Drop Down MenusCSS Drop Down MenuPure CSS Dropdown Menu
Trang Giao Lưu Cựu HS Trung Học Quang Trung Bình Khê - Bình Định

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

TRÔNG CHỜ

Lĩnh Thụy


Gió lan nhẹ thoảng hơi sương lạnh, mặt nước sông Côn xao xuyến trải dài, sóng bơ vơ oàm oạp vỗ vào mạn thuyền, trăng khuya vằng vặc …
Ông lão nghiêng mình chống tay chồm người ngồi dậy. Ông chậm rãi lặng lẽ, âm thầm ngồi châm thuốc hút, cái lạnh mơn man xâm chiếm tâm hồn. Ông khẽ rùng mình, sương đêm thấm ướt đẫm cả bờ vai … Xa xa cầu Kiên Mỹ thẳng tắp bắt ngang qua sông Côn mơ màng thiêm thiếp, bờ tre xanh Phú Lạc cúi đầu là sà trên mặt nước … Ông lão vẫn đêm đêm thao thức mong chờ. Ông thức với trăng sao, thi gan cùng sương gió, sâu thẳm của đêm trường. Ông lão vẫn chờ mong, nhưng đêm nay vẫn tuyệt nhiên không hề trông thấy ! … Trong yên tĩnh tiếng cuốc thê lương dấy lên khiến lòng ông buồn da diết ! Một ánh sao sa vụt tắt ngấm mãi cuối tận chân trời …

Một chút gì an ủi làm vơi bớt thầm kín nỗi niềm, nỗi buồn ấp ủ mãi trong lòng ít khi ông cùng với ai tâm sự. Trong đêm trường mênh mang, lạnh lùng, trống trải, ông lão chợt nghe lòng hòa nhập với Bến My Lăng, bất  giác ông khẽ ngâm bài thơ của thi sĩ Yến Lan, giọng ngâm ông  khàn khàn và trầm đục:

Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách
Ông lái buồn để gió nhẹ mơn râu
…………………………………………………
…………………………………………………
Bến My Lăng còn lạnh bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách đã bao trăng

Ông lẩm bẩm : Ông  lái buồn đợi khách đã bao trăng ! … Ông  lái buồn đợi khách đã bao trăng ?  và thở dài, tiếng thở dài lắng sâu trong tĩnh mịch. Ông lão ngã mình đầu gối trên cánh tay gấp lại đặt sau phía gáy, trời đầy sao lung linh, áng mây vương che khuất bóng trăng vàng … Ông lão thiếp dần trong mệt mỏi, trăn trở, trong tuyệt vọng, băn khăn.

Một ông lão râu tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào, quắc thước hiện ra tay chống gậy tre miệng  mỉm cười vui vẻ :

     -    Này ! … Lão đã trông thấy chúng chưa ? … Chúng ở đâu ? … chẳng lẽ chúng không tìm về quê hương đất tổ ! … Không ! … Chúng vẫn mãi yêu thương bảo bọc lẫn nhau, biết kết đoàn họp lực, chúng biết yêu giống yêu nòi, biết nhớ nguồn, nhớ cội !,vẫn muôn đời thủy chung, son sắt, gắn bó với sóng nước Côn giang …  Hãy yêu thương chúng và nên bảo vệ giữ gìn, tránh ân hận mai sau một khi chẳng may chúng phải tuyệt dòng, tuyệt giống … Hãy kiên nhẫn đợi chờ, chớ nên mềm lòng, nản chí ! …

Bóng hình vụt biến đi … Không gian yên tĩnh lạ lùng ! …

Ông lão giật mình thức giấc trán đẫm ướt mồ hôi, niềm hy vọng dâng lên … Tiếng gà bắt đầu gáy vang ở cuối xóm bên bờ sông, trăng ngà lặn sau chóp núi …

Đã bao năm cư dân ở hai bên bờ sông Côn không còn thưởng thức món ngon cá lúi, cá lúi xương ít thịt nhiều, vốn gần gũi quen thuộc, thân thiết với hết thảy mọi người dân … Cá lúi hiếm  hoi, không nhiều như thuở trước, giờ đây quả thật quí giá vô cùng !

