Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

TĨNH VẬT



   Giữa hai bờ sinh tử
   thoảng dậy một làn hương
   mắt em nhìn tĩnh vật
   ta nhận đóa vô thường
   Cao Văn Tam
   (Những ngày nằm bệnh viện)

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

NHỚ



Mùa Nam Cồ xác xơ vườn chuối nhỏ
Khóm trúc già tan tác mấy cành thưa
Mùa Nam Cồ ơi miền quê xa cũ
Dồng Dộc đâu rồi mấy ngọn tre đưa !?
HoaHueb

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

VƯỜN CŨ


Bây giờ, ngồi với tuổi bóng xế của mình, người ta hay nhớ quê, nhớ cha nhớ mẹ nay đã không còn, nhớ những kỷ niệm ngày xưa…Tôi cũng vậy, và tôi cũng hay nhớ những mảnh vườn cũ – nơi tôi tin rằng sẽ còn lưu giữ mãi mãi những kỷ niệm thời tuổi thơ của tôi.

Ngôi nhà của Ba Má tôi tọa lạc giữa một mảnh vườn rộng rãi. Từ tuổi lên tư - năm, hằng ngày tôi đã ra vườn dạo chơi một mình. Tôi thích cưỡi “ngựa phi đàng xa…” trên con ngựa gỗ Ba đặt ở một góc vườn, dành cho tôi. Vườn có bóng râm mát, cho tôi thích tung tăng với bóng mình, bóng lá trên đầu. Mỗi lần ra vườn cùng các chị, tôi luôn được chị hái cho ăn những quả ngon, thường là chuối, xoài, mận, ổi… chín bói hoặc dơi ăn dở, rứt từ trên cành xuống.

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

CHÔN BẠN

  

Mày đi lính đã bao năm
Phút giây thì đã ra nằm nơi đây
Vẫn là trời rộng đất dày
Quê người trước lạ sau mày sẽ quen
Nguyễn Đình Lương – 1972
(Muốn Quay Về Núi – 2011)


Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

FAMILY LÀ GÌ


Tôi va phải một người lạ trên phố khi người này đi qua.
“Ồ xin lỗi”, tôi nói.
Người kia trả lời: “Cũng xin thứ lỗi cho tôi, tôi đã không nhìn cô”.

Chúng tôi rất lịch sự với nhau.

Nhưng ở nhà thì mọi chuyện lại khác.
Tối nọ, lúc tôi đang nấu bếp thì cậu con trai đến đứng sau lưng.
Tôi quay người và đụng vào thằng bé làm nó ngã chúi xuống sàn nhà.

”Tránh ra chỗ khác” - tôi cau mày nói.
Con trai tôi bước đi, trái tim bé nhỏ của nó vỡ tan.

Tôi đã không nhận ra là mình đã quá nóng nảy.

Khi đã lên giường, tôi nghe một giọng nói thì thầm:
“Khi đối xử với người lạ con rất lịch sự, nhưng với con mình con đã không làm như vậy.
Hãy đến tìm trên sàn nhà bếp, có những bông hoa đang nằm ở cửa.
Đó là những bông hoa mà con trai con đã mang đến cho con.
Tự nó hái lấy những bông hoa này: nào hoa hồng, màu vàng và cả màu xanh.
Nó đã yên lặng đứng đó để mang lại cho con điều ngạc nhiên, còn con thì không bao giờ thấy những giọt nước mắt đã chảy đẫm lên trái tim bé nhỏ của nó”.

Lúc này thì tôi bật khóc.
Tôi lặng lẽ đến bên giường con trai và quì xuống:
“Dậy đi,con trai bé nhỏ, dậy đi.
Có phải những bông hoa này con hái cho mẹ không?”.

Thằng bé mỉm cười: ”Con tìm thấy chúng ở trên cây kia. Con hái cho mẹ vì chúng đẹp như mẹ. Con biết là mẹ thích lắm, đặc biệt là bông hoa màu xanh”.

Thế bạn có biết từ family có nghĩa là gì không?

FAMILY = Father And Mother, I Love You

Saule Francoise chuyển bài đến

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

CÔ MIÊN



Ngày ấy tôi đi !
Xa Miền Trung thương nhớ .
Đời phiêu lãng  rày đây mai đó .
Sống tha hương  nơi xứ lạ quê người .
Như chú ngựa non lạc bầy,
Giữa đường xa thiên lý.
Buổi giao thời bao cảnh biệt ly.
Đường học vấn cắt ngang từ dạo ấy!
Tuổi thanh niên vào đời chông chênh quá,
Giữa dòng đời mấy kẻ tri âm.
Mấy độ xuân sang, mấy mùa đông tàn,
Mộng cũng nhạt nhòa theo năm tháng

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

THÁNH THÓT CUNG ĐÀN

ĐỌC MUỐN QUAY VỀ NÚI – TẬP THƠ CỦA NGUYỄN ĐÌNH LƯƠNG


Xin trích lại lời giới thiệu của tác giả tập thơ Muốn quay về núi (NXB Thanh niên, 2011):

nguyễn đình lương
tuổi quý mùi
mót lang bòn đỗ
bán gùi mua chai
học hành cũng chẳng ăn ai
kéo vô ba sợi lai rai lắm điều
bình sinh khôn ít dại nhiều
hiện còn phiêu dạt quán lều
                     Tây Sơn
(bên dưới là chữ ký lương và đóng dấu triện đỏ vuông vắn).

Tôi thấy có điều rất lạ anh chỉ viết hoa từ Tây Sơn: hiện còn phiêu dạt quán lều  / Tây Sơn. Có thể với anh dù là cái tên, cái tuổi, kể cả đời sống vật chất và tâm hồn của mỗi người rồi cũng phiêu diêu. Chỉ có địa danh nơi anh sinh ra mới đầy tự hào với hai chữ Tây Sơn. Đất nước và con người quê anh trong Muốn quay về núi là những gì gần gúi thân thương nhất.

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

MƯỜI THƯƠNG



Một thương phụ nữ lên ngôi
Hai thương má hóp phấn giồi sẻ san
Ba thương xãnh xẹ đểm trang
Bốn thương răng khểnh chen hàng trắng phau
Năm thương tóc rối che đầu
Sáu thương đôi mắt ba đào chỉ thiên
Bảy thương luyến ngọc tham tiền
Tám thương em thích uy quyền hơn ra
Chín thương em vốn con nhà
Mười thương em chãnh … úi cha là mình !
Tú Gân

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

CHA VÀ CON


Người ta thường nói Cha Mẹ sinh con Trời sinh tính.
Nhưng không thể phản bác chuyện tính tình của đứa con có thể hình thành từ nếp sống của một gia đình, hình thành từ những câu chuyện cổ tích của ông bà kể lại, từ những tâm sự của chồng vợ, mẹ con, cha con quanh mâm cơm ấm cúng trong nhà …

Mỗi nhà mỗi cảnh, tùy gia thế, tùy phương cách, cha con có thể dắt dìu nhau để cùng bước trên đường đời. Bạn tôi, người bạn cùng lớp ngày xưa dưới mái trường Trung Học Quang Trung Bình Khê đã dẫn dắt bước đi cho con biết về với quê hương. Con cái bước vào tuổi trưởng thành phải tận mắt nhìn thấy những thiếu thốn, thấy được những thiệt thòi của người thân, những người dân quê quanh năm với tay lấm chân bùn.

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

TIẾNG VỌNG


TIẾNG VỌNG THỜI GIAN

Xưa, ta đứng gọi bên đồi
Lắng nghe tiếng vọng giữa trời ngân xa!
Giang hồ
Mỏi bước bôn ba
Nay ta gọi
Dội tiếng ta!
Bên đời …
Đỗ Kinh Thi

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

NHỚ THẦY NHỚ BẠN

NHỚ THẦY, NHỚ BẠN Ở TRƯỜNG CẤP 2 BÌNH KHÊ
(1950 – 1954)
Miễu Kê - Ngày xưa là nơi học hành của học sinh Cấp II Bình Khê

Năm 1950, năm khai sinh của Trường cấp 2 Bình Khê. Trường đóng tại thôn Mỹ Thuận, xã Bình An, trong khuôn viên cũ của đình làng Mỹ Thuận, có ba lớp 5, hai lớp 6 và một lớp 7. Trường hình chữ U, hướng chính nhìn về phía Nam. Cột cờ, Ban giám hiệu ở khoảng giữa, phía Đông và phía Tây là 2 dãy lớp học. Sân trường dùng chào cờ và các cuộc họp mặt quan trọng.

Vào buổi chiều 1951, chúng tôi đưa tiễn anh Lâm Thọ đi lính tại đây. Anh Bùi Thúc Kháng bắt nhịp để tập thể các lớp hát bài “Kết đoàn”, chữ cuối sau câu hát được thay bằng chữ Thọ :

“Kết đoàn chúng ta là sức Thọ”

Cuộc đưa tiễn cảm động. Có tiếng khóc thút thít trong các bạn học trò đưa tiễn. Các bạn học trò nữ thường mủi lòng.

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

NHỚ PHÚ PHONG


Hoàng hôn trên Sông Côn - Ảnh Đỗ Đình Thi


Nhớ lắm những ngày xa Phú Phong
Cứ nghe xon xót ở trong lòng
Chiều cầu Kiên Mỹ bao nhiêu đợi
Sớm quán Thiên Thanh chừng ấy mong
Cây Cốc hẹn hò duyên đã lỡ
Bến Đình mai mối nợ chưa xong
Sông Côn mùa lũ êm xuôi chảy
Mắc mớ điều chi đục nửa dòng !?
Từ Khánh Phượng (Khóa lớp 1969-1976)


Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

NÓI THÊM VỀ BÀI CHÒI



Theo Nguyễn Quang Thắng, Tiến trình văn nghệ miền Nam – H. An Giang, 1990.

Bài Chòi là một loại hình văn nghệ dân gian đậm chất nghệ thuật được sản sinh và phát triển mạnh suốt một khu vực rộng, kéo dài từ Nam Hải Vân đến miền Đông Nam Bộ.

Theo Hoàng Chương (1) thì bài chòi xuất phát ở Bình Định.

Tuy nhiên, theo với thời gian thì việc “đánh bài chòi” đã dần mai một (hiện nay chủ yếu tập trung ở Quảng Nam mà tiêu điểm là Hội An, được duy trì 2 kỳ mỗi tháng), biến thể của nó là hình thức sân khấu (2) như bài chòi pho, bài chòi tuồng có tính cách kịch bản, có thứ lớp như Phạm Công - Cúc Hoa, Thoại Khanh – Châu Tuấn, Thạch Sanh – Lý Thông … và sau này gọi là dân ca bài chòi (với đoàn dân ca kịch Liên khu 5)

Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

TIA NẮNG TÌM MÙA XUÂN


Nắng đi đi tận nơi nào
Ghé sang trước ngõ ghé vào trước sân
Nắng xuân nhẹ bước ân cần.
Đem hong tóc rối bên sân hiên nhà.
Nắng hồng nhẹ điểm gần xa
Hoa kia hé nụ làm quà xuân xinh
Mắt bừng màu nắng thủy tinh*
Hân hoan tim rộn bình minh đón chào
Diệp Kim Chi

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

TIẾNG GÀ TRƯA

TIẾNG GÀ TRƯA & 
NỖI NHỚ THƯƠNG HOÀI NIỆM MỘT ĐỜI


 đâu đó trong các làng quê, ngỏ hẻm hay phố thị Việt Nam ngày xưa – tiếng gà gáy trưa vẫn thình thoảng vang lên – rời rạc. đơn độc – giữa trưa hè oi nồng im vắng, nhưng âm thanh ấy lại có sức cuốn hút thật lâu dài trong lòng người như điệp khúc quen thuộc mà thật da diết của Quê Nhà…

Tiếng gà vang lên trong nắng trưa hanh vàng. trong nỗi lặng lẽ của đời sống tạm ngưng nghỉ sau một buổi quần quật bương chải vì cơm áo.

