Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

ĐỌC : "THƯ CHO BÉ SƠ SINH"


“THƯ CHO BÉ SƠ SINH” - Đỗ Hồng Ngọc


Từ sau lần gặp nhau đầu tiên với Đỗ Nghê -Đỗ Hồng Ngọc- tại Nha Trang khoảng năm 1970 cùng anh Trần Huiền Ân, cho đến nay đã đúng 40 năm chưa gặp nhau lại, cho dù sau này tôi vẫn có nhiều dịp lang bạt vào thành phố. Tuy chưa được gặp lại bên ly café (hay vài chai gì đó) ở một góc quán vỉa hè Saigon, nhưng tôi không có cảm giác xa anh -nhà thơ Đỗ Nghê- một thời trên tạp chí Bách Khoa, Ý Thức (…) đã làm tôi cảm phục! Tôi vẫn thường đọc anh trên các báo, nhất là những bài viết rất tâm huyết, sâu sắc trên tạp chí Văn Hóa Phật Giáo.

Khi đang còn là sinh viên Y khoa Saigon, anh đã cho xuất bản tập thơ đầu tay “Tình Người“ (1967) với một ý thức đúng đắn, một tấm lòng nhân hậu, một trách nhiệm cao của  người trí thức trẻ đang phải đối mặt với một tương lai đen tối của Đất nước (và của chính mình) trong chiến tranh và thù hận! Tập “Thơ Đỗ Nghê” (1973) được tiếp nối dòng cảm xúc “tình người” với người thân, người yêu, bằng hữu, và quê hương nhưng dòng chảy vững chải hơn, ào ạt và tha thiết, đã tạo được ấn tượng rất riêng, rất sâu đậm cho người đọc thời ấy (…).

Hôm nay nhận được “Thư Cho Bé Sinh & Những Bài Thơ Khác” của Đố Hồng Ngọc (Đỗ Nghê) ở tuổi 70, tôi rất cảm kích vì “biết anh vẫn là anh” của nhiều thập niên trước, luôn sống hết lòng với Thơ, với tình người, với cuộc đời. Anh tâm sự : “(..) Bạn đang có trong tay tập thơ -mà chẳng phải là thơ đâu- dàn trải của nhiều giai đoạn, nhiều thời gian -mà, thực ra cũng chỉ là một sát na- để tôi được cái may mắn tìm gặp những tâm hồn đồng điệu…”. Cái “satna” thiêng liêng quý báu ấy của thơ, của tình người, không phải chỉ có một mình Đỗ Hồng Ngọc “may mắn tìm gặp”, mà tất cả chúng ta -khi đọc thơ anh- cũng có được cái may mắn ấy !

Riêng trong bài ghi nhận ngắn này tôi chỉ xin được giới thiệu một bài thơ (trong gần 100 bài toàn tập), đó là bài “Thư Cho Bé Sơ Sinh” được anh viết vào năm 1965 khi còn là SV trường Y đang thực tập tại bệnh viện Từ Dũ Saigon.

Cách đây 45 năm -khi Đỗ Hồng Ngọc vừa ở tuổi 25- tuổi còn rất trẻ, nhưng ý thức về “phận người” của chàng thanh niên ấy thật sâu thẳm, với một tình thương thật bao la -chỉ bày tỏ qua một bức thư rất đơn giản, gần gũi- dành cho đứa trẻ vừa mới được anh giúp để chào đời thôi cũng đã thể hiện rất rõ nhân cách của người cầm bút :
 
Khi em cất tiếng khóc chào đời
Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười
Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao có kẻ cười người khóc
Trong cùng một cảnh ngộ nghe em …

Đứa bé vừa lọt lòng mẹ đang khóc vì bàng hoàng đau đớn, trong lúc tác giả (là bác sĩ) thì cười mãn nguyện hạnh phúc. Khóc / cuời -là hai trạng thái hiển nhiên của kiếp người- nhưng “cùng một cảnh ngộ” mà có kẻ cười / người khóc thì thật là chua xót biết bao! Nỗi đớn đau, tuỵệt vọng lại dâng lên cao hơn, khi được (người đi trước / đại diện cho đời) căn dặn “nhớ đừng hỏi tại sao” ! Không được “hỏi”, đồng nghĩa với sự “chấp nhận” hãy câm nín, mà chấp nhận bởi vì sự bất lực không có lối thoát của con người quá nhỏ bé trước muôn vàn cạm bẩy, khổ đau, bức bách, mọi cảnh ngộ được “sắp xếp” từ cái guồng máy khổng lồ của cuộc đời …

Anh nhỏ vào mắt em thứ thuốc mầu nâu
Nói là để ngừa đau mắt
Ngay lúc đó em đã không nhìn đời qua mắt thực
Nhớ đừng hỏi vì sao đời tối đen”

Thứ thuốc mầu nâu mà người thầy thuốc nhỏ vào mắt trẻ sơ sinh trong 1 - 2 ngày đầu tiên là Argyrol  -“mầu nâu” của Nitrat bạc đã được tác giả ví như một tấm màn che (mà không ai tránh khỏi) khi nhìn vào đời sống sau này- nó cũng hiển nhiên, tự nhiên, mà cũng là một “nỗi đau” khi nhìn thấy “đời tối đen” mà phải “nhớ đừng hỏi vì sao” (!). Cái bi đát của thân phận con người là sống mà không được tư do lựa chon, quyết định cho chính tương lai của mình, cuộc sống của mình. Vào thời điếm mà chiến tranh đang ngấp nghé lan tràn khắp đất nước, thì “số phận” của bao người nào có khác chi “thân phận” của đứa bé sơ sinh mà anh đã rất khéo để nhắn gởi, bày tỏ thái độ (dầu tiêu cực).

Khi anh cắt rún cho em
Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé
Vì từ nay em đã phải cô đơn
Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ

Là một người thầy thuốc -và cũng là một nghệ sĩ nhạy cảm với mọi biến dịch, thay đổi của cuộc sống- Đỗ Hồng Ngọc đã không cầm được nỗi xúc động rất tự nhiên, rất sâu kín đang dâng tràn trong tâm hồn anh khi cầm chiếc kéo cắt đi chiếc rún -cắt đi mối quan hệ thiêng liêng đã nuôi sống hình hài của bé trong hơn 9 tháng khoanh tròn ấm cúng trong lòng mẹ- để từ giây phút đó, “em đã phải cô đơn”, “em đã phải xa địa đàng lòng mẹ” ! Việc “xin lỗi chân thành” ấy, một lần nữa thể hiện tình cảm rất đăc biệt, quá đỗi chân tình của người được gọi là “đại diện đời”, dành cho tất cả những bé sơ sinh trên  mọi miền đất nước …

Em là gái là trai anh chẳng quan tâm
Nhưng khi em biết thẹn thùng
Sẽ biết thế nào là nước mắt trong đêm
Khi tình yêu tìm đến

Xa “địa đàng lòng mẹ” -cái còn lại duy nhất để xoa dịu, chở che, an ủi cuộc sống- đó chính là Tình Yêu. Là Tình Yêu Thương. Là trai hay gái, con người khi đã “biết thẹn thùng”, tức là tâm hồn thực sự bắt đầu cảm nhận được mối liên hệ xã hội gắn bó quanh mình. Và cho đến khi “biết thế nào là nước mắt trong đêm”, thì cái tình cảm ấy đã là máu thịt, sâu đậm và tha thiết lắm ! Ở đây, nhà thơ đã rất tế nhị dùng hình ảnh “nước mắt trong đêm” để nhấn mạnh đến những giọt nước mắt thầm lặng, dù hạnh phúc hay khổ đau cũng chỉ có riêng mình ấp ủ, sống với mà thôi. Đây cũng là một trong những mãng hình ảnh cô đơn của kiếp người khi nhập cuộc …

Anh đã không quên buột etiquette vào tay em
Em được dán nhãn hiệu từ giây phút ấy
Nhớ đừng tự hỏi tôi là ai khi lớn khôn
Cũng đừng ngạc nhiên sao đời nhiều nhãn hiệu

Để không bị “lẫn lộn” với những bé sơ sinh khác, người thầy thuốc sau khi hoàn tất việc phụ sinh, phải dán ngay một etiquette (tấm giấy ghi ngày giờ sinh, tên người mẹ, tên con, nếu có …), một lần nữa người thầy thuốc lại cảm nhận được một điều tiềm ẩn sâu xa, một bắt đầu cho thân phận người, cái tên gọi /  hay nhãn hiệu, mà mình phải ràng buộc suốt đời, như một nỗi oan khiên vì “Nhớ đừng hỏi tôi là ai khi khôn lớn” ! Sự hiện hữu khổ đau của kiếp người là do trùng trùng nhân duyên kết tụ, nên sự “tra vấn” “tôi là ai” cũng chỉ đem lại nỗi đau xót thêm mà thôi !

“Cũng đừng ngạc nhiên sao đời nhiều nhãn hiệu”

Cái “nhãn hiệu” dành cho riêng mỗi thân phận khi được “buột etiquette vào tay” đã là một nỗi khổ, lớn lên vào đời, lại “bị buột thêm” nhiều cái etiquette nữa (vào cổ) -và nhìn ngó quanh mình- thấy “đời nhiều nhãn hiệu” quá, càng tối tăm mày mặt không biết đâu mà mò ?  Nhà thơ đã ân cần căn dặn : “Cũng đừng ngạc nhiên sao đời nhiều nhãn hiệu”, bời “nhãn hiệu’ là một vấn nạn lớn của đời sống, đã (và đang) làm phân hóa lòng người, đảo điên cuộc sống, nhất là trong chiến tranh.

Khi em mở mắt ngỡ ngàng nhìn anh
Ạnh cũng ngỡ ngàng nhìn qua khung kính cửa
Một ngày đã thức giấc với vôi vàng với hoang mang
Với những danh từ đao to búa lớn
Để bịp lừa để đổ máu đó em

Hai đôi mắt đều “ngỡ ngàng nhìn”, một “ngỡ ngàng” vì lạ lẫm, một ngỡ ngàng vì bao nỗi xót xa (cho chính mình / cho phận người), khi luôn nhìn thấy “Một ngày đã thức giấc với vội vàng với hoang mang”. Một ngày bình yên cho đời người (và cả cho trẻ thơ) trong hận thù bom đạn là không thể có! Chỉ “với vội vàng, với hoang mang” mà thôi ! Vì sao?

Với những danh từ đao to búa lớn
Để bịp lừa để đổ máu đó em

Ý thức của người trí thức trẻ miền Nam -mà Đỗ Hồng Ngọc là tiêu biểu- đã thể hiện rất nhiều qua tác phẫm, qua biểu tình, qua những đêm không ngủ (…), nhưng cuộc chiến vẫn kéo dài lê thê, vẫn tàn phá làng xóm, phố thị, vẫn xô đẩy con người đi vào cuộc tuơng tàn. Chỉ vì “Để bịp lừa, để đổ máu” bởi những “danh từ đao to búa lớn” của các thế lực tranh giành từ bên ngoài luôn lấn áp trói buộc ! Lời dặn dò rất chí tình của “người đại diện đời ”  dành cho bé sơ sinh, cũng là nỗi buồn lớn của cả một thế hệ.

Thôi trân trọng chào em
Mời em nhập cuộc
Chúng mình cùng chung
Số phận
Con người …

Dù gì thì em cũng đã được sinh ra làm người. “Trân trọng chào em”, chào một mảnh đời cùng chung quê hương, số phận, với sự trân quý yêu thương và “Mời em nhập cuộc” như anh, như bao người đang ngày đêm trăn trở, khát vọng cho một tương lai yên bình và hạnh phúc !

Nhà thơ chắc dã không vô tình khi chọn “đối tượng” nhận thư là “bé sơ sinh” để trao gởi tâm tình, bày tỏ suy nghĩ chân thành trong tận đáy lòng mình, bởi vì, chỉ có những tâm hồn như nhiên trong sáng ấy mới có thể sẻ chia được trọn vẹn bao điều mà nhà thơ đã nhiều năm tháng băn khoăn trăn trở?

Những ngày cuối tháng 7/2010
MANG VIÊN LONG


THƯ CHO BÉ SƠ SINH

Khi em cất tiếng khóc chào đời
Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười
Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao có kẻ cười người khóc
Trong cùng một cảnh ngộ nghe em.

Anh nhỏ vào mắt em thứ thuốc màu nâu
Nói là để ngừa đau mắt
Ngay lúc đó em đã không nhìn đời qua mắt thật
Nhớ đừng hỏi vì sao đời tối đen.

Khi anh cắt rốn cho em
Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé
Vì từ nay em đã phải cô đơn
Em đã phải xa Địa Đàng Lòng Mẹ.

Em là gái là trai anh chẳng quan tâm
Nhưng khi em biết thẹn thùng
Sẽ biết thế nào là nước mắt trong đêm
Khi tình yêu tìm đến.

Anh đã không quên buộc etiquette vào tay em
Em được dán nhãn hiệu từ giây phút ấy
Nhớ đừng tự hỏi tôi là ai khi lớn khôn
Cũng đừng ngạc nhiên sao đời nhiều nhãn hiệu.

Khi em mở mắt ngỡ ngàng nhìn anh
Anh cũng ngỡ ngàng nhìn qua khung kính cửa
Một ngày đã thức giấc với vội vàng với hoang mang
Với những danh từ dao to búa lớn
Để bịp lừa để đổ máu đó em…

Thôi trân trọng chào em
Mời em nhập cuộc
Chúng mình cùng chung
Số phận
Con người…

Đỗ Nghê (Đỗ Hồng Ngọc)
Từ Dũ, 1965

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét