Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

ĐỌC "NẪU ẤN TƯỢNG TRONG TÔI"


Nhận được tập đặc san Xuân Nhâm Thìn “Người Tây Sơn” do Đồng hương Tây Sơn ở TP Hồ Chí Minh gửi tặng. Tôi rất phấn khởi và hào hứng đọc ngấu nghiến trong niềm say mê, nhưng đến khi đọc bài “Nẫu ấn tượng trong tôi” của tác giả Vũ Thế Thành (trang 99 + 100) tâm hồn tôi chùng xuống, thấy có cái gì ưng ức. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, cái hình ảnh ấn tượng của tác giả cứ lởn vởn mãi không làm sao ngủ được. Ngày hôm sau tôi lại đọc lại và cũng mang tâm trạng như hôm qua.

Cái ấn tượng gì mà ghê gớm quá: “Hồi trẻ gặp gái bình Định là sợ, về già gặp mấy bà Bình Định là hãi, chết xuống âm phủ gặp ma nữ Bình định là hết kiếp!”

Người con gái Bình Định theo ông Thành cảm nhận tôi tưởng tượng mãi mà không ra. Theo cảm nhận của ông Thành thì người con gái Bình Định là ma, là quỉ hay là yêu tinh đây?!


Cũng trong bài này ông Thành thú nhận là: “ Viết bài này dưới con mắt của người Sài Gòn và hồi đó tôi cứ nghĩ “ Nẫu” là xứ Quảng Ngãi. Có nghĩa là ông Thành đã thú nhận là chưa biết chút gì về xứ “ Nẫu”, chỉ nghe thoáng qua hay bắt gặp một vài lần mà ông đã “ Ấn” cho người đàn bà xứ Nẫu một “hình tượng” vô cùng ghê gớm và khủng khiếp!

Vì cái “ ấn tượng” mà ông Thành về người con gái Bình Định hoàn toàn trái ngược với hình ảnh thực của người đàn bà xứ Nẫu. (Tôi năm nay cũng đã gần “thất thập” rồi. Hơn 60 năm sinh ra lớn lên và làm việc tại Bình Định. Tôi đã từng gặp, từng chứng kiến hàng trăm, hàng ngàn sự việc và khuôn mặt của  người đàn bà xứ Nẫu).

Cho nên với trải nghiệm thực tiễn tôi viết bài này để bổ sung cho hình ảnh người đàn bà xứ Nẫu đã in sâu và rất ấn tượng với tôi mà ông Vũ Thế Thành chỉ vì cảm nhận đã phát họa sai về hình ảnh người đàn bà xứ Nẫu. Để cho ông Vũ Thế Thành và bạn đọc (đã đọc bài” Nẫu ấn tượng trong tôi”) có cái nhìn khách quan hơn, đúng hơn về hình ảnh và bản chất của Người đàn bà xứ Nẫu đáng ra rất được trân quí và trọng vọng.

Tôi viết bài này là để xả Stress cho tôi và cho ông Thành thấy được mặt bên kia (cái phẩm chất cao đẹp của người đàn bà xứ Nẫu) để cho ông Thành và bạn đọc có cái nhìn khách quan hơn, đúng hơn về người đàn bà xứ Nẫu.

Người đàn bà xứ Nẫu thoáng qua ta thấy có 2 đặc điểm trái ngược nhau: Một là hình ảnh của một người đàn bà thật thà, chân chất, nhẫn nhục chịu thương chịu khó. Hình ảnh thứ hai ta bắt gặp là một người đàn bà mạnh mẽ khi bị ai đó ức hiếp thì hào khí trong người sẽ xông lên (nếu bị ai đó ức hiếp thì đối phương có thể sẽ bị một cái chỏ găm vào mặt hoặc một cú đá giò lái tuyệt kỹ vào hông, vào sườn ngã lăn ra dưới đất)

Có lẽ ông Thành đã gặp người đàn bà (con gái) Bình Định trong trường hợp thứ hai cho nên bị “đau quá hóa rồ” rồi viết nên những “ Ấn tượng không thể nào chấp nhận được.

Sâu sắc hơn ta có thể nhìn người đàn bà xứ Nẫu qua các đặc điểm sau:

Một là: Người đàn bà xứ Nẫu thường rất hiền lành, thật thà, chất phác, nhẫn nhục và hay tủi phận, chịu thương chịu khó và rất hay lo xa.

Địa vị của người đàn bà xứ Nẫu thường ít được coi trọng trong gia đình và xã hội bởi cái đạo lý đã ăn sâu từ cõi rễ theo giáo lý của Nho giáo: “Tam tùng tứ đức” có nghĩa là người đàn bà xứ Nẫu không vượt qua khỏi 3 cái tùng (tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử) cho nên cả cuộc đời chỉ biết phục tùng.

Qua tổng kết của dân gian miền trung. Bốn câu sau cũng phác họa phần nào hình ảnh của người đàn bà xứ Nẫu: Quảng nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co, Bình Định hay lo (hay co), Thừa thiên ních hết.

Người đàn bà xứ Nẫu thường hay thủ phận ở trong nhà, ít giao tiếp nên lời nói thường cục mịch, không trau chuốc đưu đẩy nhưng rất thật thà, chân chất.

Một đặc điểm của người đàn bà xứ Nẫu nữa là hay lo xa. Ở trong gia đình mỗi lần có ngày gì (giỗ kỵ, hiếu hỷ hay đám cưới) người đàn bà xứ Nẫu rất lo lắng, lo lau chùi bàn thờ ông bà, lên kế hoạch chương trình: sẽ mời những ai, làm cỗ mấy mâm…bận rộn cho một cái đám như thế có thể mất đến 5-7 ngày

Đặc biệt người đàn bà xứ Nẫu sống kiếp tha phương khi có dịp về quê thăm nhà đều rất lo lắng bận rộn với chương trình kế hoạch về quê. Nào là mình về quê lần này sẽ thăm những ai, quà cáp thứ gì…

Em về Đập Đá quê cha,
Gò Găng quê mẹ, Phú Đa quê chồng

Sự chu đáo của người đàn bà xứ Nẫu lúc nào cũng giữ được lửa trong gia đình, luôn luôn được quí trọng, thương yêu trong giòng tộc.

Hai là: Một đặc điểm rất là quý hiếm nổi tiếng của người đàn bà xứ Nẫu là lòng thủy chung, son sắc thờ chồng ,chờ chồng, tảo tần làm ăn buôn bán nuôi con khôn lớn nên người (Mặc cho những áp lực, cám dỗ bên ngoài như thế nào)

Vào thời xa xưa cách đây đã lâu theo truyền thuyết kể lại thì ở xứ Nẫu có đến 2 hòn đá vọng phu. Đá vọng phu là tượng trưng cho lòng chung thủy, sắc son đã chờ chồng đến chết rồi hóa thành đá.

Một hòn ở huyện Phù Cát và một hòn nữa ở phía đông phường Đông Hòa ở Thành phố Tuy Hòa - Phú Yên. Theo truyền thuyết thì hòn vọng phu này là biểu tượng của một người đàn bà Bình Định đã đi tìm chồng rồi đến đây kiệt sức đứng chết tại đó.

Đá thì có muôn hình muôn vẻ tùy theo trí tưởng tượng và tình cảm của từng người mà lồng cái hồn vào đá. Đối với người xứ Nẫu hình ảnh của người đàn bà thủy chung, son sắc luôn xuất hiện trong đầu cho nên ở xứ Nẫu ( Bình Định và Phú Yên) mới xuất hiện đến 2 hòn đá chờ chồng như thế kèm theo những truyền thuyết về Đá vọng phu rất thương tâm đầy cảm xúc. Dường như suốt chiều dài của đất nước ta chỉ xuất hiện có 3 hòn đá vọng phu mà ở xứ Nẫu đã có đến 2 hòn.

Không nói chuyện truyền thuyết xa xôi làm gì, tôi xin nêu ra những sự kiện và hình ảnh có thật (mắt thấy tai nghe) về gương những người đàn bà thủy chung, son sắc mà tôi đã biết đã gặp ở thế kỷ 20 này chỉ trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1975. Ở xã tôi - xã Bình Phú, huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn) đã xuất hiện trên 10 tấm gương của người đàn bà mang đầy đủ tính chất đó.

Năm 1954 các ông chồng của họ đi tập kết ra Bắc, các dì, các cô lúc ấy tuổi mới trên dưới 30. Qua 21 năm dài đăng đẳng dù phải trải qua nhiều khó khăn, áp lực to lớn (về kinh tế, quyền lực áp bức, ong bướm ve vãn) nhưng tất cả họ đều sống chung thủy, son sắc chờ chồng nuôi con – không có một người phụ nữ nào đi thêm bước nữa – Đặc biệt là những đứa con của họ đều khôn lớn nên người, học hành thành đạt.

Tôi xin nêu ra một số điển hình cụ thể ở quê tôi như sau :

-  Mẹ anh Trần Ngoạn, nguyên PCT UBND Tỉnh Bình Định
-  Mẹ anh Huỳnh Văn Tân, Bí thư Huyện Ủy Tây Sơn
-  Mẹ anh Lê Minh Luận, Giám đốc sở TNMT Tỉnh Bình Định
-  Mẹ anh Nguyễn Văn Kính, viện trưởng VKS  huyện Tây Sơn
-  Mẹ anh Phan Ngọc Đức, TP Giáo Dục huyện Tây Sơn
-  Mẹ anh Nguyễn Đình Vũ, Hiệu Trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ, Tây Sơn

Và có một điểm chung rất cảm động và rất đáng khâm phục khi các dì, các cô đến thăm chơi với mẹ tôi. Hình ảnh các dì các cô đã rất ấn tượng ghi đậm trong lòng tôi rất là thương kính và nể phục. Hình ảnh của người mẹ khắc khổ, ốm nhom gầy còm và già đi trước tuổi phải gánh bao khổ cực trong cuộc sống, lam lũ làm ăn nuôi con, chờ chồng.. Các dì, các cô (và cả mẹ tôi nữa) chưa có người nào nặng đến 40kg. Thân hình mảnh mai, ốm teo mà ý chí thật vĩ đại, kiên cường, thủy chung, sâu sắc. Tôi viết một bài thơ về mẹ có 2 câu :

Thân cò lặn lội bờ sông
Kiếm  gạo thay chồng, tần tảo nuôi con

Đó là chuyện của Bình Phú xã tôi – Câu chuyện ở một nơi khác. Khi tôi về Đập Đá (quê vợ tôi) những câu chuyện và hình ảnh khác lại gây ấn tượng cho tôi không ít - chỉ một thôn Phương Danh mà đã có một hội (Hội của những người vợ có chồng thoát ly đi theo tiếng gọi của mặt trận giải phóng miền Nam) nói là hội cho to lớn chứ nói đúng hơn là một nhóm người (khoẳng trên 10 người) quy tụ nhiều lứa tuổi, có người tuổi chỉ mới hai mươi - tuổi xuân phơi phới, nhựa sống tràn đầy. Nhưng qua hơn 15 năm sống dưới ách kìm kẹp của địch, không một ai bị cám dỗ, xa ngã đi thêm bước nữa, vẫn sống vậy thủy chung son sắc chờ chồng.

Qua 2 câu chuyện của 2 địa phương khác nhau và 2 hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều có chung một điểm là thủy chung, son sắc chờ đợi chồng về. Cho nên theo tôi có thể khẳng định là: Người đàn bà Bình Định là những người thủy chung, son sắc nhất.

Ba là: Gần như ở xứ Nẫu ai cũng biết võ (kể cả đàn bà). Vì đây là đất võ mà. Võ ở quê hương Bình Định là võ thuật, võ đạo chứ không phải loại võ nghệ, võ biền

Dạy võ, học võ với mục đích là rèn luyện thân thể khỏe mạnh để lao động tốt hơn, hoàn thiện bản thân hơn, học võ để tự vệ bản thân, giữ gìn nhà cữa xóm làng.

Tôi còn nhớ rất rõ có một thời kỳ ở Võ Đường Phan Thọ dạy võ đã chẳng lấy tiền mà còn chia sẻ gạo cho môn sinh để đủ sức ăn tập.

Cho nên ở Bình Định ai cũng biết chút ít võ, người biết nhiều do được học hành bài bản, người biết chút ít để hộ thân là do tiếp xúc xem người khác tập mà cũng biết sơ sơ vài đòn thế cơ bản như: bạt, đỡ, né, bắt hoặc thêm vài đòn phản công để phòng vệ.

Tôi xin kể về võ đạo của người con gái xứ Nẫu, câu chuyện này do bạn tôi (Nguyễn Thị Lai) kể lại vì cô chính là 2 nhân vật trong chuyện cho nên tôi xin bảo đảm chính xác 100%. Câu chuyện như sau:

Năm 1967 – Cô Phan Thị Ngọc Chánh con của võ sư Phan Thọ khi đi hoc về từ Phú Phong đến Bình Nghi đi ngang qua Cầu Đồng Sim - một tên lính trẻ đại Hàn láu táu, sàm sỡ nhảy từ công sự dưới cầu lên chạy theo chọc ghẹo Chánh và các bạn, tên lính dùng tay xách ngược yên xe của Lai làm cho Lai té lăng xuống đường lở mặt chảy máu. Thấy thế Chánh quăng xe đạp của mình xông đến đỡ Lai dậy và dạy cho tên lính đánh thuê một trận đòn nên thân - “ Lỗ mũi ăn trầu”.

Hai tên lính đại hàn khác thấy bạn mình bị té lăn dưới đường vội nhảy từ công sự lên xông đến ra quyết định tấn công Chánh. Ngay lúc đó tên Trung Úy (chỉ huy cầu) cũng nhảy lên can ngăn 2 tên lính rồi nhờ thông ngôn hỏi mấy bạn của Chánh về lý lịch của cô gái tuyệt vời này.

Vài hôm sau không hiểu tên sĩ quan chỉ huy cầu đã báo cáo lên sở chỉ huy như thế nào mà Sở chỉ huy của trung đoàn đã cử mấy sĩ quan cùng tên sĩ quan chỉ huy cầu đem xe chở lễ vật và 2 bao gạo sọc xanh (200 kg) xuống nhà võ sư Phan Thọ xin lỗi và xin được kết giao trao đổi tinh hoa võ thuật của 2 nước. Kể từ đó Võ đường của võ sư Phan Thọ đều được Đại hàn hỗ trợ 2 bao gạo sọc xanh mỗi tháng.

Đã chưa ?! Võ đạo của người con gái xứ Nẫu là đấy! Thật tuyệt vời! Ấn tượng chưa?!

Tóm lại như tôi đã trình bày ở phần trên, tôi viết bài này không phải với mục đích chê bai, đả kích mà với mục đích “ Lấy lại hình ảnh cao đẹp” của người đàn bà xứ Nẫu.

Với sự hiểu biết của mình đã hơn 60 năm sống chung, gặp gỡ và hiểu rõ về những đặc điểm của người đàn bà xứ Nẫu nhằm đóng góp bổ sung cho kiến thức của tác giả - Đồng thờii trình bày cùng các độc giả (đã lỡ đọc bài “ Nu ấn tượng trong tôi”) của ông Vũ Thế thành hiểu rõ hơn về tính cách và đặc điểm của người đàn bà xứ Nẫu để ông Thành và độc giả hiểu rõ hơn để có cái nhìn thiện cảm về họ (lẽ ra họ phải được như thế chứ!?) chứ đâu chỉ với một mớ kiến thức ít ỏi của ông Thành (tác giả đã thú nhận như thế trong bài viết) mà nhìn người con gái xứ Nẫu với nhiều ác cảm, tỷ như câu chuyện “Thầy bói sờ voi - Ai trách chi các ông thầy bói mù. Có trách chăng ta nên tự trách mình. Các vị trong ban biên tập đặc san “Người Tây Sơn” mừng xuân Nhâm Thìn. Chắc các vị ấy còn trẻ lắm, mắt sáng, tai tỏ mà lại nghe lời ông thầy bói mù thành ấn cho người đàn bà xứ Nẫu một hình tượng ghê gớm không thể nào chấp nhận được.

Ông thầy bói có thể bảo con voi là cái cột đình hay cây chổi. Nhưng những người hiểu biết, mắt sáng thì không thể tin là như thế được!

Tiếc thay! Các vị Biên tập của Đặc san mừng xuân “ Người Tây Sơn” lại tin như thế lại cho đăng bài “ Nẫu ấn tượng trong tôi” nó đã vô tình bôi lem hình ảnh cao đẹp của người đàn bà xứ nẫu ( hơn 500.000 người đó chứ!)

Trần Dzũ Sanh


Ghi chú:
          + chỏ găm: là đòn đánh bằng tay, chủ yếu dùng sức dồn vào cùi chỏ, đánh trực diện hay đánh vòng từ trên xuống. Người bị trúng đòn này thường bị rách mắt, rách mũi hay rách miệng, có khi nặng hơn có thể bị bể mũi, gãy răng.
          Năm 1973 - võ sĩ Phi Hùng (HLV Nguyễn Ninh) đội tuyển võ Bình Định đã hạ võ sĩ Trần Cường (vô địch Sài Gòn) tại Sân Tinh Võ Q5 và xin võ sĩ Trần Cường 2 cái răng làm kỷ niệm.
          + đá giò lái: là cú đá nghiêng người hay xoay về phía đằng sau, chủ yếu dồn lực vào gót chân. Người bị dính đòn này thường bị thương rất nặng, ngã bật ngửa về phía sau. Nếu không chữa trị kịp thời sau 3 tháng 10 ngày sẽ ho ra máu và chết.

1 nhận xét:

  1. Ngoài những tấm gương của các mẹ thủy chung, son sắc chờ chồng nuôi con thành đạt, thành cán bộ cho Đảng và Nhà nước như tác giả đã kể trên, tui xin giới thiệu thêm một tấm gương bà mẹ xứ Nẫu còn vĩ đại hơn là sẵn sàng bịt miệng, bóp mũi con thơ đến chết để bảo vệ cán bộ cách mạng. Coi chi tiết ở đây .

    Trả lờiXóa