Âm thanh ấy – có lắm người nghe quen đến nỗi chằng hề để ý. thậm chí không lưu lại chút cảm xúc? Cứ mặc cho tiếng gà eo óc cô đơn…Cho đến một ngày nào – chợt nghe tiếng gà trưa vọng lại –và lòng bỗng rộn lên một niềm hoài cảm mênh mông…

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

DỊ THƯỜNG


Ba ngàn thế giới mưa bay
Biết tìm đâu một bàn tay ấm lòng*  (nvn)

từ ta xa lạ mỗi ngày
nghe thân thương vụt tầm tay
khuất dần

từ em rất mực lòng thành
buồn riêng cất giữ trên vành môi thơ

từ anh cứ khéo tỉnh bơ
ngoài kia thiên hạ thực mơ
cuống cuồng

cảm trong anh lẽ dị thường
chiêm bao, em nhắn một phương hẹn hò
Reu
19/11/2011

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

ANH HÙNG MAI XUÂN THƯỞNG VÀ BÀI THƠ TUYỆT MỆNH



Anh hùng Mai Xuân Thưởng là một trong những sĩ phu hưỏng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp. Ông sinh năm Canh Thân 1860, người thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Thôn Phú Lạc còn di tích vườn cam của ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng, là thân sinh và thân mẫu của ba anh em nhà Tây Sơn. Thân phụ của Mai Xuân Thưởng là Mai Xuân Tín, làm Bố chánh xứ Cao Bằng, khi mất được vua Tự Đức ban sắc truy tặng 4 chữ Trung Thuận Đại Phu.

Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

PHIẾN ĐỜI


Sáng và cơm vội
Đất lạ trời xa
Trưa nuốt qua loa
Khuya về cơm nguội

Từng ngày sáng tối
Một lối đi về
Xa lắc trời quê
Một vầng trăng lẻ

Vàng phai nhè nhẹ
Lặng lẽ thu qua
Ta nhìn lại ta
Một đời phiêu dạt

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

MÙA XUÂN CHO BÉ THƠ



Nhà Văn Nguyễn Mộng Giác gọi Thầy Nguyễn Ngọc Liễn - Hiệu Trưởng Tiểu Học Quận Lỵ Bình Khê bằng chú. Ông từng là Hiệu Trưởng Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn, Chánh Sự Vụ Sở Học Chánh Bình Định, có nhiều tác phẩm xuất bản trước 1975. Định cư ở Hoa Kỳ năm 1982. Sau 1975 ông có tập truyện Sông Côn Mùa Lũ, viết dưới bối cảnh khởi nghĩa Nhà Tây Sơn, in và phát hành tại Việt Nam.

Được tin ông mất, một bạn đọc, thân hữu của Quang Trung Bình Khê đã chuyển đến một truyện ngắn của Nguyễn Mộng Giác viết vào năm 1971. QuangTrung BinhKhe giới thiệu truyện ngắn nầy với mọi người.

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

TIN BUỒN



NHẬN ĐƯỢC TIN

Nhà Văn, Nhà Giáo  NGUYỄN MỘNG GIÁC  Sinh năm 1940 ở Bình Định
Nguyên trước là Hiệu Trưởng Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn
Định cư ở Westminster, Orange Dístrict, Cali.

Đã tạ thế ngày 02 tháng 07 năm 2012, lúc 22h15’ giờ địa phương. Hưởng thọ 72 tuổi
Cựu học sinh Trung Học Quang Trung Bình Khê nguyện cầu Thầy thanh thản cõi vĩnh hằng. Chia buồn cùng tang quyến và anh em cựu học sinh Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn.