Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

NGÀY XUÂN ĐỌC THƠ TÔN SĨ NGHỊ

TP Anh
Tôn Sĩ Nghị đào thoát về Bắc - Tranh của Vivi

Mỗi độ xuân về, bất cứ ai là người Việt Nam cũng đều nhớ đến chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) do vị anh hùng dân tộc Quang Trung lãnh đạo, đã đánh tan 29 vạn quân Thanh sang xâm lấn nước ta. Tưởng nhớ đến Quang Trung Đại Đế, chúng ta không thể nào không liên tưởng đến đối thủ sừng sỏ của Người là tên giặc già Tôn Sĩ Nghị (TSN).Y là một người đầy mưu lược, từng đạt nhiều công trạng trên cả hai mặt văn lẫn võ trong triều đình Mãn Thanh. Nhưng sau khi gặp một đối thủ cao tay hơn, TSN đã trở thành một con cáo hèn nhát trốn trong bộng cây, sau khi bị chúa sơn lâm săn đuổi. Và cũng từ đó, thân bại, danh liệt. để đến nỗi cuối đời bị chết trên đường đi chinh phạt.

Tuy nhiên, vốn xuất thân là quan văn, TSN từng có thơ được chọn in trong Tuỳ Viên Thi Thoại, một tác phẩm có giá trị văn học đời nhà Thanh, do Viên Mai biên soạn. Vậy hôm nay, xin gác lại một bên những sở đoản về võ nghiệp của TSN, chúng ta thử tìm hiểu vì sao thơ TSN được đưa vào tuyển tập thi thoại có tiếng này và thử phê bình một cách vô tư xem thơ TSN có xứng đáng được Viên Mai đưa vào tuyển tập thi thoại của mình không?

TSN bắt đầu sự nghiệp của mình bằng sự thành đạt trên con đường khoa bảng. Y đậu tiến sĩ dưới triều đại vua Càn Long (1711-1799), Trung Quốc. Đường hoạn lộ của y tương đối hanh thông, và cứ thế dần dần trở thành một nhân vật có tầm cỡ lớn dưới triều đại này (xin xem thêm tiểu sử tóm lược ở phần ghi chú bên dưới) (1)

Theo chính sách tuyển dụng nhân tài thời ấy của Việt Nam cũng như Trung quốc, văn chương chính là chiếc cầu dẫn dắt sĩ tử  bước vào đường hoạn lộ. Vì thế, sự thành công về văn  cử nghiệp của các quan chức thời ấy, cũng thường được kèm theo bằng những sáng tác có tính cách thuần túy văn chương, qua đó tác giả ký thác tâm sự riêng tư hay để xướng họa, trao đổi với bằng hữu.

Chắc chắn TSN ít nhiều gì cũng đã từng có những sáng tác như vậy, đưọc phổ biến, trao đổi trong phạm vi  gia đình và thân hữu. Nhưng dường như TSN chỉ rành về văn chương cử nghiệp, đủ để giật được mảnh bằng tiến sĩ, rồi thôi. Việc sáng tác mang tính chất văn chương thuần túy hầu như không được phát triển đều  đặn trong suốt chiều dài con đường hoạn lộ  của y. Cũng có thể thơ TSN không đủ hay để được người đương thời trân trọng, lưu giữ cho mai sau, rồi dần dần rơi vào quên lãng.

Vì thế, thơ của TSN chỉ lưu lại rất ít. Đối với đa số người Việt, chúng ta chỉ gặp được có hai bài thơ, gọi là thơ “bình nam” (bình định phương nam, chỉ Việt Nam chúng ta), trong đó một bài TSN đã làm trong lúc thống lĩnh 29 vạn quân Thanh xâm chiếm nước ta vào  năm Mậu Thân (1788) và bài còn lại làm sau khi bại trận được triệu về kinh. Hai bài thơ đó được người đồng hương Triết Giang với TSN, sống cùng thời với TSN là Viên Mai (1716-1797) đã đưa vào Tuỳ Viện Thi Thoại của mình. (2)

Trong Thoại mang số 569 (3)  Viên Mai giới thiệu 2 bài thơ đó như sau:

“Mùa đông năm Nhâm Tý (1792), tôi qua đất Hoài, trên tiệc rượu được nghe Tư mã Nghiêm Địch Đình, đọc mấy bài của Tướng quân Tôn Sĩ Nghị khi cầm quân chinh phạt phưong nam  rằng :  …… (4). Tiếp đó, Viên Mai chép 2 bài thơ này. Cả  bài đều không có nhan đề.



BÀI 1
Loan thành khâm đới tiếp trùng dương
Thượng hạ tư văn cảnh vật hoang
Dần vụ giao diên công yểm nhật
Đinh nam nha chủy quán canh sương
Nhập vân bản động bàn thiên chiết
Giáp đạo ông đồ võng tứ trương
Tối thị mã tiền phiền úy lạo
Tân lang mãn hạp đáng hồ tương

Chú thích của soạn giả (Viên Mai) và dịch giả (Trương đình Chi)

Loan thành: Dịch giả Trương Đình Chi cho rằng “có lẽ đây chỉ Long thành, thành Thăng Long, nhưng ông cha ta không dám gọi Long Thành trong các văn thư giao tiếp với TSN lúc đó, vì chữ LONG là rồng chỉ để nói đến Hoàng đế Trung quốc mà thôi”

Nha chủy là mỏ quạ, nha chủy sừ là cái cày hình mỏ quạ

Ông đồ: Soạn giả Viên Mai tự ghi chú rằng:” thổ dân gọi quan lại của họ là ông đồ. Đi lại thường dùng võng nằm thay kiệu”. Theo dịch giả Trương đình Chi thì điều này soạn giả đã hiểu lầm! Sự thực, các triều đại ta xưa đều có đủ quan tước y như Tàu, nhưng trước mặt TSN không dám xưng hô đúng chức tước, mà gọi chung là “ông đồ”.

Theo một nhà biên khảo, 2 chữ “ông đồ” không đúng với văn phạm chữ Hán và cho là có thề người đời sau chép sai do “tam sao thất bổn”. Nhưng theo ghi chú của soạn giả Viên Mai, chúng ta có thể đoán rằng TSN đã ghi lại nguyên văn 2 chữ “ông đồ” theo cách nói của người Việt, mà  ngày nay chúng ta thường đặt những chữ đại loại như thế vào trong 2 ngoặc kép.

Hồ tương là hũ đựng tương, do câu” Đan tự, hồ tương dĩ nghinh vương sư” (có nghĩa là: thúng cơm, chĩnh tương đón tiếp quân của bậc vương giả) Ý TSN muốn nói dân đón mừng quân đến “dẹp giặc” cho họ,mang gạo thịt ra khao quân sĩ.

Nghĩa toàn bài:

Vòng đai bao bọc Loan thành tiếp giáp biển khơi.
Từ trên xuống dưới, việc văn học và cảnh vật đều tan hoang.
Từ giờ dần, sương mù dày đặc như nước giãi con thuồng luồng che phủ mặt trời.
Trai tráng dùng cái cày như mỏ quạ, quen đi cày từ sáng sớm.
Các vách núi, hang động lẩn trong mây, quanh co trăm nghìn đoạn.
Liền chật trên đường là các ông đồ đi võng khắp bốn phía.
 Rất phiền là trước ngựa luôn luôn úy lạo mọi người.
Cau trầu đầy hộp thay cho hũ tương

Phê bình bài thơ trên:

Theo lời Viên Mai thì ông nghe đọc bài thơ này cùng với một bài khác gọi là thơ “bình nam” của TSN vào năm Nhâm Tý (1792) tức là  3 năm sau ngày TSN bại trận nhục nhã tại VN trong mùa xuân Kỷ dậu (1789). Nhưng theo những chi tiết trong bài thơ , chứng tỏ TSN sáng tác  bài thơ này trên đường bắt đầu đưa quân xâm lấn Viêt Nam, tức là trong năm Mậu Thân (1788)

Trước hết, xét về niêm, luật, vận thì bài thơ này luật bằng, vần bằng. Cấu trúc niêm, luật, vận đều đúng  (chữ thứ 2 của các cặp câu 1 và 8, 2 và 3, 4 và 5, 6 và 7 đều niêm với nhau), không có gì sai sót. Một người từng quen với thơ cử nghiệp như TSN không lẽ nào lại sai phạm  những điểm cơ bản này.

Nhưng xét về bố cục, thì bài thơ này sai phạm qui luật về thi pháp, điều mà một người từng quen với thơ cử nghiệp bắt buộc phải tuân thủ nghiêm nhặt.

Theo qui luật thì bố cục một bài thơ Đường như sau:

-  Câu 1: Phá đề : nhập đề, giới thiệu tổng quát đề tài
-  Câu 2: Thừa đề: kết nối câu nhập đề với 2 câu thực tiếp theo
-  Hai câu 3 &4 : Hai câu thực (còn gọi là 2 câu trạng) là 2 câu miêu tả chi tiết đề tài. Hai câu này bắt buộc phải đối nhau về nghĩa, về tự loại, về thanh
-  Hai câu 5 & 6: Hai câu luận (còn gọi là dẫn luận,hay bồi thẩm) là 2 câu suy luận, quảng diễn chi tiết đề tài. Hai câu này cũng bắt buộc phải đối nhau về, nghĩa, tự loại và thanh như 2 câu 3 & 4
-  Câu 7 gọi là Thúc kiết, hay Chuyển, là câu chuyển tiếp từ miêu tả, suy luận ở trên đến kết luận
-  Câu 8 gọi là Hoàn kiết hay Kết, là câu kết luận

Đem luật thơ chặt chẽ trên đây làm tiêu chuẩn để xét bài thơ TSN, trước hết là xét về cách dùng từ,  chúng ta thấy như sau:

1. Cặp câu Thực đối nhau không chỉnh: “dần vụ” đối không chỉnh với “đinh nam” !
2. Cặp câu Luận cũng đối nhau không chỉnh: “bản động” đối không chỉnh với “ông đồ”. Bản, động là 2 danh từ chỉ hai vật riêng biệt (bản=vách núi & động=hang), trong khi “ông đồ” chỉ cho 1 người
3. Về bố cục có sự lộn xộn, không chặt chẽ theo đúng luật. Câu 3 đang tả cảnh, nhảy sang câu 4 tả người. Rồi câu 5 quay lại tả cảnh, và câu 6 trở lại tả người!!!. Vậy cặp nào là “thực”, cặp nào là “luận” đây?

Đáng lẽ, TSN phải ghép Ý của hai câu 3 và 5 làm hai câu thực (miêu tả cảnh vật) rồi ghép Ý của hai câu 4 và 6 thành hai câu luận (nói về tập quán của dân chúng địa phuơng) mới hợp tình và hợp lý theo luật thơ đã qui định đối với 2 cặp thực và luận.

 Xin lưu ý :ở đây chúng tôi chỉ nói về Ý, chứ không phải đề nghị đem  hoán chuyển thứ tự các  câu, vì hoán chuyển sẽ đảo lộn hết luật về thanh và vận của cả 4 câu.

Tiếp theo, hãy xét về kỹ thuật làm thơ. Bài thơ này là một bài thơ vịnh cảnh trên đường TSN dẫn quân xâm lăng nước ta. Thơ vịnh cảnh, thường bắt buộc phải nêu ra những đặc trưng của cảnh, để nhìn vào cảnh đó, người đọc không thể lẫn lộn với bất cứ cảnh nào khác.  Trong bài thơ trên, TSN chỉ nêu được 2 đặc trưng của cảnh Việt Nam là các ông đồ và hộp đựng trầu cau mà thôi. Còn những cảnh khác ta có thể thấy ở bất cứ nơi đâu. Chúng ta cũng có  thể gặp “vòng đai thành tiếp giáp biển khơi” , “sương mù giờ dần che mặt trời”, “trai tráng quen đi cày sớm”, “các vách núi và hang động lẩn khuất quanh co trong mây” ở Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam, Quảng Châu Loan, thuộc Trung quốc chứ không phải chỉ  ở Việt Nam mới có những cảnh chung chung như thế này.

Cuối cùng là xét về ý tưởng trong bài thơ. Chúng ta thấy ý trong toàn bài rất rời rạc, theo cái cách ghép nhặt “bạ đâu ghép đấy” cho thành một bài đủ 8 câu mà thôi! Chúng ta thử tóm tắt ý của 8 câu thơ sẽ thấy sự thiếu nhất quán của bài thơ:

Câu 1: Vị trí địa dư của Loan thành
Câu 2: Cảm tưởng của người viết trước sự băng hoại mọi mặt của nước ta?!
Câu 3: Cảnh trên trời vào buổi sáng
Câu 4: Tập quán lao động của nông dân
Câu 5: Cảnh trên miền thượng du 
Câu 6: Cảnh những “ông đồ”  đi võng gặp đầy trên đường tiến quân
Câu 7: Than phiền vì phải ủy lạo dân chúng đón trước ngựa
Câu 8 : Than phiền vì dân chúng không đem lương thực ra mời mà chỉ mời toàn bằng trầu cau!

Chúng ta không biết chủ đích TSN muốn nói gì trong bài thơ được ghép lại bằng những câu thơ mà ý tứ rời rạc như thế này !?

Hãy đem 1 bài thơ Đường luật của một người Việt Nam chưa hề ra vào trường thi và cũng chưa hề có mảnh bằng cấp nào, so sánh với bài thơ này của TSN thử xem sao. Chúng ta có thể đơn cử 1 bài thơ của bà Huyện Thanh Quan :

QUA ĐÈO NGANG
Bước tời đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước
Một mảnh tình riêng ta với ta

Câu 1 : phá đề: nhập đề, đặt đề tài vào một thời điểm thích hợp với nội dung của toàn bài
Câu 2 : thừa đề: kết nối với câu nhập đề bằng một câu  phác hoạ bao quát, chỉ cho người đọc thấy cảnh từ xa với đá, cỏ cây, hoa lá.
Cặp câu thực 3 & 4 : miêu tả chi tiết cận cảnh. Cảnh trong hai câu thực này chọn rất phù hợp để báo trước sự tương tác giữa cảnh và tình trong hai câu luận bên dưới
Cặp câu luận 5 & 6: Bốn câu trên, cảnh hoàn toàn tĩnh lặng, chỉ trong hai câu luận này mới có tiếng động là tiếng chim kêu. Ở đây không có “tức cảnh sinh tình” một cách thụ động, mà cảnh đã tác động rất mạnh vào nội tâm. Tình đã đầy ắp trong tâm thức, chỉ chờ cảnh tương xứng  đánh thức trào cảm dạt dào của nội tâm
Câu 7 : câu chuyển tiếp, cảnh đã chuyển thành một không gian bao la trước con người bé nhỏ, báo trước ý chính của chủ đề trong câu kết luận
-   Câu 8 : kết luận là nỗi cô đơn của con người có tâm sự riêng trước ngoại cảnh

Ta thấy rõ: ý tưởng trong toàn bài liên kết với nhau theo một trình tự có tính nhất quán, bố cục vô cùng chặt chẽ, thực ra thực, luận ra luận, không thể chê vào đâu được .Còn các chữ trong từng cặp một của 2 cặp thực và luận thì đối nhau chan chát :

danh từ đối với danh từ:  tiều / chợ  ,    sông / núi   ,   nước/ nhà,    quốc quốc/ gia gia,   lòng/ miệng
động từ đối với động từ :lom khom/lác đác ,  mỏi /đau
giới từ đối với giới từ : dưới/bên
số từ đối với số từ : vài/mấy
mạo từ đối với mạo từ : con/cái

Chúng ta thấy gì qua hai bài thơ của hai tác giả, kẻ Hoa, người Việt này? Cả hai người đều làm thơ đường luật, một người có học vị cao, sử dụng Hán văn là tiếng mẹ đẻ, còn một người chẳng có học vị nào, học Hán văn  là ngôn ngữ nước ngoài, mà sao thơ của người kia như đống thau xỉn xấu xí, còn thơ của người này thì lấp lánh như vàng ròng?  

(Còn tiếp)
.

2 nhận xét:

  1. trần bá nghĩa09:38 26/1/12

    sao lại đem so như vậy?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hề hề ! nghĩa là thơ của Tôn Sĩ Nghị không xứng đem ra so với bà Huyện nhà ta hữ.

      Xóa