Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

CẬU BÉ ĐÁNH GIÀY



Lang thang trên mạng gặp bài thơ mà không biết tác giả là ai. Gởi về với các bạn

Các bạn hãy dành đôi ba phút phút để đọc hết bài thơ này, các bạn sẽ thay đổi suy nghĩ về hình ảnh của những chú bé đánh giầy nói riêng và cuộc sống nói chung. Nội dung đẹp đẽ của các câu chuyện cổ tích với mỗi người đọc chúng ta, dù đang ở bất k
 thời điểm nào cũng sẽ chẳng bao giờ là cũ kỹ
TrungNguyenHB



CẬU BÉ ĐÁNH GIÀY

Ông nhà giàu dạo bước
Trên phố quen hoàng hôn
Gặp chú đánh giày buồn
Lam lũ gầy khổ sở
Chú nhóc năn nỉ mời
Ông đánh giày cho con
Để kiếm vài đồng gầy
Mua cơm nuôi em nhỏ
Chạnh lòng thương trẻ khó
Ông lơ đãng gật đầu
Có đáng là bao nhiêu
Vài ba đồng tiền lẻ…

Giày xong ông móc ví
Đưa tờ 200 ngàn
Chú bé cầm ngần ngừ
Ông chờ con đi đổi
5 đồng thôi ông hỡi
Đủ bữa tối hôm nay
Anh em con gặp may
Xin ông chờ một chút…

Đã qua 30 phút
Cậu bé không trở về
Ông lắc đầu : chán ghê
Trẻ nghèo hay gian lắm…
Cơm tối xong đứng ngắm
Trăng mới mọc gió hiu
Trong vườn hoa thơm nhiều
Quên bực mình trẻ gạt…

Chuông cửa reo, tiếng quát
Đi chỗ khác mà xin
Nghèo khổ biết phận mình
Lộn xộn tao bắt nhốt…
Ông thong thả cất bước
Thấy một nhóc gầy gò
Đang mếu máo co ro
Giống tên đánh giày đó…

Có việc gì đấy cháu
Từ từ nói ta nghe
Anh bảo vệ yên nha
Đừng làm trẻ con sợ …
Thằng bé con ấp úng
Hồi chiều nay anh tôi
Cầm tiền của ông rồi
Băng qua đường đi đổi
Chẳng may bị xe cán
Gãy mất chân rồi ông
"Một trăm chín lăm đồng"
Bảo tìm ông trả lại !

Anh tôi giờ nằm liệt
Chỉ muốn xin gặp ông …
Một lần nữa chạnh lòng
Rảo bước theo thằng bé
Đến ổ chuột xập xệ
Gặp thằng anh đang nằm
Mặt xanh tái như chàm
Thở ra tuồng hấp hối
Nói gấp hơi như vội
Xin ông thương em con…
Cha mẹ đã không còn
Con đánh giày nuôi nó…
Nay không may con khổ
Chỉ xin ông việc này :…
Cho em con đánh giày
Mỗi ngày cho ông nhé …
Kiếm lấy vài đồng lẻ
Mua cơm sống mà thôi …

Chợt thằng anh duỗi tay
Hơi thở lịm như tắt …
Ông già trào nước mắt
Ta sẽ lo em con
Cho ăn học bình thường
Như bao đứa trẻ khác
Cứ bình tâm an lạc
Bệnh viện tiền ta cho…
Thằng anh đã xuội lơ
Hồn bay về thiên giới
Nhân cách nghèo cao vợi
Môi nhợt thoáng nụ cười
Nó sống trọn kiếp người
Dù nghèo nhưng tự trọng
Bao người giàu - danh vọng
Đã chắc gì bằng đâu ! …

Chú Bé Đánh Giày


.

4 nhận xét:

  1. Cám ơn các bạn đã đăng bài thơ "Chú bé đánh giày" của Phạm Ngọc Phương tôi, bài thơ đăng trên mạng lần đầu tiên ở Blog yahoo 360 beta của Phương vào khoảng năm 2009, lưu lạc trên mạng gần 3 năm bị sửa vài từ trở thành "Cậu bé đánh giày". Các bạn có thể xem bài thơ gốc ở đây : http://blog.yahoo.com/_PR3NEE5YT2QPCVLJNHUIQHUDXE/articles/80336/category/Th%C6%A1+Chuy%E1%BB%87n+t%C3%ACnh

    Nếu có thể, nhờ bạn sửa lại bài thơ và tên tác giả nhé ! Cám ơn rất nhiều !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đã vào các Web blog Theo link của thsngocphuong đưa thì thấy thông tin đúng như thsngocphuong đã nói.

      Riêng về thời gian post bài lần đầu tiên vì yahoo blog có thay đổi nên chưa thể kiểm chứng chính xác được; tuy nhiên, có thể xác định thời điểm muộn nhất mà thsngocphuong post bài này là trước 11:45h ngày 15/12/2010, căn cứ vào comments:

      PHẠM BÁ CHIỂU 11:45 15 thg 12 2010
      Cảm động đến rưng lòng khi đọc bài thơ thi sĩ Phạm Ngọc Phương. Về thơ dài mang hướng trường ca, mình vẫn thấy khó ai vượt Phạm Ngọc Phương nhât là thơ kể những câu chuyện cảm động về tình đời, tình người. Cảm ơn thi sĩ lại cho ta một câu chuyện xao lòng mà đời này sao hiếm thế, cũng hiếm như thi tài người thể hiện thành công câu chuyện vậy. Chúc một ngày mới tôt lành Chúc thi sĩ với tấm lòng nhân ái, đôn hậu sẽ cho ra đời nhiều tác phẩm để đời nữa.
      THSNGOCPHUONG 02:24 18 thg 12 2010
      Cảm ơn thi sĩ PBC đã đồng cảm sâu sắc!
      Bài này nên gọi là Văn có vần có lẽ đúng hơn, nhưng câu chuyện thì cảm động quá anh nhỉ ! P chuyển tải từ 1 câu chuyện của nước ngoài đó anh ! Chúc thi sĩ vui khỏe sáng tác nhiều thơ hay nhé!


      Như vậy có thể thấy rằng:
      Sau mấy năm lưu chuyển, qua n lần "SAO" (chép, dán và chỉnh sửa), bài CHÚ BÉ ĐÁNH GIÀY, của tác giả PHẠM NGỌC PHƯƠNG (Coi nguyên bổn ở đây ), đã trở thành "THẤT BỔN" như ta đã thấy.

      Thưa Mr. Phương cùng chư vị:

      1./ Người xưa đã nói ("cấm có sai"): "Tam sao thất bổn". Chỉ ba lần "sao" thì đã "thất bổn" rồi, huống chi "CHÚ BÉ ĐÁNH GIÀY" qua không biết bao lần sao nên nó trở thành "CẬU BÉ ĐÁNH GIÀY" và từ "20 ĐÔ" đã trở thành "200 NGÀN",v.v... Ở xứ ta thì chẳng có gì là lạ!

      2./ Ở xứ ta có một thói quen trên mạng toàn cầu là thường khi sao chép, trích dẫn, ít khi người ta đưa link gốc lắm. Họ chỉ ghi gọn nhẹ là "theo..." hoặc "sưu tầm trên Internet",... nên người đọc rất khó đối chiếu với nguyên bổn.

      Nói không phải khoe với Mr. Phương, chứ với tôi, khi trích dẫn của ai cái gì tôi đều đưa đầy đủ link gốc và cẩn thận hơn bao giờ tôi của sao lưu lại bài nguồn để phòng khi mạng toàn cầu có sự cố, không vào được link gốc thì ta có thể tra cứu, đối chiếu. Không tin mời Mr. Phương ghé lại đây coi cho biết tôi nói có thiệt không?

      3./ Trong cái re-com trên đây, Mr. Phương có có nói, bài đó "P chuyển tải từ 1 câu chuyện của nước ngoài", tức là Mr. Phương "phóng tác" hoặc "dịch thuật" chứ không phải do mình "sáng tác". Giá như Mr. Phương dẫn ra nguyên bổn câu chuyện nước ngoài được quý Mr. Phương chuyển tải đó, thì câu chuyện càng hấp dẫn và thú vị hơn!

      Xin cảm ơn chư vị đã theo dõi thảo luận của tôi!

      Xóa
    2. Thưa bạn Bửu Châu và các bạn đọc !
      Thể theo lời yêu cầu của Bửu Châu, Phạm Ngọc Phương xin đăng ở dưới đây nguyên văn chuyện ngắn nước ngoài, là khởi nguồn, cùng với hoàn cảnh cho bài thơ "Chú bé đánh giày" ra đời. Cám ơn các bạn !

      Xóa
  2. CÂU CHUYỆN NGẮN, NGUỒN CƠN CỦA “CHÚ BÉ ĐÁNH GIÀY”

    Kính thưa bạn Bửu Châu và các bạn dọc gần xa !
    Phương vốn rất hâm mộ các tác phẩm dịch và sáng tác của tác giả Nguyễn Hiến Lê, trong một lần đã nhiều năm về trước, đọc cuốn “Rèn Nghị lực để lập thân”, phần 1 chương 2 “Mà phải có tư cách” có chuyện sau :

    Một em nhỏ khác, đói rét, rách rưới, run lập cập, da thịt tái ngắt, đi bán hộp quẹt ở Edimbourg. Em năn nỉ mãi, một ông quý phái nọ mới mua giúp em một ống, đưa cho em một đồng bạc. Em không có tiền thối, lại năn nỉ ông cho em đem đi đổi, vì em đói quá, cố bán cho được để có tiền ăn lót lòng. Ông quý phái đợi một hồi lâu, không thấy em trở lại, nghi em đã giựt tiền của mình rồi.
    Nhưng tối hôm đó, một em gõ cửa xin vào thăm ông; em này nhỏ hơn em bán quẹt hồi sáng, cũng ốm yếu, lam lũ như vậy, móc túi lấy tiền đưa cho ông và thưa: “Anh tôi sáng ngày đổi tiền xong, trở lại trả ông thì bị xe cán, gẫy hai chân, bảo tôi mang tiền lại hoàn ông. Thầy thuốc bảo anh tôi khó qua được”. Nói xong, em oà lên khóc.
    Ông quý phái cảm động, cho em ấy ăn rồi đi theo tới nhà em ở, thấy một tình cảnh rất thương tâm. Hai em mồ côi cha mẹ, sống với một dì ghẻ suốt ngày say sưa trong một cái hầm hôi hám tối tăm. Đứa lớn nằm trên đống rơm, mở mắt ngó ông, than thở:
    - Thưa ông, cháu chết mất. Ai săn sóc cho em cháu bây giờ? Tội nghiệp nó.
    Ông ta rơm rớm nước mắt, vuốt ve nó, bảo:
    - Con cứ yên tâm, để ta săn sóc cho.
    Nó nhìn ông, như muốn cảm ơn, rồi tắt thở.


    Câu chuyện đó đã làm P cảm động rưng lòng, dù đã đọc nó từ nhiều năm về trước.
    Và trong một chuyến đi giảng dạy khoảng năm 2009 (P là giảng viên đại học), ngồi uống café nhìn thấy một cậu nhóc đánh giày lam lũ, năn nỉ mời một quý ông sang trọng cho mình đánh giày, ông này không cho, còn to tiếng xua đuổi, cậu nhóc buồn rầu bỏ đi, Cảnh tượng đó gieo vào lòng P tôi một nỗi niềm thương cảm, đêm về, P đã viết “Chú bé đánh giày”.
    Hồi đó P mới tập viết, nên các bài thơ trong blog là để tự mình xem cũng như một số bạn bè và học viên xem mà thôi, nên thơ viết xong đăng trong blog yahoo 360 Beta của P cũng không để tên và ngày tháng gì cả (Khoảng năm 2009), trải qua lần blog 360 beta thay đổi blog qua 360 Plus, P phải đăng lại từng bài thơ, nên không lưu lại dấu vết ngày tháng. Cho đến năm 2010, các bạn thơ mới viết những comment đầu tiên (Phạm bá Chiểu, 15/12/2010) rồi qua yahoo blog ngày nay. Từ năm 2010 thấy nhiều bạn cứ lấy thơ của P đăng lại trên blog của họ mà không hề ghi tên tác giả, P mới bắt đầu ghi tên mình vào các bài thơ đăng trên blog.
    Theo như P phán đoán, có lẽ bạn thơ nào đó đã thấy bài thơ trong blog của P từ khoảng năm 2009, không thấy ghi tên tác giả, thì nghĩ là P sưu tầm đâu đó trên mạng thôi, nên cứ gửi đi cho bạn bè của mình. Và các bạn đó lại phát tán bằng email và nhiều con đường khác, đến tháng 5/2011 thì một người bạn ở nước ngoài gửi email cho P bài thơ này với tên “Cậu bé đánh giày” thì P mới biết là bài thơ đã bay đi xa đến thế. Và nhân cảm hứng đã viết 1 bài thơ cảm tác “Bài thơ trở lại”, mời các bạn tham khảo ở đây. http://blog.yahoo.com/_PR3NEE5YT2QPCVLJNHUIQHUDXE/articles/80349/index

    Và đến khi báo điện tử Giáo dục Việt Namm và Dân Trí đăng bài thơ “cậu bé đánh giày” từ ngày 15/9/2012 theo sự sưu tầm của nhà thơ Bùi Hoàng Tám, thì đã có rất nhiều trang báo điện tử và cả các trang web cá nhân của lãnh đạo nhà nước VN cũng đăng. Niềm vui xen lẫn nỗi buồn, P đã viết 1 bài tâm sự “Cậu bé đánh giày, niềm vui & nỗi buồn” đăng ngày 26/10/2012 Mời các bạn tham khảo ở đây !
    http://blog.yahoo.com/_PR3NEE5YT2QPCVLJNHUIQHUDXE/articles/789111/index

    Vô cùng cám ơn bạn Bửu Châu đã bỏ công xem xét kỹ lưỡng và viết bài phân tích đối chiếu công phu. Và cả cám ơn bạn thơ nào đó đã phát hiện bài thơ lần đầu tiên trên blog của P từ năm 2009, đã gửi đi cho bạn bè khắp nơi, để bài thơ chắp cánh bay muôn phương, dù không có tên tác giả Phạm Ngọc Phương.
    Còn gì hạnh phúc hơn cho người viết thơ, khi bài thơ của mình được công chúng đón nhận và truyền đi rộng khắp phải không bạn Bửu Châu !

    Sài Gòn ngày 31/10/ 2012
    Phạm Ngọc Phương – T/g bài thơ “Chú bé đánh giày”

    Trả lờiXóa