Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

THỔ ÂM BÌNH ĐỊNH

Đào Đức Chương


Phần lớn thổ ngữ là sự biến thể một số từ ngữ ở một vùng nhỏ hẹp và là tiếng nói lưu hành ở từng địa phương, còn thổ âm là giọng nói đặc trưng của một vùng có cùng tính chất phong thổ.


Người Bình Định, giọng nói sang sảng, phát âm rõ ràng L với N, S với X, trong lúc có một số miền khác không thể phát âm đúng (xem phần đặc điểm giọng nói); nhưng bởi giọng cứng, nên gặp phải một số trường hợp sau đây:

2.1 PHÁT ÂM SAI

Trên toàn cõi nước ta không có vùng nào phát âm hoàn toàn đúng, mà cũng không có vùng nào phát âm hoàn toàn sai; và các điểm đúng, sai ấy không hoàn toàn giống nhau. Ở Bình Định, do bản chất của giọng nói ít để ý đến cách phát âm, nghĩa là không chịu khó phát âm cho trọn tiếng, nên thường nói sai các vần dưới đây. Tuy nhiên, ngày nay do sự truyền thông và tiếp xúc rộng rãi, người dân ở thành phố và lớp trí thức đã phát âm đúng khá nhiều, còn ở thôn quê cũng có phần sửa đổi.

2.1.1  Vần ÔI phát âm thành ÂU: Các tiếng như "Cầu Đôi, thôi rồi, con đồi mồi..." phát âm thành "Cầu Đâu, thâu rầu, con đầu mầu...", nay vẫn còn thông dụng.

Vì vậy, người Bình Định ở thôn quê hát câu ca dao sau đây, nếu viết theo phát âm sẽ là:

Cầu Đâu nằm cạnh tháp Đâu,
Vật vô tri còn biết đèo bòng đâu lứa
Huống chi tui với nàng.

Nhưng lại có trường hợp biệt lệ, tiếng "tôi" người ta không phát âm thầnh "tâu" mà nói trại là "tui".

2.1.2 Vần OA, OE phát âm thành A, E và nếu có phụ âm mở đầu là Kh, phát âm thành Ph. Các tiếng như "khoa trương, khoe khoang, khỏe khoắn..." phát âm thành "pha trương, phe phang, phẻ phắn....", nay đã sửa đổi nhiều.

2.1.3 Vần OM và ƠM phát âm thành ÔM : Các tiếng như "lom khom, tối om, ăn cơm, sáng sớm..." phát âm thành "lôm khôm, tấu ôm, ăn côm, sáng sốm...", nay vẫn còn dùng nhưng giới hạn trong gia đình và đồng hương thân tình.

2.1.4 Vần ƯƠI phát âm thành Ư : Các tiếng như "người ta, đười ươi, cười tươi, cây bưởi..." phát âm thành "ngừ ta, đừ ư, cừ tư, cây bử..."

Thí dụ: Nếu viết theo phát âm sẽ là:

Trèo lên cây bử hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.

2.1.5 Vần ÊP phát âm thành IP : Một số tiếng như "bếp lửa, rượu nếp, xếp đặt" phát âm thành "bíp lửa, rượu níp, xíp đặt".

2.1.6 Tiếng ƠI được thêm QU ở phía trước : Những tiếng như "Trời ơi! Làng xóm ơi! Em ơi!..." phát âm thành "Trời quơi! Làng xốm quơi! Em quơi!...". Vẫn còn thông dụng ở miền quê.

2.1.7 Phụ âm khởi đầu bằng V và D phát âm thành G :

Hai câu dưới đây, nếu viết theo phát âm của Bình Định sẽ là:

Thầy giáo giạy giỗ (dạy dỗ) chúng em.
Cho em đi theo giới (với).

2.1.8 Các trường hợp khác đã phát âm sai :

Ông ngoại phát âm thành ông quại.
Ngoài kia phát âm thành quài kia.


2.2 PHÁT ÂM BIẾN GIỌNG

Phát âm sai có tính cách chung cho toàn tỉnh, còn phát âm biến giọng chỉ xảy ra cho một vùng rất nhỏ, hoặc vì ở lân cận với miền có giọng nói khác, hoặc sinh sống nhiều đời ở những làng hẻo lánh sát biển và ít tiếp xúc với người ở miền khác, hoặc lúc còn nhỏ phát âm chưa đúng giọng.

2.2.1 Vần A phát âm thành EA kéo dài :

Trẻ em giọng còn non nớt, khi phát âm các tiếng có nguyên âm cuối "a" thay vì há miệng quặt lưỡi, lại mở miệng đánh cong lưỡi nên trở thành "ea" kéo dài. Vì vậy các tiếng như "ông ba, bà má" trẻ con phát âm thành "ông bea, bèa méa".

2.2.2 Vần ĂN phát âm gần giống như EN :

Chẳng hạn nói "ăn cơm" mới nghe như "en côm"; "en" do phát âm biến giọng ở một vùng nhỏ, còn "côm" là do thói quen phát âm sai toàn tỉnh. Muốn điều chỉnh sự biến giọng ở tiếng này, cần phát âm "ăn" bằng giọng cổ, hơi tròn miệng lại một chút và đè lưỡi chứ không đưa lưỡi.

2.2.3 Vần ẢY phát âm na ná tiếng E :

Chẳng hạn nói "chiều thứ bảy" mới nghe như "chiều thứ bẻ". Hai trường hợp trên chỉ xảy ra ở vùng Bắc Bình định, từ Bồng Sơn trở ra. Tuy không phát âm biến giọng hẳn, nhưng người xứ khác không phân biệt được, tưởng lầm họ là người Quảng Ngãi.

2.2.4 Vần ƠI phát âm cộc và ngắn :

Người ở miền núi giọng cứng hơn người ở đồng bằng và miền biển, nên khi phát âm những tiếng có vần "ơi" như: bơi, chơi, mời... họ có thói quen cứng lưỡi thay vì cong đầu lưỡi lên, vì vậy giọng nghe hơi cộc và ngắn.

2.2.5 Phát âm chả chớt :

Trường hợp này phổ biến ở một số vùng dân cư chuyên nghề đánh bắt cá biển. Họ quen phát âm ở đầu lưỡi với giọng líu lo, chả chớt, bởi thanh điệu nghiêng về bổng hơn là trầm, nên những tiếng thuộc dấu huyền, nặng, ngã chuyển âm na ná như tiếng mang dấu ngang, sắc, hỏi.

Thí dụ: Ở Binh (Bình) Đính (Định) con (còn) có túc (tục) giả (giã) gáo (gạo) hát ho (hò) vao (vào) nhửng (những) đêm trăng sáng.

Điển hình là vùng Nhơn Lý, ở phía đông bán đảo Triều Sơn, trước là xã Phước Lý của quận Tuy Phước, khoảng năm 1975 thuộc xã ngoại thành Qui Nhơn, có giọng chả chớt và còn giữ nhiều thổ âm miền biển của Bình Định.

2.3  PHÁT ÂM LẪN LỘN

Phát âm lẫn lộn khi hai chữ có phụ âm khởi đầu, hoặc phụ âm cuối khác nhau, hay có khi khác vần, nhưng lại phát âm giống nhau.

Người Bình Định phát âm lẫn lộn ở các trường hợp sau đây:

2.3.1 Phát âm không phân biệt hai phụ âm khởi đầu D và GI :

Thí dụ: Chó dữ // Giữ nhà,
ghẻ // Cái vậy.

2.3.2 Phát âm không phân biệt hai phụ âm cuối C và T :

Thí dụ: Mặc kệ // Mặt mày,
Khuân vác // Đẽo vát

Nhưng lại phát âm phân biệt được, khi trước phụ âm cuối C T có nguyên âm O, Ô, U đi kèm.

Thí dụ: Móc túi // Mót lúa,
Mộc mạc // Một mai,
Lúc đầu // Lút đầu.

2.3.3 Phát âm không phân biệt được, khi trước phụ âm cuối CH và T, có nguyên âm Ê đi kèm :

Thí dụ: Mũi hếch // Ăn hết

2.3.4 Phát âm không phân biệt hai phụ âm cuối N và NG, N và NH :

Thí dụ:1: Đan lát // Đang lúc,
Vác thang nặng thở than.

Thí dụ 2: Lên đồng // Lênh đênh
Hên xui // Hênh hếch.

Nhưng lại phát âm phân biệt được khi có nguyên âm I đứng trước N và NH.

Thí dụ: Tin tức // Tinh túy
Xin xỏ // Xinh xắn

2.3.5 Phát âm không phân biệt vần IU với IÊU; UI với UÔI :

Thí dụ 1: Đìu hiu // Điều hòa,
Thí dụ 2: Mắt đui // Cái đuôi

Nhận xét: Phát âm sai và phát âm lẫn lộn đều mang tính phổ biến toàn tỉnh, nhưng tình trạng phát âm sai ngày nay đã giảm bớt, còn phát âm lẫn lộn vẫn chưa sửa đổi.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét