Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

KHÚC RỌ RƯA


Suối Rọ Rưa nằm dưới chân dãy Thiên Sơn. Rọ Rưa là tên một loại sử ca có từ thời chúa Nghĩa, Nguyễn Phúc Trăn (1687 - 1691). Cứ vào canh ba những đêm đầu tháng, dân trong vùng lại thức dậy đốt hương trầm để nghe suối hát. ban đầu chỉ có tiếng nước reo thường lệ. Nhưng lập tức sau đó trời dất nổi sấm giông, mưa to gió lớn. Dứt gió mưa thì nghe suối gầm gào, rồi chuyển thành tiếng hát. Buồn thì muốn đến châu thân lập tức hoá thành cát bụi. Mà vui thì đến phải thét to lên. Chừng năm bảy khắc thì tiếng hát im. Cũng chẳng còn nghe tiếng suối reo như thường lệ. Sáng hôm sau, suối lại tiếp tục chuyển nước trên nguồn về đất đồng Lâm Thượng. Gần hai trăm năm qua chuyện suối hát vẫn tiếp tục truyền tụng ở nơi đây. Nước bao phen đổi chủ. Nhưng người đời vẫn giữ nguyên niềm trân trọng đến dị thường đối với hai con người cũng xương thịt bình thường, nhưng hành tung lại khác thường đến mức trở thành truyền thuyết.

Chuyện suối hát xảy ra sau khi Phú Xuân thất thủ, vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn cùng quan quân bôn tẩu ra Bắc. Nhưng về gốc gác, phải tính từ thời Nguyễn Hoàng đem dân đất Bắc, vượt Hoành Sơn, vào Nam gầy nghiệp lớn. Trong số lưu dân này có hai họ Vũ, Trần. Hơn hai trăm năm, hai dòng họ ấy đều có người ra làm quan với Chúa Nguyễn. Cháu mấy chục đời của họ là Vũ Đề và Trần Phác đã định nghiệp ở Lâm Thượng.

Thời Định vương Nguyễn Phúc Thuần, Trần Phác thi đỗ hương cống. Nhưng không đủ tiền bạc đút lót quan phụ chính Trương Phúc Loan, nên không được bổ quan. Ông hương cống ngồi nhà dạy học nuôi vợ con. Quyết truyền kinh sử cho đứa con trai thứ là Trần Chu, để có cơ hội ra giúp nước.

Con gái Vũ Đề là Vũ Thư cũng học Phác. Thân sinh của Đề nghèo, nên Đề chỉ cày ruộng, nay cũng muốn đứa con gái duy nhất của mình nên kẻ trí giả.

Chu, Thư đem lòng thương nhau. Họ Vũ, họ Trần đều biết chuyện, rất bằng lòng. Chỉ chờ chúng thành nhân, với học hành thành đạt, sẽ cùng đứng ra tác hợp.
- Tổ phụ hai ta từng chịu ơn đức Thế tổ Nguyễn Hoàng. Nay hai họ Vũ, Trần lại định nghiệp cùng một nơi, sống chết phải có nhau là hợp đạo.
Phác thường vui vẻ nói với Đề.

Thời Định Vương sưu cao thuế nặng. Có một năm trời hạn, mùa mất. Đề không nộp thuế nổi, suýt bị gông cùm, nếu không có Phác giúp. Thu thuế xong, lính phủ không chịu về, nấn ná lại làng, đêm xuống chúng ập vô nhà Đề, toan cưỡng hiếp Thư. Đề đánh mười đứa trọng thương. Quan phủ bắt Đề về phủ khảo tra. Ông Hương cống lại phải đem tiền bạc chuộc Đề về.

Lửa tình giữa Chu, Thư mỗi ngày một đượm. Biết cha mẹ hai bên quí trọng nhau, Chu, Thư càng buông lỏng mình hơn. Hai người thường lén nhà, vào núi Thiên Sơn. Tiếng chim tiếng suối là loài âm  nhạc của yêu đương.
- Đời con gái lấy chữ trinh làm đầu. Nay đã là của anh, thời phải trao anh thứ quí nhất của đời em.
Thư nói. Rồi trao thân cho Chu .

Đã đến lúc phải nên duyên chồng vợ. Chu định thưa với cha mẹ cưới Thư thì bà hương cống ngã bệnh chết. Chu phải chịu tang mẹ, đành gác chuyện tình duyên. Đôi nam nữ lo sợ đến bỏ ăn bỏ ngủ. Nhưng rất may, là sau lần trao thân cho Chu, Thư chẳng hề chi.

Sau hôm bị quan phủ đánh đập, Đề hay vắng nhà. Khi năm mười hôm. Lúc vài ba tháng. Vợ hỏi thì bảo phải đi buôn trầu để kiếm thêm cái ăn. Biết chuyện ấy, Phác càng lo lắng cho cảnh nhà Đề hơn. Song, có một điều làm Phác ngay ngáy lo sợ là lời ta oán chúa Nguyễn Phúc Thuần mỗi ngày một nhiều, mà thanh thế anh em ông Biện Nhạc ở Tây Sơn mỗi ngày một mạnh. Đêm nào Phác cũng thắp hương nơi bàn thờ tổ tiên, ứa nước mắt khấn cầu cho cơ nghiệp Chúa Nguyễn chẳng hề chi.
- Không có Đức Thế tổ Nguyễn Hoàng, nhà ta chẳng được cơ nghiệp hôm nay. Tổ tiên ta từng ăn cơm của chúa, thì nay ta  phải hết lòng thờ chúa. Chớ bao giờ thay lòng đổi dạ.

Ông hương cống dạy con. Bấy giờ Chu mười sáu tuổi, tâm trí để hết nơi Thư, đâu còn để thấu lời cha.

Có một lần Đề rời Lâm thượng ra đi rất lâu. Cơ hội để Chu cùng Thư vào Thiên Sơn thề non hẹn biển. Hôm ấy, thừa lúc có người bạn của cha ở phủ ghé nhà, Chu định sang rủ Thư đi Thiên Sơn. Bỗng nơi nhà khách xôn xao. Chu quay vào thấy cha nằm sóng soài bất tỉnh. Ông khách nói nhỏ vào tai người anh của Chu, lúc ấy cũng mới đi đâu về.
- Ông hương cống vì quá lo sợ thôi. Không sao. Nguyễn Nhạc xưng đế rồi.

Mấy hôm sau thì Đề trở về Lâm Thượng có lính trấn hộ vệ. Trên cờ hiệu có hàng chữ của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc ban tặng : Vũ Đề, quan hiệp trấn Thiên Sơn". Tới lúc này, Phác mới hiểu sự vắng nhà bấy lâu của Đề.

Vui sum họp với vợ con xong. Đề sang thăm Phác. Lúc Chu ra ngõ mừng đón ông nhạc phụ tương lai, thì Phác lẩn đi, không cho Đề gặp.

Thư thôi học, theo cha mẹ về trấn đường Thiên Sơn. Sự cách trở chỉ làm đượm thêm lửa tình đôi lứa.
- Ta đâu ngờ con người ấy lại làm giặc .
Tới lúc nghe cha nói lời này, Chu mới thấy hoảng hốt. Con cháu chúa Nguyễn đã bị đánh bạt tận phương Nam. Tuy thôi học, Thư vẫn lấy cớ về quê thăm thầy, để gặp Chu.
- Tiểu thơ chớ nhọc sức viếng thăm .
Phác không còn thầy - con như trước, mà gọi Thư là tiểu thơ. Tới lúc này thì đến lượt Thư hoảng sợ.

Anh cả của Chu bỗng biệt tích. Chu hỏi, thì cha bảo là đi tìm đường cứu chúa.

Ngồi ghế quan gần nửa năm, chẳng thấy Phác đến, Đề quyết định trở về quê thăm bạn. Ông hương cống đã bện sẵn bồ nhìn rơm, nghe Đề đến thì mang đặt nơi cổng ngõ.

Chu ra đón :
- Cháu xin mừng quan hiệp trấn.
Thấy bồ nhìn rơm có mũ cánh chuồn, lưng đeo kiếm, Đề lấy làm lạ hỏi :
- Ông hương cống làm cái này để chi ?
Chu lo sợ đáp :
- Thưa, để đuổi chim.
Nhìn qua vườn nhà họ Trần thấy cỏ mọc um tùm, chẳng có cây quả chi, Đề càng lấy làm lạ hơn. Chỉ có Chu tiếp trà quan hiệp trấn. Vì ông hương cống đã lẩn đi nơi khác.

Tang mẹ vừa mãn, Chu liền thưa với cha về việc cưới Thư. Phác giận dữ bảo :
- Ta chẳng đời nào để con làm bẩn đục giòng máu họ Trần.
Thấy con gái u sầu, quan hiệp trấn họ Vũ cũng đứt ruột đứt gan.
- Ta biết làm sao, khi bên nhà trai chẳng chịu mở lời.
Bà hiệp trấn bỗng lâm bạo bệnh, mất. Thư khóc mẹ suốt bảy ngày đêm. Trở dậy, vội vã về Lâm Thượng gặp Chu để khuây khoả niềm tang tóc.

Phác bảo :
- Tiểu thơ hãy về nói lại với ông hiệp trấn, là trong một lần dâng hương nơi bàn thờ tổ tiên, ta đã trông thấy vị tổ phụ họ Vũ. Ông ấy treo cổ chết rồi. Vì không chịu đựng nổi khi có đứa cháu con phản bội tông đường. Thư đau đớn giấu kỹ lời ấy trong lòng, dẫu chưa hiểu hết như thế là sao.
Tây Sơn Nguyễn Huệ đã tiến ra Bắc, vào Thăng Long yết kiến vua Lê. Nghe tin, Phác xách gươm chém đứt cổ con bồ nhìn rơm ở cổng.

Chu chẳng chịu lùi bước trước ngăn cản của cha, vẫn lén lút cùng Thư vào Thiên Sơn bàn tính cách sum hợp. Một lần, Thư nói muốn học cưỡi ngựa, bắn cung. Chu cười bảo :
- Tân triều đâu đã mở khoa thi kén nữ tài mà vội.
Thư bỗng đầm đìa nước mắt :
- Anh có nghĩ, một ngày nào hai ta lại thắng yên cương, trốn đến một nơi xa cách mọi người.
Chẳng còn chờ đợi nổi, Chu đánh liều thưa với cha :
- Thôi thì cho là quan hiệp trấn phản bội tổ tiên. Nhưng Thư nào có tội tình gì. Xin cha vì lòng nhân từ, cho hai đứa con sớm được tác hợp.
Ông hương cống tát Chu liền mấy cái. Rồi bảo :
- Ta mắc lo việc tác hợp thằng giặc ấy với ma quỷ, biết chưa ?
Quan hiệp trấn họ Vũ cũng không chịu được cảnh sầu héo của con gái, đánh liều về Lâm Thượng gặp Phác. Đề tính sẽ dẹp bỏ sỉ diện, mở lời cưới xin cho nhà trai. Nhưng đến nơi thấy cổng đóng, then cài. Trên đầu cổng có tấm giấy ghi : "Kể từ nay hương cống Lâm Thượng tiếp bất cứ ai, vào bất cứ giờ nào, chỉ trừ kẻ làm nhơ bẩn dòng họ tổ tiên là Vũ Đề".

Lính trấn phải giữ Đề trên lưng ngựa,  mới về đến nơi .

Quang Trung Nguyễn Huệ đã đánh tan hai mươi vạn giặc Thanh. Từ Thăng Long đến Gia Định được gom về một mối. Nghe tin, ông hương cống đóng chặt cửa, uống rượu say, hát :

Nước vốn hai vua ù, cõi bờ phân định
Gặp nạn giặc trời ù, người đi bao giờ về ?

Năm ấy Chu, Thư đã sang tuổi hăm  bảy.

Vì có công lớn trong trận chống giặc Thanh, quan hiệp trấn họ Vũ được vua Quang Trung tặng bốn chữ "Trung thần tiết nghĩa". Bậc trí giả bao giờ cũng quí trọng sự tự chủ của đất nước. Đề nghĩ thế, nên về làng làm hát bội, mừng sắc vua ban, để thuyết phục Phác. Lúc ấy là cuối xuân. Cả làng xôn xao với tin ông hương cống họ Trần bị điên loạn. Phác bứt hết quần áo, chỉ cột mỗi nhành lá ở chỗ kín, xông vào đám người xem hát gào thét, chửi rủa. Người ta chẳng hiểu ông chửi ai, vì những lời buột ra rất kỳ dị.

Có bao nhiêu mai mối đến nhà quan hiệp trấn họ Vũ. Cuối cùng,Thư phải thưa thật với cha :
- Điều quí nhất của đời con gái con đã trao gửi cho Chu .
Đề không giận con, mà cảm động đến rơi nước mắt .

Chỉ mỗi Chu biết rõ cha mình chẳng điên loạn. Con gà trống vẫn tiếp tục nuôi con bằng dạy học. Ông hương cống càng lầm lì ít nói. Lâu lâu lại có người đến nhà vào ban đêm, chỉ chốc lát thì đi. Sau đó Chu thấy cha ngồi hàng giờ liền nơi án thư, đọc mấy cuốn sách chẳng bao giờ Chu được phép đụng đến. Tình cha con như mỗi ngày một phai lạt, vì ít khi ông hương cống trò chuyện với Chu. Biết chẳng thể thay đổi được cha, Chu đành câm lặng. Chỉ tiếp tục tìm cách gặp Thư. Nước mắt của hai người nhỏ xuống nhiều đến nỗi sau đó không còn để nhỏ.

Họ Vũ ngồi ghế quan gần hăm ba năm. Chu, Thư sắp sang tuổi bốn mươi. Một đêm, ông hương cống bỗng gọi con trai, bảo :
- Vua em Cảnh Thịnh đã dìm sông vua anh là tiểu triều Nguyễn Bảo. Nhà ấy sắp đổ, con biết không ?
Chu im lặng trước vẻ hớn hở khác thường của cha. Sáng ra, ông hương cống dặn Chu :
- Ta có việc phải đi. Ai hỏi, thì nói là ta về bên ngoại con.
Rồi đi mãi cho đến đêm ấy vẫn chưa về. Đêm ấy là đêm mồng bốn tháng năm, năm Tân dậu (1801). Nghe có tiếng vó ngựa dừng ở cổng, Chu tưởng cha về, chạy ra đón. Trăng đầu tháng tựa chiếc liềm giắt ngang đỉnh Thiên Sơn. Thư nhảy xuống khỏi ngựa, sà vào lòng Chu :
- Ta phải có đứa con trong đêm nay. Em chẳng còn chờ được nữa.
- Vào nhà hẵng trò chuyện. Cha anh đã đi vắng.
Thư mặc áo quần kỵ binh, tóc quấn cao, trông như con trai. Chu ngây ngất trước vẻ đẹp bất ngờ của người con gái thân thuộc.
- Đừng hỏi gì thêm. Chỉ hiểu là phải thế này, em mới đến được đây.
Thư nói, tự cởi xiêm áo, bước lên giường. Lần thứ hai trong đời, Chu rơi vào cõi mông lung, kỳ ảo.

Sau khi mặc lại xiêm áo, Thư đứng lên nói :
- Nhà Tây Sơn đổ rồi. Hồi hôm qua.
Chu như người trong mộng :
- Chuyện triều chính, em chớ nói chơi.
- Đổ thật rồi mà. Cha em cùng một số người khác trốn đi Ai Lao hồi sáng nay.
- Trốn sang Ai Lao ? Thế  em định bỏ mặc quan hiệp trấn ?
Nước mắt Thư chợt đầm đìa. Đã lâu lắm, Chu mới  thấy Thư khóc.
- Chứ biết làm thế nào. Cả thời thanh xuân em dành trọn cho anh. Giờ làm sao em đành bỏ anh mà theo cha.
Tới phút ấy,  Chu mới thấy lòng xao động lạ thường. Cả hai cùng im lặng. Bỗng Thư ôm chặt lấy Chu :
- Giờ thì em phải đi. Chẳng bao lâu nữa ta sẽ gặp lại nhau.
Chu đẩy Thư ra, nghe người lảo đảo :
- Tức cũng sang bên ấy ?
- Không. Anh chớ hỏi gì thêm. Chỉ biết là chẳng bao lâu thì ta gặp lại.
Nói xong lời ấy, Thư cắm đầu chạy  ra cổng leo lên ngựa, biến mất trong đêm tối.

Phác đã trở về Lâm Thượng có lính trấn hộ vệ. Trên cờ hiệu có dòng chữ của vua Thế tổ Gia Long ban tặng  : "Hương cống Trần Phác, quan trấn thủ Thiên Sơn".
- Rất tiếc là ta đã để sổng thằng giặc ấy.
Ông hương cống nói với con trai. Chu im lặng, lòng nghe đau nhói.

Vua Thế tổ Gia Long đã cho quật mả vua Thái Đức Nguyễn Nhạc và mả vua Thái tổ Nguyễn Huệ. Chu vẫn lấy cớ ở lại nhà hương khói cho mẹ, không chịu đến trấn đường ở với cha.

Một hôm có ông già thượng, xưng là người làng Chòm trên núi Thiên Sơn, đến gặp Chu.
- Cách đây nửa năm có người con gái đi ngựa đến làng, đưa vàng bạc cho già này, dặn đúng vào ngày tháng này thì mang thư đến cho con trai quan trấn thủ Thiên Sơn.
Ông già nói, trao thư cho Chu.

" Đến chỗ Thác Đổ trên suối Cái thì gặp em ". Thư chỉ có bấy nhiêu. Chu vô cùng hồi hộp, vì đó đúng là nét chữ của của Thư.
- Bác có biết Thác Đổ trên suối Cái không ?
- Biết. Ở trên núi thì chỗ nào là không biết.
Bấy giờ là cuối tháng bảy, giữa thu. Hoa lâm bồn nở ngát ở hai bên bờ suối. Lòng Chu nặng trĩu niềm vui. Có tiếng nước đổ.
- Tới chỗ rồi .
Ông già nói. Chẳng thấy bóng dáng một ai .
- Thư ơi !
Chu không còn giữ được, rán sức gọi thật to. Chỉ có tiếng dội của núi rừng đáp lại.
Bỗng ông già la :
- Úi, có ai chết .
Cạnh bờ dốc đá, có hai cái xác đã thối rữa, chỉ còn trơ xương. Chu xem kỹ là một xác người và một xác vật. Cố xua đi ý nghĩ hãi hùng, Chu lật thử bộ xương người lên. Chiếc thoa có khắc chữ Chu - Thư còn cài lên mớ tóc dài đen mượt.

Lúc tỉnh lại, Chu thấy mình nằm ở giữa ngôi nhà sàn. Ông già thượng đang ngồi bên cạnh.
- Chớ buồn đau. Hãy đem về mà lo chôn cất nó.
Ông già nói, trao Chu cái bọc vải. Có cả thảy là mười lạng vàng với mấy ngàn quan tiền.

Chu ngồi bật dậy :
- Ta chẳng trở lại chốn ấy đâu .
Quan trấn thủ họ Trần đã tìm ra chỗ ở của con trai :
- Hãy về lại trấn đường để sống với ta. Chớ làm ô danh dòng họ Trần.
Chu đáp :
- Con cam chịu bất hiếu với riêng cha, chứ không thể bất nghĩa với người đời.
Ông hương cống dỗ dành :
- Về đi thôi. Đường công danh đang chờ con.
Tới phút ấy Chu mới cặn kẽ lòng cha. Đâu phải ông hương cống họ Trần quí trọng cơ nghiệp của Chúa Nguyễn, mà chỉ sợ cơ nghiệp ấy đổ thì đường công danh của dòng họ ông cũng nghẽn tắt.
- Thôi, cha hãy về đi. Cứ xem như dòng họ nhà ta dã không có con.
Ông hương cống tím mặt, thét :
- Đồ bất hiếu. Ta cũng coi như đã không sinh ra ngươi.
Rồi nhảy lên ngựa, quay về.

Chu dùng số tiền bạc của Thư sắm gia súc, mở thêm nương rẫy cho làng. Chẳng mấy chốc dân làng trở nên giàu có. Bị ép buộc quá, Chu phải nhận chức tù trưởng làng. Cứ vào canh ba những đêm đầu tháng, tù trưởng làng Chòm lại ra bờ suối Cái. Chu đã tự làm khúc Rọ Rưa cho mình hát  :

Con nai mẹ nào chẳng thương con ù, triều đình nào chẳng gian dối .
Con trăn to hiền như đất ù, vua cũng một loài như quan.
Cây tầm năng nghìn tuổi ù, cũng đổ.
Chỉ tình em ù, mãi còn .

Bây giờ Chu đã quá tuổi bốn mươi, nhưng giọng hát ngọt ngào như đứa con trai mười tám. Người làng đã gọi Chu là ông Rọ Rưa. Con suối Cái cũng có tên Rọ Rưa từ đó. Suốt hai mươi năm ở núi, đêm đầu tháng nào Chu cũng ra bờ suối hát. Theo lời truyền tụng, có một đêm đầu tháng trời nổi giông sấm, mưa to gió lớn. Suối Cái gầm thét, nhưng lập tức  sau đó lại im. Khúc Rọ Rưa quen thuộc lại cất lên vang toả khắp núi rừng. Không thấy tù trưởng trở về làng, mọi người đổ ra bờ suối,  thì thấy Chu nằm áp người lên mộ Thư, chẳng còn nói, thở như thường ngày.

Mùa thu 1980 -  Mùa hạ  1990
Nguyễn Thanh Hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét