Những
năm đầu thế kỷ trước, địa giới của tổng Vĩnh Thạnh, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định
bao gồm phần đất cả huyện Vĩnh Thạnh, cộng với phần đất xã Tây Giang, xã Bình Tường
của huyện Tây Sơn ngày nay. Tổng là một đơn vị hành chánh xưa, là cấp trung
gian giữa huyện và làng xã. Tương đương với cấp Tổng là Thuộc. Thuộc là đơn vị
hành chánh bao gồm những ấp, thôn, phường, nậu, man ở vùng ven biển hay miền
núi mới vừa khai phá. Tên gọi của nó được bảo lưu từ thời các chúa Trịnh - Nguyễn,
dùng để phân biệt với Tổng gồm những thôn, ấp đã được định cư lâu đời. Thuộc
còn được dùng để gọi cấp hành chính người Minh Hương (người Hoa) sống trên đất
Việt là Trang (làng), Thuộc (tổng), Bang (huyện).
Năm
1832, vua Minh Mệnh thực hiện cải cách hành chánh toàn quốc, Trấn Bình Định được
chuyển tên thành Tỉnh Bình Định. Các Ấp trong Trấn cũng được đổi tên, sáp nhập
hoặc lập thêm thành thôn xã mới. Trong những năm đó, ấp Vĩnh Long được cải lại
tên là thôn Vĩnh Thạnh. Thôn Vĩnh Thạnh với 45 thôn khác cùng nằm trong tổng Thời
Hòa của huyện Tuy Viễn.
Đến
năm 1841, hai tổng Thời Đôn và Thời Hòa của Tuy Viễn phân ra làm 4 tổng với các
tên gọi mới là Phú Phong, Mỹ Thuận, Nhơn Ngãi và An Ngãi. Thôn Vĩnh Thạnh thuộc
Tổng Phú Phong. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, vào năm Đồng Khánh thứ 3 (1888),
triều đình Huế trích lấy 10 thôn của tổng Phú Phong, 8 thôn của tổng Mỹ Thuận,
cộng với 28 thôn mới mộ khẩn của vùng cao nguyên (Tây Sơn thượng đạo cũ) để lập
nên huyện Bình Khê, thống hạt 4 tổng là An Khê, Tân Phong, Vĩnh Thạnh và Thuận
Tuyên. Tổng Vĩnh Thạnh có 10 thôn xã là Thạch Quang, Vĩnh Khương, Vĩnh Thạnh, Định
Thành, Định Quang, Tiên Thuận, Thượng Giang, Hữu Giang, Tả Giang và Trinh Tường.
Có nghĩa là tổng Vĩnh Thạnh thời ấy có địa giới từ Cầu Phú Phong hiện nay trở
ngược lên đến huyện Vĩnh Thạnh bây giờ.
Vào
tháng 3 năm 1908, dưới sự điều động của Chánh tổng Vĩnh Thạnh là Chánh Tổng Kham, dân
đinh các thôn xã nầy đã kết hợp cùng với người dân trong các tổng, huyện khác của
Bình Định đi đòi giảm thuế, giảm sưu. Phong trào xin xâu (sưu) kháng thuế kéo
dài mấy tháng liền suốt dọc dãy miền Trung, đã làm kinh thiên động địa cả triều
đình Huế, quan chức bảo hộ người Pháp ăn cũng không ngon, ngủ cũng không yên.
Người đời đã gọi phong trào nầy là Dân biến Trung Kỳ, còn triều đình nhà Nguyễn
thời ấy đã gọi những người dân chân lấm tay bùn đang đòi quyền sống đó là giặc
: Giặc Đồng Bào.
Thời
ấy người đứng đầu của cấp tổng gọi là Cai tổng hay Chánh tổng, có Phó tổng trợ
giúp. Người đứng đầu làng xã là Lý trưởng (Xã trưởng) được dân bầu ra. Người đứng
đầu các phủ, huyện như Tri phủ - Tri huyện thì được triều đình bổ nhiệm. Còn
Chánh tổng thì Tri phủ hoặc Tri huyện căn cứ vào tài năng, đức độ của người
trong hạt mà đề đạt lên cho quan đầu tỉnh giao trọng trách. Chánh tổng là cánh
tay vươn dài của phủ huyện vươn tới xã thôn. Nhiệm vụ của Tổng là thúc lương tiền,
đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức tuần phòng trộm cướp ở các xã thôn trên địa bàn.
Có lẽ với nhiệm vụ, vị trí nầy mà Chánh tổng cũng như Lý trưởng được dân tin cậy,
dân dễ dàng nghe theo lệnh điều động đi đòi giảm thuế, bỏ xâu thưở ấy.
Chánh
Tổng Kham người làng Thượng Giang, tên thật là Nguyễn Hàm. Chưa rõ năm sinh,
năm mất của ông, chỉ biết ngày kỵ của ông là ngày 4/5 ÂL hằng năm. Mộ phần của
ông hiện nằm ở gò đồi sát gần bên Bàu Hóc Yến - Thượng Giang ngày nay. Hóc Yến
là địa danh đã đi vào sử sách, là nơi mà Nghĩa quân Tây Sơn thời khởi nghĩa đã
hội binh, được Nguyễn Nhạc ban yến tiệc trước khi xuất quân tiến đánh xuống Tuy
Viễn, Quy Nhơn, để rồi sau đó vào Nam ra Bắc đánh tan quân Xiêm, đại phá quân
Thanh, lập nên công trạng hiển hách của Nhà Tây Sơn.
Cụ
Chánh Tổng là con thứ bảy của Tú Tài Nguyễn Chơn. Hồi ấy Thượng Giang có hai
ông Tú tài cùng đều họ Nguyễn là Tú Bốn và Tú Năm. Tú Năm chính là người cha của
ông Chánh tổng đã dắt dân đi làm giặc năm 1908. Còn Tú Bốn là cha vợ của Cụ Nghè
Nguyễn Trọng Trì. Cụ Nghè người thôn Vân Sơn tổng An Ngãi (nay là xã Nhơn Hậu,
An Nhơn), là người đã ứng nghĩa Cần vương, làm Hiệp Trấn căn cứ Thứ Hương Sơn của
nghĩa binh Mai Xuân Thưởng năm 1885 - 1887. Khi phong trào Cần vương ở Bình Định
tan vỡ, cụ Mai cùng một số tướng lĩnh bị xử chém ở Gò Chàm năm 1887, cụ Nghè
Trì trốn về quê vợ Thượng Giang ẩn náu. Đến năm 1895, vua Thành Thái cho bãi lệnh
truy tầm dư đảng Cần vương, cụ Nghè mới trở lại được quê nhà Vân Sơn. Trong thời
gian nương náu ở Thượng Giang, cụ Nghè lúc thì qua Thuận Ninh, lúc thì lên Vĩnh
Thạnh … để lẩn tránh sự truy lùng của triều đình. Làng Thượng Giang, làng Vĩnh
Thạnh bấy giờ thuộc huyện mới lập Bình Khê, chưa xác định rõ tổng Vĩnh Thạnh lúc
nầy ai làm Chánh tổng. Nhưng cụ Nghè Trì chắc có lẽ đã được gia đình cụ Tú Năm
bảo bọc, che giấu, vì cụ Tú Năm thời ấy là một nhân sĩ có vai vế, tiếng nói có
trọng lượng với hương chức ở địa phương.
Vào
thời Tự Đức, cụ Tú Năm Nguyễn Chơn được sung vào quân thứ sơn phòng, tham gia lực
lượng ngăn chặn sự quấy nhiễu của tộc thiểu số Đá Vách. Các vị cao niên trong
dòng tộc kể lại rằng cụ chịu trách nhiệm quân thứ ở An Lão, đã thực hiện được một
số nhiệm vụ, tạo ổn định trong cuộc đối đầu với giặc Đá Vách - Hré, nên sau được
triều đình ban hàm Hàn Lâm Đãi Chiếu. Có phải chăng cụ chính là một trong những
người đã có công xây dựng đoạn Trường lũy ở An Lão, một phần của Trường lũy Quảng
Ngãi - Bình Định mà mới đây các nhà khảo cổ đã ra công khảo cứu. Có câu chuyện
được kể lại rằng, khi từ sơn phòng hồi hương, cụ có đem về một ông voi trắng rất
hiền hậu. Sau Tổng đốc Bình Định đến xin, rất mến thương voi, nhưng cụ đành phải
cống cho quan trên.
Cũng
theo các vị cao niên ở Thượng Giang kể lại, Chánh tổng Vĩnh Thạnh thuở 1908 ấy,
cụ Chánh Tổng Kham là người hào sảng, có dáng phương phi, ăn to, nói lớn. Ăn
thì ăn được cả phần ăn ba người, còn tiếng nói thì sang sảng, chỉ hô lên một tiếng
là dân binh răm rắp vào hàng thẳng tiến đến Thành Bình Định. Có thể nói Chánh Tổng
Kham, với vị trí của ông, ông là một trong những người đứng đầu sóng ngọn gió
trong phong trào Dân biến 1908 ở Bình Định. Lực lượng nông dân biểu tình thời ấy,
có ngày được các Lý trưởng, Chánh tổng huy động đến cả vạn người, vây kín các
phủ đường. Pháp phải điều động 2 đại đội lính Âu từ Bắc vào để giải tỏa, đàn
áp. Phó soái của Cần vương Phú Yên trước đây là Bùi Giảng, sau ra đầu thú với
Pháp, làm tri huyện, đích thân lên thành cầm súng bắn thẳng vào đám dân áo lá
nón cời đang ngồi ngay ngắn đòi hỏi triều đình giảm sưu giảm thuế cho họ. Nhờ “công
trạng” giết đồng bào ấy mà Bùi Giảng được Pháp để mắt đến. Sau dân biến, Tổng đốc
Bình Định Bùi Xuân Quyến (Huyến !?) bị triệt chức vì ông dám ngăn cản Công sứ
Pháp xử chém dân vô tội vạ. Bùi Giảng được cất nhắc lên Tổng đốc, trực tiếp làm
án xét xử “giặc Đồng Bào” - giặc có cùng chung một bọc mẹ sinh ra. Trung Kỳ Dân
Biến Thủy Mạt Ký của Phan Chu Trinh ghi lại hành vi của Bùi Giảng lúc ấy : “… Quan kế nhiệm theo chỉ thị thêu dệt, cho
chém giết nhiều. Thảm thay.” Dân biến Bình Định có đến nghìn người bị bắt,
101 người bị phạt thành án. Chánh tổng Vĩnh Thạnh Nguyễn Hàm là một trong số 8 người
ở Bình Định bị án xử đày khổ sai ở Côn Đảo.
Án
đày Côn Đảo trong đợt dân biến ở Trung Kỳ năm ấy đa phần là những vị khoa bảng,
văn hào như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Tiểu La Nguyễn Thành, Phan Thúc
Duyện, Lê Bá Trinh … Chánh Tổng Nguyễn Hàm chỉ là một hào lý, ông không biết xướng
họa, vịnh thơ cùng với bạn tù để được có tên có tuổi chép trong Thi Tù Tùng Thoại
của cụ Huỳnh. Dù vậy, ông có vinh dự được đứng chung với nhóm tù “quốc sự” đã từng
làm đau đầu cả triều đình Huế một thời.
Minh
Viên - Thi Tù Tùng Thoại, Nhà xuất bản Nam Cường, bản in năm 1951 có kể lại :
Các người tù có chữ nghĩa
đó, cùng với các văn thân bị đày ra các năm sau, được bọn cai ngục gọi chung là
“tù quan to” và bị đối xử một cách “đặc biệt”. Cụ Huỳnh kể một câu chuyện cười
ra nước mắt : Một ngày nọ, có một chú mã tà nhỏ tuổi coi xâu đập đá thấy “tụi
quan to” đập đá ươn quá, tay cầm cây roi mây đi tự đầu này đến đầu kia hỏi từng
người : Mày cái gì? - Bẩm cử nhân. Chú cho một roi. Rồi cụ cho biết lúc chú
lính gặp một người mà khi bẩm có bộ cười, chú ta cũng cho một roi khá đau và bảo
: “Mày ăn nói vô lễ, cho một roi từ này về sau biết tay tao!” Rồi ấm sanh, tú
tài đều được ngọn roi ấy, duy có người xưng chánh tổng được khỏi roi (tr.48).
Xem
lại chuyện kể nầy, đúng là cười ra nước mắt trước kiểu đối xử đặc biệt với người
có chữ nghĩa của những kẻ chỉ biết cúi đầu nghe lệnh. Cũng qua câu chuyện kể nầy,
không biết ai là người xưng là chánh tổng mà không bị ăn roi !? Còn với riêng Chánh
Tổng Nguyễn Hàm, ông có bản tính của một thổ hào, dám làm dám chịu, có duyên nợ
với chốn lao tù : ông đã để lại một phần
thân thể của ông nơi Côn Đảo.
Trung
Kỳ Dân Biến Thủy Mạt Ký của Phan Chu Trinh có kể lại rằng các vị văn thân Quảng
Nam thì bị án lưu biệt xứ, ngộ xá bất nguyên (lưu đày đi khỏi xứ, gặp dịp ân xá
cũng không được tha), còn 7, 8 người Bình Định bị án đày Côn Đảo khổ sai chỉ 7,
8 năm. Nhưng theo nhớ lại của người nhà cụ Chánh Tổng Kham thì ông ở Côn Lôn
khoảng hơn 10 năm mới được về. Còn theo Minh Viên - Thi Tù Tùng Thoại thì nhờ
có sự vận động của Phan Chu Trinh và Hội Nhân Quyền của Pháp đã can thiệp, nên
cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng một số bạn tù được rời Côn Đảo vào năm 1921. Như vậy
tính từ năm 1909 là năm bị kết án, cụ Chánh tổng Vĩnh Thạnh Nguyễn Hàm có thể được
về một lúc cùng với cụ Huỳnh. Nếu được về trước thì trước cũng chẳng bao nhiêu
năm. Nhưng ông về đất liền với thân thể không còn nguyên vẹn. Những năm lao tù ở
Côn Đảo, ông đã bị … cung hình. Tiếc một điều là đến nay chưa ai có đủ điều kiện
để xác minh lại nguyên nhân ông đã bị cai ngục Côn Đảo hành hạ, xâm phạm đến
thân thể người tù.
Dân
biến ở Trung Kỳ xảy ra đến nay chỉ mới một trăm lẻ mấy năm.
Trăm
năm qua, chưa thấy ghi nhận lại là Dân biến ở Bình Định có nối kết với phong trào
Duy tân của các vị khoa bảng đất Quảng hay không. Bình Định chưa rõ ràng có dấu
tích hội nông, hội thương, hội học … hình ảnh Khai Dân Trí mà giống như Lý trưởng
Lê Cơ đã thực hiện hồi đầu thế kỷ trước ở làng Phú Lâm (nay là xã Tiên Sơn, huyện
Tiên Phước, Quảng Nam). Nhưng Bình Định là nơi mà Dân khí cũng hừng hực chẳng kém
gì nơi đất Quảng khai sinh phong trào. Tiếc là hiện nay chuyện những người nông
dân của tổng Vĩnh Thạnh đi “làm giặc” (!?) thời ấy, người dân ở đây chẳng mấy ai còn nhắc đến.
Trăm
năm qua, một cái tổng Vĩnh Thạnh nhỏ nhoi sau bao lần nhập tách địa giới, nay
có mấy người hình dung được diện mạo của nó !? Họa chăng chỉ biết được Vĩnh Thạnh
là tên một huyện của Tỉnh Bình Định ngày nay. Tổng Vĩnh Thạnh hồi ấy có những địa
danh mang âm hưởng, ngôn ngữ của người Banar, người Chăm mà cư dân còn sử dụng
cho đến bây giờ như Hà Nhung (Hữu Giang), Hà Riêu (Tiên Thuận), cầu Ba La, cầu
Cà Ná. Như vậy Vĩnh Thạnh là vùng đất mà xưa kia người Việt sống lẫn lộn với những
chiến binh quả cảm của tộc người thiểu số. Vùng đất nầy đến nay còn nổi tiếng có
món “Rượu Vĩnh Thạnh”. (Người Bình Định nay đã từng bắt được hương vị rượu Vĩnh
Phúc, Vĩnh Trường của Vĩnh Thạnh thì thấy “Bàu Đá” là loại rượu chẳng là gì cả
!?). Đó là những xúc tác đã sản sinh ra ở đây những con người khí khái như
Chánh Tổng Kham.
Trăm
năm qua, ở Bình Định hiện có mấy ai biết được có một ông Chánh tổng từng bị đày
khổ sai Côn Đảo chỉ vì dắt dân đi đòi hỏi quyền sống của mình !? Họa chăng chỉ
biết, chỉ nghe Chánh tổng là bọn cường hào của phong kiến !? Chánh Tổng Kham của
tổng Vĩnh Thạnh xưa đã từng can dự vào một sự kiện lịch sử của đất nước, từng bị
lao tù, bị hành hạ thể xác. Ông đã nằm xuống thầm lặng ở làng quê mà không có một
tiếng vang. Hiện nền nhà cũ của cụ Chánh Tổng qua dâu bể trăm năm, nay đã thành
thửa ruộng. Còn người trong nhà của cụ Chánh tổng Vĩnh Thạnh ngày xưa, nay chỉ vắn
tắt có mấy lời : Ông xưa là người “làm quốc sự”.
Trường Nghị
Hạnh nguyệt - Quý Tỵ niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét