín mờ ảo, vương vắt. Dòng sông lạnh băng. Khói sương phủ nhẹ. Cạnh dòng sông nhuốm màu óng ánh của ánh trăng bạc, bãi cát nổi trắng ngần trông lâu như lớp vải mỏng căng đầy, rung rinh, chuyển động. Gió từ hướng sông thổi hắt hơi nước, mang nỗi vắng tanh của làng xóm hiu quạnh, đem hơi thở của trùng điệp cỏ cây tới, tự dung, cả hai người cùng muốn quay trở lại. Hai bàn tay đã nắm chặt trong nỗi cô độc nghìn trùng này.

Khi đưa Cương vào thành, Cơ vẫn còn thấy mẹ ngồi nhặt bông gòn ra khỏi vỏ dưới ánh đèn dầu dừa lù mù. Nàng hỏi sao mẹ không mang ra giữa sân, có ánh trăng, có mát hơn không. Bà ngước lên nhìn Cơ, ánh mắt sáng dưới ánh đèn đỏ, nụ cười nhẫn nại bao dung, nói ra ngoài lâu, mẹ bị lạnh. Ánh trăng trong, gió rộn rã, cỏ cây vắng vẻ quá, có thể sẽ làm mẹ bị lạnh. Một nỗi lạnh lùng được toát ra từ những nhớ tưởng sum vầy, đoàn viên cũ. Mẹ đã nghĩ gì từng đêm ngồi làm việc lặng lẽ bên ánh đen dầu lù mù, cô độc đó ? Nếu biết được hết những xót xa, ray rứt đã cam chịu trong lòng mẹ, chắc là nàng sẽ buồn lắm.
Cơ ngồi xuống bên cạnh mẹ, ngước nhìn bà, giọng cười trong vắt:
-  Con đi chơi trong thành với anh Nhật một chút, nghe má ?

Bà dừng tay làm, quay lại nhìn Nhật mỉm cười :
-  Đừng dẫn em đi xa, nghe con ?
-  Dạ.

Cơ đứng dậy:
-  Con đi quanh quẩn trong thành thôi…

Hai người nắm tay, đi về hướng ngôi chùa cổ. Đó cũng là con đường duy nhất dẫn ra giữa thành, giữa những hàng gòn cao, đơm bông trắng như tuyết. điểm trên những nhánh gòn dài, đen, những trái bông gòn nở trắng trông như một đóa hoa tinh khiết dưới ánh trăng bàng bạc. Ở xa, Nhật đã nhìn thấy dày đặt những trái bông gòn trắng mịn nở đầy cành. Phía dưới, một vùng bao la cây cỏ lấp lánh, một màu tối, êm ả lạnh lùng. Giữ tay Cơ trong tay mình, anh cảm thấy như được chuyền dẫn tới tâm hồn vô vàn niềm vui, và hy vọng. Những niềm vui và hy vọng mà suốt trong tuổi thanh xuân, anh chưa hề bắt gặp, tìm thấy.
Họ bắt đầu đi dưới những hàng gòn cao. Hai chiếc bóng thấp thoáng, nhỏ bé, im lặng như cây cỏ. Ánh trăng dõi theo, soi rọi từng bước chân dè dặt, khép nép. Thỉnh thoảng, gió thổi bay tung mái tóc thả dài, óng ả của Cơ. Nàng đưa tay cuốn lại mớ tóc rối. Nhật nói :
-  Em có tưởnng tượng nỗi cũng chính trong ngôi thành này đã có một thời huy hoàng, tấp nập những Chiêm nương lui tới không?

Cơ ngước lên nhìn chậm vào mặt Nhật:
-  Bây giờ hoang tàn quá, em khó mơ tưởng được.

Nhật vẫn mắt nhìn mông lung vào cỏ cây, khoảng trống phía trước:
-  Anh thì khác, mỗi bận vào thành, anh lại bị cái cô tịch này ám ảnh, nhắc anh tưởng nghĩ tới những lúc trước, thật xa…
-  Anh thường nghĩ tới những hình ảnh gì nhất ?
-  Anh nghĩ tới một thời xao động, vàng son của một triều đại. Cảnh vua Chiêm xênh xang áo mão, bầy tôi ra vào tấp nhập, và những Chiêm nương xinh đẹp trong những tấm áo màu loạn sắc cười nói ríu rít trong những ngày hội…

Tiếng Cơ cười ròn rã :
-  Vậy anh có mê cô nào không?

Nhật đi chậm hẳn lại, hôn nhẹ lên mái tóc ẩm lạnh của Cơ :
-  Cái đó thì dĩ nhiên rồi. Anh còn mơ sẽ được cùng một Chiêm nương nào đó đi dạo, vào một đêm trăng tròn, bây giờ thì anh đã toại nguyện rồi…

Cơ cười thầm, cười rúc rích bên Nhật. Ánh trăng chênh chếch ngã về hướng Tây, gió về khuya nghe lạnh thấm thía. Nhật chỉ cho Cơ nhìn thấy cái nền đất cao, nơi đó một dấu tích còn lại, mình tới đó ngồi một lát, rồi về. Và, hai người rẽ vào đám cỏ cao. Cỏ cây dày đặt trên những con đường Chiêm nương đã đi. Cỏ cây mọc hoang vu trên nền xưa là đền đài của một tiểu quốc kiêu hùng nhưng vô cùng lạc lõng, bất hạnh. Cỏ cây rồi sẽ mọc lan tràn, tịch liêu khắp chốn. Ngay bây giờ, lúc này, cỏ cây đã bao phủ bốn bề, tốt xanh trong tâm hồn Nhật.

Cơ ngồi xuống bực thềm, cạnh những ngọn cỏ mướt. Nhật đứng từ nền cao, hướng nhìn về bốn phía: Đông, tây, nam, bắc, tất cả cũng đều bị cỏ cây và nỗi đìu hiu xâm chiếm. Nhật cúi xuống đặt một bàn tay lên vai Cơ. Nàng quay lại, ngước lên. Nhật cúi lên hôn đôi má nàng, hôn lên đôi mắt mở to tròn đen láy, hôn lên nốt ruồi cạnh khóe môi tươi, hôn lên con thỏ hiền hậu, hôn lên người chị bé bỏng rụt rè buổi chiều nào mới gặp. Nhật ngồi xuống, cảm thấy thân thể nhẹ hẫng, ngây ngất…

Trăng mê man, bất tận vẫn còn sáng rực rỡ trong thành Đồ Bàn …

Mang Viên Long
(Tạp Chí Vấn Đề - 1972)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét