Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

LONG BÀO CỦA DÂN GIAN


Xưa nay những ai quen biết, gặp gỡ Sơn Nam đều thấy con người của nhà văn có đầy đủ phẩm lượng về học vấn, vốn sống sâu dày dồi dào, tài năng và bút lực mãnh liệt.

Ông sinh năm 1926. Ở tuổi bát tuần, tác giả đã cho ra đời hơn 50 đầu sách viết về mọi lĩnh vực, các tác phẩm của ông có giá trị vượt thời gian. Ông là nhà văn lớn và có danh.

Thế nhưng, thuở sanh thời quanh tháng năm, người đời còn dễ thấy và tâm đắc quý mến ông hơn. Lúc nào bản chất ông cũng xuề xòa thiện cảm, chơi và sống với tất cả mọi người như “cá với nước, như cây liền cành”, nhất là với tầng lớp bình dân lao động, những ai nhà sát vách nơi ông ở và những nơi ông đến.

Có lắm lần chúng tôi đi thăm các đồng nghiệp ở tỉnh Bình Dương, lúc đi ngang qua chợ Lái Thiêu thấy số bà con người dân tộc S’Tiêng đang ngồi ở đó, ông hí hửng bảo dừng xe lại rồi tấp sà vào chơi với họ. Ông động lòng móc hết tiền trong bóp ra lì xì mừng tuổi họ. Rồi ăn khoai mì, hút thuốc rừng vấn lá họ mời, hỏi han trò chuyện cả buổi. Lúc tiếp tục đi ông nói : “Sướng nhứt là những người này họ chẳng biết mình là ai!”

Ngày nối tiếp ngày, vai đeo túi, đầu đội nón vải xập xệ lãng tử, ông ra đi vì nghiệp vụ, vì cơm áo gạo tiền khắp bốn phương trời. Chiều tối con chim quay về tổ trọ, có cộng đồng xã hội, bà con anh em, điếu thuốc, ly trà qua loa trò chuyện, mặt nhìn lại mặt nhau vang tiếng cười giòn giã. Trái tim lưu thông máu huyết, buồng phổi dồi dào hơi thở…

Sống như vậy, nên bất cứ lúc nào, thấy ông có nhà, mọi người đi ngang qua, đều xề vô chào hỏi niềm nở, ngồi chơi rồi bắt đầu râm ran mọi chuyện, tất cả mọi “thành viên” đều mặt mày hả hê tươi tắn. Mà ông cũng thích lân la qua nhà họ, xúm xít bên nhau đầm ấm khá đông cô bác. Vào nhà trọ nơi ông đang sống ngổn ngang sách báo đủ loại, trên vách còn trịnh trọng treo lắm bộ khăn đóng áo dài.


Như định kỳ theo tháng ngày Âm lịch, tại TP.HCM có các lễ hội lớn như ngày 1/8 húy kỵ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt tại Lăng Ông Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), ngày 18/2 Lễ hội Kỳ Yên, 17/7 lễ húy nhật (giỗ Ông) tại miếu Thành Hoàng Bổn Cảnh (quận 10), ngày 17/8 lễ Kỳ Yên các đình thần Phú Long, Lái Thiêu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh… nơi nơi đều tới tấp đem giấy mời đến cho ông.

Sơn Nam có những cuốn sách biên khảo, nghiên cứu về nghi thức và lễ bái của người Việt Nam, đình miếu và lễ hội dân gian, Lăng Ông Bà Chiểu và văn hóa lễ hội dân gian… Tác giả còn là bậc kỳ lão, trưởng lão tâm linh nhiệt huyết, lòng hoài cổ thiết tha gắn bó với lịch sử, cội nguồn văn hóa dân tộc, với lăng tẩm di tích lịch sử khắp mọi miền. Dịp kỷ niệm Sài Gòn – TP.HCM 300 năm (1698 – 1998), ông đã từng khăn đóng áo dài, túi thơ, năm ấy đi ra tận miền Trung cùng đầy đủ các quan chức, họ hàng địa phương và đến trước mộ phần của Nguyễn Hữu Cảnh ở thác Châu Ro – Quảng Bình hành lễ cúng bái đọc văn tế. Rồi quay về TP.HCM, ông đã cùng các quan chức, chính quyền, khách nước ngoài cùng đông đảo nhân dân đón giao thừa bước sang năm mới 1998, trong lễ hội trọng thể, hoành tráng tổ chức tại công viên văn hóa Tao Đàn, để tưởng nhớ công ơn lịch sử một công thần đã mang gươm đi lập quốc, mở mang bờ cõi phía Nam.

Tại nơi ở của ông, các bộ lễ phục khăn đóng áo dài được ông móc treo trên cao, nâng niu gìn giữ. Có sẵn đến vài chục bộ do bá tánh và các chùa đình ban tặng cho ông. Nó được may bằng vải lụa đúng quy cách, đủ sắc màu xanh đậm, vàng, đỏ tươi thắm. Hàng nút áo đơm cài chặt phía bên hông trái. Toàn thân áo hoa văn cổ kính, các Hán tự vinh thọ phúc… như cái bông, hình tròn tượng trưng cho nhật nguyệt.

Trong các ngày lễ hội, quốc lễ, ông mặc bộ lễ phục khăn đóng áo dài chỉnh tề, trân trọng đứng ra cúng bái khai hội… Đời thường trong dân gian, những bộ áo dài khăn đóng đáng kính này nhà văn Sơn Nam còn sử dụng rất nhiều lần. Đó là những lúc được ông lấy xuống săm soi, chải chuốt thật kỹ, để khuya sớm ra đi làm đại diện, chủ hôn, chủ tế trong các đám cưới, tang lễ, tân gia…

Các nơi tâm huyết của vị trưởng lão này thường không phải chốn giàu sang quyền quý. Có lần “rất oải”, tôi phải chở ông đi lắt léo, len thân qua lắm hẻm xó ngoằn ngoèo nhiều ngóc ngách. Đến nơi phải gửi nhờ xe gắn máy, lội bộ năm bảy đợt nữa mới vào được nhà thân chủ.

Các gia đình hữu sự này, ông nhớ ngày tháng vanh vách, hoặc cũng có lắm lúc họ đến mời nhắc. Họ là các cháu con, quả phụ của những nghệ sĩ cải lương, sân khấu, nhà văn, nhà báo, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ – bạn tâm giao nối khố của ông. Nay những người này không con trên cõi đời này nữa, gia cảnh neo đơn, thân nhân họ hàng cũng chẳng còn ai. Sự có mặt ông trong những ngày hệ trọng như vầy vô cùng cảm kích, đạo đức hơn cả ruột rà.

Đến giờ hành lễ, ông khăn đóng áo dài đứng lên cúng bái giữa nhang đèn nghi ngút khói. Giữa các đám ma, đám giỗ, người thân của họ nhìn lên di ảnh người quá cố trên bàn thờ, rồi nhìn ông rưng rưng nước mắt. Ông còn trầm ngâm kể lại nằm lòng về tiền sử, tài danh của những người đã khuất, những người bạn ông. Sống dậy biết bao nỗi niềm…


Còn trong đám cưới của các đứa trẻ đã mất cha vắng mẹ, ông chính là bậc thay thế phụ huynh của chúng đứng ra chứng giám và làm lễ cho đôi nam nữ kết hôn, thành vợ thành chồng. Sau phần nghi thức, đến giờ nâng ly chúc mừng trong mâm tiệc đãi đằng, khi cô dâu chú rể tiến về phía ông, ông nói : “Chúc tụi bây đổi duyên “cầm sắc” ra duyên “cầm vàng bốn số chín”!. Hoặc “Chín mươi chín năm hạnh phúc là được rồi cần gì phải một trăm”.

Bữa tiệc mừng tân gia, ông nói : “Con  hơn cha là nhà mất nóc!”. Mọi người trố mắt nhìn ông, ông nói tiếp “Đám trẻ bây giờ học hành, làm ăn phát đạt, chúng có tiền. Nhà cũ của cha mẹ bằng tôn, bằng lá, nay chúng xây lên được đôi ba tấm!”.

Bầu không khí ở các nơi có ông xuất hiện hài hòa, cảm động, dí dỏm và vô cùng hào hứng, sâu sắc.

Mấy ai đã từng được nhìn thấy vạt trước thân áo dài lễ phục của Sơn Nam ! Xen kẽ, ẩn mình giữa các hoa văn có lấm chấm những lỗ cháy thủng bằng đầu mút đũa. Cũng dễ hiểu, nó cũng là nạn nhân của những điếu thuốc lá liên tục của ông đó thôi ! Bộ lễ phục lúc đi xếp gọn vào túi xách mang theo. Khi đến chốn “công đường”, đến giờ bắt đầu làm lễ mới mặc. Luôn luôn bấy giờ giữa “Bá quan văn võ”, không phải do chính ông tự mặc vào, mà sẵn sàng có quý bà, quý cô tươi xinh tiến đến sát bên ông “nâng khăn sửa túi”. Với “đặc ân” ấy ông đã từng thỏ thẻ : “Thần linh khuất mặt cũng rất tâm lí đối với tôi!”.

Chưa dừng lại ở đó, bộ lễ phục của “kỳ lão” còn hải hồ lăn lóc. Ấy là những lúc tại nhà, đang ngồi êm ả viết lách, bỗng có điện thoại reo, đầu dây gọi có tiếng oanh vàng nhắn nhủ, hoặc nghe có tiếng gõ cửa bước vào âu yếm mời mọc. Họ là cô gái bán cháo lòng, là chú xích lô, xe ôm, là dân phụ hồ, thợ sửa vá các loại xe ngoài bờ ngoài bụi. Họ chính là “bạn thân” của ông, họ ăn nói rất dễ thương “Thưa bác Sơn Nam ! Nhà cháu mai chiều có gả chị gái lấy chồng”. Kẻ thì có đám làm tuần 100 ngày cho bà già. Hoặc xây mộ cho ông bà nội, ngoại, xây nhà, về nhà mới. Rồi “mời bác đi Hóc Môn, Bình Chánh, Thủ Đức… đứng làm chủ hôn, chủ tế… cho gia đình”.

Nhận lời ngay ! Lắm lần lúc trở về nắng khát ông tấp vào quán Sáu Linh quen thuộc gần nhà ăn uống, nghỉ xả hơi. Giờ xế trưa vắng khách, đám gái trai phục vụ ở quán quá quen mặt, quen lòng. Chúng lấy bộ khăn đóng áo dài bông hoa màu sắc quá đẹp mắt, đứa trai điệu nghệ thì mặc vào, đứa gái thì đứng bên cạnh ôm nhau làm cô dâu chú rể như đám cưới thiệt. Ông và khách khứa nhìn vào cười khoái chí vui vẻ cả làng.

Đã có lần chúng tôi đi chúc Tết đường xa về tới nhà mệt lả. Đặt bộ lễ phục chỗ bồn hoa phía ngoài, lo mở khóa mở cửa vào nằm nghỉ, bỏ quên luôn. Thấy vậy nhà lối xóm đem về cất giùm, chiều tối kêu tôi qua lấy về. Tôi thấy họ đặt trên bàn thờ nhà họ rất trọng quý.

Ai đó đã từng ví von về bộ lễ phục của nhà văn Sơn Nam một cách vẹn toàn ý nghĩa : “Long bào của dân gian”. Bốn năm qua đời, những bộ lễ phục của nhà văn đang được trang trọng đặt trong tủ kính tại nhà lưu niệm Sơn Nam ở thành phố Mỹ Tho – Tiền Giang.

ĐÀO TĂNG
(Bài và ảnh)  
           

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét