Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

BÀN THÀNH TỨ HỮU


Bàn Thành là thành Đồ Bàn, còn gọi là Chà Bàn, kinh đô Chiêm Thành, được xây dựng năm 982 dưới triền vua Chiêm Yangpuku Vijaiya, thời vua Tây Sơn - Thái Đức 1778 có tên là thành Hoàng Đế, sau này là thành Bình Định, cách Quy Nhơn 27 km đường lên Tây nguyên rẽ về hướng Tây Bắc. Bàn Thành tứ hữu là “ 4 người bạn thành Đồ Bàn”, ở đây là 4 người bạn thơ thành danh trong thời kỳ Thơ Mới. Đó là Hàn Mặc Tử (long - rồng), Yến Lan (lân), Quách Tấn (quy - rùa), Chế Lan Viên (phụng). Long - Lân - Quy - Phụng.

Trong hồi ký Bóng ngày qua, Quách Tấn kể rằng, Bàn Thành tứ hữu là một danh xưng của các bạn yêu thơ ở Bình Định, trong đó có ông Trần Thống, nhà ở làng Kiên Mỹ, huyện Bình Khê, nơi phát tích 3 anh em nhà Tây Sơn, tặng cho; chỉ là một nhóm bạn làm thơ và yêu văn thơ, không phải là một trường phái sáng tác. Có cách ám chỉ khác là Trường Thơ Bình Định, khi gọi như vậy có thêm Xuân Diệu vì mẹ ở Gò Bồi, Tuy Phước, khi thân phụ Xuân Diệu vào làm quan tại đây, lấy thiếp, sinh ra Xuân Diệu, quê cha ông ở Hà Tĩnh.

Chỉ là một danh xưng nhưng thành tựu và phong cách thơ của Hàn -Yến - Quách - Chế thể hiện phần nào tính cách của “ tứ linh” (Bốn con vật thiêng) Long - Lân - Quy - Phụng.

Tài thơ của Hàn Mặc Tử đã được xác định và có vẻ như càng ngày càng được đánh giá cao hơn.  Khi Hàn Mặc Tử chết, Chế Lan Viên đang ở Sài Gòn, Quách Tấn ở Nha Trang làm phán sự, Chế ngang qua Nha Trang dừng lại thăm Quách Tấn và hai người bàn với nhau về việc bảo tồn di sản thơ của Hàn. Quách Tấn cho biết, Chế rất thích bài thơ Một nửa trăng của Hàn :

 Hôm nay có một nửa trăng thôi
 Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi
 Ta nhớ mình xa thương đứt ruột
 Gió làm nên tội buổi chia phôi .

Thơ Hàn Mặc Tử lúc bấy giờ chưa xuất bản, nhưng được nhiều người nhớ, nhiều người thuộc. Đó là nhờ Chế Lan Viên . (…) Vốn Hàn coi Chế như em ruột và quý như bạn thân. Mỗi lần làm được bài thơ đắc ý nào đều đọc cho Chế nghe. Chế chép đem vào trường phổ biến. Một số đông học sinh xúm nhau chép lại và học thuộc lòng.

Tác giả Điêu Tàn - Chế Lan Viên mới 17 tuổi trình làng tập thơ này lại yêu thơ Hàn như vậy đủ thấy thơ Hàn vị trí ra sao, sau này Chế viết đại ý, mai sau thơ có còn lại được gì chính là Thơ Hàn Mặc Tử.

Quách Tấn là một trường hợp đặc biệt trong phong trào Thơ Mới và dường như chưa có công trình nghiên cứu nào khả dĩ nêu bật ra được cái đặc biệt đó. Trong khi mọi người hô hào phong trào thì Quách Tấn bó mình trong thể thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt với Mùa cổ điển. Có lẽ Quách Tấn tài tình ở chỗ dùng một thể thơ đang bị “ phong trào” loại bỏ mà vẫn được giới yêu thơ chấp nhận cho đến ngày nay. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoàn Thanh viết : “ Tiếng khóc âm thầm của con người dè dặt, kín đáo ấy, nó mới não lòng làm sao! Quách Tấn đã tìm được những lời thơ rung cảm chúng ta một cách thấm thía. Người đã thoát hẳn cái lối chơi chữ nó vẫn là môn sở trường của nhiều người trong làng thơ cũ”. Ít ai có tình cảm thủy chung như nhất như Quách Tấn với Hàn. Trong Mùa cổ điển, Quách Tấn có bài Mộng thấy Hàn Mặc Tử :

 Ơi Lệ Thanh ! Ơi Lệ Thanh !
 Một giấc trưa nay gặp lại mình .
 Nhan sắc châu pha màu phú quý ,
 Tài hoa bút trổ nét tinh anh .
 Rượu tàn thú cũ say sưa chuyện .
 Hương tạ trời cao bát ngát tình ,
 Tôi khóc , tôi cười vang cả mộng …
 Nhớ thương đưa gió lạc qua mành .

(Lệ Thanh là một bút danh khác của Hàn).

Trong 4 người, Hàn và Chế nguyên quán Quảng Trị, Quách Tấn và Yến Lan là người Bình Định nhưng Quách Tấn lại là người gốc Minh Hương, tổ tiên chạy sang Việt Nam khi phong trào “bài Thanh - phục Minh” thất bại, bị phong kiến Thanh khủng bố, chỉ có Yến Lan là Bịnh Định “rặt”. Trong lịch sử thơ ca nhân loại, có người chỉ cần 1 bài thơ là thành danh như Trương Kế với Phong Kiều Dạ Bạc, Thôi Hiệu với Hoàng Hạc Lâu v.v… riêng Yến Lan chỉ với Bến My Lăng làm nên tên tuổi của ông :

 Ông lão vẫn say trăng , đầu gối sách,
 Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng .
 Tiếng gọi đò , gọi đò như oán trách,
 Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng .

Trong những chuyên vui khi lấy bút danh, Yến Lan là trường hợp ít thấy . Rằng có 2 người bạn gái thân nhau tên Yến và Lan cùng thầm thương trộm nhớ anh chàng có lên Lâm Thanh Lang , sau một người tên Yến mất, anh thành duyên chồng vợ với người tên Lan và lấy luôn tên hai người làm bút danh. Cho hay người làm thơ vùng nào cũng lãng mạn lắm.

4 người bạn Bàn thành đều đã ra người thiên cổ, duy chỉ thơ còn lại.

TRẦN CHIÊM THÀNH

11 nhận xét:

  1. Vài góp ý nhỏ, đề nghị tác giả coi lại:

    1./ "...Xuân Diệu vì mẹ ở Gò Bồi, Tuy Phước, khi thân phụ Xuân Diệu vào làm quan tại đây, lấy thiếp, sinh ra Xuân Diệu, quê cha ông ở Hà Tĩnh..."

    Theo chỗ tôi được biết thì thân phụ Xuân Diệu vào "dạy học", tức là làm "thầy" chớ đâu phải "làm quan"

    2./ "...Trong Thi nhân Việt Nam, Hoàn Thanh viết:..."

    Theo chỗ tôi được biết thì tác giả cuốn "Thi nhân Việt Nam" là Hoài Thanh và Hoài Chân chớ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. nguyen ngoc tho23:56 3/4/13

      Em nhớ không lầm là Vua Yangpuku Vijaya (còn gọi là Ngô Nhật Hoan)_ Lấy tên Ông đặt cho kinh đô VIJAYA(Tiếng Champa)_ Phiên âm Hán_Việt là Chà Bàn hay Đồ Bàn(Thế kỷ 11_15) .

      _Thành VIJAYA(chứ không phải là VIJAIYA,dư âm I , anh Châu ơi)

      Xóa
    2. Thơ hỏi tui, nhưng Thơ ơi! Tui không biết tiếng Chăm nên hổng biết có phải zẫy không. Nhưng tra trên wikipedia thì thấy đúng như Thơ nói. Nhưng cái ông nội wikipedia nầy cũng không chánh xác đâu. Nó bảo "Kinh đô Vijaya: ... hiện nay tại xã Nhơn Hậu, huyện Tây Sơn,...". Vì là thành viên và có account ở đó nên tui đã chỉnh sửa lại như ta thấy bi giờ là: "...xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định..." đó Thơ ạ!

      Thực hư ra sao hãy chờ re - com của tác giả vậy!

      Xóa
    3. Trần Viết Dũng19:24 5/4/13

      Bửu Châu góp ý tiếp đi:

      3/ Hàn Mặc Tử (Nguyễn Trọng Trí) quê Quảng Bình (không phải Quảng Trị).

      Xóa
    4. Cảm ơn mọi người đã nhặt giúp một ít sạn. Những sơ sót kỷ thuật một phần cũng có lỗi của QTBK. Nay mai phải đọc lại kỹ hơn.

      Nhân tiện kể vui chuyện liên quan đến Bàn Thành Tứ Hữu, được nghe qua lời thuật của nhà giáo TranHaNam, đây mới là "sai sót kỷ thuật" lớn :

      Ngày vợ của nhà thơ Yến Lan mất mới đây, một chức sắc văn hóa trong đoàn đi phúng viếng thố lộ : Nhà thơ tên Lâm Thanh Lan(g), vậy chắc Bà tên Yến nhỉ !

      Các bạn nghĩ sao !?

      Xóa
    5. tranchau2007@vnn.vn17:58 8/4/13

      Yến và Lan là hai cô bạn thân , cùng yêu Lâm Thanh Lang , dường như tôi đọc ở đâu đó rằng Yến hoặc Lan mất trước, LTL lấy một người còn lại và dùng tên 2 người làm bút hiệu .

      Xóa
    6. Yến Lan lúc đầu dùng bút danh Xuân Khai, có khi là Thọ Lâm. Trong lớp ông dạy có 2 cô gái tên là Yến và Lan. Họ thường nói với nhau : Tao mầy chơi thân nhau, sau nầy chỉ lấy một chồng". Và sau cô Nguyễn Thị Lan là vợ của nhà thơ.

      Cô Lan sinh ngày 19.09.1919, mất ngày 06.01.2013 (25.11 năm Nhâm Thìn). Cha của cô Nguyễn Thị Lan với Ô. Nội chị Nguyễn Thị Phụng (có bài đăng trên QTBK) là anh em thúc bá.

      Xóa
    7. nguyen ngoc tho15:52 9/4/13

      @Chia sẻ cùng các anh chị & các bạn QTBK !

      Muốn rõ hơn về nhóm “Bàn thành tứ hữu”_ Xin mời các anh chị& các bạn hãy đọc bài viết của chị Lâm Bích Thủy (Trưởng nữ Nhà thơ Yến Lan_ Lâm Thanh Lang) qua :
      _SỰ THẬT VỀ NHÓM BÀN THÀNH TỨ HỮU
      _NÀNG THƠ TUYỆT VỜI CỦA BA TÔI
      • (Cả hai đã đăng ở trang xunau.org)

      Xóa
    8. Anh nguyen ngoc tho thiệt là "hà tiện" quá đi, không chịu đưa cái link cho nẫu dễ tìm. Ai muốn coi mấy bài mà anh nguyen ngoc tho giới thiệu cứ việc click chuột vô là có ngay, đây nè:

      SỰ THẬT VỀ NHÓM BÀN THÀNH TỨ HỮU

      NÀNG THƠ TUYỆT VỜI CỦA BA TÔI

      Xóa
    9. Nặc danh18:45 22/9/22

      Thành Đồ bàn không phải đường đi lên Tây nguyên mà là đường ra Bắc?

      Xóa
  2. nguyen ngoc tho21:29 9/4/13

    Dzẫy là hết …“miserly” rầu nhé !Cảm ơn anh Châu Bửu nhiều hén !

    Trả lờiXóa