Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

KHÔNG MỘT TIẾNG VANG

Bình nguyên Lộc



Anh chết mà không có một tiếng vang : “Anh chết không tên, không tuổi vì cái nghề xúc cát cất nhà cho những người có tên tuổi ở” ...  (QuangTrung BinhKhe giới thiệu một truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc, một người viết văn ký tên dưới các bài của mình với từ nguyên không viết hoa)



Dòng nước đã đứng ròng. “Đứng” là không chảy nữa, còn “đứng ròng”, khác với “đứng lớn”  là nước chảy xuôi dòng ra biển, chớ không phải chảy ngược nguồn, như khi nước đã ròng sát.
Rình con nước từ sớm đến giờ, anh Nhánh nói :
-  Thôi, phụ đem ghe ra cho tao, mầy.
Anh gọi vợ anh theo lối nhà quê, kêu chị bằng “mầy” và xưng “tao” với chị.
Chị Nhánh đang thổi lửa nấu cơm, vội đứng lên, rồi cả hai vợ chồng nhổ sào, chống chiếc ghe nhỏ ra giữa dòng sông.
Khúc sông Đồng Nai ở đây khá rộng, và đó là con sông sâu, tàu lớn chạy được. Nhưng kỳ lạ chưa! Hai vợ chồng anh Nhánh chỉ dùng sào ngắn mà chống, đầu sào chìm dưới nước cỡ lối ba thước thôi. Khi ghe ra tới giữa dòng sông, họ không bỏ neo mà cũng chỉ cặm sào như trong bờ cạn, làm như đây là một con rạch nhỏ, thật nhỏ.
Anh Nhánh mặc quần đùi, mình trần trùi trụi đưa cái lưng đen thui ra. Anh cầm một cái thúng nhỏ, đứng trên be ghe và toan “lông-rông”. Nhưng chị Nhánh nói :
-  Khoan đã ! Để tôi bắt nồi cơm.
Đây là một loại công việc phải hai người làm mới được, nên anh đành phải đợi vợ nhưng sốt ruột, anh hối thúc :
-  Đại đi ! Cho mau đi !
Nồi gạo vo rồi, được chị Nhánh bắt lên chiếc cà ràng mà bây giờ lửa đã cháy hỏa hào hỏa đế rồi. Chị vội vàng lắm vì chị biết chồng chị sốt ruột có lý. Rồi chị chạy trở ra phía trước ngay, nhảy lên mui, để bước cho được lẹ hơn là bò dưới cái mui ghe thấp quá ấy.
*
Anh Nhánh không day lại, cũng biết rằng vợ anh đã ra tới nơi. Anh xách thúng phóng lẹ xuống nước, đầu trước, cẳng sau.
Chị Nhánh nghe một cái tùm, thấy nước bắn lên trắng xóa và mặt nước khép lại trên người của chồng chị.
-  Một... hai... sáu... chín... mười hai... mười lăm... hai chục...hăm tám... băm hai...
Chị Nhánh đếm tới đó thì nước dợn rồi một cồn cát nổi lần lần lên. Nước sông trong vắt nên chị thấy được màu cát vàng hồi nó còn ở sâu dưới nước non một thước. Cồn cát cứ trồi, trồi lần và nổi lên khỏi mặt nước. Đó là một cái cồn nhỏ bầng chiếc nón lá... Không ! Đó là thúng cát đầy vun mà anh Nhánh đội trên đầu. Thúng cát vừa nổi lên khỏi mặt nước thì chị Nhánh vói tay xuống bưng lên đổ vào khoang ghe,vì chậm một chút là chồng chị sẽ hụt hơi: anh ấy xúc cát dưới đáy nước xong, đội thúng lên đầu rồi lấy chơn đạp đáy sông để tự mình bắn vọt lên. Tuy chơn anh mạnh vô cùng và anh tự bắn như có lò xo bật, nhưng thúng cát thấm nước ấy nặng quá, nên anh nổi hơi chậm mà thì giờ thì đã trôi qua hơn ba mươi giây rồi. Rồi anh Nhánh lại lặn với chiếc thúng không và chị Nhánh lại ngồi đếm và rình thúng cát.
*
Anh Nhánh trước kia là thợ lặn chuyên môn mò cây trên các hàn. Đó là những cây be chở từ rừng về Sài Gòn, bằng đường thủy, dưới những chiếc bè tre. Sông Đồng Nai từng chặn lại có đá hàn, tuy vào mùa nước nổi, bè lọt qua được chớ thỉnh thoảng vài chiếc bè cũng thọ nạn, đứt dây, và cây chìm giữa hàn. Qua mùa nắng, nước sông tương đối cạn đi, anh Nhánh lặn xuống dưới đáy hàn, mò cây đã mất trong mùa nước, cột dây để trục lên. Sau nầy, sức anh yếu đi, nên anh dùng tài lặn của mình một cách không nguy hiểm là xúc cá xác cho một tiệm cháo cá. Cá xác thịt rất ngon, nấu cháo ăn thì số dách. Loại cá nầy chỉ ưa có hai món lương thực, là cặn bã do ruột người loại ra và “hèm”, cái món mà miền Bắc gọi là bỗng, tức bã rượu.
Anh Nhánh chiều chiều đội một chiếc cần xé nhỏ đựng một mớ hèm trong đó, rồi lặn dưới sông. Cá xác đánh hơi hèm, đổ xô vào giỏ cần xé rồi anh bắn tung người anh lên khỏi mặt nước. Anh chỉ lặn độ mươi lần là hiệu cháo cá đủ bán suốt đêm đó.
Thấy rằng cả đời làm công không đưa anh tới đâu cả, anh Nhánh bèn dành dụm rồi sắm chiếc thuyền nhỏ nầy, xúc cát chở xuống Sài Gòn bán.
Sông Đồng Nai có rất nhiều cồn cát nổi, nhưng những cồn ấy bị họ tới kiếm ăn đông quá, đông đến hết chỗ đứng. Vả lại bao nhiêu người cứ đào bới thì chầy ngày cồn nổi nào cũng hóa ra cồn ngầm hết ráo. Thế nên anh Nhánh mới tách ra, chiếm độc quyền cái cồn ngầm nầy, cồn đang thời kỳ thành hình, còn ngầm sâu, không ai thèm rớ tới, vậy mà thích hơn vì khỏi chen chúc, vả anh là thợ lặn thì cần gì cồn chìm hay nổi !
Anh Nhánh lên xuống đã được ba mươi lần rồi. Nước càng phút càng ròng và mực nước càng phút càng thấp xuống. Và chiều sâu của khúc sông nơi đó càng phút càng được thâu ngắn. Thế mà anh Nhánh lại không bao giờ trồi lên trước con số ba mươi mà chị Nhánh đếm. Chị Nhánh hơi ngạc nhiên vì, lẽ cố nhiên, hễ nước cạn thì thời gian lặn phải ngắn hơn. Lần thứ băm mốt nầy, chị Nhánh đếm tới bốn mươi mới thấy dạng thúng cát thấp thoáng dưới mặt nước. Vừa rước lấy thúng cát, chị vừa hỏi.
- Sao lâu vậy mình ?
- Tao mệt lắm...ắm...ắ...m.
- Thì đành là đi nhiều chuyến thì phải mệt, nhưng sao chuyến nầy đi lâu vậy chớ ?
Anh Nhánh thở hổn hển nói :
- Tao nghe lùng bùng lỗ tai quá trời. Ngực với lại màng tang của tao như là có cái gì nặng lắm nó đè lên đó.
-  Thì tại mình lặn lâu. Nhưng tại sao mà lâu ? Hỏi hoài hổng chịu trả lời !
-  Không phải vì lặn lâu. Tại tao yếu trong mình nữa. Cái nghề nầy không làm tới già như các nghề khác được. Còn lặn lâu là tại lớp cát xốp ớ trên đã hết. Lớp dưới dẽ dặt quá, phải cào lâu mới hốt đầy thúng.
-  Thôi nghỉ một lát.
-  Nghỉ sao được ! Làm tới nước đứng lớn mà còn chưa đầy ghe thì đừng có nói chuyện nghỉ.
*
Rồi anh Nhánh lại lặn. Nhưng mặt nước vừa khép lại là anh nổi lên liền, với cái thúng không. Anh vói tay vịn be thuyền, nhưng không rút mình lên được như mọi lần mà anh thót một cái là tới nơi, như con khỉ. Chị Nhánh phải cố sức nắm tay anh kéo lên, anh mới ra khỏi mặt nước.
Nằm dài trên sạp ghe, anh Nhánh thở dốc và nói, giọng đuối sức.
-  Tao tức ngực quá.
-  Thôi ! Bỏ một chuyến.
-  Hổng được. Ghe mình mua trả góp, mà góp trễ một kỳ tiền là họ lấy lại.
Chị Nhánh bỏ chồng nằm đó, đi ghế cơm. Khi chị trở ra thì anh Nhánh hỏi :
-  Nước gần đứng lớn chưa ?
-  Mới có nửa con nước, còn lâu mà !
-  Nửa con nước, nhưng ta chưa được nửa ghe cát.
-  Khi mạnh khỏe thì khác, giờ bịnh hoạn thì khác chớ ! Mình cứ muốn đầy ghe trong một con nước sao được !
-  Một đâu mà một, hai con rồi đó chớ ! Con nước hôm qua không tính à ? Nếu phải bốn con nước thì chết đói còn gì ?
Được đâu chừng tàn một điếu thuốc, anh Nhánh cố chống tay ngồi dậy. Anh nhìn mặt nước, thở thêm một hồi nữa rồi xách thúng đứng lên toan nhảy.
-   Hổng nghỉ thêm hay sao ? Vợ anh hỏi.
Anh Nhánh không buồn đáp lại vợ, lao mình xuống sông liền.
-  Một...hai... ba... mười... mười tám... hăm hai... hăm bảy... băm mốt...băm chín... bốn mươi hai...
Chị Nhánh đâm lo. Chồng chị nổi danh lặn giỏi như con rái. Anh Nhánh lặn đến một phút rưỡi là thường. Nhưng lần nầy thì không thường bởi nước đã cạn lắm rồi, và chồng chị vừa than mệt.
Đếm thêm cho tới chín chục mà không thấy dạng chồng, chị Nhánh quýnh lên và cúi xuống dòm mặt nước. Anh Nhánh gởi lên vài bong bóng rồi số tăm tăng lên thật lẹ và nổi lên cũng thật lẹ.
Bỗng chị Nhánh kêu rú lên : cùng với số tăm ấy, một màu huyết đỏ pha loãng trong nước, nhuộm hồng một vùng nước rộng gần bằng cái nia. Chị vụt hiểu ngay rằng anh Nhánh chảy máu miệng, máu mũi, hoặc máu tai gì đó và chắc chắn là anh đã ngất rồi.
Chị phóng lẹ xuống nước như con chim thằng chài thấy cá. Chị lặn sâu độ già một thước là đụng phải đáy cát. Chị mở banh mắt ra mà nhìn nhưng không thể thấy xa hơn bốn tấc. Chung quanh chị bóng tối dày mịt, u u minh minh như trong rừng sâu. Nước sông không trong bằng nước biển và ai có lặn sông mới biết rằng đáy sông dễ sợ hơn đáy biển vì bóng tối dưới ấy có vẻ bí mật ghê lắm.
Chị Nhánh thuở bé tắm sông với trẻ con trong làng, cũng thích lặn lội. Nhưng đã lâu rồi, chị không có chơi trò lặn cút bắt nữa nên đâm nhát. Chị nghĩ đến những con thủy quái mà rùng mình. Mặc dầu vậy, chị cũng đánh bạo sờ soạng tìm chồng. Chị chụp được thúng cát đầy, nhưng anh Nhánh thì không thấy đâu cả. Nghe gần hụt hơi, chị Nhánh trồi lên để thở, rồi lại lặn trở xuống.
Cồn cát rộng chừng bằng ba căn nhà, chị phải lên xuống mấy lần mới mò khắp diện tích của nó, nhưng vô hiệu quả.
Tuy dưới đáy nước mà lòng dạ chị Nhánh nóng như bị lửa đốt, vì thời giờ càng trôi qua, mạng chồng chị càng khó cứu. Thế nên chị trồi lên lần chót rồi thót lên thuyền, đứng trên ấy mà la làng.
*
Xóm ở xa lắm, nên chị la cả buổi, rát cả cổ họng mới nghe tiếng hú trả lời. Rồi từ dưới xóm, xuồng nhỏ đâm lên gần hai mươi chiếc.
Những chiếc xuồng ba lá ấy tiến mau như ghe chạy buồm và không mấy chốc, họ đã tới nơi.
-  Gì đó chị Sáu ? Chú Tư Ngộ hỏi.
-  Hu... hu... hu... bà con ơi, anh Nhánh ảnh lặn mất rồi...hu... hu...
-  Từ bao lâu ?
-  Độ tàn hai điếu thuốc.
-  Dữ hôn ! Sao không đợi tới chiều hãy la làng cầu cứu.
Cả bọn bỏ xuồng, mặc kệ nó trôi đi đâu thì trôi, đồng hè nhảy xuống sông tùm tùm.
Hai mươi người mà không ai mò thấy anh Nhánh đâu cả. Khi cả bọn đều trồi lên đủ mặt, ông Dậu nói :
-  Tôi độ nó nhẹ hơn thúng cát nên bị nước cuốn, lăn ra hòm chảo ở bìa cồn.
-  Ờ, có lẽ như vậy !
Rồi cả hai mươi người đều thót lên ghe của anh Nhánh, dùng sào dài chống ghe ra khỏi nơi đậu, rồi mò kiếm ở chỗ sâu, cũng bằng mấy cây sào dài ấy.
Họ xâm đáy sông bằng cây sào, lần theo dốc lài của cái cồn; nó lài mãi hơn năm thước thì bỗng sụp xuống đột ngột. Chính cái chỗ đất sụp ấy là cái mà ông Dậu gọi là “hòm chảo”.
-  Gì đây nè ? Ba Sang hô to lên.
-  Gì đó ? Gì đó ?
-  Hình như là nó ?
Có một điều này lạ lùng lắm là xúc giác của con người dường như truyền qua vật chất vô tri giác được và mũi sào đụng cái gì, người cầm sào có thể đoán được cái ấy thuộc loại nào.
Ba Sang nghe mềm mềm, tròn tròn và chú ấy xâm thêm vài cái nữa rồi quả quyết :
-  Nó rồi đây ! Tôi giữ sào, ai dài hơi, cứ tuột sào xuống dưới ấy đem nó lên.
Thằng Tư dài hơi nhứt bọn, trong làng nó chỉ kém có một mình anh Sáu Nhánh mà thôi. Chỗ nầy sâu hơn mười thước nên chỉ có nó là đủ khả năng xuống đó để ôm cái xác nặng lên.
Giây lát sau, quả nhiên nó trồi lên: bên hông, nó ôm xác Sáu Nhánh.
Hai ba người lại nhảy xuống nước, đỡ phụ với nó còn bao nhiêu người khác đứng trên nầy, thòng tay xuống mà rước kẻ mắc nạn.
Bếp lửa còn cháy và ông Dậu rinh cả chiếc cà ràng ra phía trước mũi ghe, rồi bốn người khiêng anh Nhánh để trên ngọn lửa mà hơ. Trong khi đó mấy người khác chống ghe vào bờ để có thể xốc nước anh Nhánh. Khi ghe cặm sào vào bờ ở bến xuất phát khi sáng thì thằng Tư lực lưỡng được ông Dậu chỉ định xốc nước. Thằng Tư mạnh như con trâu cổ, xách cẳng anh Nhánh lên rồi đặt ngửa anh ta trên lưng nó, đầu anh trở xuống đất. Xong, nó nhảy lên bờ với cục neo nặng ấy rồi chạy băng đồng. Nó chạy như vậy được nửa tiếng đồng hồ thì hụt hơi, và biết trước rằng mình sẽ đuối sức, nó đánh một vòng tròn để lúc không thở ra rữa thì trở lại chỗ cũ.
Một đống lửa đã được đốt lên tại bến ấy và người ta lại hơ nạn nhân một hồi, rồi thằng Tư lại xốc nước một vòng băng đồng nữa.
Nhưng anh Nhánh cứ lạnh trong giấc ngủ ngàn năm. Anh chết không tên, không tuổi vì cái nghề xúc cát cất nhà cho những người có tên tuổi ở.


1 nhận xét:

  1. 1./ QTBK có lời giói thiệu khiến tui nhớ lại chánh tả phức tạp của thời kỳ trước 30-4-75 ở miền Nam vĩ tuyến 17. Lúc bấy giờ đúng là rất phức tạp:
    - Các "từ kép" thường là Hớn-Việt, phải có ngang nối (-), viết chánh tả mà trật (hoặc không có) bị trừ 0,5 điểm.
    - Nhân danh thì chữ lót (bi giờ còn gọi là tên đệm) "nam văn, nữ thị" không viết hoa. Chữ lót khác, nếu là "họ" thì không viết hoa. Thí dụ như họ tên của tui thì phải viết như thế này Trần - ngọc BC.
    - Địa danh, nếu không phải nhơn danh thì chỉ viết hoa từ đầu, thí dụ: Bình - khê. Có 1 điều rất thú vị là các thẻ chứng minh nhân dân của CA Bình Định cấp, trước khi được đánh máy vi tính, thì các địa danh về "nguyên quán" và "nơi ĐKHK thường trú" được type theo chánh tả kiểu cũ, chỉ trừ việc không có ngang nối (-) mà thôi, nhưng đến khi thẻ CMND được đánh máy vi tính thì đã hoàn toàn theo chánh tả địa danh đương đại. Ai chưa tin thử check lại coi.

    2./ Ôi! nhà văn Bình - nguyên Lộc, một trong 3 nhà văn mà tui được đọc văn của họ sớm nhứt trong đời, hai người còn lại là Sơn Nam và Trường Cao Phong. Tôi đọc văn của họ từ năm lớp tư (lớp 2 bi giờ) đấy, ở nguyệt san "Hương quê", một nguyệt san "cho không, biếu không" cho nông dân. Có một truyện ngắn ông viết trên nguyệt san này mang tính cách "chê bai VC" là truyện ngắn "nhờ 3 sào dưa". Không biết có ai còn nhớ không?
    Một tiểu thuyết của ông, cuốn "quán Tai heo" mà đến bi giờ tui còn nhớ câu:
    "quán Tai heo anh hùng lâm đại nạn,
    Xóm Sáu lèo thục nữ quyết ra tay"

    Một bài đăng của QTBK gợi cho tui vài ký ức xa xưa, mạo muội và mạn phép chia sẻ cùng mọi người. Có gì không vừa ý, mong BBT và mọi người bỏ quá cho.

    Trả lờiXóa