Xuân nữa thoáng qua … Hạ về, Thu đi, rồi Đông lại đến ! Thời gian lặng lẽ, miệt mài trôi … tuổi của ông lão ngày càng cao, lòng ông càng thêm buồn, càng thêm lo lắng, ông vẫn đợi trông và trông đợi biết đến bao giờ ! …

Ông lão ốm nằm liệt giường tính đã hơn hai tháng thoáng qua, ai cũng ngỡ ông phải ra đi ! … Không ! … Ông vẫn sống, ông phải sống để thực hiện những gì khi ông còn mãi ấp ủ trong lòng và chưa thõa mãn, sức ông đã tàn, hơi ông muốn kiệt ! … Và đêm nay ! … đứa con trai chìu lòng neo thuyền đưa ông trở lại với dòng sông xanh thơ mộng, niềm hy vọng cuối cùng ngập tràn, lan tỏa thắm cả khắp không gian, thắm cả cuộc đời gian khổ, vất vả của ông ! …  ông chợt nghe lòng mình sao không thôi thổn thức! Trăng vẫn sáng, sóng vẫn oàm oạp vỗ vào mạn thuyền, vẫn tiếng cuốc bên bờ chuốc trau não nuột ! … Bỗng đứa con trai của ông thốt lên :

-         Cá lúi ! … Cá lúi ! …  Cha ơi ! … Cá lúi về nguồn ! …

Ông lão sung sướng vui mừng nhướng đôi mắt như đã muốn mờ nhìn xuống dòng sông, bốn, năm con cá lúi lượn lờ, ngập ngừng, rồi vội vã ngược sóng biến nhanh, ông lão chỉ kịp dụi mắt nhìn theo :

-         Chỉ có bấy nhiêu ấy ư ! ? …

Đứa con trai gật đầu :

-         Khoảng bốn, năm con cá lúi !

Ông lão nở nụ cười, nụ cười thật tươi mãn nguyện, miệng phều phào:

    -    Thật … không uổng công ta đã hằng mong đợi và đợi trông … tự bấy lâu nay ! Chúng vẫn còn ! … Dù chỉ có dăm ba con ! … thế ! … thế thôi thì cũng đủ! …

Ai cũng thấy ông lão hôm nay khỏe hẳn ra, nụ cười nở luôn trên môi, lòng mừng vui hớn hở, nhưng đến hôm sau ông đã trút hơi thở cuối cùng ! …

Sau đám tang cha đứa con trai cứ thắc mắc mãi trong lòng : dòng sông xanh - đàn cá lúi có sức mạnh thế nào ? …  mà quyến rũ, chinh phục cha mình luôn vấn vương gắn bó chúng ! Anh thương cha lắm ! … Để hiểu được tâm nguyện của cha lúc ông còn sống, anh quyết định neo thuyển đêm đêm bầu bạn với sóng nước Côn giang … Anh cũng yêu bài thơ Bến My Lăng của Yến Lan mà cha vẫn thường ngâm … Sau bao đêm thao thức đợi trông, ngâm mãi bài thơ anh thích nhất là hai câu cuối :

Bến My Lăng còn lạnh bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách đã bao trăng

Giống như cha lòng anh vui mừng khôn xiết, khi dụi mắt nhìn cá lúi xuất hiện bơi lượn dưới lòng sông … Và giờ đây anh mới hiểu tâm nguyện của cha, lúc ông còn sống, vì sao ông phải làm chuyện điên rồ như thế !  anh cúi đầu thực lòng khâm phục!

Rồi cứ thế ! … mỗi năm sau ngày giỗ cha, anh neo thuyền trên dòng sông mong đợi, cá lúi mỗi năm mỗi ít dần và anh vẫn mòn mỏi đợi trông …, trong tĩnh mịch, vắng vẻ của đêm trường trên sông người ta nghe văng vẳng tiếng ngâm :

                        Nhưng đêm kia có một chàng kỵ mã
 Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly
Chàng gọi đò gọi đò như hối hả
                        Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi

Ông lão vẫn say trăng đầu gối sách
Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng
Tiếng gọi đò gọi đò như oán trách
Gọi đò thôi run rẩy cả ngàn trăng

 Bến My Lăng còn lạnh bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách đã bao trăng
                                                         

23 nhận xét:

  1. Chui cha quơi!! Trời đất qươi!!
    Ông/bà LinhThuy là ai dẫy mà có bài viết về một vùng sông nước quơ tui rất tuyệt, khiến tui phải chạnh lòng, ngậm ngùi và tê tái nhớ về quê với vài hình ảnh vừa ghi lại được trong dịp tết Nguyên Đán vừa qua:
    1./ Dòng Côn giang cạn kiệt dù vừa mới sang xuân coi đây nè.
    2./ Quê tôi không có bến My Lăng, nhưng mà có Bến Lở cũng trên dòng Côn giang coi đây nè.
    3./ Nơi tôi đứng "thử ngạn" là Bến Lở còn bờ bên kia "bỉ ngạn" là Phú Lạc đấy coi đây nè.
    4./ Cá lúi hầu như không còn nữa ở quơ tui mà thay vào đó là cá trăm, cá mè coi đây nè.
    5./ Cầu Kiên Mỹ thẳng tắp bắt ngang qua sông Côn coi đây nè.

    Trả lờiXóa
  2. Bửu Châu lên mấy tấm hình hay quá! Đọc Trông chờ của Lĩnh Thụy và xem hình làm mình cũng nao nao trong lòng ấy!Hòa cũng vừa gọi đang lai ra gần cầu Kiên Mỹ,nhớ ghê!
    BC à, Lĩnh Thụy cũng là dân Bình Khê đấy!

    Trả lờiXóa
  3. Mình cũng đoán (ông/bà, anh/chị) Lĩnh Thụy chắc chắn cũng 90% là người Bình Khê, vì tả đúng cảnh vật quê hương Bình Khê của tớ, chỉ khác mỗi chi tiết: Phú Lạc không có bờ tre xanh cúi đầu là sà trên mặt nước …
    Quê hương, với đình làng (có dịp tớ sẽ hầu chuyện quý bạn về ngôi đình làng của tớ), với dòng sông, bến nước, con đò,... mà ta đã có một thời thơ ấu tắm gội, đùa giỡn, tung tăng, đã thấm vào tâm hồn, ký ức,.. của con người ta, nhất là với những kẻ tha hương nơi viễn xứ.
    Tớ đã ghi lại những hình ảnh thân thương đó trong dịp tết vừa qua. Có điều tớ không có kỹ năng văn chương, thơ phú nên chưa diễn đạt được. Chỉ biết cất giữ, thỉnh thoảng mở ra coi để sống lại những hồi ức của một thời quá vãng.
    Rất may mắn, hôm nay được đọc bài viết trên của (ông/bà, anh/chị) Lĩnh Thụy, giúp tớ có dịp và có nơi để chia sẻ chút tâm tình.
    Xin được cảm ơn (ông/bà, anh/chị) Lĩnh Thụy thật nhiều!

    Trả lờiXóa
  4. trần bá nghĩa07:48 19/5/11

    Anh Bửu Châu ơi!sao em coi hình không được?

    Trả lờiXóa
  5. @ trần bá nghĩa:
    Blogger đang bị quấy rối hay sao đó nên nó nghi ngờ và hay chận các links trực tiếp (mặc dù cũng là của mạng lưới Google).
    Để coi các hình ảnh tớ minh họa trên quý bạn có thể theo link này: https://picasaweb.google.com/chau.trangoc/TuLieu_BenLo?authkey=Gv1sRgCNyilfOqv5bJYQ#5607984489611834450
    Cảm ơn quý bạn đã quan tâm (quê tôi nghèo khó lắm quý bạn ơi!)!

    Trả lờiXóa
  6. Cám ơn bạn Bửu Châu có thêm hình ảnh minh họa làm tôi càng thấy nhiều thêm nỗi da diết của bài viết.
    Tôi muốn trao đổi về nhận xét của bạn : "Phú Lạc không có bờ tre xanh cúi đầu là sà trên mặt nước ..."
    Trên thực tế ở quê hương các bạn điều đó chắc là chính xác rồi. Với tôi, cảm nhận qua bài viết, tôi muốn nó có. Có nó, tôi thấy được nỗi cô đơn Trông Chờ của ông lão may còn có bờ tre xanh cúi đầu là sà chia sẻ ...
    Điều bạn nhận xét không có phê phán gì bài viết hết. Còn tôi chỉ muốn cảm nhận câu chuyện bằng cửa sổ tâm hồn chứ không nhìn câu chuyện qua cân đo.
    Nhờ ở nhận xét của bạn mà tôi thấy thêm nhiều tâm sự của người viết. Cám ơn bạn, cám ơn tác giả.

    Trả lờiXóa
  7. @ Nguyen:
    Vấn đề là ở chỗ ấy. Một đằng là "nghệ thuật", một đằng là "hiện thực". Tuy hình thức có khác nhau, nhưng cái muốn chuyển tải thì không khác nhau lắm.
    Nguyen thấy không? Cái "hiện thực" tớ ghi nhận, đâu có sắp đặt trước với cái "nghệ thuật", nhưng cũng đủ hình ảnh chi tiết sự vật để "minh họa" cho cái "nghệ thuật" của (ông/bà, anh/chị) Lĩnh Thụy.
    Có "phê" nên tớ mới "bình" như vậy.
    @ trần bá nghĩa:
    hình như đã "gặp", đã "nghe" ở "Cường Để Quy Nhơn"!
    Cảm ơn quý bạn!

    Trả lờiXóa
  8. Anh Bửu Châu, hồi xưa bờ tre Chơn Tự (Kiên Tự) chạy dài xuống tới cầu Kiên Mỹ. Nay ở quãy còn ko anh!?

    Trả lờiXóa
  9. Thật tuyệt vời dưới ngòi bút của Lĩnh Thụy!
    Con người,cảnh vật,thiên nhiên,sông nước ,tâm hồn,cách sống,niềm hy vọng được gói kín và cô đọng chỉ bấy nhiêu.Rất vui khi được Lĩnh Thụy bày tỏ nỗi niềm của hồn người "Đất Vua"

    Trả lờiXóa
  10. Thỏ Con19:15 19/5/11

    Hầu nhỏ TC theo Mẹ đi bộ lên cầu Đá Hàn tới sân banh(cũ) ở Bình Tường, băng qua con sông là đến Chơn Tự quê của Mẹ để ăn giỗ , thăm quại và được tắm sông. Nay nghe Vinhk8 nhắc đến Chơn Tự nhớ quê quại ghê!

    Trả lờiXóa
  11. Qua TRÔNG CHỜ của LT và hình của BC,mình gởi bài
    thơ cảm về sông Côn!dòng sông mình từng xuôi từ Vĩnh Thạnh tới An Nhơn...

    SÔNG XƯA
    (họa bài BẾN VẮNG,trong tập thơ BẾN THU của TRƯỜNG NGHỊ)

    Sông quê chiều nắng vắng bờ dâu
    Còn nửa thác ghềnh nửa vũng sâu!
    Phiền muộn dòng ngăn con cá lội
    Buồn rầu bến nghẽn chiếc thuyền câu
    Nhớ về một thuở xa xa ấy
    Chớp mắt bao đêm lặng lặng sầu
    Réo mãi thời gian không trở lại
    Trời buông mây bạc phủ quanh đầu!

    Mấy lần về,muốn tắm lại trên dòng sông quê mình!tìm cảm giác sảng khoái...nhưng...!
    Bây giờ nghe nói ở dốc đất đỏ đang có công trình mới...ở hạ bạn chắc không còn sợ lụt nữa hĩ!?

    Trả lờiXóa
  12. Thì ra quý bạn đều là đồng hương Bình Khê cả!
    Chơn Tự, cách nay trên 45 năm, năm nào tớ cũng lội qua sông Côn dự hiệp tế ở từ đường họ nhà tớ, trưa đến, bọn nhóc chúng tớ kéo nhau ra sông "tắm truồng" luôn, đã lắm. Nhưng nay thì nước Côn giang không thể tắm được nữa rồi. Tấm ảnh dòng Côn giang cạn kiệt, tớ chụp hôm mùng 7 tết vừa rồi đấy.
    Sân vận động ở Bình tường kia giờ đã thành ruộng lúa (còn may là nó chưa thành thổ cư hay cụm công nghiệp), người ta đã lấy đất để làm gạch ngói cách đây khoảng 40 năm rồi.
    Rặng tre cạnh bờ sông ở Kiên Mỹ vẫn còn, hôm nào tớ sẽ chộp hình và post lên cho quý bạn coi.

    Trả lờiXóa
  13. Đỗ Kinh Thi05:38 20/5/11

    Bửu Châu nhớ chụp hình cầu Kiên Mỹ cũ(cầu ngày xưa Đại Hàn xây),và bờ tre(trên và dưới) đầu cầu
    K.M. "cũ" phía "bỉ ngạn" ấy nghe!

    Trả lờiXóa
  14. Cầu Kiên Mỹ cũ có từ năm đầu thập niên 60 cùng lúc xây dựng nên Điện Tây Sơn. Sau nầy sửa chữa, mở rộng hình như có Đại Hàn tham gia.

    Chơn Tự ngày xưa nghe đâu liền đất với Bình Tường. Sau cải đào dòng chảy cho sông Côn xuống gặp sông Đá Hàn ở Hầm Hô ra.

    Dâu biển đổi dời ... Thương cho con cá Lúi sông Côn ...

    Trả lờiXóa
  15. Nghe Thỏ Con kể chuyện hầu nhỏ dìa Chơn Tự thăm wại, đi bằng con đường sân banh trên đầu cầu Phú Phong thấy mà tậu. Hic!
    Cái sân banh nó banh tét lét tự hầu nào. Kể cũng hai hai chục niên là ít. Thỏ Con "nhỏ nhít" ghê! Hichic!

    Trả lờiXóa
  16. @ VinhK8:
    Chính xác là "Chơn Tự ngày xưa liền đất với Bình Tường" (lúc bấy giờ "Bình Tường" là "Trinh Tường"). Sau này không rõ là do "cải đào dòng chảy" hay "do tự nhiên" mà nó "như hiện nay". Do đó, trước 1945, xóm Chơn Tự vẫn thuộc làng Trinh Tường.
    Còn "sông Côn xuống gặp sông Đá Hàn ở Hầm Hô ra" như hiện nay, theo tớ là do tự nhiên (chớ hổng phải như truyền thuyết là nghe theo ông thầy địa Ba Tàu nào xúi bậy). Dòng chảy trước đây là theo bầu Bà Lặn rồi mới gặp sông Côn ở cầu Đồng Sim. Bầu bà Lặn hiện nay là một khúc sông chết của sông Đá Hàn.
    Minh họa:
    1./ Vài hình ảnh Bầu Bà Lặn hiện nay:
    (click vô đây để coi)
    2./ Cầu "Đồng Sim" (giờ đã thành "Đồng Xiêm", nhưng cán bộ, nhân dân Bình Khê chưa thấy ai nói gì - tớ muốn nói, nhưng chưa dám!)
    (click vô đây để coi)

    Trả lờiXóa
  17. trần bá nghĩa20:06 21/5/11

    người mình mà "xưng tớ"nghe hổng đã

    Trả lờiXóa
  18. @ trần bá nghĩa:
    Chính xác! Bị "lai tạp" nhiều wá không còn "thuần chủng" nữa rồi!
    Đính chính: tất cả "tôi" và "tớ" xin được đọc lại là "tui".
    Cảm ơn trần bá nghĩa rất nhiều!

    Trả lờiXóa
  19. chikimhoa22:38 23/5/11

    Níu ông Lão và con ông đã đọc chuyên kể của Dương Đức Khánh "vua câu cá lúi" chắc hổng có "Trông chờ".

    Trả lờiXóa
  20. Cũng bỡi mấy cha sát thủ chẳng kể đất trời mà càng làm người ta cứ phải trông phải chờ đấy hoa kim chi - ờ quên kim chỉ hoa - quên nữa cứ hay nói liệu ...

    Trả lờiXóa
  21. Thỏ Con23:07 23/5/11

    Liệu nói (quõ quên lại nói ngược ) đâu phải nói liệu,Vinhk8 đọc ngược đấy chứ.

    Trả lờiXóa
  22. Hìhì! sorry ... sorry ...

    Trả lờiXóa
  23. Trông Chờ chỉ là hình ảnh một bến nước nhỏ nhoi của Sông Côn. Không ngờ nó được mọi người chiếu cố, quang lâm, dùng làm bến sẻ chia tâm sự.

    Lĩnh Thụy cám ơn, cám ơn nhiều.

    Trả lờiXóa